Điều
đầu tiên chúng ta cần làm là ý thức và cảm nhận trạng thái tâm đó: “Tâm không
định tĩnh, bây giờ nó đang bất an”. “Tôi đang thất vọng, và những suy nghĩ động
loạn đang đến”. Nó tước đoạt sự tập trung của bạn và lấy mất đi sức mạnh cần có
để giao tiếp một cách thoải mái.
Để
có sự hiểu biết lẫn nhau, chúng ta cần có sự giao tiếp thoải mái. Hãy dành thời
gian để lắng nghe. Hãy lắng nghe một cách cẩn thận những gì người đối diện đang
cố gắng nói ra và thể hiện. Không chỉ lời nói, mà quan sát cả những biểu hiện
trên nét mặt, đôi mắt, giọng nói, âm lượng to nhỏ và thậm chí cả những cử chỉ
của tay hoặc đầu, hay bất cứ điều gì khác. Bởi vì sự giao tiếp còn vượt xa khỏi
ngôn từ. Để hiểu một con người, hãy nhìn và lắng nghe cả ngôn ngữ cơ thể của họ
nữa. Hãy cố gắng hiểu cảm xúc của người ấy. Đó có thể là những người bạn làm
việc cùng, xếp của bạn, hay những người trong gia đình, hoặc bất cứ ai. Hãy chú
ý. Nếu bạn chú ý và lắng nghe thật cẩn thận, người đang nói chuyện với bạn sẽ
bình tĩnh lại một chút.
Khi
có người lắng nghe chúng ta nói, chúng ta sẽ thấy bình tâm trở lại. Nhưng khi
bạn tranh cãi lại trước khi người đó nói xong những gì họ muốn nói, họ sẽ càng
thêm bất an, thậm chí còn hét lên với bạn nữa, khiến cho quan hệ trở nên tồi
tệ. Hãy chú ý đến chính mình, tới những cảm xúc của mình rồi chú ý đến người
đối diện nữa. Đó là sự trưởng thành. Bạn phải làm điều đó trước, chứ đừng chờ
người ta làm việc đó cho mình.
Hãy hiểu biết chính
mình, giữ chánh niệm
và định tĩnh càng
nhiều càng tốt, và chú ý tới
người khác
nữa, đó là lòng nhân hậu.
Chú ý đến những gì
người khác đang nói
với mình cũng
là sự tử tế và rộng lượng. Nếu bạn thực sự rộng lượng và nhân hậu, bạn sẽ chú
ý.
Nếu
không rộng lượng và tử tế, bạn không muốn lắng nghe. Bạn chỉ muốn nói những gì
mình thích, chỉ “trút” cảm xúc của mình ra thôi. Vì vậy, ngay cả đối với con
cái, chúng ta cũng phải lắng nghe chúng. Đó là lòng từ. Nếu bạn không sẵn lòng
lắng nghe con mình hay vợ/chồng mình, bạn bè mình, làm sao bạn có thể nói mình
yêu thương và quan tâm tới họ? Bằng cách chú ý, lắng nghe và cố gắng thấu hiểu
những điều người khác đang nói và đang cảm nhận, chỉ bằng cách đó bạn mới thể
hiện được lòng nhân hậu và tình yêu thương của mình.
Sự bất mãn khiến
bạn trở nên phóng túng,
vô kỷ luật.
Kỷ luật và thu thúc nghĩa là
bạn phải làm việc
quan trọng nhất đầu tiên.
Và
không làm những việc không quan trọng – không phí phạm thời gian của mình.
Nhưng khi bạn buồn bực và thất vọng, bạn bị lôi kéo theo, bị cảm xúc chi phối
và làm những việc vô ích. Bằng cách đó, bạn trở nên vô kỷ luật. Nó cướp đoạt
của bạn những việc ưu tiên, đảo lộn ý nghĩa và trình tự sắp xếp công việc của
mình.
Chúng
ta cần phải hiểu việc gì là quan trọng và có ý nghĩa, việc gì không. Càng chánh
niệm thì bạn sẽ càng thấy rõ điều này: việc này là việc quan trọng, có lợi ích
và ý nghĩa; việc kia không quan trọng, vô ích và không có ý nghĩa, nên tôi sẽ
không phí phạm thời gian vào việc đó.
Những
người không chánh niệm thả cuộc đời của họ trôi dạt theo dòng cảm xúc. Và đã
trôi theo cảm xúc thì không có lựa chọn, bạn không thể có sự lựa chọn thực sự
nào cả. Do đó, bạn trộn lẫn tất cả mọi thứ thành một mớ hỗn độn – việc có ý
nghĩa và việc vô nghĩa, và trong cuộc đời bạn, việc vô nghĩa thì nhiều hơn nên
bạn uổng phí rất nhiều thời gian để làm mấy cái việc vô ích đó. Suy nghĩ,
chuyện trò… rất nhiều điều vô bổ.