Monday, August 25, 2014

Một số người nói rằng người ta cần phải thực hiện các việc công đức trước rồi sau đó mới hiến mình cho việc hành thiền, nếu không thì họ sẽ phải đối đầu với rất nhiều khó khăn. Điều đó có thực không?



- Câu Hỏi 73: Một số người nói rằng người ta cần phải thực hiện các việc công đức trước rồi sau đó mới hiến mình cho việc hành thiền, nếu không thì họ sẽ phải đối đầu với rất nhiều khó khăn. Điều đó có thực không?
Trả Lời Câu Hỏi 73: Điều đó là thực nếu những công đức ấy muốn nói tới phước thiện của các kiếp sống quá khứ. Có hai loại hạt giống, hạt giống minh (vijja) và hạt giống hạnh (carana). Hạt giống hạnh muốn nói đến việc thực hiện các công đức như bố thí, hành giới, tu thiền định, v.v… Chính những hạt giống hạnh đã tích luỹ trong các kiếp quá khứ này tạo ra cơ hội để có được cha mẹ hiền lương, được gặp thiện hữu, minh sư, và nhất là gặp giáo pháp của Đức Phật. Hạt giống minh muốn nói đến việc thực hành thiền tứ đại, phân biệt danh-sắc, duyên khởi, và Minh-sát (Vipassanā). Hạt giống minh đã tích luỹ trong những kiếp sống quá khứ giúp người ta có thể hiểu được Pháp, đặc biệt là Tứ Thánh Đế.
Nếu một người có hạt giống hạnh nhưng không có hạt giống minh, họ sẽ có cơ hội được gặp giáo pháp của Đức Phật, nhưng không thể hiểu thông Pháp. Người ấy cũng giống như một người có chân nhưng mù mắt. Chẳng hạn, trong thời Đức Phật , một luận sư ngoại đạo tên là Saccaka. Mặc dù Đức Phật đã thuyết cho ông hai bài pháp nhưng ông không thể đắc được đạo quả nào cả. Trong thâm tâm ông vẫn đồng ý với Đức Phật rằng năm uẩn là vô thường và vô ngã, song ông không sẵn lòng bày tỏ sự đồng ý ấy ra bằng lời nói (tâm phục, khẩu bất phục). Dù Đức Phật biết rằng ông không thể đắc được đạo quả nào, ngài vẫn thuyết cho ông nghe hai bài pháp dài, bởi vì ngài thấy trước rằng, sau khi có được hạt giống minh này, ông sẽ đạt đến A-la-hán thánh quả khoảng bốn trăm năm sau khi ngài nhập Vô-dư-Niết-bàn (Parinibbāna) như một vị Trưởng-lão (Mahāthera) ở Tích Lan (Sri Lanka) với tên Mahākāḷabuddharakkhita.
Nếu một người có hạt giống minh nhưng không có hạt giống hạnh, họ có thể hiểu pháp nếu như gặp được giáo pháp của Đức Phật, nhưng việc gặp giáo pháp của Đức Phật của họ là rất khó. Họ cũng giống như một người có mắt sáng nhưng cụt chân. Chẳng hạn, đức Vua A-xà-thế (Ajatasattu) có tiềm năng để đắc đạo quả nhập lưu khi nghe Kinh Sa-môn Quả (Sammaññaphala Sutta) do Đức Phật thuyết, nhưng vua đã không đắc đạo quả ấy bởi vì không gặp được Đức Phật trước khi phạm tội giết cha. Như vậy, do sự khiếm khuyết của hạt giống hạnh, vua đã không thể gặp được Đức Phật đúng lúc. Cũng trong thời Đức Phật, một lần Đức Phật nhìn thấy hai vợ chồng người ăn xin già và ngài mỉm cười. Tôn-giả Ānanda đã hỏi Đức Phật lý do tại sao ngài cười. Đức Phật nói với Tôn-giả rằng nếu như cặp vợ chồng này thực hành Pháp trong giai đoạn đầu của cuộc đời, tức thời trai trẻ của họ, người chồng gọi là con trai của Mahādhanasetthi (Đại Phú Gia) kia ắt hẳn sẽ đắc A-la-hán thánh quả và vợ của ông ta sẽ đắc đạo quả bất lai (A-na-hàm). 
Nếu họ thực hành Pháp trong giai đoạn giữa của cuộc đời, hay tuổi trung niên của họ, người chồng sẽ đắc đạo quả Bất-lai (A-na-hàm) và người vợ sẽ đắc đạo quả Nhất-lai (Tư-đà-hàm). Còn nếu họ thực hành Pháp trong giai đoạn đầu của tuổi già, người chồng sẽ đắc đạo quả Nhất-lai (Tư-đà-hàm) và người vợ sẽ đắc đạo quả nhập lưu (Tu-đà-hoàn). Nhưng giờ đây họ đã trở thành những kẻ ăn xin, và quá già yếu để thực hành Pháp, vì thế mà họ đã bỏ lỡ mất cơ hội thực hành Pháp và không thể đắc được bất kỳ đạo quả nào trong kiếp này. Như vậy, có được cả hai hạt giống minh và hạnh là điều hết sức quan trọng, nhờ đó mà người ta có cơ hội được gặp giáo pháp của Đức Phật cũng như hiểu thông được Pháp.
Dưới dạng phước báu trong kiếp sống hiện tại, như tôi đã giải thích trong một bài giảng trước, thì nó lại không quá quan trọng đối với người có thể đắc A-la-hán  thánh quả trong kiếp này. Mà điều quan trọng là họ phải nhấn mạnh đến tam học giới, định và tuệ, để cố gắng đạt đến đạo quả A-la-hán. Phước làm trong kiếp hiện tại không thể cho họ quả lợi ích trong tương lai, bởi vì họ không còn kiếp sống tương lai nào nữa để thọ hưởng chúng vậy. Tuy nhiên với những người vẫn còn phải trải qua nhiều kiếp sống nữa trong vòng luân hồi, phước vẫn là điều quan trọng.

CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật