Monday, August 4, 2014

GIỚI HẠ LIỆT




Namo Tassa, Thành Kính Đảnh Lễ Bhagavato, Đức Thế Tôn,
Arahato, Bậc A-La-Hán, Sammāsambuddhassa. Đấng Chánh Biến Tri.
Vận Hành Của Nghiệp
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật

GIỚI HẠ LIỆT
Cái gì làm cho giới của một người thành hạ liệt? Nếu, trước hoặc sau tâm tiết chế, tâm người ấy phối hợp với các pháp bất thiện, đó là giới hạ liệt. Như đã giải thích ở trên, khi giới của một người không kết hợp với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp, có thể sự tiết chế (tránh không làm điều ác) của họ luôn luôn mang tính chọn lựa hoặc tuỳ hứng. Tại sao? Bởi vì liền trước hoặc sau sự tiết chế, thường sẽ là những tâm căn tham.

Đi xa hơn nữa, đó có thể là sự không tiết chế, vì tâm ấy là tâm căn tham, hoặc tâm căn sân. Chẳng hạn, người ta có thể tránh giết một con bướm, vì họ nghĩ nó đẹp: nghĩ con bướm đẹp là tâm căn tham. Trái lại, người ta có thể cố gắng giết những con muỗi hay gián vì nghĩ chúng có hại, đó là những tâm căn sân. Như vậy, sự tiết chế của họ bị xen lẫn bởi tham, sân và si. Một người có thể tránh ăn cắp của người trong gia đình mình, người cư ngụ trong làng của mình, hay người trong xứ của mình: tâm tránh ăn cắp đó là tâm lừa đảo, thuộc căn tham. Nhưng một người có thể vui vẻ ăn cắp của người trong gia đình khác, làng khác, hay xứ sở khác: đó là tham, sân và si.

Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả những ví dụ chúng tôi đưa ra để làm rõ việc giữ giới mang tính chọn lựa hay tuỳ hứng. Thường thường, những tâm đó là những tâm không phối hợp với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp. Nhưng đôi khi nó cũng có thể phối hợp với trí ấy. Chẳng hạn, một người có thể nghĩ: ‘Để sau, để sau đi! Hiện giờ tôi còn phải chăm lo cho gia đình, chăm lo cho tài sản của tôi. Khi lớn tuổi hơn, tôi có thể tu tập giới tốt hơn.’ Hay: ‘Khi tôi đi dự khoá thiền, hay sống trong một ngôi chùa, tôi có thể tu tập giới đúng đắn hơn.’ Giới tùy tiện như vậy bị đan xen bởi những tâm căn tham và căn sân, khiến cho nó trở thành hạ liệt.

Cũng có sự thọ giới mang tính hạ liệt. Chẳng hạn, một người có thể thọ giới một cách miễn cưỡng. Do một quan niệm nào đó, người ta có thể nghĩ thọ giới là chuyện lỗi thời, cổ hủ và do đó không thọ; do kiêu mạn, một người có thể không thích đọc nghi thức xin giới nơi một vị Tỳ kheo; hay do một quan niệm nào đó người ta có thể không thích phải học những nghi thức bằng tiếng Pāḷi. Nhưng một người có thể do bạn bè hay gia đình thúc giục đi thọ giới, và người ấy cảm thấy xấu hổ không muốn để cho mọi người biết rằng mình không muốn giữ giới. Vì thế, miễn cưỡng người ấy đi đến một vị Tỳ kheo, miễn cưỡng người ấy học nghi thức thọ giới bằng Pāḷi, và miễn cưỡng người ấy thọ giới. Như vậy, việc thọ giới của người ấy bị đan xen bởi những tâm bất thiện phối hợp với tà kiến (căn tham),và với sự chán ngán, bất mãn (căn sân). Sau đó, người ấy nhớ lại và tự nhắc nhở mình rằng mình là một người đã thọ giới, dù bất mãn nhưng người này vẫn tiếp tục giữ giới.

Cũng vậy, trong một ngày người ta sẽ gặp rất nhiều cơ hội để phạm giới. Chẳng hạn, một con muỗi bay đến, và đậu trên cánh tay bạn. Khi bạn tránh giết nó một cách có ý thức, các tâm thiện phát sanh, nhưng bạn cũng có thể làm điều đó một cách miễn cưỡng, vì thực lòng bạn vẫn muốn giết con muỗi. Ví dụ khác là một người miễn cưỡng thọ trì bát quan trai giới trong một ngày: cả ngày hôm đó anh ta hay cô ta chán nản và không vui, mong muốn cho mau hết ngày. Như vậy, anh ta hay cô ta đã tu tập giới một cách miễn cưỡng, nôn nóng, và không hoan hỷ.

Ở đây, một lần nữa chúng tôi dẫn lại ví dụ về đức Bồ Tát196, khi ngài còn là một vị đạo sĩ tên Kaṇhadīpayana, mà trước đây chúng tôi đã đề cập việc ngài công bố sự thực để cứu mạng đứa bé bị rắn độc cắn. Lời công bố sự thực của ngài cho thấy rằng chỉ tuần lễ đầu làm đạo sĩ ngài sống đời phạm hạnh một cách vui vẻ, với ước nguyện tạo phước (puññ-atthiko). Sau đó, ngài sống đời phạm hạnh, và thực hành jhāna (thiền định) một cách miễn cưỡng, không có niềm tin. Điều đó có nghĩa rằng ngài đã thực hành thiện giới và định với sự bất mãn: vì vậy cả hai căn bản cho việc tác phước này trở thành hạ liệt, hơn năm mươi năm.
Thiện giới là hạ liệt khi một người giữ giới vì mong muốn được nổi tiếng, vì mong muốn được lợi lạc vật chất, hay vì muốn được tái sanh an vui trong tương lai. Và cũng là hạ liệt nếu một người trở nên kiêu căng tự phụ với thiện giới của mình, và khinh thường những người không giữ được giới như mình.

Trên đây là những ví dụ cho thấy giới và nghiệp tiết chế của một người có thể bị đan xen bởi vô số những tâm bất thiện có gốc ở tham, sân và si như thế nào. Và điều đó làm cho giới của họ trở thành hạ liệt ra sao. Nếu một người không hiểu những vận hành của nghiệp, thì giới của họ không phối hợp với vô si, và trở thành hạ liệt, nhị nhân (dvihetuka): điều đó có nghĩa rằng tâm quả sẽ là vô nhân (ahetuka). Nếu một người hiểu những vận hành của nghiệp, giới của họ cũng được phối hợp với vô si, song ngay cả như vậy sự xen lẫn của vô vàn tâm bất thiện vẫn khiến nó trở thành giới hạ liệt, tam nhân (ti-hetuka): điều đó có nghĩa rằng tâm quả sẽ chỉ là nhị nhân (dvi-hetuka) mà thôi.