Giới Ba-La-Mật Được Hoàn Thành Như Thế Nào?
Muốn giúp đỡ về vật chất
cho người khác trước tiên ta phải cố gắng để có được của cải và tài sản. Tương
tự như thế, muốn trang hoàng cho các chúng sinh với những món trang sức của giới
vị bồ tát cũng phải bắt đầu bằng việc thanh tịnh giới đức của mình trước.
Ở đây, giới được thanh
tịnh theo bốn cách:
1.
Bằng
cách làm trong sạch các khuynh hướng (xấu) của mình;
2.
Bằng
cách tự mình thọ trì giới từ nơi người khác;
3.
Bằng
cách không-vi phạm;
4.
Bằng
cách sửa lỗi mỗi khi vi phạm.
Giới, được làm cho
trong sạch bằng bốn cách đã nói ở trên, có hai loại, đó là giới kiêng tránh
(varitta sīla: chỉ trì giới) và giới thực hành (cāritta sīla: tác trì giới).
Không làm những gì đã
được Đức Phật và các bậc thánh khác cấm bằng cách nói, ‘Điều này sai; điều này không nên làm; điều này cần phải tránh.’
Như vậy tránh mười ác hạnh như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, v.v… được gọi là giới
kiêng tránh hay chỉ trì giới.
Biểu lộ sự cung kính đối
với những bậc đáng tôn kính như thầy tổ, cha mẹ hay những bậc thiện tri thức và
thực hiện những công việc phục vụ vô lỗi, hữu ích đối với các bậc ấy được gọi
là giới thực hành hay tác hành giới.
Vị Bồ Tát Giữ Giới Kiêng Tránh Như Thế Nào?
Vị bồ-tát có lòng đại
bi đối với tất cả chúng sinh đến mức ngay cả trong giấc mơ cũng không ôm ấp sự
oán giận đối với một ai; Như vậy, vị ấy tránh xa sự sát sanh.
Vì ngài luôn luôn cống
hiến đời mình để giúp đỡ tha nhân, nên ngài xem việc xúc chạm của cải của người
khác không hơn gì chạm phải một con rắn độc.
Trong kiếp sống làm Tỳ-kheo
hay sa-môn của mình, ngài tránh xa việc hành dâm. Không những ngài tránh những
quan hệ giao cấu với người nữ, mà ngài còn tránh cả bảy ràng buộc nhỏ của sự
dâm dục (methuma samyoga), đó là:
1.
Thích
thú trong việc để cho người nữ mơn trớn, xoa bóp và chà xát;
2.
Thích
thú trong việc đùa giỡn và cười cợt với phụ nữ;
3.
Thích
thú trong việc nhìn ngắm người nữ hay nhìn chằm chằm, mắt đối mắt, với người nữ;
4.
Thích
thú trong việc nghe người nữ ở cách vách cười cợt, ca hát, khóc lóc;
5.
Thích
thú trong việc hồi tưởng những dục lạc đã thọ hưởng với người nữ trong quá khứ;
6.
Thích
thú trong việc nhìn người khác thọ hưởng các dục lạc và khao khát được thọ hưởng
các dục lạc như vậy;
7.
Sống
đời phạm hạnh với mong ước được tái sanh thiên giới.
Vì ngài tránh ngay cả
những ràng buộc nhỏ của sự dâm dục như vậy, nên việc phạm giới thông dâm đối với
ngài là hoàn toàn không thể có; ngài đã tránh tà hạnh này từ lúc mới bắt đầu
phát nguyện bồ-tát.
Trong những kiếp sống
làm gia chủ của ngài cũng vậy, ngay cả một ý nghĩ xấu về dâm dục với vợ người vị
bồ-tát cũng không hề ấp ủ.
Khi nói năng, ngài
tránh bốn loại tà ngữ và chỉ nói những lời chân thật, đó là nói những gì dẫn đến
sự hoà hợp giữa bạn bè, những lời đáng yêu mến, và khi nói về Pháp (Dhamma)
ngài chỉ nói đúng thời và đúng mức.
Tâm ngài thường không
có những ý nghĩ tham lam và sân hận, luôn luôn nuôi dưỡng chánh kiến (những
quan kiến không bị bóp méo, xuyên tạc), ngài có đầy đủ trí tuệ để hiểu rằng
ngài là chủ nhân của nghiệp. Ngài có niềm tin và thiện ý đối với các bậc
sa-môn, những người đang thực hành một cách chân chính.
Vị Bồ Tát Giữ Giới Thực Hành (Tác Trì Giới) Như Thế Nào?
Vị bồ-tát luôn luôn tiếp
rước các bậc thiện tri thức, chào đón họ với cử chỉ cung kính, nhã nhặn, và ân
cần hầu hạ họ; ngài tự thân chăm sóc khi họ ốm đau và sẵn sàng những sự phục vụ
cần thiết cho họ. Khi nghe xong một bài Pháp ngài luôn luôn bầy tỏ sự cảm kích
và am hiểu của mình; nói lời tán dương giới đức của các bậc giới đức; biết kham
nhẫn với những sai lầm của người khác và chỉ luôn luôn nhớ đến những điều tốt của
họ để đáp trả lại họ; ngài thực sự hoan hỷ với những việc làm công đức của người
khác và cống hiến những thiện nghiệp của mình cho sự Giác Ngộ Tối Thượng; ngài
luôn luôn an trú không xao lãng việc thực hành các Thiện Pháp; nếu vô tình phạm
một điều ác, ngài nhìn nhận nó đúng như thực, chứ không cố gắng che dấu nó, và
thú tội ấy với các Pháp hữu (bạn cùng hành Pháp) của mình. Ngài tu tập các Pháp
theo tuần tự và thăng tiến mỗi lúc một cao hơn trong những giai đoạn chứng ngộ.
Cũng vậy, ngài thiện xảo
và cần mẫn phục vụ các chúng sinh trong những vấn đề phù hợp với họ và đem lại
lợi ích cho họ; khi họ bị ốm đau, v.v… ngài cố gắng làm cho họ giảm nhẹ đến mức
có thể. Khi những bất hạnh xảy ra đối với họ liên quan đến thân quyến, tài sản,
sức khoẻ, giới hạnh và đức tin, ngài đem lại cho họ sự an ủi cần thiết bằng
cách xua tan sầu khổ của họ; ngài khiển trách chính đáng những người cần phải
được khiển trách, chỉ với mục đích duy nhất là đưa họ ra khỏi điều ác và an lập
họ trong điều thiện; những người đáng được hỗ trợ, ngài đem sự hỗ trợ đến cho họ
một cách chính đáng.
Khi nghe được những việc
làm cao thượng của các vị bồ-tát trong quá khứ, những việc làm mà nhờ đó các vị
đạt được sự hoàn thiện về các pháp Ba-la-mật, xả ly (cāga), sở hành (cariya), và
được xem là khó thực hiện nhất, nhưng đóng góp cho sự an vui và hạnh phúc của
các chúng sinh một cách rõ rệt nhất và tích cực nhất, bồ-tát liền hành theo
không chút sợ hãi hay thối chí.
Ngài suy xét, ‘Giống
như ta, tất cả chư đại bồ-tát trong quá khứ chỉ là những con người, nhưng nhờ
thường xuyên tu tập trong giới, định và tuệ mà các ngài đạt đến sự Giác Ngộ Tối
Thượng. Theo gương các vị đại bồ-tát thuở xưa ấy, ta cũng sẽ tu tập viên mãn giới,
định và tuệ. Bằng cách này, sau khi hoàn tất tam học, cuối cùng ta sẽ đạt đến
cùng một mục đích Chánh Đẳng Giác như các ngài.’
Như vậy, với sự chuyên
cần liên tục có đức tin dẫn đầu, bồ-tát cam kết hoàn tất việc tu tập tam học -
giới, định và tuệ.
Tương tự, bồ-tát không
phô trương những việc làm công đức của mình, thay vào đó ngài luôn thú nhận những
lầm lỗi mình đã phạm không che đậy hay giấu giếm; ngài có ít sự mong cầu, dễ
dàng tri túc, thích đời độc cư, không chú ý đến những hỗn tạp xã hội; ngài chịu
đựng gian khổ, không mong muốn vật này vật nọ cũng không để bị quan tâm đến một
vật gì; ngài không kiêu căng tự phụ, không lăng mạ, không nói chuyện phóng
túng, buông lung; ngài sống thầm lặng, an tịnh và thoát khỏi những phương tiện
làm ăn bất chính như lừa đảo.
Vị bồ-tát được phú cho
thân hành và khẩu hành đáng kính, và một nơi thích hợp để đi khất thực; ngài thấy
sự nguy hiểm ngay cả trong những lỗi nhỏ nhặt và thọ trì giới luật thật nghiêm
mật; ngài không có sự luyến ái dù chỉ chút ít đối với thân thể và mạng sống,
ngoài việc vất bỏ nó ngài còn loại bỏ luôn cả những yếu tố làm ô nhiễm như
tham, sân, ác ý, v.v… vốn sẽ làm cho giới hư hỏng; tâm ngài chỉ hướng đến sự chứng
đắc Toàn Giác Trí và Niết-bàn (Nibbāna). Ngài cống hiến đời mình cho việc hành
thiện không ngừng nghỉ.
Ngài không lấy làm tự
mãn đối với những thành tựu nhỏ mà liên tục nỗ lực để đạt đến những chứng đắc
cao hơn. Nhờ cố gắng như vậy, những chứng đắc của ngài trong thiền, v.v… hoàn
toàn không bị thối giảm hay dừng lại mà càng lúc càng tăng trưởng và phát triển
đến những giai đoạn cao hơn.
Vị bồ-tát giúp người mù
đi đến nơi họ muốn đến hay hướng dẫn họ đi đúng đường. Ngài dùng tay ra dấu để
thông tri với người câm và điếc để hiểu họ. Ngài đem ghế hay xe đến cho người
tàn tật, hoặc cõng họ trên lưng đi bất cứ nơi đâu họ muốn đi.
Ngài cố gắng làm việc để
giúp những người yếu đức tin tăng thêm đức tin, người lười nhác tăng thêm nghị
lực, người dễ duôi, không chánh niệm phát triển chánh niệm, người dao động, bất
an phát triển định tâm và người si mê có thể phát triển trí tuệ; ngài cố gắng để
giúp những người gặp khó khăn với những triền cái có thể xua tan những triền
cái và người bị bức bách với những dục tầm, sân tầm và hại tầm có thể loại trừ
những pháp bức bách ấy.
Đối với những người trước
đây đã từng giúp ngài, ngài bầy tỏ lòng tri ân, chào hỏi họ bằng những lời thân
ái, thù đáp lại họ những lợi ích tương tự hoặc thậm chí lớn hơn những gì họ đã
ban tặng cho ngài, lúc họ gặp bất hạnh ngài phục vụ họ như một người bạn tốt.
Hiểu được tính khí tự
nhiên của mỗi người, ngài giúp họ thoát khỏi những điều bất thiện và an lập họ
trong những điều thiện; ngài làm việc cùng với họ (đồng sự) để đáp ứng những
nhu cầu và ước muốn của họ. Những gì muốn nói ở đây là ngài tìm cách cùng làm
việc và làm bạn với họ để giúp họ thoát khỏi điều ác và an lập họ trong nếp sống
giới hạnh bằng cách tặng quà (bố thí) những người thích được tặng quà, nói lời
thân ái (ái ngữ) đối với người thích lời thân ái, biểu lộ một cuộc sống hữu ích
với những người tán thành một cuộc sống hữu ích, và bằng cách đối xử công bằng
với những người muốn được đối xử công bằng.
Lại nữa, ngay cả với ước
muốn phục vụ sở thích của họ, bồ-tát cũng không làm tổn thương đến những người
khác hay gây bất hoà với họ, và cũng không xỉ nhục hay làm cho họ phải ray rức,
ăn năn. Ngài không khinh khi người khác hay bới lông tìm vết họ; ngài không tự
đặt mình vào địa vị cao hơn trong quan hệ với những người đối xử với ngài không
có tâm kiêu ngạo mà hoàn toàn khiêm tốn.
Ngài không tự tách rời
hoàn toàn khỏi mọi người, nhưng cũng tránh không thân mật hay giao du thái quá
với họ không đúng lúc. Ngài chỉ giao du với những người đáng giao du và giao du
đúng nơi đúng lúc. Ngài không nói xấu người khác trước mặt bè bạn của họ hoặc
tán dương những người mà ngài không hiểu rõ về họ. Ngài không kết bạn thân thiết
với những người không phù hợp để hoà nhập.
Ngài không từ chối những
lời mời thích hợp, nhưng cũng không cho phép để bị đòi hỏi thái quá, và cũng
không nhận nhiều hơn những gì ngài cần thiết. Ngài đem lại niềm hân hoan và
khích lệ cho những người có đức tin bằng cách thuyết pháp nói về phước báu của
đức tin. Cũng vậy, ngài đem lại niềm hân hoan và khích lệ cho những người có đầy
đủ giới đức, những người đa văn, những người có lòng quảng đại và những người
có trí tuệ bằng cách thuyết pháp nói về phước báu của những phẩm chất ấy.
Nếu trong một kiếp nào
đó vị bồ-tát thành tựu được những thiền chứng và năng lực thần thông, ngài có
thể vận dụng năng lực này để khơi dậy nỗi kinh cảm nơi những người đang dễ duôi
trong việc làm điều thiện. Bằng cách cho họ thấy những điều khủng khiếp ở một mức
độ nào đó trong các cõi khổ (địa ngục, ngạ quỷ), ngài giúp những người không có
đức tin và các giới đức khác an lập trong đức tin v.v…và cho họ tiếp cận Phật
Pháp. Đối với những người đã có đầy đủ đức tin, v.v… ngài giúp họ đạt được sự
thành thục trong những đức ấy.
Theo cách này, giới thực
hành (tác trì giới) của vị bồ-tát như một ‘trận lụt’ của vô lượng công đức ngày
càng trở nên lớn hơn theo mỗi kiếp sống.
CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp
Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng
Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế
Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật