Thursday, August 28, 2014

TIỂU SỬ CỦA NGÀI THIỀN SƯ PA-AUK SAYADAW, Đã hơn 70 năm ôm bát khất thực.




 TIỂU SỬ CỦA NGÀI THIỀN SƯ PA-AUK SAYADAW,
BHADANTA ĀCIṆṆA 

a Waso Miến lịch 1296 ( tháng 7 năm 1934 DL), trong một gia đình trung lưu tại thôn Leik-Kyaung thuộc thị xã Hin-Tha-ta ( Haṇsāta). Cha là ông U Pyu, mẹ là bà Daw Soe Tin, cả hai đều là người Burma.
Ngài là con thứ tư trong gia đình năm anh chị em. Có điều kỳ lạ là sau khi Ngài chào đời, cha mẹ Ngài làm ăn ngày một khấm khá hơn. Tuy không giàu nứt đố đổ vách, nhưng cả gia đình có một cuộc sống tương đối an cư lạc nghiệp.

Lúc thiếu thời, Aung Than vốn là người trầm lặng, ít nói, không làm phiền đến cha mẹ cũng không gây sự với bạn bè cùng trang lứa. Hơn thế, cậu còn lễ phép với người lớn, và hiếu thảo đối với bậc song thân.
Lúc lên sáu tuổi, Aung Than chuẩn bị cắp sách đến trường, nhưng cậu không được gởi vào học tại các trường phổ thông cơ sở. Thay vào đó, cậu được cha mẹ cho vào chùa làng ở học với Ngài Salin Sayadaw, Bhadanta Soṇa.
Aung Than rất vui thích khi được ở trong tu viện, và chẳng nghĩ đến việc trở về nhà nữa. Khác với các cậu bé khác ở trong chùa, Aung Than không tụng đọc inh ỏi trong khi học bài mà chỉ xem qua chốc lát là thuộc nằm lòng. Vì thế cậu được Bhadanta Soṇa và chư tăng trong chùa hết lòng yêu mến.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”; vì ở trong chùa gần Phật cạnh Tăng, bồ đề tâm của cậu bé thiếu nhi hội đủ nhân duyên để nảy mầm, lòng cung kính và đức tin trong sáng đối với Tam Bảo ngày một phôi thai. Kết quả là Aung Than muốn xuất gia trở thành sa-di để học hành Phật Pháp.

Lúc lên 9 tuổi, cậu bé đi về nhà gặp cha.
- “ Ba à ... làm lễ thọ giới sa-di cho con đi...”
- “Ừ ... con vẫn còn nhỏ mà”.
- “ Dạ ... thọ giới sa-di thì đâu liên quan gì đến tuổi nhỏ hả ba!”

Cậu bé nói với giọng điệu chẳng khác nào người lớn khiến cha cậu phải xem xét vấn đề nghiêm túc hơn. Đồng thời, ông cũng hỏi ý kiến của Ngài trụ trì chùa làng, Bhadanta Soṇa. Được sự đồng ý của Ngài Soṇa, Aung Than xuất gia sa-di vào ngày 14 tháng trăng khuyết Ka-soun Miến lịch 1306 ( tháng 5 năm 1944 DL), lúc cậu được 9 năm 10 tháng tuổi.
Pháp danh của chú tân sa-di là Āciṇṇa. Thầy tế độ là Ngài trụ trì của ngôi chùa làng thân quen - Bhadanta Soṇa. Đối với sa-di Āciṇṇa, việc xuất gia đầu Phật là sống suốt đời trong Giáo pháp của Đức Từ Phụ, và phải xa cách cha mẹ cũng như những người thân.
Vào thời Nhật thuộc, nhiều người bị ghẻ ngứa lây lan, tiểu sa-di Āciṇṇa cũng bị ở hai tay. Ngài Soṇa cho chú hoàn tục và trở về nhà để lo trị liệu.
Cậu bé nghĩ rằng mình sẽ ở nhà không lâu. Quả thật vậy, sau khoảng 2 tuần thì ghẻ ngứa được chữa lành, và cậu một mình một bóng quay về chùa và xin xuất gia sa-di trở lại.
Khi cha cậu đi làm về trong đêm hôm lạnh lẽo thì không thấy con mình ở đâu, nên ông vội đi tìm. Khi tìm trong làng xóm không thấy, ông mới đi đến chùa.
- “Ông thí chủ! Con ông đã hết ghẻ ngứa rồi; nó xin xuất gia sa-di trở lại, nên Sư đã làm theo nguyện vọng của nó rồi”, Ngài trụ trì nói.

- “Tuỳ Ngài, con đã gởi gấm chú ấy cho Ngài rồi; chú ấy đã trở thành con của Ngài rồi đó”, cha cậu bé đồng ý trả lời.

HỌC PHÁP VÀ THỌ ĐẠI GIỚI
Sa-di Āciṇṇa theo học Pháp học căn bản như ngữ pháp Pāḷi, bộ Vi Diệu Pháp nhập môn Abhidhammatthasaṅgaha vân vân... với Ngài Soṇa. Sau đó chú tiếp tục con đường “duy tuệ thị nghiệp” khoảng 2 năm với Ngài Bhadanta Mahinda và Bhadanta Paññavanta tại Phật học viện Ye Kyi, thị xã Hin-Tha-Ta.
Với trí tuệ lớn trước tuổi, sa-di Āciṇṇa được hai Ngài giáo thọ vô cùng cảm kích. Bởi vậy chú được phép sang học viện Aung Maṅgala-siddhi tại Yangon vào Miến lịch 1314 (1952 DL) để học Giáo pháp với Ngài Uttama trong bốn tháng an cư kiết hạ. Mãn hạ, chú lại được phép đến Đại Phật học viện Ma-Soe-Yein tại Mandalay để tiếp tục cầu học với hai Ngài đại quốc sư ( Abhidhaja Mahāraṭṭhaguru) và Ngài viện trưởng ở đó trong vòng 2 năm.
Cứ thế, đời sa-di dao động giữa Yangon và Mandalay để mưu cầu Pháp học. Vào Miến lịch 1316 (1954 DL), sa-di Āciṇṇa vừa tròn 20 tuổi, nên được cho phép thọ đại giới tại Phật học viện Ye Kyi mới ở thị xã Hin-Tha-Ta vào ngày 8 tháng trăng khuyết Ka-soun ( tháng 5 DL) do Ngài Tăng trưởng của phái Ye Kyi, Bhadanta Pañña, làm thầy tế độ.
Sau đó, tân tỳ-kheo Āciṇṇa trở lại Mandalay, trú tại Phật học viện Myin Wun ở thị xã Taung Pyin để tiếp tục theo học Pháp học với Ngài viện trưởng của Phật học viện Myin Wun, Bhadanta Ukkaṃsa. Đồng thời, đại đức Āciṇṇa cũng học với Ngài viện trưởng của Phật học viện Thi-lin, Bhadanta Suriya, và giáo thọ sư Bhadanta Paññānanda; với Ngài viện trưởng của Phật học viện Pha-ya-kyi, Bhadanta Ariya, cũng như với hai giáo thọ sư là Bhadanta Ukkaṃsa và Bhadanta Kumāra.

Vì rất coi trọng Phật Pháp, đại đức Āciṇṇa hết lòng học hỏi và nghiên cứu Tam Tạng kinh điển. Vốn có trí nhớ sắc bén và nghiên cứu Phật học sâu rộng, nên những gì mà đại đức đã học được cho đến bây giờ vẫn không quên. Đại đức cũng có khả năng rất thông thạo văn chương Pāḷi.
Đặc biệt, sau khi nghiên cứu kỹ Tạng Luật, đại đức đã sống và thực hành đúng theo Luật Tạng, không một mảy may khinh xuất. Sau thời gian ẩn tu cũng vậy, đại đức có thể học thuộc lòng một cuốn Luật trong vòng một tháng. Tuy nhiên vì cố gắng theo Pháp hành và chỉ ăn ngày một bữa, nên không thể dành thời gian và sức khoẻ để ôn lại những gì đã học, và đại đức cảm thấy khó khăn trong việc tụng lại cuốn thứ nhất sau khi mình đã học xong cuốn thứ hai.

Một lần, đại đức khiêm tốn nói với một soạn giả rằng: “Trí nhớ của sư không thể so sánh với trí nhớ của Ngài Tam Tạng pháp sư Bhadanta Vicittasāra1 được. Ngài Tam Tạng pháp sư có thể nhớ nằm lòng một đoạn Pāḷi sau khi đọc qua 3 lần; và mỗi khi thuộc nằm lòng rồi, Ngài vẫn còn nhớ trong vòng 21 ngày mà không cần phải ôn tụng lại”.

1 Ngài thông thuộc Tam Tạng đầu tiên tại Miến Điện và cũng là đáp sư trong cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ sáu tại thủ phủ Yangon (Rangoon)

Đại đức Āciṇṇa không những thông thạo giới luật mà còn sống và hành theo giới luật nữa. Vì vậy ở thị xã Mu-don thuộc thị trí Mawlamyine, đại đức được biết đến như là một luật sư đương đại.
Vào Miến lịch 1318 (1956 DL), đại đức thi đậu bằng Dhammācariya (Pháp sư). Năm 1319 (1957 DL), đại đức đến Đại Phật học viện Ka-Ba-Aye tại Yangon để học thêm cả nội điển và ngoại điển suốt 5 năm. Trong thời gian học tại đây, đại đức được học thêm Anh ngữ và các môn học khác để hổ trợ cho việc truyền bá Phật Pháp dưới sự hướng dẫn của trưởng ban cố vấn tôn giáo chính phủ ông Phe Aun, ông Hla Maung, và của những ông nắm nhiều chức vụ quan trọng khác như ông Sao Htun Hma Win, ông Han The, ông San Myint Aung và ông Thein Aung.
Để được vào Đại Phật học viện, đại đức Āciṇṇa phải qua kỳ thi tuyển. Đậu kỳ thi tuyển, đại đức tiếp tục thi bằng Diploma và đã đậu không có gì khó khăn. Sau mấy năm học, đại đức chuẩn bị bài vở để thi tốt nghiệp cử nhân. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 1962 DL, các trường đại học bị đóng cửa, nên đại đức đã không hoàn tất khoá cử nhân.

VÀO RỪNG ẨN TU VÀ HÀNH PHÁP
Từ lâu, đại đức Āciṇṇa có tâm nguyện rằng: “Sau khi thọ đại giới 10 năm, mình sẽ vào rừng ẩn tu”. Khi khoá cử nhân Phật học bị gián đoạn cũng là lúc đại đức gần được 10 hạ lạp, nên đại đức lần này quyết định vào rừng ẩn tu.
Trước khi vào rừng ẩn tu, đại đức Āciṇṇa đến trung tâm thiền Mahāsi tại Yangon vào Miến lịch 1325 (1963 DL) để cầu học phương pháp thực hành thiền với Ngài Mahāsi Sayadaw và Ngài U Paṇḍitābhivaṃsa trong suốt 55 ngày. Vốn có ba-la-mật trong Pháp hành, đại đức đã đắc được các tầng tuệ căn bản của thiền tuệ chỉ trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên vì muốn biết rõ phương pháp thực hành một cách trọn vẹn, đại đức đã thực hành đến 55 ngày.
Với kiến thức Pháp học và Pháp hành đã khá vững vàng, đại đức Āciṇṇa đi đến ngọn núi Mya-Tha-Peit ở gần núi Taung-Zun Kelāsa tại thị trấn Tha-Hton thuộc tiểu bang Mon để ẩn tu một mình và hành thiền tại đó.

Vì quen so sánh Pháp học với Pháp hành, đại đức đã đối chiếu, khảo sát những gì mình thực hành được với những gì học được trong Kinh điển và bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo). Không vừa lòng với phương pháp đã thực hành, đại đức tìm học các phương pháp thực hành khác và đã đến nương tựa học với Ngài Than-Lyin Taw-Ya Sayadaw trong 6 tháng rưỡi, và vào năm 1327 (1965 DL) với Ngài Shwe-Thein Taw-Ya Sayadaw tại thị trấn Kinnī trong 3 tháng rưỡi.
Trong thời gian tu tập Pháp hành, đại đức Āciṇṇa di chuyển nhiều nơi để thích hợp trú xứ. Đại đức đã trú tại dãy núi gần núi Nemindara thuộc thị xã Tha-Hton trong 1 năm, tại trung tâm thiền Kyauk-Ta-Lon Cittasukha Taw-Ya thuộc thị xã Mu-Don trong 3 năm, và tại trung tâm thiền A-Xin Taw-Ya gần thôn A-Xin thuộc thị xã Ye trong 13 năm.

Vậy đó, suốt thời gian theo Pháp hành, đại đức Āciṇṇa chỉ ở một mình, không cộng trú với các đồng môn khác, và hoàn toàn cắt đứt mối quan hệ gia đình và người thân. Đại đức hết sức tinh chuyên trong việc hành thiền.
Cũng trong thời gian này, vì ăn một ngày một bữa và ăn rất ít nên đại đức Āciṇṇa mắc phải bệnh loét dạ dày và bệnh sốt rét. Một lần, tại trung tâm thiền A-Xin Taw-Ya, đại đức bị bệnh dạ dày hành hạ không đi khất thực được mà chỉ nằm nghỉ trong một cốc nhỏ và không cho các vị đồng phạm hạnh trong chùa biết, vì sợ ảnh hưởng đến việc hành thiền của họ. Khi các vị ấy biết đại đức bị bệnh và đến thăm, đại đức mới cho họ biết sự thật về bệnh trạng của mình.

Vì bệnh dạ dày nên đại đức đã nhập viện tại bệnh viện Mawlamyine để chữa trị qua một cuộc phẫu thuật. Đại đức cũng đi Yangon để chữa trị với các bác sĩ chuyên khoa khác. Tuy nhiên cả hai loại bệnh quái ác này cho đến bây giờ vẫn chưa buông tha cho đại đức. “Phải chăng chúng là quả của nghiệp trong quá khứ?”; nghĩ vậy, đại đức chấp nhận sống với chúng và lạc quan trong trách phận của một tỳ-kheo đệ tử Phật đó là trách phận học Pháp (gantha-dhura) và trách phận hành Pháp (vipassanā-dhura), không một chút dễ duôi.

TRỞ THÀNH THIỀN VIỆN CHỦ ĐỜI THỨ BA CỦA THIỀN VIỆN PA-AUK
Đại đức Āciṇṇa tu tập các pháp hạnh đầu đà như hạnh mặc y được may từ dẻ rách bị vứt bỏ (paṃsukūla-cīvara), hạnh chỉ mặc tam y, hạnh sống dưới gốc cây v.v...sống đời sống sơn tăng giản dị và thoả thích trong thiền tập.
Vốn quen biết và sống gần gũi với Ngài thiền viện chủ đời thứ hai của trung tâm thiền Pa-Auk, Bhadanta Aggapañña, tại trung tâm thiền Kyauk-Ta-Lon suốt 3 năm, nên đại đức Āciṇṇa được Ngài Aggapañña biết đến và rất ngưỡng mộ khả năng của đại đức về cả Pháp học lẫn Pháp hành. Vì vậy, vào tháng Waso Miến lịch 1343 (tháng 7 năm 1981 DL), trong lúc lâm trọng bệnh và nhập viện tại bệnh viện Mawlamyine, Ngài Aggapañña cho mời gọi đại đức Āciṇṇa đang ở tại trung tâm thiền A-Xin Taw-Ya thuộc thị xã Ye. 

Được mời gọi, đại đức Āciṇṇa liền đi Mawlamyine để hầu hạ chăm sóc Ngài Aggapañña. Trước khi Ngài Aggapañña qua đời, Ngài thỉnh cầu đại đức Āciṇṇa giúp Ngài tiếp tục điều hành trung tâm thiền Pa-Auk. Thật sự, đại đức Āciṇṇa không muốn nhận lời, vì đại đức sợ công việc của một thiền viện chủ sẽ có ảnh hưởng không tốt đến việc tu tập Pháp hành. Nhưng để Ngài Aggapañña được an lạc lúc lâm chung, đại đức đành phải nhận lời thỉnh cầu của Ngài thiền viện chủ. Như vậy Ngài Aggapañña qua đời vào ngày mồng 5 tháng Waso Miến lịch 1343 (tháng 7 năm 1981 DL), và đại đức Āciṇṇa trở thành thiền viện chủ của trung tâm thiền Pa-Auk sau đó.

Khi đến trung tâm thiền Pa-Auk, đại đức Āciṇṇa trình bày cho ban hộ tự biết lý do vì sao đại đức nhận lãnh trọng trách điều hành trung tâm, và cũng cho họ biết rằng đại đức chỉ cố gắng điều hành trong một thời gian ngắn mà thôi và ban hộ tự có thể tìm một vị đại đức khác vừa ý để đảm trách công việc trong thiền viện.

Lại nữa, quen sống nơi núi rừng thanh vắng, nên đại đức không ở trong trung tâm thiền mà tự mình đi tìm một nơi khác thanh vắng hơn. Cuối cùng, đại đức phát hiện một khu vườn xoài và sầu riêng ở giữa hai quả đồi cách trung tâm thiền khoảng 1 cây số rưỡi về hướng Đông. Thấy thích hợp, đại đức xin phép chủ vườn và nhờ người cất một cái cốc nhỏ bằng tre nứa ở đó. Ngoài thời gian đi khất thực và độ trai, đại đức chỉ ở trong cốc để tu tập.
Đối với ban hộ tự, họ không muốn đại đức Āciṇṇa phải đi nơi khác, vì đại đức là người được chọn bởi vị thầy thiền viện chủ đời thứ hai khả kính của họ. Vả lại, họ dần dần hiểu được tài đức Giới Định Tuệ của đại đức Āciṇṇa, nên họ càng kính trọng hơn. Kết quả là họ không đi tìm một vị đại đức khác để kế nhiệm mà chỉ một lòng thỉnh cầu đại đức Āciṇṇa thường trú tại trung tâm. Vì vậy, cho đến bây giờ đại đức Āciṇṇa là thiền viện chủ đời thứ ba của trung tâm thiền Pa-Auk, và đang tích cực đảm trách công việc hướng dẫn thiền tại đó.

Sự Thiện Đức chuyển dịch từ Miến ngữ