Thursday, August 28, 2014

Dũng cảm, thanh bảo kiếm chặt đứt mọi gian nan

VIRANAM BHAVO: dũng cảm.

Trong tự điển của người dũng cảm, hoàn toàn không tồn tại hai chữ “khó khăn”, cho nên có thể kiên cường đối mặt với mọi thử thách gian nguy, sẽ mãi không lùi bước, sẽ mãi không khuất phục.

Dũng cảm, một trong những đức tính được Phật khích lệ, là một thanh bảo kiếm có khả năng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, và một khi thêm vào trí tuệ và niềm tin, chắc rằng không có sức mạnh nào địch nổi, đã đánh là thắng. Cho dù có thông minh tài trí hơn người đi chăng nữa, nhưng nếu như thiếu đi dũng khí, thì làm việc gì cũng do dự, gặp khó khăn nào cũng lưỡng lự, thấy nguy hiểm liền tỏ ra e dè, sợ hãi, và rồi, cuối cùng một đời chẳng làm nên được tích sự gì.

Dũng cảm vốn không biểu thị cái gì cũng không sợ sệt, mà là khi đối diện với khó khăn, gian khổ, có thể dũng mãnh tiến lên phía trước một cách kiên cường. Tất cả trách nhiệm và đạo nghĩa mà mình phải làm thì đều nhất định làm cho bằng được, gọi là “việc nghĩa nên làm, thì dù ở trong bất kỳ điều kiện nào, cũng cố gắng làm tới cùng”. Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, trang bị vũ khí của các nghĩa sĩ vô cùng thô sơ, tiếp tế lại khó khăn, nhưng liên tục đánh vào lòng giặc ngoại xâm, và đã lập nên nhiều kỳ công; ngoài chiến lược và sự bố trí chiến thuật linh hoạt ra, yếu tố chủ yếu dẫn đến thắng lợi chính là “nghĩa” và “dũng”, cho nên dân chúng gọi họ là “quân nghĩa dũng”.

“Nghĩa” chính là, thấy việc bất bình không cho phép mình chối từ, thoái thác, “dũng” chính là dám làm dám chịu, “Tự mình suy xét, nếu thấy không có đạo lý, thì phải rút lui; trái lại, nếu sau khi suy xét, thấy có lý lẽ, không hổ thẹn với lương tâm, thì dù cho khó khăn, ta cũng dũng cảm tiến lên, quyết không chùn bước”. Trong cuộc đời con người, bởi do những ép bức của hoàn cảnh, có những việc nghĩa nên ra sức làm, thì chưa hẳn đã làm được, có những việc lý ra không nên làm, thì trái lại, khó lòng từ chối; giữa biên giới làm và không làm, có lúc khiến cho con người rơi vào tình thế khó xử. Lựa chọn và giải quyết nó như thế nào, chính là thể hiện dũng khí và trách nhiệm của một con người.      

Gặp chuyện, biết có thể làm hay không, có nên làm hay không, là vấn đề phán đoán và tiết tháo của đạo đức; còn như, có thể giữ vững công đạo đúng sai một cách không màng đến thành bại, thiệt hơn hay không, chính là vấn đề trách nhiệm và lòng dũng cảm. Chịu làm là “nghĩa”, dám làm là “dũng”, có nghĩa có dũng, mới có thể “xông pha khói lửa, bất chấp gian nan”. Trong tâm luôn gìn giữ thanh bảo kiếm “dũng cảm” này, mới mong có thể xử lý được mọi tình huống hoặc nên làm hoặc không nên làm ấy.

Phước Tâm dịch

Theo: Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay