Bởi vì những người không tự do là những người cảm thấy
bất lực. Người tự do, giải thoát cảm nhận được nhiều quyền lực hơn. Chánh niệm
làm cho bạn có quyền lực hơn và tự do hơn. Bạn không phản ứng một cách tự động,
bạn hiểu rõ hoàn cảnh và tình huống, ngay cả khi có người đến nói những điều
tồi tệ với bạn, bạn thấu hiểu được con người đó, trạng thái tâm của anh ta, tại
sao anh ta ăn nói như vậy, và khi đó bạn có thể ứng phó, đáp ứng lại. Tôi không
nói bạn đừng nói gì hay chạy trốn đi nơi khác, bởi vì điều đó không giải quyết
được vấn đề. Hãy hiểu người ta, hiểu rõ hoàn cảnh và giữ chánh niệm của bạn.
Hãy làm những việc gì đúng đắn, cần thiết, rồi bạn sẽ có quyền lực (đối với tâm
mình) và tự do. Và bạn cũng không hề đánh mất lòng tự trọng của bản thân.
Nếu phản ứng và làm điều gì đó còn tệ hơn, sau đó bạn sẽ
cảm thấy hối hận. Cảm giác hối hận thì không phải là tốt đẹp gì, bạn sẽ đánh
mất lòng tự trọng. Bạn sẽ cảm thấy: “Mình vừa làm một việc xấu”. “Người ta làm
việc xấu, nhưng mình còn làm một việc xấu hơn họ!”. Nó làm suy giảm khả năng
đánh giá của bạn, và sẽ khiến bạn mắc sai lầm. Khi chánh niệm, bạn sẽ ít sai
lầm hơn. Bạn vẫn có thể mắc sai lầm, nhưng chỉ là những sai lầm nhỏ, và bạn có
thể nhanh chóng tự điều chỉnh mình mà không để mắc sai lầm lớn hơn. Nhưng khi
không có chánh niệm, bạn có thể nói hay làm điều gì đó tồi tệ, và khi đó sẽ rất
khó sửa chữa được nữa.
Khi phạm sai lầm, bạn sẽ lại càng nhân thêm những bất mãn
mới. Nó sẽ khiến bạn càng đau khổ hơn, giống như bạn dùng một cái gai để khều
một cái gai khác đang cắm trong thịt mình, không may cái gai ấy gãy, và bạn bị
cả hai cái gai đâm trong người. Rất nhiều thứ như vậy diễn ra trong cuộc đời
con người. Có điều gì đó không đúng, và họ phản ứng thái quá để rồi phạm sai
lầm tiếp và khiến vấn đề tồi tệ hơn.
Bất mãn là một cái bẫy thường xuyên.
Nó là một cái bẫy.
Thực ra, bất cứ loại cảm xúc mạnh nào
cũng là một cái bẫy cả.
Bởi vì nó không làm cho bạn tự do. Bất mãn khiến bạn bứt
rứt và bất an. Khi bạn bất mãn, bạn trở nên bất an và điều đó làm cho bạn còn
thất niệm hơn nữa. Bạn sẽ có xu hướng tiếp tục phạm thêm sai lầm. Bất an, bứt rứt,
bối rối và dễ thay đổi. Khi mắc sai lầm, bạn trở nên bất an, bứt rứt và bởi vì
muốn bảo vệ bản thân, bạn thậm chí sẽ công kích người khác, đổ lỗi cho họ và
rồi phá hỏng mối quan hệ. Vì vậy, điều rất quan trọng là đừng phản ứng thái
quá. Nó sẽ phá hỏng các mối quan hệ của bạn. Nó phá hủy lòng tin của mọi người
dành cho bạn.
Ngay cả đối với các bậc cha mẹ, cũng cần phải lưu ý. Một
số người nghĩ rằng mình sinh ra và nuôi dưỡng con cái thì họ có thể nói hay làm
bất cứ điều gì tùy ý. Ở nhiều nước, cha mẹ cảm thấy họ sở hữu con cái, họ có
thể làm bất cứ điều gì, nói bất cứ điều gì với chúng. Họ đánh đập, trừng phạt
con cái. Ngay cả ở phương Tây, tôi cũng được nghe nhiều chuyện tồi tệ như vậy.
Tôi từng nghe nói có một bà mẹ nhốt đứa con gái của mình trong nhà vệ sinh,
giữa mùa đông giá lạnh. Đứa bé lạnh cóng, run rẩy, khóc lóc: “Mẹ ơi, cho con ra
với”. Trừng phạt quá mức. Đó không phải là dạy dỗ, mà là tàn nhẫn. Bạn không
dạy dỗ trẻ con theo cách đó.