Bạn xem TV hoặc vedio, ai đó đang cố nói đùa, diễn hài.
Nếu thuần túy giữ chánh niệm, chỉ nghe thấy âm thanh chứ không phải lời nói,
bạn sẽ không cười. Để cười được trong một trò đùa, bạn cần phải tham dự vào
trong đó. Hãy hiểu điều này một cách thật sâu sắc. Tất cả mọi cảm xúc bạn kinh
nghiệm được – đó là bởi vì bạn tham dự và góp phần vào trong đó. Hãy xem bạn
làm việc này nhiều như thế nào trong suốt cả ngày. Nếu bạn không tham dự, nó sẽ
không thể ảnh hưởng được đến bạn theo bất cứ cách nào. Tôi tham dự, tôi góp
phần vì vậy tôi chịu trách nhiệm về hạnh phúc hay đau khổ của mình. Không ai có
thể làm cho tôi cười nếu tôi không muốn cười. Tôi có thể giữ tâm bình thản dù
bạn nói bất cứ điều gì. Ngay cả khi có người thọc lét (cù) bạn, nếu bạn không
tham gia, bạn sẽ không cười. Bạn có thể làm được điều đó. Bạn có quyền làm điều
đó. Hãy hiểu cái quyền của chính mình.
Tôi có cái quyền đó. Tôi có khả năng đó.
Tôi có thể giữ tâm mình bình thản. Tôi có thể giữ gìn sự bình an của mình.
Tôi có thể giữ chánh niệm. Tôi có sức mạnh ấy.
Nếu bạn nói: “Tôi chẳng làm được gì hết”, điều đó nghĩa
là bạn không có quyền, bạn bất lực. Họ có thể làm bất cứ điều gì với bạn. Nếu
bạn cho phép một người nào đó đến, nói với mình một lời và phá hủy toàn bộ
trạng thái tâm của mình, khi đó bạn có thể nói gì – bạn có quyền hay anh ta có
quyền? Nếu anh ta có quyền, thì anh ta có thể làm bất cứ chuyện gì với bạn, bất
cứ lúc nào. Anh ta có thể phá hủy tâm trạng của bạn bất cứ lúc nào. Vậy ai cho
anh ta cái quyền đó? Bạn cho anh ta cái quyền đó bằng cách tham gia cùng với
anh ta. Và nếu bạn hiểu được điều đó, thì bạn sẽ cảm thấy có trách nhiệm về đau
khổ của chính mình.
Sự bất mãn mang lại một điều chắc chắn: những việc
rất nhỏ cũng dễ dàng đánh đổ được bạn.
Khi tâm đã có bất an, thì những sự việc nhỏ bé cũng có
thể đánh đổ bạn. Bạn không thể giữ được sự quân bình. Nó khiến chánh niệm của
bạn bị thu hẹp và khiến bạn trở nên thiển cận, hoặc thậm chí mù quáng. Khi sân
hận cường độ mạnh, tâm con người trở nên mù quáng. Họ không thấy được cái nào
đúng, cái nào sai, cái gì thích hợp, cái gì không. Vì vậy, những cảm xúc mạnh
gây ảnh hưởng đến tâm bạn và khiến chánh niệm của bạn suy yếu. Chánh niệm suy
yếu nghĩa là bạn trở nên mù quáng.
Nhưng khi chánh niệm suốt cả ngày, mọi ngày,
bạn sẽ phát triển chánh niệm, chánh niệm
ngày càng mạnh hơn và bạn có thể chánh niệm được trước khi bất cứ
việc gì xảy ra.
Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng.
Ở trong trạng thái tâm đó, nếu có việc gì xảy đến, bạn
cũng sẽ không phản ứng.
Phản ứng, Hành động và Ứng phó – ba từ có nghĩa tương đối gần nhau, nhưng không
phải là một. Chúng khác nhau rất nhiều. Phản ứng nghĩa là
nó diễn ra một cách tự động. Có ai đó đến và nhấn cái nút điều khiển của bạn,
và bạn phản ứng một cách tự động. Phản ứng tự động đa phần là bất thiện. Dù bạn
phản ứng bằng tâm tham, sân, ngã mạn, ghen tỵ hay ghen tuông, bất cứ cái gì,
hầu hết các phản ứng tự động đều là bất thiện bởi vì thiếu chánh niệm. Nhưng
khi thực hành chánh niệm, chúng ta ngày càng chánh niệm hơn, khi nghe, khi thấy
việc gì đó, chúng ta không phản ứng, bởi vì đã có mặt chánh niệm cùng với phần
nào trí tuệ và hiểu biết ở đó.
Do vậy, khi bạn cần làm điều gì đó đối với việc ấy, bạn ứng
phó.
Ứng phó đến cùng với chánh niệm và hiểu biết,
vì vậy nó có sự tự do, giải thoát. Ứng phó có
tự do, còn phản ứng thì không.
Bạn muốn có tự do, giải thoát hay không? Điều đó tùy
thuộc vào bạn. Bạn có thể huấn luyện tâm mình và được giải thoát. Hoặc bạn có
thể cứ để tâm mình chạy hoang và bị trói buộc?
Ai làm chúng ta bị trói buộc hay giải thoát?
Chính những suy nghĩ của mình,
chính cái tâm của mình.
Tâm si của mình, chính là tâm phóng dật[6], tâm thất niệm, lơ đãng. Càng lơ đãng, phóng dật, chúng ta càng ít tự do.