- Câu Hỏi 78: Kinh nói rằng Đức Phật
thường thường thuyết Pháp (Dhamma) bắt đầu với việc nói về bố thí, giữ giới, và
hạnh phúc cõi trời. Rồi Ngài quan sát căn cơ của người nghe và dạy cho họ thấy
những bất lợi của tham dục cũng như các Pháp cao quý của chư Phật — khổ, nguồn
gốc (của khổ), sự diệt (của khổ) và con đường (dẫn đến sự diệt khổ). Xin
Sayadaw vui lòng nói cho cúng con biết bố thí, cúng dường được quả lớn như thế
nào và giữ giới ngăn được cái khổ thiêu đốt trong địa ngục và hưởng được những
lợi ích lớn ra sao. Thế nào là Thuyết về Cõi Trời? Thế nào là những bất lợi của
dục tham đối với các dục lạc?
Trả Lời Câu Hỏi 78: Loại thuyết pháp này
gọi là anupubbi-kathā, tức hướng dẫn theo tuần tự. Đức Phật dạy theo cách tuần
tự này chỉ khi nào cần thiết mà thôi. Đối với các vị Tỳ-kheo đã có giới và định
trong sạch, Đức Phật chỉ dạy Vipassanā. Nhóm năm vị Tỳ-kheo (Kiều-trần-như) là
ví dụ. Sau khi các vị đã đắc đạo quả Nhập lưu, Đức Phật dạy cho các vị Kinh
Vô-Ngã -Tướng, tức là chỉ dạy vipassanā hay minh sát, chứ không dạy giới và định
nữa. Đối với những vị Tỳ-kheo đã có giới trong sạch nhưng không đủ định, Đức Phật
bắt đầu bài giảng của Ngài với việc thực hành định. Kinh Tiểu Không (Cūḷa
Suññata Sutta) là một ví dụ. Đức Phật dạy tám thiền chứng hiệp thế và Diệt Tận Định (nirodhasamāpatti) trong bài
kinh đó. Đối với những người giới vẫn chưa thanh tịnh, Đức Phật bắt đầu bài giảng
của Ngài với giới, giống như Kinh Ākaṇkheya. Đối với những người cần nghe những
lời dạy về bố thí, giữ giới, v.v..., đặc biệt đối với người tại gia, Đức Phật
đưa ra một sự hướng dẫn theo tuần tự, anupubbi-kathā.
Còn
về cách để có được những quả lớn từ việc cúng dường hay bố thí, Kinh Phân Biệt
Cúng Dường (Dakkhiṅāvibhaṇga Sutta) cung cấp cho chúng ta nhiều hướng dẫn cụ thể.
Trong bài Kinh đó, Đức Phật liệt kê mười bốn loại cúng dường cá nhân (cá nhân
thí), từ cúng dường được làm đến một vị Phật xuống đến bố thí cho một phàm nhân
không giới đức và thậm chí đến một con vật. Mỗi loại bố thí đều có những lợi
ích của nó, nhưng sự hoàn thiện (giới đức) của người thọ nhận càng cao thì những
lợi ích do việc cúng dường tạo ra càng lớn. Và rồi ngay cả đối với những cúng
dường hay bố thí được làm đến cùng một loại người thọ nhận, lợi ích của chúng vẫn
khác nhau tùy thuộc vào tác ý của người bố thí: chẳng hạn, khi người ta thực hiện
việc cúng dường với tâm thanh tịnh, tức là, không mong đợi bất cứ điều gì đáp
trả, họ gặt những lợi ích lớn hơn một người với tâm bất tịnh, mong đợi một phần
thưởng nào đó.
Cúng
dường được thanh tịnh nhờ giới thanh tịnh của người cúng dường, hoặc giới thanh
tịnh của người thọ nhận, hoặc giới thanh tịnh của cả hai. Cúng dường thanh tịnh
đem lại những lợi ích cao thượng. Do đó, để có được những kết quả lớn và cao
thượng từ việc cúng dường hành giả phải hội đủ năm yếu tố:
1.
Là
người có giới;
2.
Vật
cúng dường có được một cách chính đáng (hợp lẽ đạo);
3.
Tâm
gột sạch những cấu uế (không mong đợi phần thưởng);
4.
Có
niềm tin đủ mạnh nơi nghiệp và quả của nghiệp;
5.
Người
thọ nhận là người có giới đức.
Cúng
dường có đủ năm yếu tố này sẽ tạo ra những quả lợi ích lớn. Tuy nhiên, Đức Phật
hoàn toàn không tán dương loại cúng dường này, bởi vì nó vẫn đem lại sự tái
sinh trong một sanh hữu nào đó. Bao lâu còn có tái sanh, chắc chắn sẽ vẫn còn
sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu và não. Đức Phật khen ngợi một loại
cúng dường khác. Ngài dạy trong Kinh Phân Biệt Cúng Dường như vầy:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta nói
rằng khi một vị A-la-hán, với tâm trong sạch và không cấu uế, đặt niềm tin nơi
quả lớn của nghiệp, cúng dường đến một vị A-la-hán những gì có được một cách
chân chánh, thời cúng dường ấy quả thực là cúng dường tối thượng nhất trong tất
cả những cúng dường của thế gian.’
Chúng
ta thấy trong trường hợp này có đủ năm yếu tố:
1.
Người
cúng dường là một bậc A-la-hán,
2.
Vật
cúng dừng có được một cách chân chánh,
3.
Vị
ấy có một cái tâm trong sạch và vô uế,
4.
Vị
ấy có niềm tin đủ mạnh nơi Luật Nhân Quả (Nghiệp và quả của nghiệp),
5.
Người
thọ nhận cũng là một bậc A-la-hán.
Loại
cúng dường này sẽ không tạo ra bất kỳ sự tái sanh nào trong tương lai. Do đó sẽ
không còn sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu và não. Đó là lý do vì sao Đức
Phật khen ngợi loại cúng dường này là cao thượng nhất.
Nhưng
nếu người cúng dường không phải là bậc A-la-hán, vậy làm thế nào họ có thể thực
hiện được loại cúng dường này? Trong Kinh Nandamātā (mẹ của Nanda), Đức Phật dạy
rằng có hai cách để người ấy làm được điều này: Khi cả hai - người cúng dường
và người thọ nhận - đều không có tham, sân, si, hay khi họ đang cố gắng để diệt
tham, sân, si. Chúng ta có thể nói rằng cúng dường đó cũng hết sức cao thượng.
Trong trường hợp này thí chủ vào lúc cúng dường thực hành Vipassanā, đó là, người
ấy quán tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh-sắc của mình, danh-sắc của
người thọ nhận và sắc chơn đế (paramattha rūpa) của những vật cúng dường. Người
ấy cũng phải quán những tâm hành thiện trước, trong và sau khi cúng dường như
vô thường, khổ và vô ngã. Loại cúng dường này thường sẽ không tạo ra bất kỳ sự
tái sanh nào trong tương lai. Để thoát khỏi vòng tái sanh luân hồi, qúy vị được
khuyên nên thực hiện loại cúng dường này.
Còn
về giữ giới, nếu quý vị là một vị Tỳ-kheo, quý vị nên cố gắng để giữ các giới
thuộc Ba-la-đề-mộc-xoa (Pāṭimokkha). Nếu quý vị là một người tại gia, quý vị
nên giữ ít nhất là ngũ giới và nếu giữ trong sạch trong suốt cuộc đời mình vẫn
tốt hơn. Thỉnh thoảng phạm giới là điều không tốt. Nếu một người tại gia có cơ
hội quý vị nên cố gắng giữ bát giới (bát quan trai giới) hoặc cửu phần bát quan
giới (navanga uposatha). Cửu phần bát quan giới có nghĩa là khi quý vị giữ bát
quan qúy vị cũng thực hành thêm thiền tâm từ nữa. Điều này được đề cập trong
Navaka-Nipata của Tăng Chi Bộ Kinh. Giữ những giới này có thể ngăn được cái khổ
thiêu đốt trong địa ngục. Khi những giới này được hỗ trợ bởi định, như tám thiền
chứng, và các minh sát trí, chúng trở nên cao thượng hơn và mạnh mẽ hơn giúp
người ta không phải rơi vào bốn ác đạo. Nếu người ta đắc giới của Bậc Thánh
(Ariyakantasīla), có nghĩa là khi người ta trở thành một Bậc Thánh, họ chắc chắn
không còn phải đi vào địa ngục nữa.
Thuyết
về Cõi Trời (Sagga-kathā) nghĩa là thuyết về hạnh phúc trong thiên giới. Chúng
ta không thể đo lường được hạnh phúc trong thiên giới. Nếu quý vị muốn biết hạnh
phúc cõi trời ra sao quý vị nên cố gắng để lên trên đó. Chẳng hạn, những tòa
lâu đài của họ rất là kỳ diệu, làm bằng vàng, bạc và các châu báu khác, v.v...
Hợp theo nghiệp đời trước của họ. Một số tòa thiên cung của họ rất lớn, kích
thước của chúng chiều dài cũng như rộng dài cả ba do-tuần; một số thậm chí lên
đến bốn mươi do tuần. (một do tuần - yojana khoảng mười một ki-lô-mét)
Đức
Phật dạy những bất lợi của tham thú dục lạc theo nhiều cách. Trong Kinh
Potaliya của Trung Bộ Kinh, Ngài dùng những ví dụ khác nhau như: Một con chó
không thể dứt được cơn đói và sự yếu ớt của nó bằng cách gặm một khúc xương khô.
Các dục lạc được so sánh với khúc xương ấy. Một con chim kên kên vồ được một miếng
thịt và bay lên sẽ bị những con kên kên khác cắn mổ và cấu xé cho đến chết hoặc
bị khổ đến chết do miếng thịt đó như thế nào thì các dục lạc cũng thế. Một người cầm bó đuốc cỏ khô đi ngược chiều
gió sẽ bị nó đốt cháy đến chết hoặc bị khổ như chết. Các dục lạc được so sánh với
cây đuốc cỏ khô ấy. Một người rơi vào hố than đang cháy sẽ bị chết hoặc khổ như
chết. Các dục lạc được so sánh với hố than đang cháy ấy. Một người nằm mộng thấy
những vườn cây khả ái sẽ không thấy gì khi thức dậy. Các dục lạc được so sánh với
cơn mộng. Một người mượn của cải của người khác sẽ trở nên thất vọng khi chủ
nhân của nó lấy lại những của cải của họ. Các dục lạc được so sánh với của cải
vay mượn. Một người trèo lên cây kiếm trái sẽ bị chết hoặc khổ như chết khi cây
bị người khác chặt đổ xuống. Các dục lạc được so sánh với cây ăn trái đó. Như vậy
các dục lạc đem lại nhiều khổ đau và ưu não, trong khi sự nguy hiểm trong chúng
còn lớn hơn. Đây là những nguy hiểm của dục lạc và những bất lợi của lòng tham
đối với chúng.
Trong
Kinh Magandiya (Magandiya Sutta) của Trung Bộ. Đức Phật đã dùng một hình ảnh
như vầy:
Ví
như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi với những vết lở lói và phồng giộp
trên tay chân, bị trùng bọ đục khoét, đang cào bung vẩy miệng của những vết
thương với móng tay của mình, hơ đốt thân mình trên hố than cháy đỏ; càng cào
bung vẩy và càng hơ đốt thân mình, miệng các vết thương của người ấy càng trở
nên dơ bẩn; hôi thối và bị nhiễm trùng thêm, tuy thế người ấy vẫn sẽ tìm được một
mức độ thoả mãn và thích thú nào đó trong việc cào miệng các vết thương của
mình. Cũng vậy, này Magandiya, các chúng sinh chưa thoát khỏi dục tham đối với
các dục lạc, đang bị nhai nghiến bởi khát khao các dục lạc, đang bị thiêu đốt với
cơn sốt của các dục lạc; càng đắm chìm trong các dục lạc, khát ái đối với dục lạc
của họ càng tăng thì càng bị cơn sốt dục thiêu đốt thêm, tuy thế họ vẫn tìm thấy
một mức độ thoả mãn và thích thú nào đó do duyên ngũ dục.
Còn
trong Kinh Āditta-pariyāya của Tương Ưng Bộ Đức Phật nói về sự nguy hiểm chấp
thủ tướng của các đối tượng giác quan như vầy:
“Này các Tỳ-kheo, thà để cho nhãn căn bị huỷ
hoại bởi một cây kim bằng sắt nung cháy đỏ, cháy hừng, cháy với lửa ngọn, hơn
là chấp thủ tướng riêng, tướng chung đối với các sắc do mắt nhận thức. Vì nếu
thức bị trói buộc vào vị ngọt trong tướng chung hay vị ngọt trong tướng riêng,
và vào lúc ấy nếu người đó mệnh chung, có thể người đó sẽ đi đến một trong hai
sanh thú: cõi địa ngục hay cõi súc sanh. Do thấy sự nguy hiểm này, Ta nói như vậy.”
Theo
cách tương tự Đức Phật đã giải thích sự nguy hiểm đối với việc chấp thủ tướng của
một âm thanh, tướng của một mùi, tướng của một vị, v.v… Lý do một người chấp thủ
như vậy bị tái sanh vào cảnh giới địa ngục hay cảnh giới súc sanh là vì tốc
hành tâm cận tử (maraṇasanna-javana), tốc hành tâm cuối cùng trong một kiếp sống
sẽ quyết định kiếp kế của họ. Nếu một tốc hành tâm cận tử bất thiện khởi lên,
do tham ái hay bất kỳ một phiền não nào khác, người ta sẽ đi đến một trong bốn
cõi khổ sau khi chết. Chẳng hạn, năm trăm tiên nữ của Thiên Tử Subrahma đã chết
trong khi đang thọ hưởng các dục lạc nơi cõi trời và liền tái sanh vào cõi địa
ngục.
CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật