4 Trí Tuệ Ba-la-mật (Paññā Pāramī)
Liên
quan đến Trí Tuệ Ba-la-mật, đó là sự hiểu biết rõ ràng những đặc tính chung và
riêng của các pháp (dhammas), có lòng đại bi và trí về phương tiện thiện xảo đi
kèm.
o
Đặc
tính của Trí Tuệ Ba-la-mật là đi sâu vào bản chất của các pháp, hay nói khác
hơn nó có đặc tính của sự chọc thủng chắc chắn, giống như sự chọc thủng của một
mũi tên do một cung thủ thiện xảo bắn vậy.
o
Nhiệm
vụ: soi sáng phạm vi đối tượng, giống như một ngọn đèn.
o
Sự
thể hiện: không lầm lẫn (vô-si), giống như người hướng đạo trong một khu rừng.
o
Và
định hay tứ thánh đế là nhân gần của tuệ.
Đối với
Trí Tuệ Ba-la-mật, nên suy xét đến những tính chất cao quý của tuệ như sau:
“Không có trí tuệ, những đức
như bố thí … sẽ không thanh tịnh và không thể thực hiện được những nhiệm vụ
tương ứng của chúng. Cũng như, không có sự sống, cơ thể sẽ mất đi vẻ đẹp và
không thể thực hiện được những hoạt động thích hợp của nó, và vì không có thức,
các căn (giác quan) không thể sử dụng những chức năng của chúng trong các lĩnh vực
tương ứng, cũng vậy, không có trí tuệ, các căn (tinh thần) như tín, tấn, niệm…không
thể tực hiện những chức năng của chúng. Có thể nói trí tuệ là nhân chính cho việc
thực hành các ba-la-mật (pāramīs) khác, vì khi tuệ nhãn (wisdom eyes) khai mở,
các bậc đại bồ-tát dám bố thí ngay cả chân tay và các cơ quan khác của họ mà
không tự tán huỷ tha (tự khen mình và chê bôi người khác). Giống như nhưng cây
dược thảo, các ngài bố thí không có sự phân biệt, lòng tràn ngập niềm vui trong
cả ba thời (trước, trong và sau bố thí). Nhờ trí tuệ, hành động từ bỏ (bố thí),
sử dụng cùng với phương tiện thiện xảo và thực hành vì hạnh phúc của tha nhân,
mới đạt đến địa vị của một ba-la-mật (pāramīs); trong khi bố thí vì lợi ích của
cá nhân mình sẽ chẳng khác gì một sự đầu tư.
Lại nữa, không có trí tuệ, giới không thể tách rời khỏi những ô nhiễm của
tham, v.v… và do đó ngay cả đạt đến sự thanh tịnh (giới) còn không thể, huống nữa
dùng làm nền tảng cho những phẩm chất của một vị Phật Chánh Đẳng Giác. Chỉ người
có trí tuệ mới nhận thức rõ được những nguy hiểm trong đời sống gia chủ, những
nguy hiểm trong ngũ dục, và trong vòng luân hồi, cũng như mới thấy được những lợi
ích trong việc xuất gia, trong việc đắc thiền (jhāna), và trong việc chứng ngộ
Niết-bàn (Nibbana); và chỉ người có trí tuệ mới từ bỏ gia đình sống đời không
gia đình, phát triển các thiền chứng và hướng đến Niết-bàn (Nibbana), và mới an
lập những người khác trong những chứng đắc ấy.
“Tinh tấn không có trí tuệ thì
không hoàn thành được mục đích mong muốn vì nó được đề khởi sai, và thà đừng ra
sức tinh tấn gì cả có lẽ còn tốt hơn là tinh tấn sai lối (vì càng tinh tấn sai
càng đi xa mục đích vậy). Nhưng khi tinh tấn được kết hợp với trí tuệ, và nếu
được trang bị với những phương tiện thích hợp, không việc gì mà nó không hoàn
thành. Thêm nữa, chỉ người có trí tuệ mới có thể nhẫn nại khoan dung những sai
lầm của người khác, còn người liệt tuệ thì không. Nơi một người thiếu trí, những
sai lầm của người khác chỉ khơi dậy sự nóng nảy, thiếu kiên nhẫn; nhưng đối với
người trí, sai lầm của người khác lại tập trung được sự nhẫn nại của vị ấy và
làm cho nó trở nên mạnh mẽ hơn. Bậc trí, sau khi đã tuệ tri ba thánh đế, các
nhân và đối nghịch của chúng, đúng như thực, không bao giờ nói lời lừa dối kẻ
khác. Ở đây cần phải hiểu, vị bồ-tát chỉ trực tiếp chứng ngộ thánh đế thứ ba, tức
sự diệt khổ hay Niết-bàn (Nibbana) vào lúc đạt đến Phật quả của vị ấy mà thôi.
Cũng vậy, sau khi đã củng cố cho mình sức mạnh của trí tuệ, bậc trí hình thành
một quyết định vững chắc đảm nhận các pháp ba-la-mật (pāramīs) không gì lay
chuyển nổi trong tinh thần dũng cảm. Chỉ người có trí tuệ mới thiện xảo trong
việc lo liệu cho sự an vui hạnh phúc của tất cả chúng sinh, không phân biệt giữa
người thân, người không thân không thù
và người thù. Và chỉ nhờ có trí tuệ này mà ngài mới có thể giữ được thái độ dửng
dưng đối với những thăng trầm của cuộc đời, như được mất, hơn thua…không bị
chúng làm cho lay động.”
Vị bồ-tát
nên suy xét về những phẩm chất cao quý của trí tuệ theo cách này, và nhận ra nó
là nhân cho sự thanh tịnh của tất cả các ba-la-mật (pāramīs).
Hơn nữa,
Không có trí tuệ thì không có sự thành tựu minh, và không có minh thì không thể
có sự thành tựu giới. Người thiếu giới và tuệ tất không thể thành tựu định, và
không định thì ngay cả sự an vui hạnh phúc của mình còn không thể bảo đảm, nói
gì đến mục đích cao thượng là lo liệu cho an vui, hạnh phúc của những người
khác. Do đó, một vị bồ-tát, thực hành vì sự an vui hạnh phúc của tha nhân, nên
tự khuyến giáo mình: “Ngươi đã dốc hết nỗ lực để tịnh hoá trí tuệ của mình
chưa?” Vì chính nhờ sức mạnh tâm linh của trí tuệ mà các bậc Đại Nhân, sau khi
đã an lập trong bốn nền tảng (trí tuệ, chân thật, bố thí, và an tịnh), đem lại
lợi ích cho thế gian với bốn nhiếp pháp (bốn căn cứ của việc từ thiện - bố thí,
ái ngữ, lợi hành và bình đẳng), giúp các chúng sinh đi vào đạo lộ giải thoát và
làm cho các căn (tinh thần) của họ trưởng thành. Lại nữa, nhờ sức mạnh trí tuệ
các vị dành hết năng lực của mình cho sự thẩm sát các uẩn, xứ, giới, v.v…tuệ
tri các tiến trình sanh và diệt hợp theo thực tại, phát triển những phẩm hạnh
như bố thí…đến những giai đoạn xuất chúng và thông tuệ, hoàn mãn việc tu tập của
các vị bồ-tát. Như vậy sự hoàn thiện của trí tuệ phải được củng cố bằng sự hiểu
biết những phẩm chất cao quý cùng với những phương thức và thành phần của
chúng.
Sammohavinodanī,
chú giải của bộ Phân Tích (Vibhaṇga), đưa ra bảy cách tu tập tuệ:
1.
Năng
đặt câu hỏi với các bậc trí tuệ,
2.
Làm
sạch các đối tượng trong và ngoài thân,
3.
Quân
bình ngũ căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ).
4.
Tránh
những người thiếu trí,
5.
Gần
gũi các bậc trí tuệ,
6.
Suy
xét về bản chất của Pháp (Dhamma) là nơi lưu trú của trí tuệ thâm sâu.
7.
Trong cả bốn oai nghi, lúc nào
cũng khuynh hướng về sự tu tập trí tuệ.
Chú giải
Trung Bộ Kinh (Majjhimā Nikāya) thì nói rằng các vị bồ-tát xuất gia dưới sự hướng
dẫn của một vị Phật, thanh tịnh giới hạnh của mình, học hỏi giáo pháp của Đức
Phật, sống đời sống thiền định, và tu tập Minh-sát (Vipassana) đến hành xả trí
(saṅkhārūpekkhañāṇa). Đây là minh sát trí cao nhất mà một vị bồ-tát có thể đạt
đến trước khi vị ấy trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác hay Toàn Giác Phật.
Ngày
nay giáo pháp của Đức Phật vẫn còn tồn tại, và nó cho quý vị cơ hội hiếm hoi nhất
để tu tập các giai đoạn tuệ minh sát cho đến hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa),
nếu quý vị là một vị bồ-tát. Còn nếu quý vị chỉ nguyện giải thoát thôi, ít nhất
quý vị cũng phải thực hành thiền chỉ (samatha) cũng như thiền minh sát
(vipassana), và cố gắng để đạt đến Nhập Lưu Thánh Đạo (Sotāpattimagga) và Nhập Lưu Thánh Quả (Sotāpattiphala) trong
kiếp này, có như vậy kiếp sống làm người và cơ hội được gặp giáo pháp của Đức
Phật mới không uổng phí.
CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp
Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng
Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế
Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật