Tuesday, August 19, 2014

1 Bố Thí Ba-la-mật



 Tối nay tôi sẽ giải thích thêm về cách làm thế nào để thực hành cỗ xe đại giác, hay nói khác hơn thực hành hạnh bồ-tát để thành tựu Phật quả. Tôi sẽ giải thích theo trình tự, định nghĩa, đặc tính, nhiệm vụ, sự thể hiện, nhân gần và sự phản khán hay suy xét từng mỗi ba-la-mật (pāramīs).

1 Bố Thí Ba-la-mật

Bố thí ba-la-mật (dāna pāramīs) là ý nguyện từ bỏ bản thân và những gì thuộc về bản thân, được kèm theo bởi lòng đại bi và trí hiểu biết về phương tiện thiện xảo. Ở đây khi nói rằng có lòng đại bi và trí hiểu biết về phương tiện thiện xảo đi kèm là muốn nêu lên nét đặc thù về đặc tính của mỗi ba-la-mật (pāramīs), vì bố thí ba-la-mật, hay các ba-la-mật khác khởi lên trong dòng tâm tương tục của các vị bồ-tát luôn được kèm theo bởi lòng đại bi và trí hiểu biết về phương tiện thiện xảo. Có thể nói chính điều này làm cho chúng thành các pháp ba-la-mật (pāramīs).
o  Đặc tính của bố thí ba-la-mật là từ bỏ;
o  Nhiệm vụ: xua tan lòng tham đối với những gì có thể được từ bỏ;
o  Sự thể hiện: không dính mắc, hay sự thành tựu về tài sản và một trạng thái hiện hữu thuận lợi;
o  Và một vật có thể được từ bỏ là nhân gần của bố thí ba-la-mật.
Bố thí ba-la-mật cần phải được suy xét như vầy: ‘Những sở hữu như ruộng, đất, vàng, bạc, trâu, bò, nô lệ, vợ, con, v.v… đem lại tai hại khôn lường cho những ai dính mắc vào chúng. Bởi vì chúng kích thích lòng tham nên rất nhiều người thèm muốn chúng; vua chúa có thể trưng dụng chúng, phường trộm đạo có thể cướp đoạt chúng; chúng gây ra những cuộc tranh chấp và tạo ra lắm kẻ thù; về cơ bản chúng không có thực chất; để có được chúng và để bảo vệ chúng người ta phải làm phiền người khác; khi chúng bị huỷ hoại, nhiều loại tai hoạ, như sầu muộn, tiếc nuối v.v… sẽ theo sau; và do dính mắc vào những thứ này, tâm người ta bị ám ảnh với cấu uế của keo kiết, bủn xỉn, và hậu quả là phải tái sanh vào khổ cảnh. Ngược lại, hành vi từ bỏ những thứ này là một bước đi tới chỗ an ổn. Như vậy ta nên siêng năng từ bỏ chúng.
Thêm nữa, khi một người năn nỉ xin một vật gì, vị bồ-tát sẽ suy xét: ‘Người này là bạn thân của ta, vì y dám tiết lộ việc riêng của y cho ta biết. Y cũng là thầy của ta, vì y dạy cho ta biết: “Khi bạn ra đi bạn phải bỏ lại tất cả. Đi qua bên kia thế giới, bạn không thể đem theo được gì ngay cả những sở hữu riêng của bạn!” Y là một người bạn đồng hành giúp ta di chuyển những của cải của ta ra khỏi thế gian này, thế gian giống như nhà lửa, đang cháy với lửa già, đau, chết. Di chuyển được những thứ này y đã giúp ta loại bỏ được những lo lắng mà lẽ ra ta phải trả do có chúng. Y là người bạn tốt nhất của ta, vì nhờ y mà ta có cơ hội thực  hành hạnh bố thí cao quý này, y đã giúp ta hoàn thành sự thành tựu siêu việt nhất và khó khăn nhất trong tất cả sự thành tựu, đó là đạt đến cảnh giới của chư Phật.’
Vị ấy suy xét thêm: ‘Ta vô cùng vinh dự được y tạo cho một công việc cao quý; vì thế ta nên chấp nhận vinh dự đó một cách chân thành.’ Và: ‘Vì lẽ mạng sống chắc chắn rồi sẽ chấm dứt cho nên ta phải bố thí ngay cả khi không được xin, huống nữa là khi có người hỏi xin như vầy.’ Và: ‘Những người tính tình cao thượng còn phải đi tìm người để bố thí, nhưng ta nhờ có phước báu nên y đã tự đến với ta.’ Và: ‘Tặng một món quà cho người hỏi xin sẽ đem lại lợi ích cho ta cũng như cho họ.’  Và: ‘Ta làm lợi ích cho bản thân như thế nào, ta cũng sẽ làm lợi ích cho cả thế gian này như thế ấy.’ Và: ‘Nếu không có người hỏi xin, ta sẽ hoàn thành bố thí ba-la-mật (dāna-pāramīs) như thế nào? Và: ‘Mọi thứ ta có được chỉ là để giúp ta bố thí cho tha nhân.’ Và: ‘Khi nào thì những người xin sẽ cảm thấy thoải mái để nhận những của cải của ta tuỳ theo ý họ, không cần phải hỏi xin? Và: ‘Làm thế nào để ta có thể trở nên thân ái và dễ mến đối với những người hỏi xin, và làm thế nào để họ có thể trở nên thân ái và dễ mến đối với ta? Ta phải bố thí như thế nào, để sau khi bố thí tâm được vui thích, hân hoan, và tràn đầy hỷ lạc? Và làm thế nào để những người xin, vì ta, mà cũng được hân hoan, vui thích như vậy? Làm thế nào để khuynh hướng bố thí của ta được cao thượng? Làm thế nào ta có thể  bố thí cho những người xin thậm chí không đợi họ hỏi, nhờ biết được ước muốn trong lòng họ?’ Và: ‘Vì lẽ ta có của cải, và những người xin đã đến, không cho họ được một món gì đó thì ắt hẳn sẽ là một sự đánh lừa thô bỉ.’ Và: ‘Làm thế nào ta có thể từ bỏ được mạng sống và tứ chi của ta cho những người hỏi xin chúng đây?’
Vị ấy nên khơi dậy một ước muốn từ bỏ mọi thứ không quan tâm bằng cách suy xét : ‘Sự tốt lành sẽ trở lại với người bố thí không quan tâm cũng như vũ khí bu-mơ-rang[1] (boomerang) quay trở lại với người ném nó không quan tâm vậy.’ Nếu một người thân hỏi xin một vật gì, vị ấy nên khơi dậy niềm hân hoan bằng cách suy xét: ‘Một người thân đang hỏi xin ta một món đồ.’ Nếu một người không thân không thù hỏi xin một vật gì, vị ấy nên khơi dậy niềm hân hoan bằng cách suy xét: ‘Chắc chắn, nếu ta cho y một vật gì đó y sẽ trở thành bạn của ta, vì lẽ cho đến những người hỏi xin như thế sẽ chiếm được tình cảm của họ.’ Và nếu một người thù hỏi xin một vật gì, vị ấy nên đặc biệt sung sướng, vì nghĩ: ‘Kẻ thù của ta đang hỏi xin một vật; mặc dù y thù ghét ta, nhưng nhờ món quà này chắc chắn y sẽ trở thành bạn thân của ta.’ Như vậy, đối với người không thân không thù và đối với người thù nghịch vị ấy sẽ bố thí như cách vị ấy bố thí cho người thân, sau khi đã khơi dậy lòng từ ái và bi mẫn trước.
Nếu những trạng thái tham khởi lên đối với những thứ có thể cho đi được, do năng lực tham đã tích luỹ lâu đời của mình, vị phát nguyện-bồ tát nên suy xét: ‘Này con người hiền thiện kia, khi ngươi phát nguyện toàn giác (thành Phật), há ngươi đã không dâng hiến thân này cũng như từ bỏ những phước báu có được vì muốn cứu giúp tất cả chúng sinh đó sao? Dính mắc vào những vật bên ngoài cũng giống như dính mắc vào nước tắm voi vậy; do đó ngươi không nên dính mắc vào bất cứ thứ gì. Ví như có một cây thảo dược lớn, người cần rễ, sẽ lấy rễ của nó; người cần búp, sẽ lấy búp của nó; người cần vỏ…; người cần thân…; người cần nhánh…; người cần lõi…; người cần lá…; người cần hoa…, hay cần trái, sẽ lấy vỏ, thân, nhánh…trái của nó. Cây sẽ không bị bức bách bởi những ý nghĩ như: ‘Họ đang lấy đi những của cải của ta.’ Cũng vậy, khi Ta đã phát nguyện dốc hết sức mình vì sự an vui và hạnh phúc của cả thế gian, Ta sẽ không để cho khởi lên dù chỉ một ý tà ý vi tế nhất đối với tấm thân bất tịnh, khốn khổ, vô ơn, mà ta đã cống hiến để phục vụ tha nhân này. Và ngoài ra, liệu có sự phân biệt gì giữa những yếu tố vật chất bên trong của thân với những yếu tố vật chất bên ngoài của thế gian không chứ? Cả hai đều phải chịu sự kết thúc, phân tán và hoại diệt không thể tránh khỏi được như nhau. Sự dính mắc vào thân này, xem nó như ‘Thân này là của tôi, Thân này là tôi, thân này là tự ngã của tôi’ chỉ là lời nói ngây thơ lầm lẫn mà thôi. Lẽ ra ta không nên quan tâm nhiều đến tay, chân, mắt, và thịt của ta hơn những vật bên ngoài ấy mới phải. Thay vào đó ta nên khởi lên ý nghĩ dâng hiến chúng cho mọi người: ‘Ai cần gì cứ việc lấy chúng đi.’”
Khi vị ấy suy xét theo cách như vậy, quyết định hướng đến sự giác ngộ viên mãn, không quan tâm đến thân thể hay mạng sống của mình, thời thân hành, khẩu hành và ý hành của vị ấy sẽ dễ dàng trở nên trong sạch hơn. Khi thân hành, khẩu hành, và ý hành, cùng với sinh kế của vị ấy đã được trong sạch, vị ấy an trú trong việc thực hành chánh đạo, và nhờ những phương tiện thiện xảo của mình đối với được và mất, vị ấy có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh đến mức lớn nhất bằng cách từ bỏ những vật bên ngoài (tài thí), bằng cách bố thí sự không sợ hãi (vô uý thí) và bố thí chánh Pháp (Pháp thí). Đây là phương pháp suy xét về bố thí Ba-la-mật.
Một vị bồ-tát không chỉ suy xét cách làm thế nào để hoàn thành bố thí ba-la-mật, mà còn đưa nó vào thực hành nữa. Khi đức bồ-tát của chúng ta là Vua Vessantarra, ngài đã bố thí con trai và con gái của mình cho một ác bà-la-môn (brahmin), và vợ của mình cho Đế-Thích Thiên Vương giả trang làm một người bà-la-môn (brahmaṇa). Thực ra đức bồ-tát của chúng ta không chỉ bố thí những sở hữu bên ngoài như vợ, con yêu quý của ngài, mà ngài còn bố thí luôn cả mạng sống của mình nữa. Có lần, đức bồ-tát là một vị hoàng tử. Một hôm ngài đi vào rừng và nhìn thấy một con cọp mẹ và ba con cọp con sắp chết vì đói. Khi thấy cảnh tượng này, lòng bi mẫn trào dâng trong hoàng tử. Để cứu chúng, ngài đã trèo lên vực sâu và gieo người xuống để hiến thân làm thức ăn cho chúng. Hành động bố thí này là một loại bố thí tối cao. Khi đức bồ-tát là một con vật, ngài cũng thực hành loại bố thí này. Có một tiền kiếp, đức bồ-tát của chúng ta là một con thỏ, nó đã vui vẻ nhảy vào lửa do Vua Trời Đế Thích trong lớp hoá trang của một người bà-la-môn (brahmaṇa) đốt, với ý định dâng hiến thân này làm món ăn cho ông ta.
Ở đây, có một điểm quan trọng phải cân nhắc: liệu việc thực hành bố thí ba-la-mật (pāramīs) có thực sự cần thiết hay không. Trong Tương Ưng Kinh (Saṃyutta Nikāya), phẩm Sagāthāvagga, chúng ta thấy bài kệ ‘Sīle paṭṭithāya naro sapañño…’ - ‘Người trú giới có trí…’[2] trong đó Đức Phật giải thích rằng khi một người có trí tuệ thành thục được sinh ra với ba nhân (người tam nhân - vô tham, vô sân và vô si), khéo an trú trong giới, nhiệt tâm tu tập định và tuệ (Minh-sát), vị ấy có thể tháo gỡ tấm lưới tham ái rối ren (nội triền). Rõ ràng trong bài kệ này Đức Phật chỉ đề cập đến tam học - giới học, định học và tuệ học; thậm chí không có một lời ám chỉ nào về việc thực hành bố thí. 
Hơn nữa, như Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), bộ luận giải trình độc nhất bài kệ trích dẫn ở trên, cũng không động chạm gì tới vấn đề bố thí. Và trong Bát Thánh Đạo dẫn đến Niết-bàn (Nibbāna) cũng chỉ bao gồm các đạo liên quan đến giới, định và tuệ, chứ không có đạo nào liên quan đến bố thí, cho nên một số người hiểu sai cho rằng bố thí không được Đức Phật xem là thiết yếu, nào là nó không dẫn đến sự chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna), nào là nó làm cho tái sinh nhiều thêm nữa trong vòng luân hồi… và như vậy bố thí không nên tu tập.
Bất cứ ai, nếu chưa trở thành một bậc A-la-hán trong kiếp này, đều phải trải qua những lần tái sanh thêm nữa trong vòng luân hồi. Khi đã tái sanh như vậy, họ sẽ khó có được những trạng thái hiện hữu thuận lợi nếu không thực hành pháp bố thí trong kiếp hiện tại. Cho dù họ có may mắn có được một sự tái sanh tốt đẹp, họ cũng sẽ thấy rằng mình thiếu những sở hữu vật chất mà không có chúng họ không thể làm những việc công đức được. Trong trường hợp như vậy, người ta có thể lý luận rằng họ sẽ dành hết thời gian để thực hành giới, định và tuệ. Nhưng điều này nói thì dễ hơn làm. Thực vậy, chỉ nhờ sự hỗ trợ của những quả lợi ích do hành động bố thí trong quá khứ mà người ta mới có thể tu tập tam học - giới, định và tuệ - thành công. Do đó, điều quan trọng nhất đối với những người vẫn còn đang dong duỗi trên cuộc hành trình dài vô định của luân hồi này là tu tập bố thí. Chi khi người ta được trang bị đầy đủ với ‘những tư lương cho cuộc hành trình’, đó là, bố thí, người ta mới có thể đi đến sanh thú tốt đẹp (tái sanh làm người hoặc chư thiên); và ở đó, có được của cải vật chất như quả của hành động bố thí trong những kiếp quá khứ, người ta mới có thể hiến mình để theo đuổi những nghiệp công đức nào họ muốn làm.
Trong số những người còn đang lang thang trong vòng tử sanh luân hồi, các vị bồ-tát  là những con người vĩ đại nhất. Sau khi nhận được lời thọ ký từ một vị Phật xác định sự chứng đắc Phật quả trong tương lai của mình, một vị bồ-tát còn phải tiếp tục hoàn thành mười ba-la-mật (pāramīs) để đạt đến nhất thiết trí trong ít nhất bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa. Do đó, đối với các vị bồ-tát, những người được xem là những nhà du hành trên cuộc hành trình dài đăng đẳng vủa vòng luân hồi (saṃsāra), bố thí ba-la-mật là quan trọng bậc nhất và vì vậy, sự kiên quyết hoàn thành bố thí ba-la-mật đã được đề cập ở một vị trí khá nổi bật trong Kinh Điển Pāḷi nói về Biên Niên Sử của Chư Phật (Buddhavaṁsa).
Như vậy, khi bài kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya) đề cập ở trên nói: ‘Người trú giới có trí…’, là muốn nói đến những người Ba-la-mật đã chín mùi để chứng đắc A-la-hán thánh quả, còn những người chưa hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs), bố thí là việc cần thiết, không nên nói rằng bố thí ba-la-mật không quan trọng.
Cũng có một số người hỏi là liệu có thể đạt đến Niết-bàn nhờ thực hành một mình pháp bố thí không? Điều này cần phải được trả lời rằng, thực hành chỉ độc nhất một ba-la-mật (pāramīs), không bố thí, không giữ giới, không tu thiền sẽ không đưa đến sự chứng đắc Niết-bàn được. Vì thực hành một mình pháp bố thí hàm ý rằng việc thực hành ấy không có giới đi kèm, không có thiền đi kèm; tương tự, khi nói hành một mình thiền có nghĩa rằng thiền được thực hành không có sự hỗ trợ của giới và bố thí. Khi một người không có giới chế ngự, họ có thể thoả thích trong những ác hạnh; nếu một người có những thói quen ác như vậy mà cố gắng hành thiền, những nỗ lực của họ sẽ trở thành vô ích giống như một hạt giống tốt đem gieo trên vỉ sắt nóng, đã không nảy mầm mà còn biến thành tro nữa vậy.  Vì thế cần lưu ý ở đây rằng sẽ không thích hợp khi nói chỉ ‘thực hành một mình pháp bố thí’ thôi.
Trong chương nói về bố thí của bộ Biên Niên Sử Chư Phật, có nói rõ rằng của bố thí nên được cho đến mọi người, bất kể địa vị cao, thấp hay trung bình, của người thọ nhận. Xét theo lời tuyên bố chắc chắn này, khi làm một việc cúng dường hay bố thí, không nên và cũng không cần thiết phải chọn lựa người thọ nhận.
Tuy nhiên trong Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhinavibhaṇga Sutta) của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), Đức Phật dạy bảy loại cúng dường đến Tăng Chúng (Saṇgha) và mười bốn loại bố thí hay cúng dường đến cá nhân (cá nhân thí). Đối với mười bốn loại cúng dường đến cá nhân, kinh nói rõ rằng phước báu có được sẽ tăng theo người thọ nhận, từ con vật thấp nhất lên đến các chúng sinh cao nhất. Dĩ nhiên, cúng dường có phước báu lớn nhất vẫn là cúng dường đến Tăng Chúng (Saṇgha).
Lại nữa, trong Peta Vatthu (Chuyện Ngạ Quỷ) câu chuyện của Ankura, chúng ta thấy có đề cập đến hai vị chư thiên.  Khi Đức Phật dạy Vi-diệu-pháp (Abhidhamma) trên thiên cung Đạo Lợi (Tavatiṃsa), ngài ngự trên ngai vàng của Đế Thích (sakka), hai vị chư thiên Indaka và Ankura đến nghe ngài thuyết pháp. Mới đầu Ankura ngồi gần Đức Phật, nhưng mỗi khi có một vị chư thiên có oai lực hơn đến, Ankura phải nhường chỗ cho họ và lùi dần cho đến khi ông cách xa Đức Phật cả mười do-tuần (yojanas)[3].
Trong khi đó Indaka vẫn ngồi yên tại chỗ, không phải dời đi đâu cả. Lý do như sau: Vào thời thọ mạng của con người là mười ngàn tuổi, Ankura sanh làm người và là người rất giầu có. Suốt thời gian của kiếp sống đó ông bố thí bữa ăn đến số lượng lớn phàm nhân. Theo như chuyện kể thì bếp nấu ăn của ông trải dài đến mười hai do-tuần. Do nhờ phước này, sau khi chết ông tái sanh làm một vị chư thiên. Tuy nhiên, Indaka lại trở thành một vị chư thiên do đã cúng dường một muỗng cơm đến A-la-hán Anuruddha (A-nậu-lâu-đà).
Mặc dù cúng dường mà Indaka làm lúc đó chỉ là một muỗng cơm, song người thọ nhận là một bậc A-la-hán và vì thế phước báu ông nhận được là rất lớn và cao quý. Như vậy, ông ngang hàng với các vị chư thiên có oai lực khác, nên không phải nhường chỗ cho họ. Ngược lại, mặc dù Ankura đã bố thí với số lượng lớn và trong một thời gian lâu dài, kết quả mà ông tích tạo được vẫn không thuộc thứ tự cao. Do đó mỗi lần có một vị chư thiên oai lực hơn đến ông phải lui ra xa để nhường chỗ. Vì thế trong Kinh điển Pāḷi chúng ta tìm thấy lời cổ vũ này: ‘Viceyya dānaṃ databbaṃ yattha dinnaṃ mahāphalaṃ’ có nghĩa là ‘Khi thực hiện một sự cúng dường, người đem lại quả phước lớn nhất nên được chọn làm người thọ nhận.’
Qua điều này chúng ta thấy dường như có một sự mâu thuẫn giữa Bộ Biên Niên Sử chư Phật và những bài kinh khác, chẳng hạn như Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhinavibhaṇga Sutta) của Kinh Tạng Pāḷi. Tuy nhiên, điều có vẻ mâu thuẫn ấy sẽ dễ dàng giải quyết nếu chúng ta nhớ rằng những bài kinh như Kinh Phân Biệt Cúng Dường Đức Phật muốn nói cho người bình thường hay các vị chư thiên bình thường, trong khi những luận bàn trong Biên Niên Sử Chư Phật  lại dành riêng cho các vị bồ-tát mà mục đích của họ là chứng đắc nhất thiết trí, hay Phật trí (sabbaññutañāṇa). Nhất thiết trí hay Phật trí này thuộc về loại trí duy nhất không sắp vào thứ tự của trí tuệ thấp, trung bình hay đại trí. Vị bồ-tát chỉ việc bố thí bất cứ những gì vị ấy có cho bất kỳ người nào đến nhận, không kể địa vị cao, thấp hay trung bình của họ. Vị ấy không cần phải suy xét như vầy: ‘Người thọ nhận này thuộc địa vị thấp, bố thí cho y, ta sẽ chỉ đắc được Nhất-thiết-trí hay Phật trí cấp thấp. Người thọ nhận này thuộc địa vị trung bình, bố thí cho y, ta sẽ chỉ đắc được Phật trí cấp trung bình.’ Do đó bố thí cho bất kỳ ai đến nhận không mảy may phân biệt là thói quen thực hành của các vị bồ-tát khuynh hướng về sự chứng đăc nhất thiết trí hay Phật trí (sabbaññutañāṇa). Ngược lại, mục đích của người bình thường, hay chư thiên bình thường, trong việc bố thí là để có được những thoải mái vật chất theo sự ưa thích của họ, và vì thế họ sẽ chọn người thọ nhận xứng đáng nhất với bố thí của họ là lẽ tự nhiên.
Bởi thế, có thể kết luận rằng không có sự mâu thuẫn nào giữa Bộ Biên Niên Sử Chư Phật, vốn cố ý dành cho các vị bồ-tát và những bài kinh như Kinh Phân Biệt Cúng Dường dành cho người bình thường, và chư thiên bình thường.

CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật



[1] Bu-mơ-rang: một loại vũ khí của thổ dân Úc, làm bằng gỗ dẹt và cong, có thể được ném ra rồi tự động quay trở về với người ném.
[2] Người trú giới có trí,
          Tu tập tâm và tuệ,
                  Nhiệt tâm và thận trọng,
         Tỳ-kheo ấy thoát triền.’ Tương Ưng Kinh (Saṃyutta Nikāya) I. 36
[3] Yojana (do-tuần) đơn vị đo chiều dài xưa bằng một cây số sáu, có chỗ nói mười sáu cây số bây giờ. ND