Saturday, January 23, 2016

Những điều cần biết liên quan đến Nghiệp

Theo truyền thống những người sinh ra trong gia đình Phật giáo có đức tin nơi Đức Phật từ khi còn thơ ấu, họ tin rằng Đức Phật Gotama là Đức Phật thật sự. Nhưng đức tin theo truyền thống nầy không tồn tại lâu dài. Nếu có một người nào tuyên truyền giỏi và họ nói rằng Đức Phật không có thật, thì đức tin truyền thống sẽ bị sụp đổ ngay. Dầu cho đức tin truyền thống không bị hủy hoại ngay trong kiếp sống nầy thì nó cũng có thể bị suy tàn trong kiếp sống kế tiếp.

 Những điều cần biết liên quan đến Nghiệp

Theo kinh tụng thì Nghiệp (Kamma) có nghĩa hành động hay là tác động. Theo vi diệu pháp thì Nghiệp có nghĩa là sự cố ý hay tác ý (cetana). Tác động nghiệp hay cố ý nghiệp được chia làm hai loại:

1. Thiện nghiệp.
2. Bất thiện nghiệp.

Thiện nghiệp và bất thiện nghiệp cũng lại chia ra ba loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

Mỗi loại như vậy lại chia làm hai tùy theo thời gian nghiệp thể hiện. Đó là nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại. Nghiệp quá khứ chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong đời sống hiện tại chứ không thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hiện tại. Nghiệp hiện tại tạo ảnh hưởng trực tiếp trong hiện tại và trong tương lai, cũng như vào lúc tái sanh trong tương lai.

Tùy theo thời gian thể hiện nghiệp mà có hai loại:

(1) Patisandi Kala.
(2) Pavatti Kala.

Patisandi Kala là thời gian vào lúc tái sanh hay bào thai thành hình và Pavatti Kala là khoảng thời gian trong đời sống hiện tại.

Theo Vi Diệu Pháp thì ngay vào lúc có thức tái sanh xuất hiện gọi là Patisandi Kala.

Thời gian từ lúc thức tái sanh xuất hiện cho đến tử thức thì gọi là Pavatti Kala.

Nhưng theo tạng kinh thì Patisandi Kala là thời gian từ lúc tái sanh cho đến khi được sanh ra và Pavatti Kala là khoảng thời gian từ khi sanh ra cho đến lúc chết.

Sự tái sanh theo kinh điển thì dễ hiểu hơn, còn sự tái sanh theo Vi Diệu Pháp thì chỉ những người có học Vi Diệu Pháp mới hiểu được. Bởi thế tôi sẽ giảng dạy theo cách dễ hiểu.

Con người được chia ra làm bốn loại

Nếu chúng ta chia nhân loại trên thế gian nầy tùy theo nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại thì chúng ta có bốn hạng người:

        1.   Những người có nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại đều tốt.
2. Người có nghiệp quá khứ tốt nhưng có nghiệp hiện tại xấu.
3. Người có nghiệp quá khứ xấu nhưng có nghiệp hiện tại tốt.
4. Người có nghiệp quá khứ lẫn nghiệp hiện tại đều xấu.
    
Người được sinh ra trong một gia đình giàu có bởi vì nghiệp quá khứ của họ tốt. Trong thời gian từ lúc sinh ra cho đến lúc chết họ được nuôi dưỡng một cách tốt đẹp; họ học tập đạo đức; họ học chữ học nghề; họ có tài sản và phương tiện để càng ngày càng phát triển; họ có bạn bè tốt và họ biết săn sóc sức khỏe của mình. Nhờ thế họ trở nên ngày càng giàu có hơn. Đó là họ có nghiệp tốt trong hiện tại.

Những người được sinh ra trong gia đình giàu có, được nuôi dưỡng dạy dỗ và biết cách làm cho đời sống mình được tốt đẹp là những người có cả hai nghiệp quá khứ và hiện tại đều tốt đẹp. Trong số những người đó có ông Cấp Cô Độc là người đã cúng chùa Kỳ Viên cho Đức Phật và bà Visakha là người cúng chùa Pubbarama cho Đức Phật.

Một người, nếu được sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng trong đời sống hiện tại không được nuôi dưỡng tốt, không được học hành, không tạo được tài sản sự nghiệp, không thân cận với bạn bè tốt, không biết săn sóc sức khỏe của mình thì người đó sẽ trở nên nghèo nàn khốn khổ, bệnh hoạn trong kiếp hiện tại. Đó là những người có nghiệp quá tốt nhưng nghiệp hiện tại xấu.

Ở thành Benares có một chàng thanh niên con một gia đình bá hộ. Khi cha mẹ còn hiện tiền chàng ta đã làm chủ một gia tài to lớn khoảng tám crores, tương đương khoảng tám triệu Mỹ kim. Nhưng khi cha mẹ mất ông ta phung phí hết tài sản của mình, trở thành một kẻ ăn mày và cuối cùng chết trong một khu rừng như một con súc vật. Người nầy có nghiệp quá khứ tốt nhưng nghiệp hiện tại xấu.

Khi một người sinh ra trong gia đình nghèo khó bởi vì nghiệp quá khứ xấu. Nhưng nếu nghiệp hiện tại tốt thì họ sẽ trở nên giàu có phát triển công việc làm ăn bằng cách học hỏi và buôn bán. Một số người có thể sống trong cảnh nghèo khó khi còn ở chung với cha mẹ, nhưng khi có cuộc sống riêng họ trở nên giàu có. Những người nầy cũng được gọi là có nghiệp quá khứ xấu nhưng nghiệp hiện tại tốt. Trong lịch sử Miến Điện có ông Nawratha là con trai của một người y tá nghèo, nhưng sau nầy ông trở thành một vị vua lãnh đạo quốc gia, bởi vì ông có nghiệp quá khứ xấu nhưng nghiệp hiện tại tốt.

Có một số người ngoại quốc sang Ấn Độ làm ăn. Họ mặc trên mình những chiếc áo rách nát, nhưng nhờ làm lụng siêng năng nên về sau họ trở nên giàu có. Họ là những người có nghiệp quá khứ xấu nhưng nghiệp hiện tại tốt.

Tuy nhiên, nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại cũng hỗ trợ lẫn nhau, bởi thế cũng có người đến Miến Điện với quần áo tả tơi, nhưng về sau cũng vẫn nghèo nàn đói khổ. Vậy hãy nên nhớ rằng nghiệp hiện tại cũng cần có nghiệp quá khứ hỗ trợ.

Nếu một người sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng không chịu phát triển bằng cách học nghề, học chữ, không nỗ lực làm ăn thì cho đến già đến chết họ vẫn sống trong nghèo khổ. Đó là hạng người có nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại đều xấu.

Muốn cho đời sống hiện tại được tiến triển tốt đẹp thì nghiệp hiện tại phải tốt mới được. Nghiệp hiện tại đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định đời sống con người. Đức Phật trong một bài pháp gồm bốn điểm đã dạy chúng ta làm thế nào để có một đời sống tốt đẹp trong hiện tại:

1. Phải luôn luôn siêng năng trong tất cả mọi công việc.
2. Khi có tài sản rồi thì phải biết giữ gìn của cải đã có, không phung phí, không làm tiêu tan tài sản.
3. Phải biết quân bình những gì mình có được và những gì mình tiêu xài.
4. Phải thân cận bạn lành để những người nầy có thể giúp mình trong những trường hợp cần thiết.

Bây giờ, dầu bạn sinh ra trong gia đình nghèo khó hay trong gia đình giàu có sung túc, nhưng đã sinh ra làm người cũng là một phước báu rồi, dầu nghiệp quá khứ có xấu hay có tốt đi nữa, thì cũng hãy cố gắng tạo những nghiệp tốt trong hiện tại.
*
 Thánh Tu Đà Huờn
Thánh Tu Đà Huờn

Lúc Đức Phật ngự tại chùa Kỳ Viên trong thành Xá Vệ, một ngày nọ, khi Xá Lợi Phất (Sariputta) đến gần Ngài, Ngài bèn hỏi Đức Xá Lợi Phất những pháp nào, cách thực hành nào giúp cho người đạt Thánh quả Tu Đà Huờn (Sotapanna)", Sota có nghĩa là gì? Panna có nghĩa là gì? Những câu hỏi của Đức Phật và những câu trả lời của Xá Lợi Phất về sau được ghi thành một bài kinh gọi là kinh Xá Lợi Phất đệ nhị.

Bát Chánh Đạo hay Sota

Đức Phật hỏi Xá Lợi Phất: "Nhiều người nói đến chữ Sota, vậy Sota có nghĩa là gì?"
Ngài Sariputta trả lời: "Bạch Đức Thế Tôn, thấy sự vật như chính nó đang là, suy tư đúng đắn, nói năng đúng đắn, việc làm đúng đắn, nuôi mạng chân chánh, tinh tắn đúng đắn, chánh niệm, chánh định, đó là tám đặc tính của Thánh Đạo, được gọi là Sota."

Bây giờ, tôi sẽ giảng giải cho các bạn hiểu về tám đặc tính của Thánh Đạo hay Sota. Chữ Sota có 2 nghĩa:

1. Lỗ tai.
2. Dòng nước.

Chữ Sota ở đây có nghĩa thứ hai là dòng nước. Dòng nước ở đây không phải là dòng nuớc thông thường. Nó có nghĩa là dòng nước Thánh đạo. Nước từ sông Hằng chảy ra biển, dòng nước Thánh đạo chảy đến Niết Bàn. Bởi vì bản chất của cả hai cũng đều là trôi chảy, cho nên người ta đã so sánh đạo với dòng nước. Vậy các bạn hãy nhớ rõ tám đặc tính của đạo là Sota.

Nghĩa của chữ Sotapanna
Chúng ta vừa định nghĩa chữ Sota. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu nghĩa chữ Sotapanna.

Đức Phật hỏi: "Nầy Sariputta, mọi nơi người ta đều nói đến Sotapanna, vậy thì một người như thế nào được gọi là Sotapanna?"

Ngài Xá Lợi Phất trả lời: "Bạch Đức Thế Tôn, một người có tám đặc tính của Thánh Đạo được gọi là Sotapanna. Chữ Sotapanna (Tu Đà Huờn) có thể được dùng để gọi một người đã đạt quả Tu Đà Huờn. Người có đủ tám đặc tính của Thánh Đạo là người đã tới dòng nước Thánh Đạo lần đầu tiên còn gọi là Nhập Lưu Thánh Đạo. Thật vậy, quả vị Sotapanna là Thánh đạo trước tiên, sau đó mới đến Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Bởi thế cho nên người ta gọi bậc Thánh đầu tiên là nhập lưu.”

Bốn yếu tố cần thiết để trở thành Tu Đà Huờn

Đức Phật hỏi Ngài Xá Lợi Phất: "Nầy Xá Lợi Phất, mọi nơi đều nói pháp giúp trở thành bậc Tu Đà Huờn. Vậy thì pháp nào đã giúp người đó trở thành Tu Đà Huờn."

Ngài Xá Lợi Phất trả lời: "Bạch Đức Thế Tôn, có bốn yếu tố giúp thiền sinh trở thành bậc Tu Đà Huờn:

1. Thân cận bậc thiện trí thức.
2. Nghe giáo pháp từ bậc thiện trí thức.
3. Có sự chú tâm sáng suốt.
4. Thực hành thiền dẫn đến Niết Bàn.

Tin Tưởng vào Tam Bảo

Sau đây là những đặc tính mà một người Tu Đà Huờn có được:

1. Có đức tin vững chắc vào Đức Phật.
2. Có đức tin vững chắc vào Giáo Pháp.
3. Có đức tin vững chắc vào Tăng.
4. Có giới luật trong sạch của bực Thánh.

Theo truyền thống những người sinh ra trong gia đình Phật giáo có đức tin nơi Đức Phật từ khi còn thơ ấu, họ tin rằng Đức Phật Gotama là Đức Phật thật sự. Nhưng đức tin theo truyền thống nầy không tồn tại lâu dài. Nếu có một người nào tuyên truyền giỏi và họ nói rằng Đức Phật không có thật, thì đức tin truyền thống sẽ bị sụp đổ ngay. Dầu cho đức tin truyền thống không bị hủy hoại ngay trong kiếp sống nầy thì nó cũng có thể bị suy tàn trong kiếp sống kế tiếp.
Cũng vậy đức tin truyền thống vào Pháp và Tăng cũng không bền vững. Bạn chỉ có đức tin bền vững khi nào chính bạn đã kinh nghiệm được giáo pháp của Đức Phật bằng trí tuệ nội quán của mình.

Có hai loại kinh nghiệm giáo pháp:

        1.      Kinh nghiệm giáo pháp của một thiền sinh bình thường.
2. Kinh nghiệm giáo pháp của một bậc Thánh.
 
Đối với thiền sinh thực hành thiền Minh Sát, khi trí tuệ nội quán phát triển họ thấy rằng mỗi một khi chánh niệm ghi nhận thì chỉ có vật chất và tâm. Ngoài ra chẳng có gì cả. Vật chất và tâm nầy vừa mới khởi sinh lên lại diệt ngay, hiện tượng củ vừa mới mất, hiện tượng mới lại khởi sinh, sinh sinh diệt diệt mãi mãi. Vật chất và tâm là vô ngã vì không thể kiểm soát, không thể điều khiển được. Nhờ hành thiền minh sát, thiền sinh đạt trí tuệ nội quán, thấy rõ Tôi và ta không thật sự hiện hữu, thấy rõ ràng bản chất thật sự của sự vật, biết được sự vật như chính chúng đang là.

Đức Phật dạy rằng chỉ có vật chất và tâm. Vật chất và tâm nầy không tồn tại lâu dài, chúng bị đàn áp bởi sự sinh và diệt. Vì bị đàn áp , bị chi phối bởi sự sinh diệt nên đưa đến sự không hài lòng, bất toại nguyện. Sự vật không thể bị sự kiểm soát, bị chi phối theo sự ước muốn của chúng ta. Những sự vật đó trước đây ta không từng biết. Bây giờ chính ta thấy được điều đó. Thật đúng thay những gì Đức Phật nói! Đức Phật đã dạy những gì mà chính tự thân Ngài chứng ngộ, bởi thế ta phải có đức tin vững chắc trọn vẹn vào Đức Phật. Đó là đức tin trọn vẹn nơi Đức Phật qua kinh nhgiệm của việc hành thiền minh sát. Đức tin hay sự thực thấy được qua việc hành thiền minh sát là một đức tin sâu xa mạnh mẽ hơn đức tin truyền thống nhiều. Tuy nhiên, vì chưa đắc quả Tu Đà Huờn cho nên loại đức tin đến từ thiền minh sát nầy cũng còn có thể bị lung lay.

Trong lúc hành thiền, khi tâm chánh niệm ghi nhận khắn khít với đề mục, thiền sinh chế ngự được các phiền não. Thiền sinh nhận thấy rằng khi thiền sinh ít tinh tấn hành thiền thì phiền não sẽ được chế ngự ít. Nếu tinh tấn hành thiền nhiều thì phiền não được chế ngự nhiều. Như vậy là thiền sinh đã có đức tin vào giáo pháp, đức tin nầy hơn hẳn đức tin truyền thống. Nhưng đức tin nầy cũng vẫn còn có thể bị lung lay và vẫn chưa đủ tốt đẹp.

Bây giờ đức tin của vị Tu Đà Huờn không thể bị hủy diệt ngay trong kiếp sống nầy hay trong kiếp kế tiếp. Đức tin không thối chuyển chỉ có được ở thiền sinh khi thiền sinh đạt thánh đạo. Đó là đạo quả đầu tiên. Tuệ giác chứng ngộ Tu Đà Huờn đạo chứng nghiệm Tứ diệu đế cùng một lúc. Khi thiền sinh trở thành một vị Tu Đà Huờn thì đức tin của họ không bị hủy diệt. Đức tin nầy trở thành miên viễn.

Tôi sẽ giảng giải cho các bạn hiểu rõ ràng về sự chứng ngộ bốn chân lý cao thượng. Tâm chỉ có thể ý thức mỗi thời điểm một sự việc. Tâm không thể ý thức hai đối tượng cùng một lúc. Do đó, một câu hỏi có thể được đặt ra: Tâm không thể ghi nhận hai đối tượng cùng một lúc thì làm thế nào mà tuệ đạo hay tu đà huờn tuệ có thể thấy được Tứ diệu đế cùng lúc? Vâng, tuệ đạo chứng nghiệm Niết Bàn một cách trực tiếp.

Tứ Diệu Đế gồm: Chân lý về sự khổ, chân lý về nguyên nhân của sự khổ, chân lý về sự dứt khổ và chân lý về con đường dẫn đến nơi dứt khổ (khổ, tập, diệt, đạo). Chân lý về sự khổ cần phải biết, chân lý về nguyên nhân của sự khổ hay ái dục cần phải đoạn trừ, chân lý về sự dứt khổ hay diệt (niết bàn) cần phải chứng ngộ và chân lý về con đường dẫn đến nơi dứt khổ phải tu tập). (Khổ phải biết, tập hay ái dục phải đoạn trừ, diệt hay niết bàn phải chứng ngộ, và đạo hay con đường dẫn đến nơi dứt khổ phải tu tập). Ngay vào lúc thiền sinh kinh nghiệm sự chấm dứt của đau khổ hay diệt tức là Niết Bàn, thì ba chân lý kia là khổ, diệt, đạo cũng bao gồm trong đó.

Tôi đã giảng giải cho các bạn nghe những yếu tố mà một vị Tu Đà Huờn có được. Bây giờ, tôi sẽ nói đến những phiền não mà vị Tu Đà Huờn đã loại trừ.

Có mười loại phiền não:

1. Tham
2. Sân
3. Si (vô minh)
4. Mạn
5. Tà kiến
6. Nghi
7. Dã dượi, buồn ngủ
8. Bất an
9. Hỗ thẹn tội lỗi
10. Ghê sợ tội lỗi

Trong mười loại phiền não nầy thì vị Tu Đà Huờn loại trừ hoàn toàn tà kiến và hoài nghi. Một vị Tu Đà Huờn không thể loại trừ những phiền não còn lại. Vị Tu Đà Huờn cũng loại trừ được những khả năng sinh vào bốn đường dữ, do đó vị Tu Đà Huờn thoát khỏi sự tái sinh vào bốn ác xứ:

1. Địa ngục
2. Quỷ đói
3. A tu la
4. Súc sanh

Các hạng Tu Đà Huờn

Thế giới loài người và sáu cõi Trời được goi là bảy cõi Dục giới. Vị Tu Đà Huờn còn sống trên thế gian nầy bảy kiếp và chia ra làm ba hạng:

1. Ekavisi Sotapana: (Vị Tu Đà Huờn chỉ còn một kiếp nữa thì giác ngộ đạo quả A La Hán).
2. Kolan Kola: (Vị Tu Đà Huờn còn trải qua từ một đến sáu kiếp sống).
3. Sattakkhattu Parama Sotapanna: (Vị Tu Đà Huờn còn phải trải qua bảy kiếp sống).

Tu Đà Huờn được phân hạng như trên tùy theo các tuệ giác minh sát mà các Ngài đạt được trong khi hành thiền.

Bậc Tu Đà Huờn thứ nhất đạt được các tuệ giác hoàn hảo.

Bậc Tu Đà Huờn thứ hai đạt được các tuệ giác trung bình.

Bậc Tu Đà Huờn thứ ba đạt được các tuệ giác ở mức thấp hơn.


Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính và chú thích
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch