Nếu chúng ta được chuẩn bị tinh thần và có cách
nhìn thực tế về những chướng ngại trong thiền, chúng ta sẽ bớt phản ứng ngay lập tức một cách khó chịu mỗi khi chúng xuất hiện. Về mặt cảm tính, chúng ta sẽ ở vị thế có lợi hơn để đối diện với chúng bằng những vũ khí phi bạo lực sẽ nói đến dưới đây.
Có ba cách để đối trị những chướng ngại nảy sinh trong thiền. Ba cách này nên được áp dụng lần lượt, khi áp dụng cách này không loại bỏ được chướng ngại thì áp dụng cách tiếp theo. Cả ba cách đều sử dụng ghi nhận thuần túy; chỉ khác nhau ở mức độ và khoảng thời gian chú tâm đến chướng ngại đó. Nguyên tắc chủ đạo ở đây là: không chú trọng đến chướng ngại quá mức độ mà tình huống đòi hỏi.
1.
Đầu tiên, thiền sinh nên ghi nhận chướng ngại một cách rõ ràng, nhưng nhẹ nhàng: nghĩa là không quá chú trọng đến nó và không chú ý đến các chi tiết. Sau khi đã ghi nhận sơ qua về chướng ngại, thiền sinh nên quay trở lại với đề mục chính của mình. Nếu chướng ngại yếu hoặc định tâm trước đó của thiền sinh mạnh, thiền sinh sẽ thành công và có thể tiếp tục quán niệm trở lại. Ở giai đoạn này, bằng cách cẩn thận không bị lôi kéo vào những cuộc “đối thoại” hay cãi vã với kẻ xâm nhập,
chúng ta sẽ không cho nó lý do để ở lại lâu; và trong nhiều trường hợp, những chướng ngại ấy sẽ sớm bỏ đi như một vị khách không được chủ nhà tiếp đón
niềm nở. Việc tống khứ một cách ngắn gọn như vậy sẽ giúp chúng ta quay trở lại đề mục chính mà
không bị tổn hại nhiều đến sự ổn định của nội tâm.
Phương pháp không sử dụng sức mạnh ở đây là: áp dụng ghi nhận thuần túy đối với chướng ngại, nhưng chỉ với sự đáp ứng tối thiểu, và với tâm hướng về rút lui. Đây chính là cách Đức Phật đối phó với những vị khách không thích hợp, như trong kinh Đại Không (Mahāsuññata Sutta)…. “với tâm hướng về viễn ly…và rút
lui, cuộc đối thoại của Ngài hướng tới việc xua đuổi (những người khách đó)”. Tương tự, trong lời khuyên của Sāntideva về cách đối phó với những kẻ ngu: nếu không thể tránh được chúng, hãy
đối xử với chúng “với vẻ lịch sự lạnh nhạt của một quý ông”.
2.
Tuy
nhiên, nếu chướng ngại vẫn còn tiếp tục, thiền sinh nên áp dụng ghi nhận thuần túy lại nhiều lần, một cách kiên nhẫn và bình tĩnh; và có thể chướng ngại sẽ biến mất sau khi đã cạn lực. Ở đây, thái độ đối diện với chướng ngại là sự lập lại câu nói
“KHÔNG”, kiên quyết từ chối không để bị kéo lệch khỏi con đường của mình. Đó là thái độ kiên quyết và kiên nhẫn. Sức mạnh của sự quan sát phải được bổ xung bằng sức mạnh của sự chờ đợi và bám chắc chỗ đứng của mình.
Nói
chung hai phương pháp này đều thành công để đối trị những mơ tưởng và suy
nghĩ lan man trong thiền, bởi vì về bản chất chúng tương đối yếu ớt; kể cả hai loại chướng ngại còn lại – những chướng ngại từ bên ngoài và phiền não bên trong – cũng sẽ thường phải chịu thua.
3.
Nhưng nếu vì một lý do nào đó, chúng không chịu thua cuộc, thiền sinh phải cố ý chú tâm hoàn toàn vào chướng ngại và biến nó trở thành một đề mục quan sát. Như vậy, thiền sinh chuyển đổi chướng ngại thành đề mục thiền chính thức. Chúng ta
có thể tiếp tục hành thiền với đề mục mới này cho đến khi các nhân duyên bên trong hoặc bên ngoài khiến chúng ta phải chú ý đến chướng ngại đã chấm dứt, hoặc nếu thấy thích hợp, chúng ta có thể tiếp tục duy trì nó cho đến hết thời thiền.
Chẳng hạn, khi bị một tiếng động liên tục quấy rầy, chúng ta hãy toàn tâm toàn ý
chú tâm vào tiếng động đó, song chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa đề mục (tiếng động) ấy và phản ứng của mình đối với nó. Ví dụ, nếu sân (khó chịu) sanh khởi, thì cần phải ghi nhận rõ ràng đúng tính chất của nó khi nó sanh lên. Thực hành như thế là chúng ta đang thực hành niệm pháp (dhammānupassanā) theo
tinh thần kinh Tứ Niệm Xứ: “Vị ấy liễu tri nhĩ căn (tai) và âm thanh,
và những trói buộc (sân) sanh khởi thông qua chúng”. Nếu tiếng động ngắt quãng hoặc thay đổi cường độ, thiền sinh có thể dễ dàng phân biệt được sự sanh và sự diệt (udayabbaya) trong
đó. Bằng cách ấy, thiền sinh sẽ tăng cường tuệ quán trực tiếp về tính vô thường (aniccatā).
Phương pháp đối trị những phiền não thường tái diễn lại, chẳng hạn các suy nghĩ về dục hay sự bất an, cũng phải áp dụng tương tự như vậy. Chúng ta phải đối diện trực tiếp với chúng, song hãy phân biệt đâu là phiền não, đâu là phản ứng của mình như là: sự đồng thuận, nỗi sợ hãi, chống đối, bực bội, khó chịu. Thực hành như vậy, chúng ta
đang áp dụng phương pháp “gọi tên” và sẽ thu được những lợi ích đã trình bày ở trên. Từ những đợt sóng cảm xúc hay bất an tái diễn ấy, dần dần chúng ta cũng sẽ học được cách phân biệt các giai đoạn “lên cao” và “xuống thấp”, thăng – trầm của chúng và có thể thu được những hiểu biết hữu ích về cách hoạt động chúng. Theo quy trình đó,
thiền sinh vẫn hoàn toàn ở trong Tứ Niệm Xứ, bằng thực hành niệm tâm (cittānupassanā) và niệm pháp (dhammānupassanā: phần quan sát các triền cái).
Phương pháp chuyển đổi những chướng ngại trong thiền thành các đề mục để quan sát, vừa đơn giản lại vừa khéo léo, có thể coi là đỉnh cao của phương pháp thực hành không
dùng sức mạnh. Đây chính là phương pháp thể hiện chính xác
tinh thần của kinh Tứ Niệm Xứ: tận dụng tất cả mọi kinh nghiệm để trợ giúp cho con đường tu tập. Bằng cách đó, kẻ thù biến thành bạn bè, và tất cả những chướng ngại cùng với các động lực chống đối sẽ trở thành vị thầy của chúng ta, và dù chúng là
ai chăng nữa, thì cũng nên được xem như là bạn bè.
Chúng ta không thể không trích dẫn ở đây một đoạn văn từ cuốn sách
mỏng rất giá trị, cuốn Anh thợ khóa bé nhỏ, của Katherine Butler Hathaway, một cuốn sách rất cảm động về nghị lực và trí tuệ của con người trưởng thành từ đau khổ:
“Tôi cảm thấy sốc bởi sự ngu dốt và lãng phí mà những con người lẽ ra phải là người hiểu biết: họ vứt bỏ đi tất cả những gì mà họ không thích. Họ vứt bỏ những kinh nghiệm, con người, hôn nhân, các hoàn cảnh và tất cả mọi thứ chỉ bởi vì họ không thích. Khi bạn vứt bỏ một cái gì đó, nghĩa là nó đã mất. Ở nơi lẽ ra bạn có, thì bạn lại chẳng có gì. Trong tay bạn trống không; chẳng có gì để sử dụng cả. Trong khi đó, hầu hết tất cả những gì bạn vứt bỏ đều có thể sử dụng được nhờ một phép lạ nhỏ: chuyển đổi chúng trở thành cái ngược lại với chúng… Song hầu hết con người chẳng bao giờ nhớ rằng, trong hầu hết tất cả mọi hoàn cảnh xấu, vẫn luôn có khả năng chuyển hóa, biến cái không mong muốn trở thành cái mình mong muốn”.