Tuesday, August 19, 2014

5 Tinh Tấn Ba-la-mật (Vīriya Pāramī)



5 Tinh Tấn Ba-la-mật (Vīriya Pāramī)

Tinh tấn ba-la-mật (pāramīs) là hành động của thân và tâm vì sự an vui và hạnh phúc của tha nhân, có lòng đại bi và trí về phương tiện thiện xảo đi kèm.
o  Đặc tính của tinh tấn ba-la-mật là nỗ lực phấn đấu;
o  Nhiệm vụ: củng cố hay làm cho vững chắc;
o  Sự thể hiện: không mệt mỏi;
o  Và một cơ hội để khơi dậy tinh tấn, hay một ý thức khẩn cấp tâm linh, là nhân gần của tinh tấn ba-la-mật.
Tinh tấn ba-la-mật (pāramīs) cần phải được suy xét như sau: ‘Không có tinh tấn một người không thể thành công trong những công việc nhắm đến những mục đích có thể thấy được ở thế gian. Nhưng một người nghị lực, có tinh tấn không biết mệt mỏi thì không  gì người ấy không thành tựu. Người thiếu tinh tấn không thể đảm đương công việc cứu giúp các chúng sinh thoát khỏi đại dương luân hồi; ngay cả tinh tấn ở mức vừa phải người ấy cũng sẽ từ bỏ công việc giữa chừng. Nhưng một người đầy đủ tinh tấn có thể thành tựu mọi ba-la-mật mà họ đảm nhận.’
Những phẩm chất cao quý của tinh tấn cũng cần phải duyệt xét thêm như sau: ‘Một người chỉ có ý định tự cứu mình khỏi vũng lầy sanh tử, nếu buông lỏng tinh tấn, còn không thể hoàn thành được lý tưởng của mình, huống nữa một người phát nguyện cứu độ tất cả chúng sinh, làm thế nào người ấy có thể thành tựu được?’ Và: ‘Nhờ sức mạnh của tinh tấn những ý nghĩ sai lầm như sau được tránh khỏi: “Ông tự cứu mình thoát khỏi khổ đau của vòng tử sanh luân hồi là hoàn toàn đúng; vì bao lâu ông còn là một phàm phu ngu si, việc chế ngự khối phiền não to lớn khó như thể chế ngự một bầy voi điên, nghiệp (kamma) do những phiền não này gây ra cũng giống như một tên sát nhân với thanh gươm đã tuốt khỏi vỏ, những sanh thú ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, v.v… )  dựa trên những nghiệp này luôn mở cửa sẵn sàng đón ông, và những bạn bè ác luôn luôn vây quanh để sai khiến và khuyên ông làm những điều ác.’ Và ‘Nếu, ngay cả sự giác ngộ viên mãn (toàn giác) cũng có thể thành tựu bằng chính sức tinh tấn của một người, thời sự khó khăn còn khó biết bao nhiêu?’
Về vấn đề tinh tấn ba-la-mật, các bản kinh đưa ra ví dụ về một con sư tử chúa mà bản chất của nó là dù săn một con thỏ, hay săn một con voi, đều sử dụng nỗ lực như nhau. Chúa sơn lâm khi săn một con thỏ không vì thấy nó là một con vật nhỏ mà vận dụng ít sức nỗ lực, nó cũng không gắng hết sức khi săn một con voi vì thấy sự đồ sộ của nó. Trong cả hai trường hợp, sư tử chúa dùng mức độ tinh tấn ngang nhau.
Theo cách của sư tử chúa, vị bồ-tát trong lúc hoàn thành tinh tấn ba-la-mật, không bỏ nỗ lực ít hơn đối với những công việc bình thường, cũng không dùng sức tinh tấn nhiều hơn đối với những công việc gay go. Vị ấy luôn luôn vận dụng mức nỗ lực tối đa như nhau, dù công việc có là nhỏ hay lớn.
Chú giải thường trích dẫn câu chuyện của Mahājanaka (tiền thân Đức Phật) như một ví dụ về nỗ lực phi thường cho sự hoàn thiện (ba-la-mật). Đức bồ-tát khi là hoàng tử Janaka đã thực hiện một nỗ lực phi thường bơi trong bảy ngày đêm trong biển cả khi chiếc tầu ngài đang du hành bị đắm. Sự cố gắng to lớn của ngài không phải được thúc đẩy bởi ước muốn thực hiện những thiện nghiệp hay để thực hành hạnh bố thí, trì giới hay tu thiền. Nó cũng không làm phát sanh những trạng thái tâm bất thiện như tham, sân, si và như vậy có thể được xem như vô lỗi. Sự cố gắng phi thường của Hoàng-tử Janaka, do không lỗi và thoát khỏi tính chất bất thiện nên được kể như sự hoàn thành pháp tinh tấn ba-la-mật (pāramīs).
Khi chiếc tầu sắp bị đắm, bảy trăm người trên tầu chỉ biết khóc lóc, than van trong nỗi tuyệt vọng mà không thực hiện bất cứ cố gắng nào để thoát khỏi tai hoạ. Hoàng tử Janaka, không giống như những người cùng đi chung, tự nghĩ: ‘Khóc lóc, than van trong nỗi sợ hãi khi đương đầu với hiểm nguy không phải là cách của người trí; người có trí luôn luôn cố gắng tự cứu mình thoát khỏi hiểm nguy đang đe doạ. Một người có trí tuệ như ta phải vận dụng hết mọi nỗ lực để bơi cho bằng được đến nơi an toàn.’ Với quyết định này trong tâm không chút lo lắng sợ hãi, ngài đã can đảm bơi qua biển lớn.
Trong mỗi kiếp sống, đức bồ-tát của chúng ta đã đảm đương những gì ngài cần phải làm để hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) một cách can đảm, không chùn bước; ngay cả khi sanh làm một con bò đực, đức bồ-tát cũng đã thực hiện những công việc gay go. Chuyện kể như thế này, khi bồ-tát làm một con bò đực tơ có tên là Kanha, vì lòng biết ơn đối với một bà già đã chăn dắt ngài, ngài đã kéo năm trăm cỗ xe bò chất đầy hàng hoá vượt qua một bãi lầy lớn.
Như vậy, ngay cả khi làm một con vật, việc tu tập tinh tấn như một pháp ba-la-mật (pāramīs) vị bồ-tát cũng không lơi lỏng; khi sanh làm người khuynh hướng vận dụng tinh tấn luôn tồn tại trong ngài. Có thể nói khuynh hướng ngủ ngầm để phát triển tinh tấn cao tột luôn đi cùng với một vị bồ-tát suốt những kiếp sống khác nhau của ngài.
Chú giải Phân tích Niệm Xứ (Sattipaṭṭhāna Vibhaṇga Commentary) và Chú giải Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāṇa Sutta) mô tả mười một yếu tố phát triển tinh tấn như sau:
1.   Quán sự nguy hiểm của các cõi sống thấp (bốn cõi khổ - địa ngục, ngạ quỷ…)
2.   Nhận thức những lợi ích tích luỹ được từ sự tu tập tinh tấn,
3.   Ôn lại đạo lộ mà các bậc thánh nhân bước đi,
4.   Tôn kính những vật thực của hàng thí chủ (dâng cúng),
5.   Quán tính chất cao thượng của sự thừa tự (pháp),
6.   Quán tính chất cao quý của bậc Đạo Sư, Đức Phật,
7.   Quán tính chất cao quý của dòng dõi (ở đây là dòng dõi bồ tát),
8.   Quán tính chất cao quý của những bạn đồng phạm hạnh,
9.   Tránh xa những người lười nhác,
10.                        Gần gũi những người siêng năng, tinh tấn,
11.                       Khuynh hướng về việc tu tập tinh tấn trong cả bốn oai nghi.

CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật