Tuesday, August 19, 2014

6 Nhẫn Nại Ba-La-Mật (Khanti pāramī)



6 Nhẫn Nại Ba-La-Mật (Khanti pāramī)

Liên quan đến nhẫn nại ba-la-mật, đó là sự kham nhẫn chịu đựng những điều tai hại do các chúng sinh khác áp đặt và do các hành gây ra, hoặc hành vi của ý thức khởi lên theo cách được thống trị bởi vô-sân, có lòng đại bi và trí về phương tiện thiện xảo đi kèm.
o  Đặc tính của nhẫn nại ba-la-mật là chấp nhận;
o  Nhiệm vụ: chịu đựng những điều khả ý và bất khả ý;
o  Sự thể hiện: lòng khoan dung hay không-chống đối;
o  Và thấy các pháp (mọi hiện tượng) đúng như thực là nhân gần của nhẫn nại ba-la-mật.
Nhẫn nại ba-la-mật phải được suy xét như vầy: ‘Nhẫn nại là vũ khí không gì cản trở được của người hiền thiện trong sự tu tập những phẩm chất cao quý, vì nó xua tan sân hận, đối nghịch của tất cả những phẩm chất ấy, không để lại dư tàn. Nhẫn nại là vật trang sức của những người có khả năng chinh phục kẻ thù; là sức mạnh của các vị sa-môn và bà-la-môn; là dòng nước mát dập tắt ngọn lửa sân hận; là cơ sở để đạt được danh thơm tiếng tốt; là thần chú để chấm dứt lời nói độc địa của người ác; là nguồn kiên định cao nhất đối với những ai đã an lập trong sự chế ngự. Nhẫn nại là một đại dương vì sự thâm sâu của nó; là bờ biển hạn chế đại dương sân hận; một tấm ván đóng bít cánh cửa vào khổ cảnh; một chiếc thang leo lên những thế giới chư thiên và Phạm Thiên; là mảnh đất cho mọi phẩm chất tốt đẹp cư trú; là sự thanh tịnh tối cao của thân, ngữ và ý.’
Nhẫn nại nên được củng cố thêm bằng cách suy xét: ‘Người thiếu nhẫn nại chịu đau khổ trong đời này và chuyên tâm làm những hành động sẽ dẫn đến khổ đau của họ ở đời sau.’ Và: ‘Mặc dù cái khổ này phát sinh do những hành động sai lầm của người khác, nhưng thân này của ta là thửa ruộng cho cái khổ ấy sanh, và hành động (nghiệp) vốn là hạt giống của nó là do chính ta gieo trồng.’ Và: ‘Nếu không có người làm điều sai trái, ta có thể hoàn thành nhẫn nại ba-la-mật (khanti pāramīs) như thế nào?’ Và: ‘Mặc dù hiện nay hắn là người xúc phạm ta, trong quá khứ hắn đã từng là ân nhân của ta.’ Và: ‘Người xúc phạm ta cũng là người ân, vì hắn là nền móng cho sự tu tập nhẫn nại của ta vậy.’ Và: ‘Tất cả các chúng sinh đều giống như con ruột của ta. Ai lại đi giận dữ đối với những sai lầm của con cái của mình chứ?’  Và: ‘Hắn xúc phạm ta là vì còn chút tàn dư của sân hận nào đó trong ta; tàn dư này ta phải loại trừ.’ Và: ‘Ta cũng như hắn chỉ là nhân cho sự sai lầm mà qua đó khổ này đã sanh lên mà thôi.’ Và: ‘Phàm những pháp (dhammas - hiện tượng) nào qua đó điều sai quấy đã được làm, và những pháp nào đã được làm đến ai - tất cả những pháp ấy, ngay khoảnh khắc này, đã diệt. Vậy thì, bây giờ ta sân hận với ai, và sân hận khởi lên nơi người nào? Khi tất cả pháp đều vô ngã, vậy thời ai xúc phạm ai?
Nếu, do sức mạnh của nghiệp (sân) tích luỹ, sân hận do những sai lầm của người khác gây ra cứ tiếp tục áp đảo tâm, vị bồ-tát nên suy xét: ‘Nhẫn nại là nhân hỗ trợ cho việc lấy sự giúp đỡ người khác để đáp lại sự xúc phạm của họ. Và: ‘Sự xúc phạm này, do khiến cho ta đau khổ, cũng là một duyên cho đức tin, vì khổ được Đức Phật nói là sự hỗ trợ nhất định cho tín hay niềm tin, và nó cũng là một duyên cho khổ tưởng (nhận thức về tình trạng bất toại nguyện) đối với tất cả thế gian.’ Và: ‘Đây là bản chất của các căn (giác quan) – đó là phải gặp những đối tượng vừa lòng và không vừa lòng. Vậy thì, có thể không gặp những đối tượng không vừa lòng thế nào được? Và: ‘Khi bị sân hận chế ngự, người ta trở nên điên loạn và quẫn trí, vậy tại sao lại trả đũa? Và: ‘Tất cả những chúng sinh này đã được đức Phật coi sóc như con ruột của ngài. Do đó ta không nên để khởi lên sân hận với họ.’ Và: ‘Khi người làm điều sai trái có đầy đủ những phẩm chất cao quý, ta không nên để tâm sân hận với họ. Và khi họ không có một phẩm chất cao quý nào cả, ta nên nhìn họ với lòng bi mẫn.’ Và: ‘Do sân hận thanh danh và những phẩm chất cao quý của ta giảm bớt, và trước sự hài lòng của kẻ thù, ta trở nên xấu xí, ngủ trong khổ sở, v.v…’ Và: ‘Sân hận đích thực là kẻ thù, vì nó là tác nhân gây ra mọi điều tai hại và là kẻ huỷ diệt mọi thiện pháp.’ Và: ‘Ai có nhẫn nại, người ấy không có kẻ thù.’ Và: ‘Do sai lầm của hắn, người làm điều sai trái sẽ gặp khổ đau trong tương lai, nhưng hễ ta giữ được sự kham nhẫn ta sẽ không bị như vậy.’ Và: ‘Những kẻ thù chẳng qua chỉ là hệ quả của tư duy sân hận của ta. Khi ta chế ngự được sân hận bằng nhẫn nại, kẻ thù của ta, vốn chỉ là sản phẩm phụ của tâm sân, cũng sẽ bị chế ngự.’ Và: ‘Ta không nên từ bỏ hoàn toàn phẩm chất cao quý của nhẫn nại bởi vì một chút sân hận. Sân hận là đối nghịch và là chướng ngại đối với mọi phẩm chất cao quý, vì thế nếu nổi sân, giới, v.v… của ta có thể đạt đến sự thành tựu như thế nào? Và khi những phẩm chất ấy không có, ta có thể hiến mình để giúp các chúng sinh khác và đạt đến mục đích tối hậu hợp với đại nguyện của ta ra sao? Và: ‘Khi có kham nhẫn, tâm trở nên an định, thoát khỏi sự xao lãng bên ngoài. Với tâm định tĩnh, tất cả các hành xuất hiện để được quán như vô thường và khổ, tất cả pháp (dhammas) như vô ngã, Niết-bàn (Nibbana) như vô vi, bất tử, tịnh lạc và tối thượng, và các ân đức của Phật như đầy đủ năng lực bất khả tính lường và bất khả tư nghì. Rồi, khi đã an lập trong sự chấp nhận (các pháp) đúng như vậy, sự phi lý của tất cả cái gọi là “Ngã-tác” (Tôi-làm) và “ngã sở tác” trở nên hiển nhiên để được suy quán như vầy: “Chỉ có các pháp (dhammas) hiện hữu, không có tự ngã hay bất cứ cái gì thuộc về tự ngã. Các pháp sanh và diệt hợp theo những điều kiện hay nhân duyên của chúng. Chúng không từ đâu đến, chúng không đi về đâu, và cũng không thiết định ở đâu cả. Không có bất kỳ tác nhân nào trong bất cứ điều gì.” (chỉ có nghiệp, không có người tác nghiệp). Theo cách này vị bồ-tát trở nên dứt khoát trong số mệnh của mình, hướng đến sự giác ngộ, không gì có thể thay đổi.’
Đây là phương pháp suy xét nhẫn nại ba-la-mật.
Tôi sẽ cho quý vị thấy một ví dụ về thái độ nhẫn nại của Tôn-giả Puṇṇa, ví dụ này có thể được xem như một điển hình tốt về sự nhẫn nại để chúng ta cố gắng noi theo.
Một lần nọ vào thời Đức Phật, Tôn-giả Puṇṇa đi tới và báo cho Đức Thế Tôn biết rằng ngài muốn đi đến vùng Sunaparanta và sống ở đó. Đức Phật nói với ngài: ‘Này Puṇṇa, người dân xứ Sunaparanta rất thô lỗ và hung bạo. Ông sẽ cảm thấy thế nào, nếu như họ mắng nhiếc, xỉ vả ông?
Trưởng lão Puṇṇa trả lời: ‘Bạch Đức Thế Tôn, nếu người dân xứ Sunaparanta mắng nhiếc, xỉ vả con, con sẽ xem họ là những người tốt, tự chế mình và chịu đựng (những lời mắng chửi ấy) một cách nhẫn nại với ý nghĩ: “Họ là những người tốt, vô cùng tốt; họ chỉ mắng chửi ta, chứ không tấn công ta với nắm đấm và cùi chỏ.”’
Đức Phật hỏi thêm: ‘Này Puṇṇa, giả sử những người dân xứ Sunaparanta tấn công ông với nắm đấm và cùi chỏ, ông sẽ cảm thấy thế nào?’
Tôn-giả trả lời: ‘Bạch Đức Thế Tôn, nếu người dân xứ Sunaparanta tấn công con với nắm đấm và cùi chỏ, con sẽ xem họ là những người tốt, tự chế mình và chịu đựng (những điều ấy) một cách nhẫn nại với ý nghĩ: “Họ là những người tốt, vô cùng tốt; họ chỉ tấn công ta với nắm đấm và cùi chỏ thôi, chứ không ném đá vào ta.”’
Đức Phật hỏi thêm là ông sẽ cảm thấy thế nào nếu người ta ném đá ông, đánh ông bằng cây, chém ông bằng dao và thậm chí giết ông.
Đối với câu hỏi cuối cùng, Trưởng lão trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ tự chế và chịu đựng chúng một cách nhẫn nại với ý nghĩ: “Các vị đệ tử của Đức Thế Tôn như Tôn-giả Godhika, Tôn-giả Channa, v.v… đã phải tự tử (để thoát khỏi sự đau đớn của bệnh hoạn); ta may mắn làm sao. Ta không cần phải tự sát như vậy.”’
Lúc đó Đức Phật tán dương những câu trả lời của Trưởng-lão và chúc phúc cho ngài.
Lại nữa, trong Chuyện Tiền Thân Sarabhaṇga, vua trời Đế Thích (Sakka) đã hỏi Đạo Sĩ Sarabhaṇga (tiền thân của Đức Phật): ‘Thưa Đạo Sĩ, giết gì ta không phải hối tiếc? Từ bỏ gì ta được các bậc giới đức khen? Lời xỉ vả và thô lỗ của ai ta nên nhẫn nại chịu đựng? Xin hãy trả lời ta những câu hỏi này.’
Đức bồ-tát, Đạo Sĩ Sarabhaṇga, đã trả lời: ‘Giết sân hận ta không phải hối tiếc; từ bỏ thói vong ân ta được các bậc giới đức khen; ta nên nhẫn chịu lời xỉ vả và thô lỗ từ mọi người, dù họ cao hơn ta, ngang bằng ta, hoặc thấp hơn ta; các bậc giới đức gọi đây là hình thức cao tột  nhất của nhẫn nại.’
Đế Thích lại hỏi: ‘Thưa Đạo Sĩ, người ta có thể nhẫn chịu những lời mắng chửi thô lỗ của những người cao hơn hay ngang hàng với mình nhưng cớ sao lại phải khoan dung những lời thô lỗ từ những người thấp kém hơn mình chứ?’
Đức bồ-tát trả lời: ‘Người ta có thể kham nhẫn chịu đựng sự lỗ mãng của người cao hơn mình do sợ hãi; hay kham nhẫn chịu đựng những lời xỉ vả từ những người ngang hàng với mình để tránh sự nguy hiểm của kình địch. Nhưng bậc trí nói rằng khoan dung những lời thô lỗ đến từ những người hạ cấp hơn mình, với không có lý do đặc biệt nào phải làm như vậy, mới là hình thức tối cao của nhẫn nại.’
Trong Khantivadi Jātaka (Tiền Thân Khantivada) cũng vậy, câu chuyện của Đạo Sĩ Khantivadi có thể xem như một tấm gương về sự nhẫn nại tối thượng. Một kiếp nọ, đức bồ-tát của chúng ta làm một đạo sĩ có tên là Khantivadi. Một hôm đức Vua Kalabu, Đề-bà-đạt-đa tương lai, đi đến vườn thượng uyển cùng với nhiều hầu nam và tỳ nữ. Sau khi vui chơi một lúc nhà vua cảm thấy mệt mỏi và rơi vào giấc ngủ. Thấy không cần thiết phải hầu đức Vua nữa, đám cung nữ, trừ hoàng hậu, đi đến thăm Khantivadi, vị Đaọ Sĩ trú ngụ trong vườn thượng uyển để nghe ngài dạy đạo. Khi đức vua thức dậy, ông thấy các cung nữ đã đi đâu hết. Vì thế ông hỏi hoàng hậu xem điều gì đã xảy ra. Sau khi biết sự việc ông cảm thấy rất ghen tức và giận dữ đối với vị đạo sĩ. Nhà Vua đi đến và hỏi đạo sĩ xem ông dạy pháp gì. Vị đạo sĩ nói với đức Vua rằng ông dạy pháp nhẫn nại. Lúc đó nhà Vua liền ra lệnh cho binh lính của mình quất đánh tới tấp vào vị đạo sĩ. Sau khi đã cho lính đánh đập vị đạo sĩ tới mức toàn thân của ngài vấy máu, Vua lại hỏi ngài dạy gì. Đạo sĩ trả lời: ‘Bần đạo dạy pháp nhẫn nại, tâu đại vương, nhưng có phải đại vương nghĩ rằng sự nhẫn nại của bần đạo chỉ có ở trên da chăng?’ Đức Vua trở nên điên cuồng hơn và đã  ra lệnh cho binh lính cắt đứt mũi và tai của đạo sĩ. Xong Vua lại hỏi đạo sĩ xem ngài dạy pháp gì. Đạo sĩ trả lời: ‘Bần đạo dạy pháp nhẫn nại, tâu đại vương, nhưng có phải đại vương nghĩ rằng sự nhẫn nại của bần đạo nằm ở trên mũi và tai không?’ Đức Vua lại ra lệnh cho binh lính của ông chặt đứt chân tay của vị đạo sĩ, nhưng vị đạo sĩ vẫn hỏi đức Vua rằng có phải Vua nghĩ sự nhẫn nại nằm ở trên tay chân không? Không chứng minh được rằng vị đạo sĩ đã không hành theo những gì ngài dạy, đức Vua đá vào ngực vị đạo sĩ và bỏ đi. Sau khi đức Vua bỏ đi, vị chánh quan của vua, Xá-lợi-phất (Sāriputta) tương lai, đã xin vị đạo sĩ tha thứ cho đức Vua ngu si của mình. Vị đạo sĩ nói: ‘Bần đạo thậm chí không khởi lên một ý nghĩ sân hận nào đối với đức Vua. Thực tình bần đạo còn cầu mong cho Vua được mạnh khoẻ và sống lâu thêm nữa.’ Như vậy, mặc dù ngài đã bị đức Vua hành hạ dã man không chỉ bằng lời nói, mà còn cả chân tay bằng cách đánh đập, cắt mũi, xẻo tai và chặt đứt tứ chi, khiến cho ngài phải chết, bồ-tát vẫn hoàn toàn không sân hận, chẳng những thế ngài còn đầy lòng nhẫn nại và từ bi với đức Vua.
Đức bồ-tát của chúng ta đã hành pháp nhẫn nại cao tột không chỉ khi ngài làm một con người, mà cả khi ngài làm một con thú cũng thế. Trong Mahākapi Jātaka, tiền thân này được kể về đức bồ-tát trong kiếp ngài làm một con khỉ gắng ra sức cứu giúp một người bà-la-môn bị rơi xuống vực đá sâu. Kiệt lực vì đã vận dụng hết sức cố gắng để đưa người đàn ông ấy thoát khỏi hiểm nguy, đức bồ-tát cả tin nằm ngủ ngay trên lòng của người đàn ông ngài vừa mới cứu vớt. Không ngờ, với ý nghĩ ác độc muốn ăn thịt kẻ đã cứu mình ác bà-la-môn ấy đã dùng một hòn đá đánh vào đầu con khỉ. Không lộ chút sân hận và nhẫn chịu vết thương đau đớn trên đầu, đức bồ-tát đã tiếp tục nỗ lực của mình để cứu người đàn ông ấy thoát khỏi những con thú dữ. Ngài đã chỉ đường cho ông ta đi ra khỏi cánh rừng bằng những giọt máu nhỏ ra khi ngài nhảy từ cây này sang cây khác. Đó là cách một vị bồ-tát thực hành nhẫn nại ba-la-mật sẽ làm. Nếu quý vị muốn làm một vị bồ-tát, quý vị nên cố gắng noi theo những tấm gương này.
CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật