Tuesday, August 26, 2014

Nuối tiếc



Nuối tiếc
 
Tôi đóng điện thư lại và chỉ biết thở dài. Hình như có một cái gì len vào người, khó chịu lắm. Tôi không biết phải diễn tả cảm giác này như thế nào cho đúng. Tự nhiên, tôi thấy lạc lõng, trống trải, bứt rứt, và buồn một cách lạ lùng.
Tôi không rõ ‘nuối tiếc’ người bạn dùng trong thư với ý nghĩa gì. Nuối tiếc vì một mối tình không trọn vẹn? Nuối tiếc vì bỏ lỡ những cơ hội hiếm có trong đời ? Nuối tiếc vì đánh mất một vật quí giá mà không thể tìm hay mua lại được ? Hay còn có trường hợp nào khác ?
Hai chữ nuối tiếc rất trừu tượng này, theo tôi, dùng để diễn tả tâm tư u ẩn, khắc khoải, luyến tiếc, hối hận, ray rứt, vấn vương, buồn bã cùng cực,  nhưng không biết nói với ai. Suy nghĩ mãi, tôi vẫn không đoán được lý do, đành ngồi vào bàn viết thư cho bạn.
Tôi viết nhanh những cảm nghĩ thật tự đáy lòng của mình, gọi là một chút chia sẻ gửi đến người bạn thân đã hơn 30 năm chưa gặp lại. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn xua đi mặc cảm tội lỗi vừa chợt đến: có thể, tôi là nguyên nhân chính khiến người bạn này sống trong nuối tiếc.

Canada, ngày 10 tháng 5, năm 2009
Anh thân kính,
Tôi buồn lắm khi đọc thư anh. Thật không biết phải làm gì hơn, ngoài gửi đến anh những dòng chữ thân tình và thắc mắc của tôi - Tại sao cả đời anh lại chỉ toàn là nuối tiếc ? Anh có thể nói rõ hơn không ? Tôi nghĩ, nếu nói ra được, anh sẽ cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhõm, và thoải mái hơn. Còn nếu ngại, thì thôi, tôi không dám ép đâu.
Anh ạ, thật tình, tôi không đoán được tại sao anh lại sống trong nuối tiếc. Riêng tôi, một phụ nữ, ẩn chút cao ngạo, cứng đầu như anh đã biết, tôi cũng đang ngụp lặn trong vòng nuối tiếc từ vài năm gần đây. Có lẽ anh đang nghĩ là tôi nói đùa, đúng không ? Hãy tin tôi đi, là chuyện thật đấy! Anh có muốn biết nguyên nhân tại sao ?
Lý do khiến tôi nuối tiếc cứ dày vò và dằn vặt tôi mãi. Hậu quả của nó là nhiều đêm mất ngủ. 

Tôi không nuối tiếc những mối tình dang dở vì định mệnh éo le; rõ ràng, chúng ta vẫn là bạn tốt như xưa. Tôi không nuối tiếc vì đã mất đi những vật có giá trị kim tiền; thực tế, những thứ đã bị cướp mất sau 30-04-1975, tôi và gia đình đã tạo dựng lại ở đây. Tôi cũng không nuối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội may mắn hiếm có trong đời; hiển hiện, vùng đất mới này đã đưa đến cho tôi nhiều dịp tốt lành khác.
Với tôi, tất cả những mất mát đó, nếu thực tâm, vẫn có thể  kiếm lại hay thay thế được. Riêng một thứ, tôi sẽ không bao giờ tìm lại hay mua được bằng tiền, sẽ tiếp tục nuối tiếc cho đến cuối đời:

Đó là trí nhớ của mẹ tôi và những gì tôi không làm được cho bà !!! 
Anh ạ, gần mười năm trước đây, mẹ tôi đã bị lẫn rồi. Khi vừa nghe được chữ Alzheimer (1), nước mắt tôi đã ứa ra đầm đìa. Không còn nghi ngờ gì nữa, sau ba lần trắc nghiệm để xác định trí nhớ, bác sĩ cho biết là tình trạng lẫn của mẹ tôi không nhẹ.
(1) Chứng Alzheimer là chứng lẫn trầm trọng của người già. Người ta dùng họ của bác sĩ người Đức tên Alois Azheimer đặt tên cho chứng này

Tôi nuốt nước mắt để ghi nhận những lời dặn dò của bác sĩ. Gần nửa giờ sau, tôi mới lấy lại bình tĩnh, lau nước mắt và trở lại phòng khám bệnh. Ở đó, mẹ tôi đang ngồi chờ với đôi mắt lơ đễnh nhìn lên trần nhà.
Tôi nhìn mẹ mà lòng xót xa vô hạn. Hình như mẹ tôi vẫn chưa biết là có một chuyển biến rất trầm trọng đang âm thầm diễn ra trong bộ óc của bà. Khi vừa thấy tôi, mẹ tiến lại nắm chặt tay, vội vã kéo đi, nhưng không quên thì thầm:

- Thôi mình đi về nhà ăn cơm đi. Mẹ nghĩ con đói lắm rồi đó? Người gầy như con tép mà cứ phải vất vả với mẹ mãi. Chắc không có gì quan trọng phải không con ?
- Dạ không có. Con theo bác sĩ vào để lấy toa mua thuốc hạ huyết áp cho mẹ thôi.
Trưa hôm đó, ngồi ăn cơm, tôi đã tránh không nhìn thẳng vào mắt mẹ. Tôi buồn lắm. Tim tôi đau nhói như có người cầm dao nhọn xoáy vào.
Người đàn bà ít học nhưng rất thông minh, đảm đang, tháo vát, phúc hậu, khó tính, và khá khe khắt với các con, ngồi trước mặt tôi, đang mất dần trí nhớ của mình mà không hề hay biết ! 

Bữa ăn trưa hôm đó, mẹ tôi gắp khá nhiều thịt vào bát của tôi. Hình như bà hoàn toàn không để ý đến những giọt nước mắt đau khổ đang rỏ xuống bát cơm.
Tôi lùa nhanh cơm nóng vào miệng và để yên cho mẹ hớn hở gắp thêm thức ăn. Tôi cố gắng thu lại hình ảnh trìu mến ấy vào đầu. Có lẽ, đây là một trong vài ba lần cuối cùng mẹ tôi còn đủ trí nhớ để tiếp thức ăn cho đứa con gái của bà !
Ăn cơm xong, tôi nhắc mẹ đi tụng kinh với dì, người bạn già của mẹ, do tôi mời đến để cùng ngồi xem phim với mẹ cho vui. Mẹ tôi làm theo như một đứa trẻ con. Dì thấy mắt tôi đỏ thì ghé vào tai hỏi nhỏ:

- Bà có sao không? Có gì nguy hiểm không mà cô khóc vậy ?
Tôi chỉ lắc đầu, nước mắt ứa ra, nói nhỏ với dì:
- Dì trông mẹ hộ cháu. Nhớ nằm nghỉ trưa nhé. Cháu vào sở thu xếp chút việc. Tối nay, cháu sẽ kể cho dì nghe.
Trên đường đến sở, nước mắt tôi tuôn xuống như mưa. Tôi nhớ lại lời bác sĩ dặn dò, nên  đưa mẹ tôi đi gặp luật sư để làm di chúc, kẻo không còn kịp nữa. Lúc đó, tôi đã sợ đến run lên cầm cập. Tôi thấy hụt hẫng, bơ vơ như kẻ lạc giữa vùng rừng núi hoang vu.
Tôi phân vân, không biết có nên nói chi tiết về bệnh tình của mẹ cho người thân hay không. Thật lòng, tôi không muốn anh chị em đau khổ khi biết tin mẹ bị lẫn mà không được ở gần để chăm sóc mẹ. Cuối cùng, tôi chỉ nói đại khái tình trạng lẫn lộn của mẹ cho người thân nghe mà thôi. Tôi lặng lẽ làm những điều bác sĩ khuyên bảo.
Nhờ đọc nhiều tài liệu và tìm hiểu thêm về tâm lý của người bị bệnh Alzheimer, tôi lập tức làm ngay những điều cần thiết trước.

Tôi khoá tủ thuốc gia đình cẩn thận để mẹ tôi không thể tự tiện lấy thuốc uống khi nhức đầu. Tôi dấu kỹ  các bình đựng hoá chất để lau chùi nhà cửa vì sợ mẹ tưởng là nước trái cây để uống. Nhiệt độ của bồn nước nóng được hạ thấp để tránh cho mẹ khỏi bỏng tay. Tôi tháo tất cả nút vặn của bếp lò, dấu vào một chỗ, vì sợ mẹ tôi loay hoay vặn lên rồi sờ tay vào xem lò đã nóng chưa. Quan trọng hơn, tôi gỡ hết các núm cửa ra vào, thay bằng ổ khoá; như vậy mẹ tôi sẽ không thể mở cửa để đi ra ngoài một mình.
Tôi nhớ lời bác sĩ khuyên là người trong nhà phải rất kiên nhẫn và thông cảm cho mẹ. Với chứng Alzheimer, bà sẽ hay lẫn lộn về con số, hay than phiền vì mất đồ đạc cá nhân. Bà có thể đổ tội cho người trong gia đình ăn cắp tiền bạc, nữ trang, hay quần áo của bà.
Bác sĩ cũng nhắc nhở, người bị lẫn sẽ không có ý thức rõ rệt về hành động của họ làm. Nói tóm lại, thân nhân của người bịnh phải để ý mọi việc trong nhà để tránh đến mức tối đa những tai nạn đáng tiếc, có thể xảy ra, vì sự nhầm lẫn, lúc nhớ, lúc quên của người bị bệnh Alzheimer này.

Anh ạ, hai năm đầu qua đi thật khó khăn. Tôi và đứa em gái cùng người giúp việc phải chia nhau chạy theo những trò chơi thật mới lạ của mẹ tôi.
Có lần bà đem đổ cả đĩa nho vào cầu tiêu, giựt nước, rồi cứ đứng nhìn chăm chú vào những quả nho đang cuốn từ từ và mất hút vào dòng nước xoáy mạnh.
Có đôi lần, mẹ tôi mở vòi nước nóng cho chảy thật mạnh, túm lấy một nắm khăn giấy, nút chặt lỗ thoát nước lại. Xong xuôi, bà đứng im nhìn, mặc cho nước nóng tràn ra sàn nhà lênh láng. Có lúc mẹ tôi đem cả đống hộp nhựa đựng thức ăn ra bàn, cắt hết mấy cái núm để cầm mở hộp. 

Tôi nhìn thấy và hỏi: “Tại sao mẹ làm như vậy ?” thì bà quắc mắt, giận dữ chối phăng và quát thật to: “Không phải là mẹ làm.”
Có nhiều đêm mẹ tôi giấu dao kéo, muỗng nĩa dưới gối của bà, bảo là để phòng thân nếu có trộm cướp vào nhà.
Tệ hại hơn tất cả là mẹ tôi lén nhổ nước súc miệng vào mấy cây quỳnh trong phòng khách, nhưng lại khăng khăng đòi để mẹ tưới cho quỳnh mau ra hoa. Buồn hơn nữa, những cây quất và lá măng thật đẹp mà mẹ đã chăm sóc tỉ mỉ từ hơn mười năm qua, lần lượt chết hết, vì bà cứ len lén lấy xà bông rửa chén cho vào gốc cây, nhưng lại cãi là thuốc bổ dùng bón cây. 

Có một lần, tôi đau lòng lắm khi thấy mẹ lấy đôi găng tay cao su dùng để rửa bát cho vào tủ đá nhưng lại hớn hở khoe là mẹ đã giúp tôi bỏ cá vào tủ đá rồi.
Chưa hết những trò chơi khác thường của mẹ tôi chế ra đâu. Hôm xưa, một chiều đi làm về, trước khi vào nhà, tôi để ý thấy một hàng dài màu trắng bay lấp lửng bên trong cửa sổ. Vào trong nhà, tôi buồn cười quá vì đó là năm sáu cái quần lót, mẹ tôi máng lên phơi dọc theo đà ngang treo màn ren ở cửa sổ nhà bếp. Tôi cố nín cười, không dám nói mà cũng chẳng dám động đậy, vì sợ mẹ tôi lấy cớ để nổi giận.
Trong bữa ăn, mẹ tôi thường vừa ăn vừa nghịch. Nếu không để ý, mẹ sẽ hí hửng bỏ vài tờ khăn giấy, hay con cá, hay đổ cả đĩa rau xào vào bát canh, rồi lấy thìa quậy cho bắn tung toé ra bàn. 

Hình như mẹ tôi không thể để tay chân yên một lúc nào cả. Nếu sơ hở, không bám sát để đánh lạc hướng bằng cách dụ mẹ ra ngồi tụng kinh, thì bà phải tìm một cái gì đó để táy máy, nghịch ngợm với hai bàn tay.
Cao hơn một bậc của sự lẫn lộn là mẹ tôi rất giàu óc tưởng tượng. Chẳng hạn như, mẹ tôi hốt hoảng gọi vào sở, bảo là có kẻ lạ mặt đang rình rập bên hông nhà, khi người hàng xóm vẫy tay chào mẹ. 

Thê thảm hơn nữa là mẹ tôi kết tội em gái tôi đã ăn cắp chuỗi ngọc xanh đáng giá bạc triệu của bà đem từ Việt Nam qua đây.
Bà nằng nặc bắt tôi phải về nhà ngay để giải quyết tội ăn cắp của cô em. Tôi vâng dạ cho qua, đợi giờ tan sở mới ra về. Vừa vào đến nhà bếp, tôi đã thấy chuỗi ngọc đeo tòn teng ở cái móc to cạnh cửa sổ. Tôi nhẹ nhàng ngoắc mẹ lại gần rồi chỉ vào chuỗi ngọc hỏi nhỏ: “Cái gì đây ?” thì bà cười tủm tỉm nói gọn lỏn: “Mẹ quên.”
Ban đầu, mỗi lần mẹ tôi than phiền hay mách bảo chuyện gì, tôi còn cố gắng giải thích, hy vọng giúp mẹ sẽ hồi phục trí nhớ. Nhưng khi thấy bà nổi nóng, xé giấy không ngừng tay hay, giận dữ ném những quả cam vô tội xuống đất, thì tôi đổi chiến thuật ngay. Cái gì mẹ tôi mách hay nói cũng đúng cả. Thế là mẹ tôi hí hửng vì tưởng là mình đúng, vui vẻ, và ngoan ngoãn ngồi tụng kinh với dì. 

Thời gian này, mẹ tôi thích ngủ lắm. Cứ thấy mặt tôi, dù là 6 giờ sáng hay 5 giờ chiều, mẹ cũng cứ lèo nhèo xin xỏ: “Con cho mẹ đi ngủ nhe. Mẹ buồn ngủ lắm.” Nhưng tôi chỉ lắc đầu, lập đi lập lại như ra lệnh hàng chục lần: “Không được, mẹ ra ngồi tụng kinh đi.” Đôi lúc tôi cũng thấy tội nghiệp mẹ vì thấy đôi mắt lờ đờ của mẹ, nên chiều theo lời xin, thì đêm đó, bà không nằm ngủ yên mà cứ đi vòng vòng trong phòng khách hàng giờ đồng hồ như người tập thể thao.

Bước sang năm thứ ba, bệnh của mẹ tôi nặng hơn một chút. Ban đêm mẹ hay soi đèn pin đi khắp nhà như tìm kiếm vật gì. Có khi mẹ tôi lục thức ăn trong tủ lạnh rồi ngồi bệt xuống sàn bếp ăn nhồm nhoàm như người bị bỏ đói lâu năm. Nhiều đêm mẹ tôi lục lạo tìm được hộp bánh, ăn được vài cái rồi vứt tung tóe ra bàn hay ra sàn nhà.
Dạo đó, tối nào tôi cũng bị mẹ bấu vào cánh tay để mách là: “Con đi làm, ở nhà dì bắt nạt, mắng mẹ đó.” Tôi giải thích: “Không phải dì mắng mẹ đâu, dì chỉ nói to sợ mẹ không nghe rõ.” Thế thì mẹ tôi giận và không ăn cơm nữa. 

Đây là giai đoạn khó khăn nhất cho tôi và mọi người chung quanh vì mẹ tôi đang ở giữa ranh giới của quên và nhớ. Khi nhớ được mình là ai, mẹ ngồi trầm ngâm nhìn vào khoảng không trước mặt, và để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Khi quên mất mình là ai, mẹ có những hành động rất ư là quái đản. Tuy tinh thần của mẹ tôi suy yếu dần, nhưng thể lực của bà rất khoẻ. 


Có một lần kia, khi tôi còn đang trong giờ làm việc thì được gọi về gấp. Vào nhà, tôi thấy bốn cái nẹp của cửa cái đã bị giựt tung ra. Dì cho biết,  mẹ tôi đòi đi ra ngoài, dì không cho, nên mẹ rất giận, giựt mạnh dây xích cài chốt khóa cửa làm bung nẹp ra. Mẹ tôi bảo với dì: “Đây là nhà tù.”

Bà hỏi dì tại sao lại lấy hết mấy cái núm để mở cửa và tại sao lại khóa tất cả cửa trước, cửa sau như vậy. Khi thấy tôi về đến nhà, mẹ có phần dịu lại. Sau khi nghe tôi giải thích, ở thời buổi có nhiều người xấu, nếu không khóa cửa cẩn thận, họ sẽ vào nhà lấy chuỗi ngọc của mẹ. Bà gật gù tỏ vẻ như hiểu rõ vấn đề. Nhưng qua đến ngày hôm sau, bà lại tìm đủ cách bỏ nhà ra đi. 

Lần này thì tim tôi bay ra ngoài khi dì gọi điện thoại vào sở, cho biết là không tìm thấy mẹ tôi trong nhà. 

Tôi vội vã lái xe về. Vừa về đến nơi, tôi thấy đứa em kế cũng vừa ngừng xe bước ra,  mếu máo khóc. Tôi mất hết bình tĩnh, hớt hải, vội vã chạy về phía cuối đường. Nhưng may quá, vừa lúc ấy, tôi nhìn thấy bóng dáng của dì và mẹ từ xa. Dì bảo tìm thấy mẹ tôi đang lững thững đi chân không vào một con ngõ nhỏ gần bên đường cái sau nhà.
Tôi không còn chọn lựa nào khác hơn. Ngày hôm sau, tôi đưa mẹ đi bác sĩ, báo cáo tình trạng bất ổn xảy ra, xin toa mua thêm thuốc an thần cho mẹ.

Tôi sống trong hồi hộp và chạy theo với bệnh của mẹ từng ngày. Nhiều đêm mẹ tôi tóc dài rũ rượi đứng ở đầu giường, khều tôi dậy. Đã nhiều lần, hồn vía tôi bay lên mây khi vừa mở mắt ra, thấy mẹ giống hệt con ma tóc dài trong phim bộ. Hình ảnh ấy, tuy làm tôi sợ lắm trong đêm tối, nhưng tôi lại thấy thương mẹ nhiều hơn.
Tôi nhớ nhất là lần, vừa mở mắt, tưởng là ma, tôi đã hét to, nhưng mẹ lại thì thào nói vào tai tôi như sợ có người nghe được: “Con ạ, mẹ đói quá, con có cái gì cho mẹ ăn không ?”  Nước mắt tôi ứa ra.

Từ đó, đêm nào tôi cũng để một hộp bánh nhỏ và tách nước trà có nắp đậy giữa bàn. Tôi dặn mẹ, ban đêm, nếu mẹ đói thì tự lấy bánh ăn. Đồng thời để mẹ tôi bớt sợ giữa đêm khuya, cầm đèn pin đi tìm con, tôi ôm chăn gối ra ngủ ngoài ghế xô pha (sofa) và để đèn trong phòng khách.

Từ đó, ban đêm, mẹ tôi yên tâm. Nhưng thỉnh thoảng, bà cũng rọi đèn pin vào mặt xem có phải đúng là tôi không, rồi ngồi dưới thảm, nhìn tôi ngủ. Mỗi khi tỉnh giấc, thấy mẹ ngồi như vậy, tôi lại dẫn bà vào phòng.

Có nhiều hôm làm việc mệt quá, tôi ngủ say, đến sáng dậy thì ngửi thấy mùi nồng nặc trong phòng khách. Tôi bật đèn đi tìm nơi phát ra cái mùi khó chịu ấy thì thấy ngay một bãi to trên tấm thảm nhỏ mẹ tôi thường dùng để quì lạy Phật hay tổ tiên. Thì ra đêm qua tôi ngủ say quá, đã không dậy nổi để chỉ cho mẹ nhà vệ sinh ở đâu. May mắn, mẹ tôi còn chút minh mẫn sót lại, nên bà đành phải đi cầu trên tấm thảm nhỏ này.
Nhiều lần xảy ra như vậy, góc nhà nào cũng có dấu tích lầm lẫn ấy. Tôi rất khổ tâm, đôi khi bực mình, tôi không biết phải nói gì ngoài lau rửa, thay quần áo cho mẹ, dọn sạch sẽ nhà cửa trước khi đi làm. 

Tôi không có con nhỏ, nhưng thực sự đã sống như một người có con mọn trong nhà. Nếu buổi tối, tôi đi chợ hay đi đâu về muộn, không vào phòng thăm hỏi  mẹ, thì cứ tin chắc là đêm đó mẹ tôi mất ngủ.
Ngày thường, khi tôi đi làm, em gái kế tôi qua giúp dì chăm sóc mẹ. Ngày cuối tuần, mẹ của một cô bạn đến phụ việc và làm bạn với mẹ tôi. Nhờ vậy, tôi có thể đi đây đi đó khi cần.

Khi thấy tôi vừa nói, vừa khóc trong tức tưởi, hình như mẹ tôi tỉnh táo hẳn ra. Mẹ nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, pha lẫn xót xa. Bà lấy đôi tay không còn khả năng sử dụng nhuần nhuyễn như xưa, vuốt nhẹ lên mái tóc ướt đẫm mồ hôi của tôi. Rồi từ từ, mẹ đưa những ngón tay run rẩy, gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên má đứa con gái của bà.
Ngày xưa mẹ tôi hay nói đùa là kiếp trước tôi nợ mẹ và em nên kiếp này tôi khổ nhất nhà. Khi nhìn thấy mẹ tôi nước mắt đoanh tròng, tôi như bừng tỉnh. Tôi hối hận và lấy lại bình tĩnh ngay tức khắc. Tôi nắm chặt hai cánh tay của mẹ, đỡ bà đứng lên, nói thật to để át đi tiếng nức nở, nghẹn ngào của mình: 

- Hết rồi, con không sao đâu, mẹ đừng lo. Thôi mình đi ra phòng khách tụng kinh nghe mẹ.
Mẹ tôi ngoan ngoãn vâng lời. Bà thẫn thờ cầm quyển kinh để chỉ lập đi lập lại đúng sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” trong khi đôi mắt lạc thần nhìn vào khoảng không trước mặt. Mỗi khi nhìn thấy cảnh tượng này, tôi không sao cầm được nước mắt. 

Từ ngày mẹ tôi bị lẫn, căn nhà này thật buồn tẻ. Thỉnh thoảng, khách đến thăm thường hỏi: “Tại sao không đưa mẹ vào viện dưỡng lão ?” thì đêm đó, mẹ tôi không ngủ, cầm đèn pin, ngơ ngác đi vòng quanh nhà bếp nhiều lần. Có lẽ mẹ tôi vẫn còn hiểu câu hỏi của khách, nên không dám đi ngủ. Có lẽ, mẹ sợ khi trời hừng sáng, tôi sẽ đem bà gửi vào nhà dưỡng lão. Tôi không hiểu tại sao ba chữ ‘viện dưỡng lão’ lại có tác động sâu và mạnh đến như vậy trong bộ óc của mẹ tôi.

Sang đến năm thứ tư, một biến cố nữa đã âm thầm xảy ra cho mẹ. Sáng hôm đó, mẹ tôi thức giấc như thường lệ. Tôi ngồi xem tin tức, nhìn mẹ ăn sáng, uống thuốc, viết tên, ký tên vào sổ. Đây là bằng chứng để mẹ tôi không thể đòi dì cho bà uống thuốc nữa. Mẹ tôi làm theo đúng như lời yêu cầu thường lệ. 

Nhưng có điểm đặc biệt là sáng hôm ấy, mẹ tôi không hỏi liên tục như mọi ngày: “Hôm nay con có phải đi làm không ?” Mẹ có vẻ trầm lặng hơn, dù tôi đã cố gắng gạn hỏi lung tung để buộc bà phải trả lời. Mẹ tôi tỏ ra có nhiều khó khăn khi nói chuyện. Mẹ lắp bắp mãi mới nói được một câu ngắn. Tôi có đưa mẹ đi bác sĩ, nhưng cũng không giúp được gì nhiều.
Mẹ tôi đã bị một tai biến mạch máu não, ảnh hưởng đến sự phát âm. Tôi buồn lắm, nhưng không biết phải làm gì hơn. Cuối cùng tôi an ủi mẹ giống như các cụ ngày xưa thường nhắc đến hai chữ ‘khẩu nghiệp’.  Đại khái là nói ít thì sau này tránh được tội do cái miệng gây ra; còn nói nhiều thì chỉ buộc thêm tội vạ vào thân mà thôi. 

Cũng trong khoảng thời gian này, tôi bắt đầu để ý đến tác dụng của loại thuốc dùng làm trì trệ bệnh lẫn của mẹ. Hình như thuốc không có hiệu nghiệm gì cả, mà ngược lại, làm cho người bệnh bần thần, bối rối thêm. Các sinh hoạt rất bình thường của mẹ tôi gần như biến mất từ từ. Cả ngày mẹ tôi lững thững ra vào các phòng trong nhà một cách buồn bã, đờ đẫn như người mất hồn. 

Cái rủi của tôi là quên không điện thoại cho bác sĩ xin toa mua thuốc cho mẹ, đúng vào lúc ông đi xa. Hiệu thuốc tây đã rất tử tế cho tôi vay trước 10 ngày thuốc rồi đợi bác sĩ về ký toa mua thêm.
Loại thuốc mới nhất dùng cho bệnh Alzheimer này rất đắt tiền. Sau 10 ngày, tiệm thuốc không thể cho tôi mượn thêm nữa. Lúc đó, đúng vào dịp lễ lớn cuối năm, tất cả sinh hoạt bình thường gần như bị gián đoạn. Tôi cũng liều vì biết thuốc đó, chẳng qua cũng chỉ là thuốc an thần mà thôi.
Trong những ngày mẹ tôi không có thuốc để uống, được nghỉ lễ ở nhà, tôi gần gũi với mẹ nhiều hơn. 

Sáng hôm đó, sau khi cho mẹ tôi làm vệ sinh xong, bà tự động cầm lược chải đầu. Tôi rất ngạc nhiên vì đã không thấy hành động này từ hơn hai năm nay. Tôi thử đưa lọ kem bôi mặt cho bà rồi bảo nhỏ: “Mẹ bôi kem đi.” Mẹ tôi làm theo, rồi nhìn tôi mỉm cười sung sướng.
Nước mắt tôi ứa ra. Tôi mừng lắm, vì đó là dấu hiệu mẹ tôi vẫn còn ý thức được thói quen xưa kia của bà. 

Sang năm mới, khi bác sĩ trở lại làm việc, tôi viết cho ông một lá thư dài, kể lại rất chi tiết những gì tôi đã thấy được trong những ngày mẹ tôi không có thuốc để uống. Tôi đề nghị bác sĩ cho giảm bớt lượng thuốc trong ngày rồi từ từ ngưng hẳn để xem phản ứng của mẹ tôi ra sao.
Bên cạnh đó, tôi đưa ra những tài liệu nghiên cứu về thuốc dùng cho bệnh lẫn, đã được các tạp chí y học hay mạng lưới internet phổ biến,  để dẫn chứng là chưa có một nghiên cứu nào cho thấy loại thuốc ấy chữa được bệnh lẫn cả. Cuối cùng, bác sĩ của mẹ tôi đồng ý. Mỗi ngày mẹ tôi chỉ phải uống một viên thuốc đó và một tháng sau thì ngưng hẳn.
Quả thật trong cái rủi lại có cái may. Từ đó mẹ tôi không còn sống lờ đờ như người mất hồn nữa. Mẹ tôi có phần tươi tỉnh, và vui vẻ hơn. Tuy rằng, theo thời gian, trí nhớ của mẹ tôi có giảm dần; nhưng đổi lại mẹ sống rất bình yên. Mẹ tôi biết chải tóc, biết soi gương, không còn bực bội hay nổi nóng vô lý nữa. Và mừng hơn tất cả là mẹ tôi không còn làm những trò vô ý thức hay điên rồ nữa. 

Mẹ tôi sống thật bình an, vui vẻ được gần một năm. Cho đến một buổi sáng đẹp trời khác, bà thức dậy và cứ đập liên tục vào cánh tay tôi. Tôi hỏi xem mẹ muốn nói gì thì chỉ thấy đôi môi hồng của bà mấp máy mà tiếng nói thì không thoát ra được. Tôi yêu cầu mẹ nói to hơn nhưng vô ích. Bà cứ nắm tay tôi, lay thật mạnh rồi chỉ vào đôi môi của bà. Mẹ nhìn tôi, nước mắt đoanh tròng, ngẩn ngơ, trông thật là tội nghiệp. 

Tim tôi thắt lại. Mẹ tôi đã mất khả năng phát âm rồi ! Tôi lại khóc như chưa từng được khóc. Tôi lại vội vàng đưa mẹ đi bác sĩ. Thêm một lần nữa, y học lại bó tay, vì mẹ tôi đã quá lớn tuổi rồi.
Từ đó, tôi không còn được nghe tiếng mẹ xin xỏ hay năn nỉ “Cho mẹ đi ngủ” nữa. Và từ đó, mẹ tôi hoàn toàn mất hẳn tiếng nói trong cuộc đời này. Đây là một mất mát quá to lớn cho mẹ tôi, cho tôi, và đại gia đình !
Suốt gần năm năm mẹ tôi bị lẫn, tôi chỉ biết chạy theo với tình trạng phát triển quá nhanh của căn bệnh. Tôi đọc được nỗi lo sợ trong đôi mắt của mẹ.
Tuy trí nhớ bị mất dần, nhưng mẹ tôi vẫn chưa quên, em tôi, đứa con út khờ khạo của bà. Mẹ tôi sợ tôi sẽ bỏ rơi nó khi bà không còn trên đời này nữa. Vì vậy, nhiều lần mẹ cầm tay em đặt vào trong lòng bàn tay của tôi như ngầm ý dặn dò thay mẹ nuôi em.  Bà cũng cẩn thận gửi gấm cả hai chị em tôi cho người đến giúp chăm sóc mẹ vào hai ngày cuối tuần.
Khi ba bàn tay của chúng tôi nằm giữa đôi tay của mẹ, nước mắt tôi ứa ra. Người bạn già của tôi vừa mếu máo, vừa lập bập: 

- Bà yên tâm. Con sẽ phụ cô lo cho bé út.
Mẹ tôi mỉm cười, như am hiểu lời hứa ấy. Bà vuốt nhẹ lên tóc của chị. Có lẽ tình mẫu tử thiêng liêng mà tạo hóa đã đặt để trong trái tim của mẹ sẽ không bao giờ bị lu mờ.
Hình như, trong bộ óc của mẹ tôi, dù chứng bệnh tàn nhẫn, Alzheimer, đang âm thầm hủy diệt những tế bào thần kinh và cướp dần đi trí nhớ của bà, thật vẫn còn sót lại một góc thật nhỏ để dành cho mẹ nhớ đến đứa em khờ khạo của tôi.
Anh ạ, kể từ ngày mẹ tôi không còn phát âm được nữa thì cũng là lúc tôi bắt đầu sống trong nuối tiếc ! Tôi đau khổ âm thầm. Tôi bị lương tâm đay nghiến nhưng không thể nói được với ai. Ngay cả với anh chị em trong nhà, tôi cũng không muốn nói gì nhiều.
Bề ngoài, tôi luôn tỏ ra là một phụ nữ can đảm, thừa nghị lực để có thể vượt qua tất cả khó khăn trên đường đời. Nhưng bên trong, nội tâm xâu xé, dằn vặt, và không ai biết được tôi đang sống trong đau khổ. 

Kể từ khi mẹ tôi mất đi khả năng diễn đạt tư tưởng hay ước muốn của bà bằng lời nói, quả thật, đó là một bế tắc rất trầm trọng. Mỗi tuần,  các chị tôi ở Mỹ gọi điện thoại sang thăm hỏi sức khỏe của mẹ. Họ buồn lắm vì không còn  nghe được tiếng nói của mẹ, dù chỉ là lắp bắp không gẫy gọn. Các chị tôi hay khóc, còn tôi thì cố ngăn nước mắt, làm thông dịch viên cho mẹ. Tôi mở cái loa, nhưng vẫn đưa ống nghe đặt kề bên tai của mẹ. Tôi luôn miệng nhắc nhở, nếu mẹ nghe và hiểu được, thì đập cái cái xúc xắc xuống bàn để các chị mừng. Mỗi lần gác điện thoại xuống, lòng tôi tan nát thêm vì khả năng trả lời của mẹ bằng cái xúc xắc mỗi ngày một ít dần đi. 

Giữa giai đoạn khốn khó nhất trong đời sống của tôi, mẹ bị bệnh lẫn, người thân trong nhà, không một ai hiểu được tại sao tôi lại ghi danh học thêm. Tôi không giải thích, chỉ vừa làm, vừa học, vừa lo cho mẹ và em. Tôi muốn làm tròn ước mơ của mẹ trong cuộc đời này.
Tôi đi học thêm, hy vọng sẽ có câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên khi mẹ tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này và gặp lại các con ở phi trường: “Đã hơn mười năm qua rồi, thế đã có đứa nào học hành, tốt nghiệp, đỗ đạt được bằng cấp gì thì cho mẹ biết.”  Chị em chúng tôi im lặng, lấm lét nhìn nhau, không nói nên lời, dù đã có sẵn câu trả lời trong đầu: “Thưa mẹ, dạ có bằng lái xe số 5 !”

Anh thân kính,

Chắc anh cũng chưa đoán được lý do nuối tiếc của tôi. Giả sử, tôi chỉ viết ngắn gọn là: “Cuộc đời còn lại của tôi sẽ là nuối tiếc” thì liệu anh có thể biết được tại sao sự nuối tiếc ấy cứ gậm nhấm tôi từ ngày này qua tháng nọ hay không ?
Hẳn anh chưa quên đôi lần tiếp xúc với mẹ của tôi và biết một chút về bà. Do đó, anh sẽ hiểu được, khi đọc đến đây, khoảng năm mươi phần trăm nguyên nhân tôi nuối tiếc. Nhưng nếu anh biết thêm, mẹ tôi là một người nhà quê, ít học lắm, chỉ biết đọc, biết viết ngoằn ngoèo, nhưng bà lại làm thơ rất hay, thì anh có thể cảm nhận được đến tám hay chín mươi phần trăm sự nuối tiếc này. Tôi không có ý tâng bốc mẹ mình – “Mẹ hát, con khen hay”– đâu; mà đó chính là nhận xét của nhiều người quen biết với mẹ của tôi.
Bây giờ mẹ tôi chỉ còn là một chiếc bóng bên đời, nhưng xưa kia, có thể nói là người: “Xuất khẩu thành thơ” đấy. Mẹ tôi có tài, nhìn vật, đọc thành thơ. Ngồi rửa bát, nhìn qua cửa sổ, trông tuyết rơi, bà có thể làm ngay một bài thơ nhớ về quê hương, thật dễ dàng như người lấy khăn tay trong túi áo. 

Khi tiễn bạn của bà ở phi trường, mẹ tôi đã ứng khẩu thành thơ để tặng cho người đi trong giây phút biệt ly ấy và làm cho người ta khóc. Tôi đã được nghe nhiều bạn của bà nói lại chuyện này. Các bạn của tôi cũng thích ghé lại chơi để được mẹ tôi ưu ái mời ăn hột điều, uống trà, và nghe bà đọc thơ lấy từ trong đầu ra.
Tôi không biết phải giải thích như thế nào với mọi người về chuyện này cả. Tôi đã may mắn hơn các chị em của mình, có hơn mười năm được sống chung nhà với mẹ kể từ ngày bà rời Việt Nam sang đây. Tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ lăn dài không dứt khi nghe Thái Thanh cất tiếng hát: “Quê hương tôi có con sông dài xinh xắn...”
Tôi đã nhiều lần nghe mẹ thổn thức trong lúc nhặt rau và khẽ ngâm những bài thơ thương nhớ quê nhà của bà làm. Tôi đã nhiều lần, rất nhiều lần, nghe qua những bài thơ ấy, nhưng thú thật, chưa bao giờ tôi chịu để tâm ghi nhớ những câu thơ đầy ân tình ấy cả. Tuy không nói ra miệng, nhưng tôi luôn ngấm ngầm tự hào là có trí nhớ khá hơn nhiều người.
 
Thật đau khổ khi nghĩ lại, tôi đã không sử dụng đúng chỗ khả năng ấy để ghi khắc những bài thơ của mẹ vào đầu giống như khi tôi học bài để đi thi lấy bằng cấp vậy. Tôi đã nghe và biết đó là tâm tư của một người đàn bà yêu nước thiết tha.
Những vần thơ mộc mạc, gần gũi như ca dao, tục ngữ. Chỉ tiếc một điều là mẹ tôi không bao giờ chịu viết lại. Nhiều lần tôi nhắc mẹ cứ viết xuống giấy trước, khi rảnh, tôi sẽ đánh máy, và in thành sách. Mẹ tôi lắc đầu, không chịu viết xuống, vì có mặc cảm ít học, chữ viết to và xấu xí. 

Bà rất ngại để lại bút tích. Bà sợ bạn hữu có đủ bằng chứng để chê cười về sự dốt nát, ít học của bà. Vì vậy, mẹ tôi hay đánh trống lảng: “Khi nào con rảnh, mẹ sẽ đọc để con đánh máy hộ mẹ.” Rất tiếc, cái ngày “mẹ sẽ đọc để con đánh máy hộ mẹ”, sẽ không bao giờ đến nữa, vì mẹ tôi đã vĩnh viễn mất đi khả năng phát âm rồi !
Sau năm năm, khi bệnh lẫn của mẹ từ từ nặng hơn, khi đôi bàn tay không còn viết được nữa, khi tiếng nói hoàn toàn mất hẳn, thì thế giới của mẹ tôi đã thật sự đóng kín lại rồi. Mỗi lần anh chị và các cháu ở Mỹ hay bạn hữu đến thăm, họ rất muốn an ủi mẹ tôi bằng cách đọc lại những bài thơ của mẹ làm trước kia cho bà nghe. Họ hỏi tôi có ghi lại những bài thơ ấy không, thì tôi chỉ biết lắc đầu ! 

Tôi ngầm hãnh diện với bạn hữu vì những bài thơ mẹ làm, nhưng không có một phản ứng thực tiễn nào cả. Tôi mắc phải một lầm lẫn rất lớn, đã tin rằng, chỉ có những người học thức cao mới có đủ khả năng diễn đạt lòng ái quốc của họ qua văn thơ và được lưu giữ trong tủ sách văn học mà thôi. 

Tôi đã nghĩ, mẹ của tôi chỉ là một người đàn bà bình thường, hết lòng chăm lo cho chồng con, và giúp đỡ những người khốn khó chung quanh. Tôi thật đã không nghĩ mẹ của tôi cũng là một người yêu nước. Vì vậy, tôi đã thật hờ hững với những bài thơ gói ghém nỗi lòng của mẹ. Tôi đã không xem đó là những thi phẩm vô giá, ghi lại một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam, qua tâm tư của một người đàn bà ít học.
Trong mười năm ấy, tôi đã sống bên cạnh mẹ, nhưng chưa một lần dành năm, mười phút hay nửa tiếng đồng hồ trong ngày cuối tuần để giúp mẹ tôi ghi lại những bài thơ của bà. Tôi đã ngồi cạnh mẹ hàng giờ để xem một băng nhạc hay một bộ phim. Tôi cần được thư giãn tinh thần sau những giờ làm việc mệt mỏi ở sở. Tôi có hàng trăm lý do để cho tôi thời gian sống theo ý tôi muốn của mình. 

Tôi đã nghĩ, tôi là người đứng ra bảo lãnh, có bổn phận, và trách nhiệm nặng nề với gia đình này; cho nên tôi có quyền sống cho riêng mình một chút. Cho đến ngày, khi mẹ tôi không còn nói được một lời nào nữa, thì tôi bắt đầu thức tỉnh...!
Tôi đã khóc nhiều lần trong thầm lặng. Tôi thật không thể nào tưởng tượng được có ngày đen tối như hôm nay. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến, chỉ qua một đêm, mà cả thế giới gần tám mươi năm lăn lộn của mẹ tôi đã khép chặt lại như thế này. Bốn chữ “khi nào con rảnh” là căn nguyên của sự nuối tiếc suốt quãng đời còn lại của tôi. 

Tôi đã không cố gắng để có một chút thì giờ giúp đánh máy nhiều bài thơ của mẹ. Những bài thơ nói lên tâm trạng của một người đàn bà phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình để đến với các con, để cho chúng được yên tâm, và sống vui vẻ nơi xứ người. Những bài thơ viết về xóm làng yêu dấu, gói ghém buồn tủi và cô đơn cùng cực của mẹ tôi đã nằm im, gọn gàng trong đầu của bà mà không ai có thể mở để lấy ra được nữa. Khoa học hôm nay đã tiến bộ rất nhiều, nhưng trong lãnh vực này, y học cũng đành bó tay.
Những phương pháp trị liệu bên cạnh những dược phẩm mới nhất cũng không thể giúp mẹ tôi lấy lại tiếng nói hay đem ra những bài thơ từ bộ óc của bà. Tôi đã vĩnh viễn mất đi cơ hội duy nhất chuyển giao lại cho thế hệ mai sau những bài thơ yêu nước của mẹ tôi. Mẹ đã ghi khắc tâm tư trong những ngày tị nạn, gần cuối cuộc đời, trên một mảnh đất hoàn toàn xa lạ, vào những vần thơ mộc mạc của bà ! 

Sau gần sáu năm mẹ tôi bị lẫn, trong ngày lễ Hiền Mẫu năm ấy, tôi đã đặt vào đôi bàn tay xương xẩu của bà quyển luận án màu đỏ nhỏ nhắn, với dòng chữ in đậm nét ở trang đầu: “Cho người mẹ đã lẫn của con, dù bây giờ mẹ không còn nhớ đến ước mơ của mẹ trong cuộc đời này.”
Sau buổi lễ tốt nghiệp năm ấy, tôi đã năn nỉ để được mượn chiếc áo đen, thêm một ngày, đem về nhà và mặc lại cho mẹ tôi xem. Tôi đã quàng giải lụa đỏ lên đôi vai gầy guộc và đội chiếc mũ đen tốt nghiệp của mình lên đầu cho mẹ. Mẹ ngước mắt, bình thản nhìn tôi. Vẫn ánh mắt hiền hòa như mỗi ngày và không có một dấu hiệu, dù rất nhỏ, nhận thức được sự khác biệt qua hành động của tôi ngày hôm ấy. 

Nước mắt tôi ứa ra và thầm nói trong đầu: “Xin lỗi mẹ, con đã mang về nhà câu trả lời cho ước mơ của mẹ quá muộn màng.” Và trong ngày lễ Hiền Mẫu năm nay, sau gần chín năm khối óc nhạy bén của mẹ tôi không còn hoạt động bình thường, tôi viết lại những dòng chữ này như một lời thú tội, để làm quà, và cũng để thay thế cho ngàn lời xin lỗi mẹ.
Đây là những gì tôi đã chôn kín trong đáy lòng từ nhiều năm qua. Tim tôi quặn thắt.
Chắc anh chưa quên, đã nhiều lần anh tấm tắc khen tôi là một người con có hiếu. Nhiều người cũng khen tôi như vậy. Tất cả mọi người chỉ nhìn thấy tôi với cái vỏ khoác bên ngoài là đã hy sinh rất nhiều cho gia đình. Anh khen tôi thật giỏi vì đã bảo lãnh được cả gia đình ra khỏi Việt Nam. Anh ái mộ vì tôi là phụ nữ mà gánh vác gia đình giỏi hơn anh. Anh hơi buồn vì đã không làm tròn được chữ hiếu như tôi. 

Anh ạ, xin đừng so sánh và nghĩ ngợi lung tung nữa. Không một ai biết được trong lòng tôi nghĩ gì về chữ ‘hiếu’ này. Không ai biết được tôi đã làm gì trong suốt mười năm đầu mẹ tôi đến xứ sở này, để gọi là, đền đáp công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bà. Không ai biết được là tôi đã chỉ chú ý đến đời sống vật chất, mà quên bẵng đi đời sống tinh thần, không kém quan trọng, trong những ngày tị nạn của mẹ tôi. 

Tôi đã thật vô tình giam lỏng mẹ trong căn nhà xinh xắn, với nỗi cô đơn của người lớn tuổi, không biết tiếng Anh, sống xa quê hương, anh em ruột thịt, bạn hữu, láng giềng.
Tôi đã chỉ biết cắm đầu làm việc, để mang về nhà đồng lương vừa đủ trang trải cho mọi chi phí trong gia đình, đồng thời cố gắng gom góp trả dứt nợ ngân hàng cho một căn nhà nhỏ. Tôi đã không dành thời gian để chia sẻ với mẹ những u uất chất chứa trong lòng của bà.
Mỗi khi mẹ tôi lân la lại gần để tâm sự, tôi đã tìm đủ mọi cách để thối thác, lấy cớ rất bận, mong mẹ thông cảm, đợi đến hôm khác hãy nói. Tôi cứ nghĩ là người già rảnh rỗi thì thích nói chuyện đời xưa, chuyện dĩ vãng huy hoàng của một thời son trẻ. 

Tôi đã thật ngu ngốc không biết đó là những dấu hiệu khởi đầu của chứng Alzheimer. Bây giờ nghĩ lại, tôi thật xấu hổ vì nghĩ đến bốn chữ ‘Người con có hiếu’ mà những người quen biết, trong đó có cả anh, đã vô cùng hâm mộ và ưu ái gửi tặng cho tôi.
Anh ạ, tôi chấp nhận, một phần nào, sự kiện mẹ tôi mất dần trí nhớ, vì cuộc đời của bà có nhiều chông gai quá. Mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều cho gia đình, bên cạnh bố tôi, đau yếu quanh năm. Ngoài ra, mẹ tôi còn có những mất mát đáng kể khác trong đời.
Hai lần mất nước, vào chính tay của người cùng chủng tộc, là hai lần mẹ tôi mất  tất cả cơ nghiệp của bà. 

Lần đầu, sau trận đánh ở Điện Biên Phủ 1954, chia đôi đất nước, mẹ phải xa bà ngoại và anh chị em, bỏ lại tất cả tài sản ở miền Bắc, đi theo chồng, đem các con chạy trốn vào Nam.
Lần thứ hai, sau ngày 30-04-1975, một lần nữa, mẹ tôi mất tất cả sự nghiệp mà bà đã phải khó khăn lắm mới gầy dựng lại được ở miền Nam.
Ngoài sự tiêu tán vật chất, suốt mười lăm năm ở lại quê nhà, mẹ tôi đã trải qua nhiều khủng hoảng trầm trọng. Bà đã mất hai đứa con cùng một lúc, em tôi, ngoài đại dương mênh mông. 

Một năm sau, bố tôi, vì quá đau buồn, trở bịnh, nhưng không được bệnh viện chiếu cố, cũng ra đi. Mẹ tôi, với cõi lòng tan nát, một mình lặn lội đường xa, đi thăm nuôi đàn con trong tù vì tội vượt biên.
Thêm vào đó, đứa cháu nội đầu tiên của bà cũng qua đời. Với ngần ấy đau khổ dồn dập, nhưng không có ai ở bên cạnh an ủi; vì vậy, trí nhớ của mẹ có bị suy sụp cũng chẳng có gì để ngạc nhiên cả.
Đối với hoàn cảnh do xã hội đem đến, tôi còn có thể làm gì hơn? Nhưng đối với môi trường sống do tôi tạo ra, tôi phải có trách nhiệm chứ.
Tôi rất buồn vì đã thật vô ý thức, và thật vô tình dồn mẹ vào ngục tù của cô đơn nơi xứ người, và đã không giúp mẹ tìm cách nguôi ngoai. 

Bây giờ thì anh đã biết rõ lý do tôi nuối tiếc, có phải không ? Tôi tưởng tôi là người tốt, đã làm được nhiều điều khiến người ta hâm mộ. Nhưng nghĩ lại cho cùng, thực sự, tôi chỉ là một người ích kỷ, đã khéo léo giấu mình thật kín sau chữ ‘hiếu’ thật to.
Tôi thấy chán ghét chính bản thân mình. Quả thật, tôi đã không có thiện chí giúp mẹ ghi lại những bài thơ gói ghém nỗi lòng thương nhớ quê nhà của người đàn bà tị nạn, lớn tuổi, và ít học – để lại cho đời – trước khi mẹ tôi bị lẫn.
Anh ạ, khối óc của mẹ tôi đã đóng chặt lại rồi. Khối óc ấy đã từng là biển cả của tình thương, trách nhiệm, bồn phận, hy sinh vô bờ bến mà cả đời mẹ tôi đã dành cho gia đình, cho đồng bào ruột thịt, và cho xứ sở của bà.
Khối óc tầm thường của người đàn bà ít học ấy đã thực sự chôn chặt tất cả những kỷ niệm vui buồn, những thương đau nổi trôi theo vận nước, qua những bài thơ chân thật nhất của mẹ tôi viết về quê hương bỏ lại sau lưng của bà.

Chiếc chìa khóa vô hình và duy nhất có thể mở được cái kho tàng quý giá ấy là chữ viết và ngôn ngữ của mẹ tôi đã bị chứng Alzheimer và tai biến mạch máu não hủy hoại mất rồi.
Có lẽ, mãi mãi, trong cuộc đời này, tôi sẽ khó mà tha thứ cho chính mình. Thời gian còn lại của tôi sẽ là nuối tiếc. Nuối tiếc những gì tôi có thể làm được trong khả năng của mình, thật dễ dàng, nhưng tôi đã thật vô tình, đã thờ ơ, và đã không làm gì cả, trước khi trí nhớ của mẹ từ từ mất dần đi. 

Tôi ước mơ thời gian quay ngược lại, để thực hiện những điều có thể làm được cho mẹ của tôi. Nhưng rất tiếc, thời gian sẽ không bao giờ trở lại ! Nuối tiếc bao nhiêu thì cũng đã quá muộn rồi ! Tôi không thể tìm lại được trí nhớ của mẹ tôi. Tôi cũng không thể nào nhớ được những bài thơ yêu nước mẹ tôi sáng tác để giữ lại cho thế hệ mai sau !
Anh ạ, tôi hối hận lắm. Tôi thật sự sống trong nuối tiếc, ray rứt, và dày vò của lương tâm. Tôi đau lòng vô cùng. Tim tôi thắt lại, mỗi khi nghĩ đến mẹ, hay nhìn thấy đôi mắt ngơ ngác, hoặc đôi môi hồng mấp máy của mẹ tôi...

Lời cuối, tôi hy vọng rằng, anh sẽ không phải sống trong nuối tiếc như tôi đang sống trong những năm tháng còn lại của cuộc đời này...
Thân kính,
 



Thiên-Thu
Viết vào ngày Hiền Mẫu
Canada, 10-05-2009