Friday, August 22, 2014

Xả Ba-La-Mật



Xả Ba-La-Mật

Cuối cùng, liên quan đến xả ba-la-mật (upekkhā pāramīs), đó là thái độ vô tư, không thiên vị đối với tất cả chúng sinh dù vừa ý hay không vừa ý và với các hành, làm tiêu tan tính hấp dẫn và ghê tởm, có lòng đại bi và trí (hiểu biết) về phương tiện thiện xảo đi kèm.
Xả ba-la-mật có đặc tính thúc đẩy khía cạnh trung lập;
Nhiệm vụ: nhìn mọi sự mọi vật (các pháp) một cách vô tư, bình đẳng;
Sự thể hiện: lắng dịu ưa và ghét hay hấp dẫn và ghê tởm;
Và suy xét trên sự kiện rằng các chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp là nhân gần của xả ba-la-mật.
Xả ba-la-mật nên được suy xét như sau: ‘Nếu không có (tâm) xả, những hành động mích lòng do các chúng sinh khác làm sẽ gây ra sự dao động trong tâm. Và khi tâm dao động thì không thể nào thực hành các pháp thiết yếu của sự giác ngộ được.’ Và: ‘Mặc dù tâm đã được mềm dịu với nước của từ ái, song không có xả người ta không thể làm cho những pháp thiết yếu của giác ngộ được trong sạch và cũng không thể cống hiến những công đức cùng với những quả phước của chúng nhằm thúc đẩy sự an vui, hạnh phúc của các chúng sinh.’
Hơn nữa, sự đảm nhận, sự quyết định, sự thành tựu và sự hoàn thành của tất cả những điều kiện cần thiết của giác ngộ thành công là nhờ sức mạnh của xả. Vì không có xả, người nguyện thực hành bồ-tát không thể từ bỏ một vật mà không mắc phải sự phân biệt sai lầm (tính toán thiệt hơn) đối với những vật thí và người thọ thí. Không có xả vị ấy không thể thanh tịnh giới mà không nghĩ đến những chướng ngại đối với mạng sống và những nhu cầu thiết yếu của mình. Xả làm hoàn thiện sức mạnh của sự xuất gia, vì nhờ xả vị ấy vượt qua tình trạng bất mãn và thích thú. Xả làm hoàn thiện những nhiệm vụ của các pháp thiết yếu nhờ cho trí tuệ khả năng xem xét chúng đúng theo khởi nguyên của chúng. Khi tinh tấn đề khởi quá mức do không được xem xét với xả, nó không thể thực hiện nhiệm vụ phấn đấu thích hợp. Nhẫn nại và nhu thuận chỉ khả dĩ nơi một người có xả. Vì nhờ phẩm chất này, vị ấy nhìn những thăng trầm của cuộc đời với một cái tâm bình đẳng, và quyết định hoàn thành những pháp hành mà vị ấy đã đảm nhận trở nên vững chắc không gì có thể lay chuyển nổi. Và bởi vì vị ấy không quan tâm tới những sai lầm do người khác tạo, vị ấy hoàn thiện việc an trú trong tâm từ. Như vậy xả được xem là yếu tố không thể thiếu đối với sự thực hành của tất cả các ba-la-mật khác.
Trên đây là sự suy xét về xả ba-la-mật.
Sự dập tắt ưa và ghét là sự hoàn thành của xả. Trong những sự kiện đặc biệt, giữ một thái độ lơ là không lưu tâm tới một cái gì cả sẽ dẫn đến sự suy yếu của xả. Một thái độ như vậy không thể gọi là xả. Nó chỉ là sự vô tri hay không ý thức và bị nghĩ lầm là xả. Xả thực sự không phải là thái độ dửng dưng hay vô tri như vậy. Nó biết cả hai —  thiện đưa đến an vui hạnh phúc và ác đưa đến khổ đau. Nhưng người giữ thái độ xả suy xét một cách rõ ràng: ‘Ta không quan tâm đến vấn đề hạnh phúc và khổ đau này; chúng chỉ là kết quả của những hành nghiệp thiện và ác của họ mà thôi.’
Chú Giải Netti nói: ‘Sự đãng trí tột độ, ra vẻ như thờ ơ đối với các trần cảnh tốt xấu khác nhau, là (xả) giả dối. Si (mê) cải trang như xả là (xả) giả dối. Miễn cưỡng khi làm các việc phước cũng có khuynh hướng lừa dối bằng cách làm ra vẻ bề ngoài kiểu cách cao thượng như đang thực hành xả. Lơ là trong việc làm các điều thiện cũng có thể là đang làm bộ hành xả. Do đó hành giả phải tự lưu ý mình không để bị đánh lừa bởi thái độ si mê hay lười nhác vốn có xu hướng cư xử giống như xả vậy.
Xả không phải là thái độ thờ ơ; trái lại, nó chú ý và lưu tâm tới đối tượng quán (xét). Trong sự lưu tâm này, vị phát nguyện bồ-tát tự nhủ: ‘Chẳng thể làm được điều gì để cho các chúng sinh kể cả bản thân ta được hạnh phúc hay khổ đau. Ai có thiện nghiệp sẽ được an vui và ai có ác nghiệp sẽ phải chịu khổ đau. Vì hạnh phúc hay không hạnh phúc của họ liên quan đến nghiệp quá khứ, không ai có thể làm được điều gì cho hạnh phúc hay khổ đau của họ được.’ Chỉ có suy xét sâu xa theo cách sinh động này với các chúng sinh như những đối tượng quán mới tạo ra xả thực sự. Vì nó không vướng vào lo lắng cũng không bứt rứt khó chịu, nói khác hơn nó là trạng thái tâm cao thượng, thanh thản và an tịnh.
Trong Chú Giải Cariyāpitāka có câu chuyện Mahālomahaṃsa Cariya, kể về đức bồ-tát của chúng ta khi ra sức nỗ lực để hoàn thành xả ba-la-mật. Một lần, đức bồ-tát sanh trong một gia đình giàu có và địa vị. Khi tới tuổi đi học ngài tìm tới một vị thầy danh tiếng. Sau khi hoàn tất việc học ngài trở về nhà để phụng dưỡng song thân. Khi cha mẹ chết, quyến thuộc của ngài thúc giục ngài phải bảo vệ và làm tăng thêm sự giàu có mà ngài đã được thừa hưởng.
Tuy nhiên đức bồ-tát đã hình thành một nỗi sợ hãi đối với các cõi sống (tam hữu) và sự sợ hãi của ngài là do thấy tính chất vô thường của các pháp hữu vi. Ngài cũng nhận thức được tính chất đáng ghê tởm của thân xác này và hoàn toàn không muốn bị rối ren trong rừng rậm của những phiền não liên hệ tới đời sống gia đình. Thực vậy, ước muốn xuất ly dục trần từ lâu đã tăng trưởng trong ngài. Vì thế ngài muốn từ bỏ thế gian sau khi đã từ bỏ số tài sản kếch xù mà ngài được thừa hưởng. Nhưng ngài tự nghĩ ‘Do những lời khen, sự xuất gia của ta sẽ làm cho ta trở nên nổi tiếng’. Vì ngài không muốn danh, lợi và được mọi người kính trọng, nên ngài chưa từ bỏ thế gian. Để tự thử xem mình đã có thể giữ tâm vững vàng không lay động trước những thăng trầm của cuộc đời như được, mất; khen, chê…hay chưa, ngài mặc quần áo bình thường của hàng dân dã và rời nhà. Ước nguyện của ngài là để thành tựu hình thức cao nhất của xả ba-la-mật bằng cách chịu đựng sự bạc đãi của mọi người. Sống một đời sống khổ hạnh cao thượng, ngài bị người ta nghĩ là một con người lập dị nhu nhược, người không bao giờ bộc lộ sân hận với người khác. Tự xem mình như một người không phải được đối xử với lòng kính trọng mà với sự hỗn xược, khinh khi, ngài lang thang hết làng này đến làng khác, hết phố này tới phố nọ, dù lớn hay nhỏ, mỗi nơi ngài chỉ ngủ lại một đêm duy nhất. Nhưng ở chỗ nào người ta tỏ ra hỗn xược nhất thì ngài ở lại lâu hơn. Khi áo quần tả tơi ngài cố gắng che thân bằng bất cứ manh áo nào còn lại. Và khi manh áo ấy rách nát ngài cũng không nhận bất kỳ món y phục nào của ai mà cố gắng che thân với những gì có thể dùng được và tiếp tục đi lang thang.
Sau khi sống một cuộc sống như vậy trong một thời gian dài, ngài tới một ngôi làng nọ. Những đứa trẻ trong ngôi làng ấy bản chất rất hung hăng. Một vài đứa bé là con của những phụ nữ goá chồng giao du với  giới cai trị tính tình bất nhất, kiêu ngạo, không chung thuỷ, và ham thích trong những cuộc nói chuyện phóng túng. Chúng đi đây đó, luôn luôn chọc ghẹo người khác. Khi chúng thấy những ông già bà lão nghèo khổ đi qua, chúng liền đi theo và ném tro vào lưng họ. Chúng còn cố gắng nhét những chiếc lá ketaki vào nách của những cụ già để làm cho họ cảm thấy khó chịu. Khi những cụ già này quay lại nhìn chúng thì chúng lại bắt chước những điệu bộ đi đứng của họ như còng lưng, khèo chân, làm bộ câm ngọng v.v… và rồi phá lên cười với nhau.
Khi đức bồ-tát thấy những đứa trẻ ngỗ nghịch này ngài nghĩ: ‘Bây giờ thì ta đã tìm được một phương tiện hỗ trợ hữu hiệu cho sự hoàn thành xả ba-la-mật rồi,’ và quyết định ở lại trong ngôi làng ấy. Nhìn thấy ngài, đám trẻ tinh quái cố gắng giễu cợt và chọc ghẹo ngài, và ngài làm bộ bỏ chạy như thể ngài không còn có thể chịu đựng được chúng và như thể sợ hãi chúng vậy. Nhưng bất cứ chỗ nào ngài đi, lũ trẻ vẫn cứ bám theo ngài.
Đức bồ-tát tiếp tục chạy tới một nghĩa địa và tự nhủ: ‘Đây là nơi sẽ không ai ngăn được lũ trẻ tinh quái này làm hại. Bây giờ ta đã có cơ hội để hoàn thành xả ba-la-mật đến mức lớn nhất.’ Ngài đi vào nghĩa địa và ngủ ở, đó lấy một cái sọ người làm gối. Có được cơ hội để thoả mãn những trò độc ác của mình, lũ trẻ ngu si đi đến chỗ đức bồ-tát ngủ và xỉ vả ngài bằng nhiều cách khác nhau, chúng còn khạc đờm, nhổ nước miếng lên người ngài và làm những điều độc ác khác rồi bỏ đi. Theo cách này,  chúng đối xử tàn nhẫn với ngài mỗi ngày.
Thấy những hành vi ngược ngạo mà lũ trẻ độc ác này làm, một số người trí đã cố gắng ngăn cản chúng. Họ hiểu rằng ‘Đây là một vị đạo sĩ thánh thiện có năng lực rất lớn’ và mọi người đã đảnh lễ ngài với lòng tôn kính rất mực.
Đức bồ-tát giữ cùng một thái độ đối với cả hai - lũ trẻ ngu si và những người trí. Ngài không tỏ ra ưa thích đối với những người trí đã tôn kính ngài và cũng không bộc lộ sân hận đối với lũ trẻ ngu si đã xỉ vả ngài. Thay vào đó ngài giữ một thái độ trung lập giữa thích và ghét đối với cả hai phía. Theo cách này, ngài đã thành tựu xả ba-la-mật.
Giống như tâm từ, tâm xả là một trong bốn mươi đề mục thiền chỉ và là một trong mười ba-la-mật (pāramīs). Nếu quý vị thực sự muốn thực hành tâm xả ba-la-mật, trước hết quý vị phải hành tâm từ, bi và hỷ theo tuần tự cho đến tam thiền. Sau khi đã xuất khỏi tam thiền, quý vị nên hành (tâm) xả cho đến khi đắc tứ thiền với tất cả chúng sinh trong vũ trụ vô biên kể như đối tượng. Quý vị cũng phải hành thiền Minh-sát (Vipassana) cho đến khi đạt đến hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa). Đây là loại xả cao nhất mà quý vị cần phải thành tựu.
Tôi sẽ chấm dứt bài giảng tối nay ở đây. Cầu mong những người ước nguyện thực hành bồ-tát đạo sớm trở thành một vị bồ-tát xác định. Và cầu mong những người nguyện đạt đến Niết-bàn (Nibbāna) sớm thành tựu mục đích của mình.

CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật