Chúng là một phần của thế giới của chúng ta, chúng đến và đi theo những quy luật riêng của chúng, không phụ thuộc vào việc chúng ta có đồng ý hay không. Tuy nhiên, bằng cách ghi nhận thuần túy, chúng ta có thể tránh không bị chúng cuốn đi
hay bị đánh bật ra khỏi thiền. Bám chắc vào nền tảng vững chắc của chánh niệm một cách trầm tĩnh, chúng ta sẽ lập lại, trong một mức độ khiêm tốn hơn song về cơ bản sẽ giống hệt chiến thắng lịch sử của Đức Phật dưới gốc cây Bồ Đề năm xưa.
Khi Ma Vương thống lãnh đội quân của hắn, giành giật ngôi bồ đoàn nơi Đức Phật ngồi và thành đạo, Đức Phật đã từ chối không
rời khỏi chỗ ngồi ấy. Đặt lòng tin vững chắc vào sức mạnh của chánh niệm, chúng ta có thể tự tin lập lại lời nguyện của Đức Phật khi ấy: Mā mam thānā acāvayi (nguyện cho Ma Vương không thể đánh bật tôi ra khỏi chỗ ngồi này- Padhāna Sutta, Sutta Nipāta).
Hãy cứ để những kẻ xâm nhập ấy đến rồi đi. Cũng như tất cả mọi tiến trình thân-tâm đang tiếp diễn vô tận, trôi qua trước con mắt quan sát của chúng ta trong pháp hành ghi nhận thuần túy, chúng sanh lên, sau khi
sanh lên, chúng lại diệt đi.
Lợi thế của chúng
ta ở đây là một sự thật hiển nhiên: hai suy nghĩ không thể nào tồn tại trong cùng một lúc. Nói một cách chính xác thì chánh
niệm không phải là ghi nhận hiện tại mà ghi nhận khoảnh khắc vừa trôi qua tức thì. Chính vì vậy, nếu chánh niệm thống trị, thì sẽ không thể có “chướng ngại” hay “những suy nghĩ phiền não được nữa”. Điều đó cho chúng ta cơ hội để bám chắc vào chỗ đứng an toàn của “vị trí người quan sát” – “Bồ Đoàn giác ngộ” của chính mình.
Thông qua ảnh hưởng tịnh chỉ (làm yên lặng) và trung lập hóa của sự quan sát khách quan ở ba phương pháp trên,
những chướng ngại làm gián đoạn thiền tập sẽ ngày càng bớt cắn trộm chúng ta và gây khó chịu, bực mình, và do đó sẽ giảm bớt tác động quấy rối của chúng. Đây quả thực là một hành động “ly dục” (virāga) đích thực, mà nghĩa đen của nó là “phai màu, nhạt màu”[1][7]. Khi
những kinh nghiệm bị tước bỏ, phai màu những cảm xúc vốn kích động con người ta lao vào tham, sân, si, bất an và đủ loại phiền não trong tâm, chúng sẽ hiện
nguyên hình bản chất thực sự - chỉ là những hiện tượng tự nhiên thuần túy (suddha-dhammā).
Phương pháp ghi nhận thuần túy không dùng sức mạnh mang đến cho thiền sinh một sự tiếp cận nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, vốn vô cùng cần thiết để làm việc với bản chất nhạy cảm, ương bướng và khó nắm bắt của tâm. Nó cũng giúp chúng ta đối phó một cách êm đẹp với những trở ngại và những tình huống khó khăn đa dạng trong cuộc sống thường ngày. Để minh họa cho mức độ nỗ lực cân bằng cần có để nhập vào các tầng thiền chỉ, bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) đã tả lại một bài kiểm tra tay nghề của các
sinh viên y khoa thời cổ.
Người ta đặt một cái lá sen nổi trong chậu nước, người sinh viên phải dùng con dao mổ cắt ngang chiếc lá mà không
được làm đứt rời nó hay nhấn chìm nó xuống nước. Người nào dùng lực quá mức thì sẽ cắt đứt chiếc lá hoặc ấn chiếc lá xuống nước, còn người nào nhút nhát thì thậm chí còn không dám làm xước chiếc lá. Thực tế, đối với việc tu tập tâm, phải cần đến một điều gì đó giống như bàn tay chắc chắn nhưng nhẹ nhàng của nhà phẫu thuật, và sự tiếp cận khéo léo, cân bằng này chính
là kết quả tự nhiên của phương pháp thực hành ghi nhận thuần túy không
dùng sức mạnh.
[1][7] Ly dục: thoát
dần ra khỏi sự quyến rũ của các đối tượng giác quan thích thú: cảnh sắc,
âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, hay những dòng suy nghĩ, mơ tưởng… làm say
mê, kích động lòng người.