Tâm Từ Ba-La-Mật
Liên
quan đến tâm từ ba-la-mật, đó là ước muốn lo lắng cho sự an vui và hạnh phúc của
thế gian, có lòng đại bi và trí (hiểu biết) về phương tiện thiện xảo đi kèm;
trong cách biểu hiện, thì nó là lòng từ thiện.
o Tâm từ
ba-la-mật có đặc tính thúc đẩy sự an vui, hạnh phúc của các chúng sinh;
o Nhiệm
vụ: lo liệu cho sự an vui của các chúng sinh; hay nhiệm vụ của nó là loại trừ sự
bực bội (sân hận);
o Sự thể
hiện: lòng ân cần, tử tế;
o Và thấy
khía cạnh vừa ý của các chúng sinh là nhân gần của tâm từ ba-la-mật.
Những
phẩm chất cao quý của tâm từ cần phải được suy xét như sau: “Người chỉ quyết tâm mưu tìm hạnh phúc cho
riêng mình, nếu không có một sự quan tâm nào đó tới tới hạnh phúc của những người
khác, sẽ không thể đạt được sự thành công trong đời này hay không thể có được một
sự tái sinh an vui trong đời sau; vậy thì, làm thế nào một người ước mong an lập
tất cả chúng sinh trong sự chứng đắc Niết-bàn lại có thể thành công nếu không
có tâm từ? Và căn bản nhất, nếu bạn mong muốn dẫn dắt tất cả chúng sinh đến chỗ
chứng đắc Niết-bàn, pháp siêu thế, bạn nên bắt đầu bằng cách ước mong cho sự
thành công hay có được hạnh phúc thế gian của họ ngay trong hiện tại.” Và: “Ta không thể lo lắng cho sự an vui và hạnh
phúc của tha nhân bằng cách chỉ ước mong suông được. Ta hãy ra sức tinh tấn để
hoàn thành ước mong ấy.” Và: “Bây giờ
ta hỗ trợ họ bằng cách thúc đẩy sự an vui và hạnh phúc của họ; nhưng sau đó họ
sẽ là những người bạn đồng hành của ta trong việc xẻ chia Pháp (Dhamma).”
“không có những chúng sinh này, ta không thể có được những điều kiện cần thiết
của sự giác ngộ. Vì lẽ họ là nhân cho sự thể hiện và hoàn hảo của tất cả những
phẩm hạnh của Phật, cho nên những chúng sinh này đối với ta là một ruộng phước
vô thượng (phước điền vô thượng), một nền tảng vô song để gieo trồng những thiện
căn, và là đối tượng tối hậu của lòng tôn kính.”
Đặc biệt
là vị bồ-tát nên khơi dậy một khuynh hướng mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy sự an
vui và hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Và tại sao tâm từ lại phải được tu tập
đối với tất cả chúng sinh? Bởi vì nó là nền tảng cho lòng bi mẫn. Vì khi bạn
thích thú trong việc lo lắng cho sự an vui và hạnh phúc của những chúng sinh
khác với một tấm lòng rộng mở vô biên, thì ước muốn loại trừ những bất hạnh và
đau khổ của họ được ăn rễ mạnh mẽ và vững chắc hơn. Và lòng bi mẫn là pháp đầu
tiên trong tất cả các pháp (dhammas) đưa đến Phật-quả - hay có thể nói đó là chỗ
đặt chân, là nền tảng, là cội rễ, là cái đầu và thủ lĩnh của tất cả các pháp.
Là người
muốn hướng tâm từ của mình đến các chúng sinh bạn phải nên thận trọng một điều,
đó là không để cho tham dục phát triển dưới lốt tâm từ vì điều này đã được cảnh
báo trong bộ Chú giải Netti: ‘Rāgo
mettayanamukhena vanceti.’ - ‘Tham dục dưới lốt tâm từ là sự lừa dối.’ Trong Brahmavihāra Niddesa (Quảng Thuyết về Các Phạm Trú) của bộ
Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) cũng
tuyên bố như vậy: ‘Sự dập tắt của sân hận
có nghĩa là sự thành tựu của tâm từ, nhưng sự sanh khởi của dục tham hàm ý sự
huỷ diệt của tâm từ.’
Ý
nghĩa của nó là gì? Khi một người hướng tâm từ của anh ta đến một người mà anh
ta đang nổi sân, sân hận biến mất và trong anh ta xuất hiện tâm từ thì đó là
tâm từ thực. Do đó sự biến mất của sân hận
dẫn đến sự xuất hiện của tâm từ. Ngược lại tham dục xuất hiện trong tâm khi anh
ta đang tu tập tâm từ thực thì tâm từ ấy kể như thất bại.
Vì tâm
từ là một trong mười ba-la-mật, nên nó phải được hướng tới các chúng sinh khác
cho đến khi họ đáp trả lại ta bằng thiện chí. Tâm từ không chỉ có trong mười
ba-la-mật, mà nó còn nằm trong bốn mươi đề mục thiền chỉ (samātha), dẫn đến xự
chứng đắc các bậc thiền (jhāna) và thần thông. Bởi thế mà các vị bồ-tát và các
bậc giới đức thời xưa đã tu tập tâm từ và với sự định tâm mạnh mẽ và đắc được
các bậc thiền và thần thông. Để thuyết minh một trường hợp chứng thiền trong
khi đang hoàn thành ba-la-mật, tôi sẽ nêu ra đây một tóm lược về Chuyện Tiền-thân Seyya (Seyya Jātaka).
Một thời,
đức vua Brahmadatta của xứ Ba-la-nại (Braranasi) trị vì đất nước một cách công
minh, chân chánh và hoàn thành mười phận sự của một vị vua (thập vương pháp)[1].
Ngài thường làm các công việc bố thí, giữ ngũ giới, thọ trì bát quan trai giới
(trong những ngày trai giới). Lúc bấy giờ một vị quan nọ phạm một tội ác trong
hoàng cung đã bị đức vua đuổi ra khỏi vương quốc. Vị quan này bèn đi đến nước Kosala
láng giềng và trong khi phục vụ cho vị vua ở đó ông đã thúc giục vua này tấn
công và chiếm lấy xứ Ba-la-nại (Bārāṇasī) mà, theo ông nói, rất dễ chiếm (vì
vua Ba-la-nại là người giữ ngũ giới nên không bao giờ sát sanh). Vua Kosala đã
nghe theo lời đề nghị của ông ta, đánh chiếm và bắt bỏ tù đức vua Brahmadatta,
trong khi đức vua cùng với các quan trong triều của ngài, hoàn toàn không kháng
cự.
Ở
trong tù, đức Vua Brahmadatta hướng tâm từ của mình đến đức Vua Kosala, người
đã chiếm đoạt vương quốc của ngài, và đúng thời đắc được thiền tâm từ. Do sức mạnh
của thiền tâm từ ấy Vua Kosala cảm nghe nóng bức khắp toàn thân như thể đang bị
thiêu đốt bởi những ngọn đuốc. Khốn khổ vì chứng đau lạ kỳ này, ông hỏi các vị
quan của mình: ‘Tại sao điều này lại xảy ra với trẫm?’ Các vị quan trả lời:
‘Tâu Đại Vương, sở dĩ ngài phải chịu sự đau đớn này là bởi vì ngài đã giam giữ
đức vua Brahmadatta, một người có đầy đủ giới đức.’ Nghe như vậy vua Kosala vội
vã đi đến gặp đức vua Brahmadatta để xin ngài tha thứ và trả lại vương quốc cho
vị này, ông nói: ‘Xứ sở của ngài là của ngài trở lại.’ Từ câu chuyện trên chúng
ta thấy rõ ràng là thường xuyên trau dồi tâm từ sẽ dẫn đến sự chứng thiền
(jhāna).
Tâm từ của Đức Phật:
Một lần
nọ trong khi Đức Phật cùng chư Tăng đang du hành đến xứ Kusinara, các vị hoàng
tử Malla thoả thuận với nhau rằng ai không ra nghinh tiếp Đức Phật và chư Tăng
sẽ bị phạt. Theo lời thoả thuận ấy, một vị hoàng tử Malla tên Roja, là bạn của
Tôn-giả Ānanda lúc ngài còn là người tại gia,
đã (miễn cưỡng) ra nghinh tiếp Đức Phật và chư Tăng cùng với các vị
hoàng tử Malla. Thấy vậy Tôn-giả Ānanda nói với Roja một cách khâm phục rằng được
đón tiếp chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu thế này là một cơ hội vô cùng trọng đại
đó. Roja trả lời rằng anh làm vậy không phải vì anh có niềm tin gì nơi Tam Bảo
mà chỉ vì có sự thoả thuận giữa họ với nhau mà thôi. Thấy câu trả lời của Roja
không vui Tôn-giả Ānanda đã đến gặp Đức Phật và nói lại với ngài về sự việc đó.
Tôn-giả cũng thỉnh cầu Đức Phật làm sao cho tâm trí Roja được nhu thuận hơn.
Lúc đó Đức Phật hướng tâm từ của Ngài đặc biệt cho Roja khiến anh ta không thể ở
yên tại chỗ, mà giống như con bê con bị tách khỏi mẹ, anh chạy đến nơi Đức Phật
đang trú. Với đức tin chân thật nơi Đức Phật vừa khởi lên, anh thành kính đảnh
lễ Đức Phật và lắng nghe Ngài thuyết pháp, kết quả là anh trở thành một bậc
Thánh Nhập-Lưu.
Phẩm
Anusativagga (Tuỳ Niệm Phẩm) của bộ Tăng Chi Kinh (Aṇguttara Nikāya) đề cập mười
một lợi ích mà nhờ thường xuyên tu tập tâm từ một người tích luỹ được :
1.
Người
ấy ngủ trong an lạc,
2.
Người
ấy thức dậy trong an lạc,
3.
Người
ấy không có những ác mộng,
4.
Người
ấy được mọi người yêu mến,
5.
Người
ấy được các hàng phi nhân (dạ-xoa và ngạ quỷ) yêu mến,
6.
Người
ấy được các hàng chư thiên bảo vệ,
7.
Người
ấy không bị lửa, thuốc độc và vũ khí làm hại,
8.
Tâm
vị ấy dễ dàng nhập định,
9.
Nét
mặt người ấy luôn an tịnh và trong sáng,
10. Người ấy
chết không rối loạn,
11.
Nếu
không thể nhập Pháp cao hơn (đạo và quả A-la-hán) trong kiếp hiện tại, người ấy
sẽ tái sanh Phạm thiên giới sau khi chết.
Thời Đức
Phật, có lần đức Vua Udena đã nổi giận với Hoàng-hậu Sāmāvatī và ra lệnh cho
hoàng hậu và năm trăm cung nữ phải sắp hàng đối diện với ông. Rồi đức Vua lấy
cây cung và một mũi tên tẩm thuốc độc ra, ý định sẽ bắn chết họ. Tuy nhiên
hoàng hậu và năm trăm cung nữ vẫn bình tĩnh rải tâm từ đến nhà Vua, người lúc
đó thấy mình không thể nào buông mũi tên ra được và đặt cung tên xuống cũng
không xong. Mồ hôi chảy ướt đẫm người đức Vua đang run rẩy. Miệng ông nhễu cả
nước miếng trông giống như một người bỗng nhiên mất hết khả năng kiểm soát mình
vậy.
Hoàng-hậu
Sāmāvatī nói với đức Vua, ‘Tâu Đại Vương, có phải ngài đang cảm thấy kiệt sức?’
Đức Vua trả lời, ‘Này hoàng hậu thân yêu, Ta đang cảm thấy kiệt sức thật. Hãy
giúp ta.’
‘Được lắm, tâu đại vương,’ nàng
nói, ‘hãy chĩa mũi tên xuống đất.’
Đức
Vua làm theo lời nàng bảo. Rồi Hoàng-hậu Sāmāvatī nguyện, ‘Cầu mong cho mũi tên
được buông ra.’ Và mũi tên tẩm thuốc độc được buông ra ghim xuyên qua mặt đất.’
Cũng
thời Đức Phật, có lần kỹ nữ Sirimā cảm thấy ghen tỵ với nàng Uttarā, một tục
gia đệ tử của Đức Phật. Cô lấy một cái môi, múc đầy dầu ăn đang sôi trong một
cái nồi nấu trên bếp lửa, và bất ngờ đổ môi dầu ấy lên đầu của Uttarā. Nhưng
Uttarā lúc đó đang trú trong thiền tâm từ, và toàn thân nàng thấm đẫm với từ
ái, nên không cảm giác cái nóng của dầu sôi. Có thể nói dầu nóng đổ lên người
nàng giống như nước đổ trên lá sen.
Như vậy, không chỉ tâm từ của Đức Phật hay một vị bồ-tát mới
có sức mạnh, mà tâm từ của các vị đệ tử Phật cũng có thể rất mạnh mẽ nữa.
CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp
Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng
Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế
Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật
[1] Thập Vương Pháp (Rājadhamma): Bố thí; Có
giới hạnh; Xả kỷ; Chánh trực; Nhu hoà; Khắc chế; Không nóng giận; Không não hại;
Kham nhẫn; Không sai trệch (không đi ra ngoài đạo đức của một người lãnh đạo).
(KTPH tr. 390)