Để kiềm chế sự bốc đồng, cẩu thả và phóng dật của một cái tâm thiếu tu tập, pháp hành
tạm dừng và dừng chặn cố ý tập làm chậm lại mọi việc. Tuy
nhiên, do yêu cầu thúc bách của cuộc sống hiện đại, việc làm chậm lại các hoạt động trong công
việc hàng ngày rất khó áp dụng trong thực tế. Nhưng bởi vì đây là
cách đối trị những hệ lụy có hại từ tốc độ chóng mặt của cuộc sống hiện đại, nên
việc áp dụng nó
trong những lúc rảnh rỗi, nhất là trong những giai đoạn thực hành thiền Tứ Niệm Xứ miên mật, là điều rất quan trọng. Thực hành
như vậy cũng đem lại nhiều lợi ích trong
cuộc sống như sự bình an, tĩnh lặng của tâm,
nâng cao hiệu quả và kỹ năng trong công việc.
Đối với mục đích phát
triển thiền tập, tập làm chậm rất hiệu quả để luyện tập sự không dễ duôi, thu thúc lục căn[1][5] và định lực[2][6]. Nhưng ngoài những điều đó, nó còn
có một ý nghĩa cụ thể hơn đối với thiền tập. Chú giải kinh Tứ Niệm Xứ nói, việc làm chậm lại các cử động có thể giúp lấy lại được định tâm đã mất (trên
một đề mục). Trong chú giải có
chuyện, một vị sư trong lúc quên chánh niệm đã co tay lại hơi nhanh,
không đúng với nguyên tắc thực hành.
Khi ý thức được điều đó, vị ấy đã đưa tay trở lại vị trí cũ và làm lại cử động ấy một cách
chánh niệm. Đề mục chánh niệm của vị ấy là “giữ chánh niệm tỉnh giác trong
mọi hành động”, như đã nêu trong kinh Tứ Niệm Xứ: “Khi
co tay, duỗi tay, vị ấy làm một cách
tỉnh giác”.
Làm chậm lại một số động tác trong thời gian hành
thiền miên mật đặc biệt hữu ích để đạt tới các tuệ minh sát (vipassanā-ñāna), nhất là trực nhận về đặc tướng vô thường và vô ngã.
Trong phần lớn các
trường hợp, chính các
cử động nhanh đã làm tăng cường ảo tưởng về tính nguyên khối, và ảo tưởng về một thực thể trong cái thực ra chỉ là một tiến trình phức tạp và tạm bợ.
Do
đó, trong khi thực hành miên mật, làm chậm lại các hành động như đi lại, co,
duỗi (tay chân) để phân biệt được nhiều giai đoạn trong mỗi cử động, sẽ trợ giúp mạnh mẽ cho tuệ giác trực nhận ba đặc tướng của tất cả mọi sự vật, hiện tượng. Sự quán chiếu của thiền sinh sẽ ngày càng mạnh mẽ nếu vị ấy có thể quan sát rõ ràng mỗi đoạn nhỏ của cả tiến trình tự nó sanh lên và diệt mất,
không có cái gì chuyển dịch hay
“di dời” sang đoạn tiếp theo.
Dưới ảnh hưởng của việc tạm dừng để ghi nhận thuần túy, nhịp độ các hành động, lời nói
và việc làm bình thường mỗi ngày cũng
trở nên tĩnh lặng và bình an
hơn. Làm chậm lại nhịp điệu hối hả của cuộc sống nghĩa là
các suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức có thể hoàn thành đủ thời gian sống tự nhiên của chúng. Chánh niệm được mở rộng đến tận lúc chót: đến những xung động và âm hưởng cuối cùng. Giai
đoạn cuối này rất thường xuyên bị cắt bỏ do sự vội vã tóm bắt những ấn tượng mới, hoặc vội vàng bắt nối sang giai
đoạn suy nghĩ tiếp theo trước khi nắm bắt và hiểu rõ giai đoạn hiện tại.
Đây
là một trong những
nguyên nhân chính gây nên tình trạng lộn xộn trong
tâm một con người bình thường, bị chất nặng bởi một số lượng lớn những nhận thức rời rạc, mơ hồ, những cảm xúc còi cọc và những ý tưởng chưa tiêu hóa.
Làm chậm lại là một phương pháp hiệu quả để phục hồi sự sáng suốt và trọn vẹn của tâm.
Một ví dụ thực tế là quy trình thực hành
niệm hơi thở (ānāpānasati): chánh niệm trọn vẹn toàn bộ hơi thở, từ lúc bắt đầu, đến đoạn giữa và điểm kết thúc. Đó là
ý nghĩa của đoạn kinh:
“Biết rõ toàn thân hơi thở, vị ấy thở vào, thở ra”. Cũng như thế, toàn bộ “hơi thở” hay nhịp điệu cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên sâu sắc và trọn vẹn hơn nếu chúng ta có
thói quen duy trì sự chú ý nhờ thực hành làm chậm lại mọi việc.
Thói quen cắt đứt sớm các
tiến trình suy nghĩ hoặc bỏ qua chúng chi phối phần lớn tâm những con người thành phố hiện đại. Họ không ngừng đòi hỏi những sự kích thích mới mẻ, ngày
càng liên tục hơn, cũng như họ mong muốn mua
những chiếc xe mới có tốc độ cao hơn, chạy nhanh hơn. Những tác động dồn dập, gấp gáp của các ấn tượng giác quan
sẽ làm cùn dần sự nhạy cảm của họ, và vì vậy họ luôn luôn cần tới sự kích thích mới, ồn ào hơn, thô tháo hơn và đa dạng hơn nữa. Một tiến trình
như vậy, nếu không được kiểm soát, sẽ chỉ đem lại tai họa mà thôi. Chúng ta đã chứng kiến con
người ngày càng xuống cấp về thị hiếu thẩm mỹ và mất dần khả năng hưởng thụ niềm vui tự nhiên. Thay thế vào đó là những sự phấn khích cuồng nhiệt và chóng
tàn, chẳng thể đem lại sự mãn nguyện thực sự về cảm xúc hay thẩm mỹ.
“Cuộc sống tinh thần nông cạn” là thủ phạm chính gây nên sự hời hợt, nông cạn ngày càng
gia tăng của những “con người hiện đại”, cũng như sự lan truyền đáng sợ của căn bệnh rối loạn tâm thần trong xã hội phương Tây. Nó có thể sẽ khởi đầu cho sự suy đồi về tâm thức của con người, cả về chất lượng, phạm vi và năng
lực. Mối nguy hiểm này đang đe
dọa tất cả mọi người, ở phương Đông cũng như phương Tây, những người thiếu sự bảo vệ cho tâm mình trước tác động của kỹ thuật hóa, hiện đại hóa. Thiền Tứ Niệm Xứ có thể đóng góp quan trọng để cải thiện hoàn cảnh này, theo
cách chúng ta đã trình bày ngắn gọn ở trên. Vì vậy, phương pháp thiền này cũng
đem lại cả lợi ích đời thường cho mọi người.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta chủ yếu chỉ quan tâm đến khía cạnh tâm lý của chánh
niệm và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển thiền tập. Sự chú ý được duy trì
liên tục, nhờ thực hành làm-chậm-lại, sẽ tác động đến chất lượng tâm chúng
ta theo ba cách:
1. Củng cố và tăng cường sức mạnh cho
tâm.
2. Làm hiện rõ
các đặc tướng của đối tượng chú ý (đề mục).
3. Làm bộc lộ các mối quan
hệ nhân duyên của đối tượng.
1. Một đối tượng được chú ý liên
tục sẽ có tác động đặc biệt mạnh và kéo
dài lên tâm chúng ta. Ảnh hưởng của nó không chỉ được cảm nhận qua một loạt những suy nghĩ kế tiếp sau đó, mà còn có thể lan tỏa xa đến tương lai. Chính
hiệu quả trợ duyên này là thước đo sức mạnh của tâm.
2. Sự chú ý liên tục đem đến một bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn về đối tượng trên tất cả các góc độ. Nói chung, ấn tượng đầu tiên chúng
ta cảm nhận được từ bất cứ đối tượng giác quan
hay một ý tưởng nào đó đều chỉ là đặc điểm nổi bật nhất của nó; chính
điểm này thu hút sự chú ý của chúng
ta tới khi sức tác động của nó đạt đến đỉnh điểm. Song
đối tượng cũng thể hiện những khía cạnh, đặc tính cùng
những chức năng khác, ngoài những điều chúng ta cảm nhận được đầu tiên. Những điều này có thể không rõ nét hoặc không
thú vị đối với chúng ta; nhưng có thể lại quan trọng hơn. Có rất nhiều trường hợp, ấn tượng đầu tiên của chúng ta
hoàn toàn là sai lầm. Chỉ khi chúng ta tiếp tục duy
trì sự chú ý xa hơn cảm nhận ban đầu đó thì đối tượng mới tự thể hiện ra đầy đủ hơn. Khi làn sóng nhận thức đầu tiên thoái
lui, thì sức mạnh của thành kiến/tư kiến (đánh giá, suy nghĩ chủ quan) cũng giảm dần; và chỉ khi đó, trong giai đoạn kết thúc, đối tượng mới thể hiện được nhiều chi tiết mở rộng, một bức tranh hoàn
chỉnh hơn về chính nó. Chính vì vậy, chỉ nhờ sự chú ý liên tục chúng
ta mới đạt tới được sự hiểu biết rõ ràng hơn về các thuộc tính của đối tượng.
3. Trong số các thuộc tính của đối tượng, dù là của thân
hay tâm, có một loại mà chúng ta
thường bỏ qua do sự chú ý hời hợt và vội vàng; nó cần được xem xét
riêng biệt ở đây. Đó chính là các mối quan hệ nhân duyên của đối tượng. Các quan
hệ nhân duyên của nó trải dài đến quá khứ - nguồn gốc,
nguyên nhân, các tiền lệ về lý trí và logic; nó cũng trải rộng ra
bên ngoài hoàn cảnh tổng thể - bối cảnh, môi trường và những lực tác động đang
có mặt. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được hoàn toàn sự việc nếu chỉ nhìn nó một cách
tách biệt, do chủ quan áp đặt.
Chúng ta phải nhìn đối tượng với tầm nhìn
rộng hơn, trong tình
trạng nó bị điều kiện và
đang tạo điều kiện; và điều này chỉ có thể làm được nhờ sự chú ý liên tục.
[1][5] Chế ngự các cửa giác quan:
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - không để buông lung, phóng dật chạy theo các đối
tượng bên ngoài. Ở đây, ý (tâm) cũng là một cửa giác quan vì ở đó có sự tiếp
xúc với các hình ảnh, tưởng tượng, suy nghĩ…(pháp trần).