Sunday, August 17, 2014

2 Giới Ba-la-mật



2 Giới Ba-la-mật

Liên quan đến giới ba-la-mật. Đó là cách hành xử tốt đẹp của thân và lời nói, đi kèm với lòng đại bi và phương tiện thiện xảo trí;
o  Trong cách biểu hiện thì nó là sự tiết chế hay tránh những gì không nên làm, và cố ý làm những gì nên làm, v.v…
o  Đặc tính của giới là sự bình tĩnh (sīlana - một nghĩa khác là sự thực hành); hai pháp: samādhāna (tập trung lại) và patiṭṭhāna (sự thiết lập) cũng được đề cập như đặc tính của giới.
o  Nhiệm vụ: xua tan tà hạnh, hay nhiệm vụ của nó là hành vi cư xử vô lỗi;
o  Sự thể hiện: trong sạch về đạo đức (sự thanh tịnh);
o  Và nhân gần của giới là tàm và quý (sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi).
Giới ba-la-mật (sīla pāramīs) cần phải được suy xét như sau: ‘Ngay cả nước Sông Hằng (Gangas) cũng không thể rửa sạch được cấu uế của sân, vậy mà nước của giới lại có thể làm được điều đó. Ngay cả trầm hương vàng cũng không thể làm mát dịu được cơn sốt dục, vậy mà giới lại có thể loại trừ được dục tham.  Giới là món trang sức duy nhất của người thiện, nó vượt qua những món trang sức như chuỗi hột (anh lạc), vương miện, bông tai… mà người bình thường nâng niu, ưa thích. Hương của giới vượt xa các loại hương vì nó tỏa khắp mọi hướng và luôn luôn thích hợp. Giới là một thần chú tối cao chiếm được lòng tôn kính của các hàng chư thiên và các bậc đế vương quyền thế, v.v…, một chiếc thang leo lên thế giới chư thiên, đến cõi trời Tứ Đại Thiên Vương, Đạo Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, v.v…  một phương tiện để thành tựu các bậc thiền (Jhānas) và các năng lực thần thông; một con đường dẫn vào đô thị lớn của Niết-bàn, là nền tảng cho sự giác ngộ của các vị thinh văn đệ tử, Độc Giác Phật (Paccekabuddha), và chư Phật Chánh Đẳng Giác. Và như một phương tiện cho sự thành tựu mọi ước nguyện cũng như hoài bảo của con người, nó vượt xa cây như ý và viên ngọc ước.
Và Đức Thế Tôn đã nói: ‘Lòng quyết tâm của bậc giới đức, này các Tỳ-kheo, thành công nhờ sự thanh tịnh của vị ấy’ (A.N viii. 4.5). Và: ‘Này các Tỳ-kheo, nếu một vị Tỳ-kheo ước nguyện: “Mong rằng ta được các đồng phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và tôn trọng,” vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật’ (MN. 6). Và: ‘Giới luật trong sạch, này Ānanda, dẫn đến sự bất hối (không hối hận)’ (A.N xi. 1.1) Và: ‘Này các gia chủ, đây là năm lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. Thế nào là năm?
Ở đây, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ có tiền của dồi dào rất nhiều vì sống không phóng dật. Đó là lợi ích thứ nhất cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật tiếng tốt được đồn xa. Đó là lợi ích thứ hai cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Đó là lợi ích thứ ba cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ chết với tâm không rối loạn. Đó là lợi ích thứ tư cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. Đó là lợi ích thứ năm cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. (D.N 16). Như vậy những phẩm chất cao quý của giới cần phải được suy xét theo cách Đức Phật dạy trong những bài Kinh này, và sự nguy hiểm của việc sa đoạ về đạo đức hay phá giới sẽ được suy xét theo những bài Kinh như Kinh Ví Dụ Đống Lửa (Aggikkhandhopanna Sutta). Sau đây là phần tóm tắt của bài kinh Ví Dụ Đống Lửa - Aggikkhandhopanna Sutta - đề cập trong Sattaka Nipāta, của Tăng Chi Kinh (Aṇguttara Nikāya).
Một thời, Đức Thế Tôn đang du hành trong xứ Kosala, cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Khi nhìn thấy một đống lửa đang cháy ở một địa điểm nọ ngài rời khỏi đường cái và bước đến ngồi trên chỗ ngồi làm bằng tấm y Tăng-già-lê xếp tư do Tôn-giả Ānanda chuẩn bị sẵn dưới một gốc cây.
Rồi Đức Thế Tôn gọi các vị Tỳ-kheo:
Này các Tỳ-kheo, cái nào là tốt hơn nằm ôm đống lửa đang cháy đỏ rực kia hay nằm ôm một cô gái?
Trước câu hỏi này, các vị Tỳ-kheo đã trả lời không như lý rằng nằm ôm cô gái sẽ tốt hơn. Nghe như vậy, Đức Phật giải thích rằng đối với một người ác giới (không giới đức),  thà nằm ôm đống lửa đang cháy đỏ rực kia còn tốt hơn vì nó chỉ khiến cho người ấy khổ đau có một kiếp, trong khi ôm ấp một cô gái sẽ dẫn người ấy đi xuống những cảnh giới thấp hèn.Tại sao? Lý do là, như đã đề cập trong Ādittapariyāya Sutta của Tương Ưng Kinh (Saṃyutta Nikāya), dính mắc vào một cô gái và thọ hưởng thú vui nằm ôm ấp cô ta là một pháp bất thiện. Pháp bất thiện này có năng lực vô cùng mạnh mẽ để tạo ra quả của nó trong cảnh giới khổ (địa ngục) ở đây người ta sẽ phải ở lại trong một thời gian dài.
Rồi Đức Phật tiếp tục hỏi các vị Tỳ-kheo những câu hỏi sau:
Cái nào là tốt hơn, để cho một người lực sĩ hành hạ bằng cách dùng một sợi dây da cuốn vào hai ống chân rồi siết mạnh cho đến khi da, thịt, gân và xương đều bị xé rách và nghiến nát, hay là thích thú nhận sự đảnh lễ của người có đức tin?’
Cái nào là tốt hơn, để cho một người lực sĩ dùng một cây giáo nhọn đâm vào ngực hay là nhận sự đảnh lễ của người có đức tin?’
Cái nào là tốt hơn, để cho một người lực sĩ lấy những tấm sắt nóng đỏ bọc vào thân các ông hay sử dụng y áo do  người có đức tin cúng dường?’
Cái nào là tốt hơn, để cho một người lực sĩ cạy miệng các ông ra và đỡ nó với một cây chống bằng sắt nóng đỏ rồi ném vào đó một hòn sắt  đang cháy khiến lục phủ ngũ tạng bị đốt cháy cho đến phần dưới của thân hay thọ nhận đồ ăn của người có đức tin dâng cúng?’
Cái nào là tốt hơn, để cho một người lực sĩ nắm chắc lấy đầu hoặc vai và bằng sức mạnh ấn cho ngồi hoặc nằm xuống trên chiếc giường sắt được đốt cháy nóng đỏ hay thọ dụng gường nằm của người có đức tin dâng cúng?’
Cái nào là tốt hơn, để cho một người lực sĩ nắm chúc đầu xuống và quăng vào trong một chảo nấu sắt đang sôi hay sống trong một ngôi chùa do người có đức tin dâng cúng?’
Đối với tất cả sáu câu hỏi sau này, các vị Tỳ-kheo cũng trả lời không như lý giống như các vị đã trả lời câu hỏi thứ nhất. Và Đức Phật cũng đã đưa ra những câu trả lời tương tự như câu trả lời thứ nhất, đó là, đối với một người ác giới (không giới đức), thà để cho chân bị xé rách và nghiến nát ra, hay để cho ngọn giáo nhọn đâm vào ngực, v.v… còn tốt hơn, vì chúng chỉ khiến cho bị khổ trong một kiếp, trong khi thích thú nhận sự đảnh lễ của người có đức tin, v.v…sẽ dẫn đến các cõi khổ ở đây người ta phải ở lại trong một thời gian lâu dài. 
Đức Phật kết thúc bài Kinh với những lời này:
Để đem lại lợi ích lớn nhất cho những thí chủ có đức tin, những người đã dâng cúng tứ vật dụng, và làm cho đời sống của một người trong Tăng Chúng được thuận lợi, một vị Tỳ-kheo phải thực hành tam học (giới, định, và tuệ); một vị Tỳ-kheo ước muốn hạnh phúc cho mình cũng như hạnh phúc cho những người khác phải luôn luôn chuyên cần và chánh niệm’. 
Cuối thời pháp, sáu mươi vị Tỳ-kheo ác giới hộc máu nóng từ miệng; sáu mươi vị Tỳ-kheo phạm những giới luật nhỏ rời bỏ Tăng Đoàn hoàn tục; sáu mươi vị Tỳ-kheo sống đời (phạm hạnh) thanh tịnh chứng đắc A-la-hán.
Trên đây là phần tóm tắt của bài Kinh Ví Dụ Đống Lửa - Aggikkhandhopanna Sutta.
Lại nữa, giới cần phải được suy xét như căn bản cho sự hân hoan và hỷ; như tạo ra khả năng vô uý - không sợ sự tự trách mình, không sợ sự khiển trách của người khác, không sợ sự trừng phạt tạm thời, và không sợ một sanh thú ác sau khi chết; như được người có trí khen ngợi; như nhân căn để cho sự không hối hận; như căn bản cho sự an ổn; và như vượt lên trên những thành tựu về sự thọ sanh cao quý, tài sản, quyền uy, sống lâu, sắc đẹp, địa vị, quyến thuộc, và bè bạn. Vì hân hoan và hỷ khởi lên nơi một người giới đức khi vị ấy suy xét về sự hoàn thành giới đức của mình: ‘Ta đã làm được những điều thiện, Ta đã làm được những điều tốt lành, Ta đã tự xây cho mình một chỗ trú khỏi sự sợ hãi.’ Người giới đức không tự trách mình, và những bậc có trí khác cũng không trách vị ấy, và vị ấy không gặp phải sự nguy hiểm của hình phạt tạm thời (do phạm lỗi bị quan quân bắt bớ, đánh đập…khi còn sống) hay một sanh thú ác sau khi chết. Trái lại, bậc trí khen ngợi nhân cách cao quý của con người giới đức, và người giới đức không bị hối hận giày vò như thường khởi lên nơi một người ác giới khi hắn nghĩ: ‘Ta đã phạm vào những điều ác, đồi bại, tội lỗi.’ Và giới được xem như căn bản tối cao cho sự an ổn, vì nó là nền tảng cho sự chuyên cần, không dễ duôi, một phước báu, và một phương tiện cho sự thành tựu những lợi ích to lớn, như ngăn ngừa tình trạng thất thoát tài sản (do lửa cháy, nước trôi, nhà nước tịch thu, con cái phá sản…), v.v… Thành mãn giới vượt lên trên sự thọ sanh trong gia đình hiền lương, vì một người giới đức dù xuất thân thấp kém vẫn xứng đáng được tôn kính ngay cả với các bậc đế vương quyền uy to lớn. Giới vượt lên trên của cải vật chất, vì nó không thể bị vua chúa sung công hay phường trộm đạo lấy cắp, và nó đi theo người ta qua bên kia thế giới, tạo ra quả lớn, và làm nền tảng cho những phẩm chất cao quý như sự thanh thản, an tịnh, v.v…Bởi vì nó cho người ta khả năng thành tựu chủ quyền tối thượng đối với tâm của mình, giới vượt lên trên quyền lực của các vị đế vương, v.v… Và nhờ giới, các chúng sinh đạt được những đẳng cấp tương ứng của mình. Giới thậm chí còn cao quý hơn cả sự sống, vì như kinh nói người giới đức dù sống chỉ một ngày vẫn tốt hơn người không giới sống cả trăm năm (DP. 110); và dù đang sống, nhưng từ chối (trách nhiệm) tu tập trong Đời Phạm Hạnh cũng được gọi là chết trên phương diện tâm linh. (xem Majjhima 105). Giới vượt lên trên sự thành tựu về sắc đẹp, vì nó làm cho người ta đẹp ngay cả dưới mắt của kẻ thù, và sắc đẹp của giới không thể bị những bất lợi của tuổi già và bệnh hoạn đánh bại. Như nền tảng cho những trạng thái hạnh phúc thù thắng, giới vượt lên trên những nơi trú ngụ cao sang như cung điện, lâu đài, v.v… và những địa vị xã hội nổi bật như địa vị của một ông vua, một hoàng tử, hay một tể tướng. Bởi vì nó thúc đẩy sự an vui, hạnh phúc cao nhất của một người và đi theo họ qua bên kia thế giới, giới vượt lên trên thân quyến và bạn bè, ngay cả đối với những người gần gũi, yêu thương nhất cũng thế. Lại nữa, để hoàn thành công việc tự bảo vệ mình vô cùng khó khăn, giới mạnh hơn cả tượng binh, mã binh, xa binh, và bộ binh, cũng như mạnh hơn cả bùa, chú, và kinh cầu, vì nó dựa vào chính nó, chứ không dựa vào tha lực, và nó có một tầm ảnh hưởng to lớn. Vì vậy, kinh nói: ‘Pháp (Dhamma) bảo vệ người sống theo Pháp’ (Theragatha v. 303). 
Khi một người suy xét về những phẩm chất cao quý của giới theo cách này, giới của người ấy chưa hoàn hảo sẽ trở nên hoàn hảo, và giới của người ấy chưa thanh tịnh sẽ trở nên thanh tịnh.
Nếu, do nghiệp lực tích luỹ lâu đời của họ, những pháp nghịch lại với giới như sân hận chẳng hạn, đôi lúc khởi lên, vị phát nguyện-bồ-tát nên suy xét: ‘Chẳng phải mi đã quyết tâm đạt đến sự giác ngộ viên mãn (đắc thành Phật Quả) đó sao? Một người khiếm khuyết về giới thậm chí còn không thể thành công trong những công việc thế gian huống nữa là những vấn đề xuất thế gian. Mi nên đạt đến tột đỉnh của giới, vì giới là nền tảng cho sự giác ngộ tối thượng, và trong mọi thành tựu, thành tựu giới là quan trọng bậc nhất. Mi phải luôn luôn khéo cư xử, bảo vệ giới một cách viên mãn, thận trọng hơn cả gà mái bảo vệ trứng của nó. Hơn nữa, khi giảng dạy Pháp (Dhamma) mi phải giúp các chúng sinh đi vào và đạt đến sự thành thục trong ba cỗ xe (tam thừa - Thinh Văn thừa, Độc giác thừa và Phật thừa). Nhưng lời của một người đáng ngờ về đạo đức thì chẳng đáng tin gì hơn cách chữa bệnh của một ông thầy lang không biết cân nhắc thuốc nào là thích hợp cho bệnh nhân của mình vậy. Làm thế nào để ta được xem là đáng tin cậy, nhờ thế ta mới có thể giúp những người khác đi vào và thành thục trong ba cỗ xe đây? Ta phải trong sạch về nhân cách và về giới. Làm thế nào để ta có thể có được những chứng đắc xuất chúng như chứng các bậc thiền (Jhānas), v.v…, để ta có đủ khả năng giúp người khác và hoàn thành trí tuệ ba-la-mật (pāramīs), v.v… đây? Những chứng đắc xuất chúng như chứng các bậc thiền, v.v… sẽ là không thể nếu không có giới trong sạch (thanh tịnh giới). Do đó, giới cần phải được làm cho trong sạch một cách viên mãn.

CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật