Thursday, January 28, 2016

Một giờ bất mãn cao độ có thể làm bạn mất năng lượng hơn cả 12 giờ làm việc nặng nhọc.

 Có đúng thế không? Một giờ bất mãn cao độ có thể làm bạn mất năng lượng hơn cả 12 giờ làm việc nặng nhọc. Nó phụ thuộc vào mức độ bạn phản ứng mạnh như thế nào, đặc biệt đối với những người bị bệnh tim mạch, họ sẽ nói: đúng, thực sự đúng như vậy. Mỗi khi buồn bực điều gì, họ mất hết cả năng lượng, và không thể làm việc được nữa. Họ chỉ lên giường và nằm nghỉ.

Vì vậy, điều rất quan trọng là bạn phải quan sát trạng thái tâm của mình. Đó là một phần của thiền tập. Khi nào bạn cảm thấy bất mãn? Lúc nào bạn thấy buồn bực và thất vọng? Hầu hết là ở chỗ làm việc hay khi bạn gặp gỡ ai đó, khi đi ra ngoài. Có người nói: “Tôi chẳng muốn đi đâu cả, chỉ muốn ở trong phòng thôi. Tôi không muốn cho ai vào phòng, vì tôi sẽ lại bực mình”. Bạn có thể sống cả cuộc đời như vậy một cách hữu ích được chăng? Không. Không phải tự giam mình trong phòng mà phải ra ngoài làm những việc bạn cần làm, gặp gỡ mọi người mà vẫn gìn giữ được tâm trạng, sự tĩnh lặng và bình an của mình – đó là điều bạn nên học hỏi.

Sự bất mãn làm hạ thấp ngưỡng khởi  đầu
bất an của bạn.
(Càng bất mãn, bạn càng dễ bực bội, bất an).

Hầu hết tất cả chúng ta đều mang trong mình một tàn dư bất an, sân hận hay bực bội nào đó, hầu như trong mọi lúc. Chúng ta không thực sự mãn nguyện, không hoàn toàn mãn nguyện và thanh thản trong mọi lúc.

Một số thiền sinh, khi hành thiền, họ trở nên rất bình yên và tĩnh lặng, không còn chút bất an nào, không còn chút bất mãn, sân hận hay bực bội nào. Họ có thể trở nên thực sự bình an và tĩnh lặng. Và nếu bạn kinh nghiệm được sự bình an, tĩnh lặng đó trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, dù chỉ là một phút, nó cũng thực sự ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời bạn. Bạn không thể đắc đạo ngay lập tức được, nhưng nó sẽ có một ảnh hưởng thực sự đến cuộc đời bạn, bởi vì giờ đây bạn đã có một chuẩn mực để so sánh. Hầu hết mọi người không có cái gì để so sánh, đối chiếu cả.

Tôi biết nhiều người lúc nào cũng khổ sở, rất bứt rứt, bất an và phiền não bởi vì họ không có chuẩn mực để đối chiếu, và khi thử hành thiền, học hỏi và trở nên bình an, tĩnh lặng, thậm chí chỉ trong một phút giây ngắn ngủi, bỗng nhiên họ thay đổi. Họ nói: “Tôi không cần phải theo cách đó nữa. Tôi biết mình có thể làm được điều gì đó với nó”. Rồi họ cố gắng chánh niệm hơn, ngày càng chánh niệm hơn nữa, ngay cả khi ở trên phố hay lúc đi đường, lúc làm việc, khi gặp gỡ mọi người, họ cố gắng duy trì sự bình an và chánh niệm.


Do đó, chúng ta cần có một chuẩn mực để đối chiếu, nhưng nó phải là kinh nghiệm của chính bạn, không phải là một ý tưởng. Chúng ta không thể thực sự học hỏi chỉ từ sách vở hay nghe người khác nói. Chúng ta học hỏi từ sự thực hành.

Để hiểu được sự bình an, trước hết bạn
phải trở nên bình an đã, chỉ nghe
người khác nói về sự bình an và cách
đạt được nó thì không đủ. Hãy thực hành.
 Hãy tự mình kinh nghiệm điều đó.

Một khi đã kinh nghiệm được sự bình an, từ góc nhìn ấy, bạn có thể thấy rằng mình không cần phải tức giận hay thất vọng về mọi thứ như thế nữa. Điều đó là vô ích. Sự bất mãn làm hạ thấp ngưỡng khởi đầu bất an của bạn. Do đó, khi đã chứa đựng bất mãn trong lòng, nếu nghe hay nhìn thấy hay gặp gỡ một người làm những việc mà bạn không thích, sự bất mãn có sẵn ấy sẽ khiến bạn bùng nổ ngay. Đôi khi chúng ta thấy có những người bực bội, bất mãn chẳng vì lý do nào cả. Một người kể: “Cha tôi, bạn không thể nói gì với ông ấy được. 

Bạn chỉ cần nói gì đó, có lỗi lầm nhỏ nhặt nào đó là ông ấy bực mình, chửi rủa, la mắng liền. Vì vậy, tốt nhất là tránh mặt đi”. Bởi vì chúng ta luôn mang theo trong mình một nỗi buồn, một nỗi khổ, một sự bất toại nguyện nào đó, nên chỉ cần một sự bất an nho nhỏ thôi cũng đủ làm cho mình nổi nóng. Không phải tất cả là lỗi của người khác, mặc dù họ cùng chịu một phần trách nhiệm, nhưng không phải họ hoàn toàn sai (và mình là hoàn toàn đúng).

Bạn đang tham gia vào nó, mỗi khi có chuyện gì đó xảy đến trong cuộc đời bạn, hãy cố gắng tìm hiểu xem mình đang tham gia hay đang góp phần vào chuyện đó như thế nào, theo cách nào.

Trong ngành tâm lý học, họ dùng một thuật ngữ là – sự góp phần của quỷ dữ. Tôi không nhớ chính xác là ai đã nói điều đó, nhưng tôi đã từng đọc về nó – đó là một ý tưởng vĩ đại. Chúng ta tham dự và góp phần vào bất cứ những gì xảy đến trong cuộc đời mình. Ngay cả khi xem TV, khi có tin tức xấu nào đó trên chương trình thời sự, chúng ta liền bất mãn: “Đấy, nhìn đấy mà xem”. Trong tất cả mọi thứ đang diễn ra. Đôi khi họ nói: “Toàn là dối trá. Chúng nó toàn là bọn lừa đảo”. Bạn bực mình, thất vọng. Khi thất vọng, bạn có thể nào thất vọng mà không tự mình tham gia và góp phần vào đó được không? Bạn không thể.