Dọn dẹp ngăn nắp ngôi nhà tâm.
Một người có nội tâm chưa được làm chủ và không cân bằng do
chưa từng thực hành thiền, khi nhìn
vào các suy nghĩ và hoạt động thường ngày của chính mình
sẽ thấy trong đó là cả một cảnh tượng hỗn loạn. Anh ta thấy, ngoại trừ một số dòng suy nghĩ và hoạt động có
chủ đích, còn ở tất cả mọi nơi là sự đan xen mắc mớ hàng đống những dòng suy tưởng, nhận thức, cảm xúc và những cử động thường xuyên,
liên tục của cơ thể, một tình trạng lộn xộn, rối rắm đến mức không
thể chịu đựng nổi. Nhưng đó chính
là tình trạng mà chúng ta coi là điều bình
thường trong phần lớn thời gian thức và hoạt động tinh thần hàng ngày của mình.
Bây giờ chúng ta hãy thử khảo sát xem bức tranh
lộn xộn đó trông như thế nào.
Đầu tiên, chúng ta sẽ gặp phải một số lượng lớn các loại cảm nhận giác quan thông thường như hình ảnh, âm
thanh đang liên tục trôi qua tâm. Hầu hết chúng đều rời rạc và mờ nhạt; thậm chí một số còn dựa trên
những đánh giá hoặc cảm nhận sai lầm. Mang theo
những khiếm khuyết cố hữu đó, chúng
thường là cơ sở không được kiểm chứng để cho ra những đánh giá hoặc quyết định ở tầm mức tâm cao hơn. Đúng, tất cả những cảm nhận giác quan thông thường này không cần và cũng
không thể là đề mục để thiền sinh chú
tâm. Một hòn đá nằm lăn lóc bên đường sẽ chỉ khiến chúng ta phải chú ý khi nó cản trở đường đi hay thu
hút sự chú ý của bạn vì một lý do nào đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta thường xuyên quá lơ là đối với những cảm nhận giác quan này, thì có lúc sẽ vấp phải đá trên đường, hay bỏ qua nhiều viên đá quý
khác.
Bên cạnh những cảm nhận giác quan thông thường đó, còn có những cảm nhận, suy nghĩ, cảm xúc và tác ý rõ ràng và có
ý nghĩa – vốn liên kết chặt chẽ với cuộc sống có chủ ý của chúng
ta. Ở đây cũng thế, chúng ta thấy đa phần chúng ở trong trạng thái
hoàn toàn rối bời. Hàng trăm suy nghĩ chợt thoáng qua trong tâm, và ở mọi nơi là những “đầu, mẩu” của các dòng suy nghĩ đứt đoạn, những trạng thái tình cảm bị đè nén và những cảm xúc thoáng qua. Rất nhiều trong số chúng đều chết yểu. Bởi vì bản chất mờ nhạt, mong
manh bẩm sinh của chúng, do sức tập trung kém của chúng ta hoặc sự lấn át của các cảm nhận giác quan mạnh hơn, nên chúng không tồn tại và phát triển lên được. Nếu quan sát tâm mình, chúng ta sẽ thấy các
suy nghĩ đổi hướng dễ dàng như thế nào, cách hành xử của chúng cứ như mấy đứa con nít cãi nhau, liên tục ngắt lời nhau, không chịu lắng nghe đứa khác nói. Nhiều dòng suy nghĩ lại vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai hoặc bị bỏ qua không được thể hiện thành ý chí
hay hành động, bởi vì không đủ can đảm để chấp nhận những hậu quả thực tế về đạo đức hay tri thức của nó. Tiếp tục xem xét kỹ hơn những cảm nhận, suy nghĩ hay đánh giá thông thường của mình, chúng ta sẽ phải chấp nhận một điều rằng phần nhiều trong số đó là không đáng tin cậy. Chúng chỉ là những sản phẩm của thói quen, bị chi phối bởi các loại định kiến: tri thức hay cảm xúc[1][3], bởi lựa chọn yêu-ghét của chính mình, bởi sự quan sát sai lầm hay hời hợt, bởi tính lười biếng hay ích kỷ.
Một cái nhìn vào những góc kín bị bỏ quên từ lâu trong tâm như vậy sẽ mang đến một cú sốc tốt đối với người quan sát. Nó thuyết phục anh ta rằng yêu cầu cấp thiết bây giờ là phải rèn
luyện tâm mình một cách bài bản, đào sâu xuống bên dưới lớp mỏng bề mặt của tâm, tới những vùng tâm thức mờ ảo rộng lớn mà chúng ta vừa ghé thăm đó. Người quan sát khi đó sẽ nhận ra rằng vùng tâm thức nhỏ lộ ra trước luồng sáng của ý chí và suy nghĩ có chủ đích không phải là thước đo đáng tin
cậy sức mạnh nội tâm và sự sáng suốt tổng thể của tâm thức. Anh ta
cũng thấy rằng không thể đánh giá chất lượng tâm của cá nhân chỉ dựa vào một vài kết quả hoạt động tâm thức tốt nhất đạt được trong một giai đoạn ngắn ngủi và gián đoạn nào đó. Nhân tố quyết định để xác định chất lượng tâm là sự hiểu biết bản thân và tự kiểm soát chính mình như thế nào: sự ý thức
(chánh niệm) trong tâm và bộ phận các
hoạt động không kiểm soát (vô thức) hàng ngày đang có xu hướng tăng lên hay giảm đi.
Chính sự dễ duôi, lơ là nho nhỏ trong suy nghĩ lời nói và hành động mỗi ngày, trải qua nhiều năm tháng trong cuộc đời chúng ta (và như Đức Phật dạy, qua nhiều kiếp sống) là thủ phạm chính của tình trạng lộn xộn, rối rắm mà chúng ta thấy trong tâm mình. Sự dễ duôi này tạo ra rắc rối và cho phép những rắc rối ấy tiếp diễn. Chính vì vậy mà những vị trưởng lão thời xưa đã nói: “Dễ duôi tạo ra rất nhiều bụi bặm. Trong nhà cũng như trong tâm, một hai ngày mới chỉ có một chút xíu bụi bám vào, nhưng cứ tiếp diễn như thế nhiều năm, nó sẽ trở thành một đống rác khổng lồ”[2][4].
Những góc lộn xộn, tối tăm trong tâm là nơi ẩn náu của những kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta. Từ nơi đó, chúng tấn công mà chúng ta không hề hay biết, và đánh bại chúng ta quá thường xuyên. Cái thế giới chạng vạng đó chứa đựng những khao khát không được thỏa mãn, những nỗi uất ức bị kìm nén, sự dao động, chập chờn, những ý nghĩ chợt thoáng qua, và rất nhiều hình ảnh mờ ảo, tạo nên một cái nền mà từ đó những cảm xúc bột phát – tham, dục, sân hận, tức tối – tìm kiếm được sức hỗ trợ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự mờ tối của vùng chạng vạng ấy là mảnh đất nuôi dưỡng và cũng chính là loại phiền não gốc (akusalamūla) thứ ba mạnh nhất - si.
Các cố gắng đoạn trừ các loại phiền não gốc - tham, sân, si - sẽ thất bại chừng nào những phiền não này vẫn tìm được chỗ trú ngụ và hỗ trợ ở những vùng mờ tối không được kiểm soát của tâm; chừng nào những sợi suy nghĩ và cảm xúc nửa vời, vốn khít chặt và phức tạp, vẫn đan dệt nên tấm phông nền của tâm, mà trong đó hiếm hoi mới đan xen vài sợi suy nghĩ sáng suốt và cao thượng. Nhưng chúng ta phải xử lý cái khối cồng kềnh và lộn xộn ấy như thế nào đây? Thường thì chúng ta chỉ cố gắng lờ nó đi và dựa dẫm vào các xung lực đối trị của lớp tâm bề mặt. Nhưng phương thuốc an toàn duy
nhất là đối diện với nó – bằng chánh niệm. Không có gì khó khăn cả, chỉ cần huân tập thói quen hướng sự chú ý, ghi nhận thuần túy tới những suy nghĩ thô sơ đó càng thường xuyên càng tốt. Nguyên lý hoạt động ở đây dựa trên một sự thật đơn giản là hai suy nghĩ không thể tồn tại trong cùng một lúc: khi ánh sáng chánh niệm có mặt, sẽ không có chỗ cho khoảng tối của vô thức. Khi chánh niệm liên tục đã có chân đứng vững chắc, thì việc phải đối phó như thế nào với các suy
nghĩ, cảm xúc và trạng thái tâm thô sơ ấy sẽ chỉ còn là vấn đề thứ yếu.
Chúng ta có thể chỉ cần gạt bỏ chúng và thay thế bằng những suy nghĩ có chủ đích khác; hay cho phép hoặc thậm chí buộc chúng phải nói ra hết những gì chúng muốn nói. Ở trường hợp thứ hai, thường là chúng sẽ bộc lộ sự nghèo nàn và yếu ớt thực sự. Khi đó sẽ không khó khăn để buông bỏ một khi
chúng đã bị buộc phải lộ diện. Quy
trình ghi nhận thuần túy này rất đơn giản và hiệu quả; cái khó chỉ là sự kiên trì áp dụng nó một cách liên tục mà thôi.
Quan sát một sự việc phức tạp có nghĩa là xác định những thành phần cấu tạo nên nó, loại trừ dần từng sợi dây nhỏ đã dệt nên cả bó dây rối rắm ấy. Nếu áp dụng điều này vào trong dòng đời phức tạp của tâm mình và cuộc sống thực tế, thì một cách tự động, ảnh hưởng điều tiết mạnh mẽ của nó sẽ được nhận thấy rất rõ. Như thể ngượng ngùng trước một cặp mắt quan sát trầm tĩnh, các dòng suy nghĩ sẽ bớt vô tổ chức và bớt thay đổi bất thường hơn; chúng sẽ không dễ bị chuyển hướng nữa, và sẽ ngày càng giống như một dòng sông được điều tiết nước và hướng dòng cẩn thận.
Trong mấy chục năm cuộc đời và xuyên suốt vô số kiếp quá khứ trôi lăn trong luân hồi, trong mỗi con người chúng ta đã xây dựng nên cả một hệ thống đan
xen chặt chẽ của định kiến tri thức và định kiến cảm xúc, những thói quen của thân và tâm, mà không bao giờ bị tra vấn xem
chúng có nằm đúng vị trí hay không, có lợi ích gì trong cuộc sống hay không. Ở đây, sự thực hành ghi nhận thuần túy lại làm tơi mảnh đất chai cứng của những lớp định kiến, thói quen xưa cũ ấy trong tâm con người, chuẩn bị đất ruộng để gieo những hạt giống rèn luyện tâm. Ghi nhận thuần túy xác định và truy theo từng sợi trong cả bó dây dệt khít của các thói
quen trong ta. Nó cẩn thận loại ra những sự biện hộ cho cảm xúc, và những động cơ giả của các định kiến. Không hề sợ hãi, nó dám tra vấn những thói quen cũ vốn đã trở nên vô nghĩa. Nó phơi bày gốc rễ của chúng và do
vậy, giúp loại bỏ tất cả những điều nguy hại. Tóm lại, ghi nhận thuần túy làm bộc lộ những kẽ hở vi tế của cấu trúc dường như không thể xâm nhập nổi của các tiến trình tâm. Khi đó,
thanh gươm trí tuệ, được sử dụng bởi cánh tay mạnh mẽ của sự thực hành
thiền liên tục sẽ xâm nhập vào những kẽ hở đó, ở những chỗ cần thiết, và cuối cùng sẽ phá vỡ toàn bộ cấu trúc ấy. Một khi đã hiểu những mối liên hệ bên trong giữa những phần riêng biệt của cả cái “khối” dường như chắc đặc ấy, nó sẽ không còn là không thể tiếp cận được nữa.
Khi những sự kiện thể hiện bản chất bị điều kiện hóa của tâm được thiền tập vén mở, thì cơ hội tác động đến những thay đổi cơ bản trong tâm sẽ ngày càng lớn. Theo cách đó, không những chỉ các thói quen của tâm vốn không bao giờ bị tra xét, những vùng mờ tối của nó và những tiến trình tâm thuờng nhật, mà cả những sự việc dường như chắc chắn, không thể tranh cãi của thế giới vật chất – tất cả những thứ đó sẽ bị “tra xét lại” và giảm hẳn việc tự khẳng định. Nhiều người đã bị sự tự khẳng định của các “sự kiện thực” tự phong ấy gây ấn tượng và bắt nạt đến nỗi do dự khi thực hành bất cứ phương pháp tu tập nào, nghi ngờ rằng đó
có phải là việc đáng làm hay không. Việc áp dụng phương pháp ghi nhận thuần túy vào nhiệm vụ thu dọn ngăn nắp và uốn nắn tâm sẽ mang lại những hiệu quả thấy rõ – xua tan đi nỗi nghi ngờ và khiến họ thêm tự tin bước đi trên con
đường phát triển tâm
linh.
Chúng ta nên nhớ, chức năng dọn dẹp ngăn nắp và điều tiết tâm của ghi nhận thuần túy có ý nghĩa rất quan trọng để “thanh tịnh hóa
chúng sanh” như Đức Phật đã nói, là mục tiêu đầu tiên của thiền Tứ Niệm Xứ. Tất nhiên, ý đoạn kinh này muốn nói đến sự thanh lọc tâm, và ở đây, bước đầu tiên là thiết lập trật tự cho sự vận hành của các tiến trình tâm. Chúng ta đã thấy điều này được ghi nhận thuần túy tiến hành như thế nào. Chú giải kinh Tứ Niệm Xứ giải thích câu
“để thanh tịnh hóa chúng
sanh” như sau:
Có lời dạy rằng: “Các lậu hoặc làm ô nhiễm chúng sanh; minh trí thanh tịnh hóa chúng sanh”. Minh trí đó đến qua con đường chánh niệm.
Đặt tên
Phần trên chúng ta đã nói rằng ghi nhận thuần túy “dọn dẹp ngăn nắp” hay điều tiết tâm bằng cách phân loại ra và xác định những sợi dệt rối rắm của tiến trình tâm. Chức năng xác định đó, giống như bất kỳ một hoạt động tâm thức nào khác, được kết nối với sự hình thành ngôn từ. Nói cách khác, “xác định” được tiến hành bằng cách “gọi tên” rõ ràng những tiến trình tâm tương ứng.
Con người thời tiền sử thường tin rằng ngôn từ có một sức mạnh huyền bí. “Những gì có thể gọi tên sẽ mất đi
quyền lực huyền bí đối với con người, nỗi khiếp sợ trước cái mà người ta không biết. Biết tên của một động lực, một chúng sanh hay một vật thể (đối với người tiền sử) là tương đương với việc làm chủ nó”[3][5]. Niềm tin nguyên thủy về sức mạnh huyền bí của tên gọi đó cũng xuất hiện trong nhiều huyền thoại và chuyện cổ tích, trong đó sức mạnh của con quái vật bị bẻ gãy chỉ bằng cách
can đảm đối diện với nó và gọi tên nó ra.
Trong “huyền thuật tên gọi” của người tiền sử có một phần sự thật, và trong
phương pháp ghi nhận thuần túy, chúng ta thấy sức mạnh của việc gọi tên ấy được khẳng định. Những “con quái vật bóng tối” ở trong tâm – các xung động cảm xúc và những suy nghĩ mơ hồ - không thể chịu nổi câu hỏi đơn giản, song rõ ràng, về “cái tên” của chúng, còn nói chi đến hiểu biết về cái tên ấy nữa. Vì vậy, chỉ riêng điều đó thôi cũng thường là đủ để tước bớt sức mạnh của chúng rồi. Cái nhìn quan sát bình thản của chánh niệm phát hiện những con quái vật từ chỗ trốn của chúng. Thực hành việc gọi tên cũng sẽ đưa chúng ra
ngoài ánh sáng của hữu thức. Ở đó, chúng sẽ thấy xấu hổ và buộc phải tự thanh minh cho mình, mặc dù trong
giai đoạn ghi nhận thuần túy, chúng còn chưa bị tra hỏi kỹ lưỡng, mà mới chỉ bị điểm mặt và xác định danh tính mà thôi. Nếu bị buộc phải lộ mặt từ khi còn mới phôi thai, chúng sẽ không thể chịu nổi sự soi xét và sẽ teo nhỏ đi. Như vậy, chiến thắng đầu tiên đã đạt được, ngay ở giai đoạn thực hành đầu tiên.
Sự xuất hiện của các suy nghĩ xấu xa, hạ liệt,
không mong muốn ở trong tâm, ngay cả thoáng qua và chỉ lưu hành nửa vời, cũng có tác động không mấy dễ chịu đến lòng tự trọng của chúng ta. Vì vậy, những suy nghĩ như thế thường bị chúng ta gạt sang một bên, không để tâm đến hoặc không phản đối. Thông thường chúng cũng
ngụy trang bằng một nhãn hiệu đáng kính và dễ chịu hơn để che dấu bản chất thật. Những suy nghĩ bị gạt bỏ theo một trong hai
cách như trên sẽ tích lũy thêm sức mạnh cho các xu hướng tâm hạ liệt trong tiềm thức. Hơn nữa, quy trình này sẽ làm suy yếu ý chí kháng cự sự nổi lên
và thống trị của phiền não, và củng cố thêm xu hướng trốn tránh vấn đề. Song bằng cách đơn giản thực hành phương pháp ghi nhận hoặc gọi tên một cách rõ ràng và trung thực bất cứ suy nghĩ không mong muốn nào trong tâm, hai chức năng gây hại là làm ngơ và ngụy trang
sẽ bị loại bỏ, do đó, có thể tránh được những hậu quả có hại đối với cấu trúc tiềm thức và sự chệch hướng nỗ lực của tâm.
Khi những suy nghĩ xấu xa, hạ liệt hay những khuyết điểm cá nhân được gọi đúng tên ra, tâm chúng ta sẽ tăng trưởng sức kháng cự và thậm chí là sự ghê tởm đối với chúng. Trải qua thời gian, chúng ta sẽ kiểm soát và cuối cùng là loại bỏ được chúng. Ngay
cả khi không hoàn toàn kiểm soát được các xu hướng tâm hạ liệt, thì cũng để lại tác động do sự kháng cự lặp đi lặp lại, do đó làm suy yếu chúng mỗi khi chúng xuất hiện trở lại. Có thể nói rằng những suy nghĩ bất thiện sẽ không còn là thủ lĩnh mặc sức tung hoành trên sân chơi nữa, sự thiếu tự tin của chúng sẽ giúp chúng ta dễ đối phó với chúng hơn. Ở đây, chính sức mạnh của tàm, quý (xấu hổ và ghê sợ những điều bất thiện) sẽ tập hợp lại như một đồng minh, được tăng cường sức mạnh nhờ những kỹ thuật tâm lý đơn giản nhưng rất tinh tế này.
Phương pháp gọi tên và ghi nhận tất nhiên cũng được áp dụng đối với những suy nghĩ và động lực cao thượng, khích lệ và tăng cường sức mạnh cho chúng. Không có sự chú ý một cách có chủ đích, những xu hướng tâm cao thượng này thường trôi qua một cách mờ nhạt, không ai để ý đến và rồi sẽ cằn cỗi, khô héo. Nhưng khi chánh niệm tỉnh giác được áp dụng, nó sẽ kích thích sự tăng trưởng của các tâm cao thượng ấy.
Một trong những đặc tính hữu ích nhất của chánh niệm, đặc biệt là ghi nhận thuần túy, là giúp chúng ta tận dụng được tất cả mọi sự kiện xảy ra bên ngoài và ở bên trong nội tâm để trưởng thành. Ngay cả cái không tốt cũng có thể trở thành sự khởi đầu cho cái tốt khi, bằng việc gọi tên và ghi nhận, nó trở thành đối tượng để quán sát một cách tách
biệt.
Nhiều lần trong kinh Tứ Niệm Xứ, chức năng gọi tên hay “ghi nhận thuần túy” đã được nêu lên một cách trực tiếp. Không ít hơn bốn lần như vậy trong cả bài kinh:
1.
Khi cảm nhận một cảm thọ lạc, vị ấy biết “tôi đang cảm nhận một cảm thọ lạc”…
2.
Khi tâm có dục, vị ấy biết: “tâm đang có dục”…
3.
Khi triền cái tham dục đang có mặt trong tâm, vị ấy biết “triền cái tham dục đang có mặt trong tôi”…
4.
Khi niệm giác chi có mặt, vị ấy biết “Niệm giác chi đang có mặt trong tôi”…
Để kết luận, ở phần này chúng
ta đã làm rõ: công tác thu
dọn ngăn
nắp tâm và gọi tên các tiến trình
tâm là sự chuẩn bị không thể thiếu để hiểu bản chất thật của chúng một cách hoàn toàn – đó chính là nhiệm vụ của tuệ quán (vipassanā). Những chức năng này, được thực hiện bởi ghi nhận thuần túy, sẽ giúp loại bỏ một ảo tưởng rằng các tiến trình tâm là một thể thống nhất. Chúng giúp chúng ta nhận biết được các đặc tướng và sự sanh diệt tức thời của chúng.
[1][3] Định kiến: là những nếp suy nghĩ cứng nhắc bị khuôn nếp bởi những
chấp thủ đúng-sai, yêu-ghét…hình thành qua quá trình cảm nhận và tư duy, hấp
thu từ trước tới nay, ăn sâu trong vô thức. Đa phần những định kiến ấy đều
phiến diện và là những phiên bản bị bóp méo của sự thật. Người mang những định
kiến như vậy thường có xu hướng đánh giá một sự việc hoặc con người nào đó
không đúng theo sự thật khách quan, mà đã qua một màng lọc vô thức. Định kiến,
giống như một lăng kính có tác dụng phóng to, thu nhỏ hoặc bóp méo hình ảnh
thực, cũng bóp méo sự thực khi tiếp nhận và xử lý thông tin; và trong quá trình
ấy lại làm dày thêm chính nó. Định kiến có hai loại cứng đầu và ăn sâu nhất, đó
là định kiến tri thức-chấp thủ những tiêu chuẩn đúng-sai, hay-dở từ những hiểu biết phiến diện và lêch lạc của
chủ quan (ví dụ: khi chấp chặt một tư tưởng nào đó là đúng thì dễ nhìn thấy cái
sai, khó nhìn thấy cái đúng trong những hệ tư tưởng khác, và chỉ mang cái đúng
của mình ra làm tiêu chuẩn để đánh giá mọi thứ); thứ hai là định kiến cảm xúc:
các tiêu chuẩn đúng sai, tốt xấu đó bị một chấp thủ cảm xúc nào đó chi phối và
tô màu (ví dụ: khi đã ghét một ai đó thì nhìn cái gì của người ta cũng thấy
xấu, thấy ghét). Định kiến ngăn cản con người nhận chân sự thật, làm dày thêm
chấp thủ, và là một trong những trở ngại tự thân lớn nhất một người tu tập tâm phải
đối diện và hóa giải. Chánh niệm-tỉnh giác là công cụ chính yếu và có thể nói
là duy nhất để giúp các thiền sinh làm được điều đó-hóa giải và vượt qua các
định kiến, chấp thủ sâu dày trong vô thức để chứng ngộ chân lý-ND.