Nhân tố đồng thời cũng
là đích điểm cho định học chính là Tuệ học, tức trí tuệ thấu thị bản chất tất
cả thực tại hiện hữu đồng thời cũng là cửa vào cảnh giới giải thoát. Trong cuộc
sống thường nhật chúng ta vẫn có thói quen nhắm mắt lại thay vì mở rộng để chú
mục nhìn ngắm bao điều cần thiết và kỳ diệu. Ta cứ luôn có quá nhiều bận rộn để
có thể tận dụng một cách hữu ích cái khả năng thị giác mà ở đây ám chỉ cho một
trí tuệ. Có thể ta đã lãng quên hoặc chưa học được cách phát huy khả năng đó
của mình thôi. Một sự khám phá cẩn trọng và nghiêm túc về tâm sinh lý bản thân,
nói nôm na là sự nhìn ngắm chúng một cách kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ mang lại cho
ta một sự hiểu biết và trí tuệ hùng hậu.
Trí tuệ luôn thành tựu
một sự phát hiện cái thực tướng của các cảm nghiệm về thực tại. Ta hãy tranh
thủ để có thể sống trọn vẹn từng phút giây hiện tại thay vì buông trôi, thả nổi
nội tâm cho những mộng mơ vớ vẫn, những toan tính, hồi ức nói chung là những
vọng niệm chủ quan phân biệt.
Có một sự khác biệt rất
rõ ràng giữa hai cách uống một cách trà: nhấm nháp để thưởng thức có một cái
thú vị hay là cứ đưa tách trà lên môi, uống cạn nó mà đầu óc lại nghĩ đến trăm
chuyện khác. Trường hợp đó cũng chính là cách sống mà mỗi người chúng ta có thể
tự ý chọn lựa: bước đi dưới một hàng cây râm mát và cảm nghiệm tinh tế cái thực
tại đó, hoặc chân vẫn bước đi ở vườn cây này mà bửa ăn tối hoặc cảnh quan của
giải trí Disneyland vẫn loanh quanh trong đầu... nhiều và thật nhiều những ảo
tưởng, vọng niệm luôn chực hờ lôi kéo ta ra khỏi cái thực tại mà mình lẽ ra
phải luôn tỉnh thức để nhìn ngắm.
Chỉ duy nhất một thái độ
sống hết mình với hiện tại, ta mới có thể tự giải đáp được vấn đề cơ bản nhất
của đời sống nội tâm: chỉ có phút giây tự tại và vượt thoát thời gian tính mới
có thể mang lại cho ta một tri nhận sâu sắc về thực tại và chính trí tuệ này
mới có thể giúp ta tự do.
Tra vấn và nhìn ngắm
Trí tuệ luôn giúp ta cái
nhìn thấu thị về thực tại trong từng phút giây: cái nhìn thấy chính xác về mỗi
giai đoạn xuất hiện rồi qua đi của từng cảm nghiệm cũng như cả thái độ của ta
đối với chúng. Từng cảm nghiệm phải được nắm bắt ngay khi nó vừa hiện diện bằng
sự tra vấn nghiêm cẩn, tế nhị của ta về những vận động tâm sinh lý, đồng thời
với cả một tra vấn mang tính phơi mở đối với mối tương quan giữa tâm sinh lý
của mình với toàn bộ thế giới xung quanh. Ðể phát triển trí tuệ nội quán, công
phu tra vấn và nhìn ngắm này phải được đặt ở vị trí hàng đầu. Chúng ta có thể
giữ lại và giàn xếp một tâm trạng nhưng phải luôn quan sát kiểm tra, nhìn ngắm
chúng vận động.
Khi gia công thiền định,
ta có dịp học hỏi thật nhiều về cái gọi là lòng ham muốn (tham ái hay thị dục)
của mình: thấy được ngọn ngành xuất phát của chúng, ảnh hưởng của chúng đối với
đời sống cảnh giác của chúng ta và luôn cả sức tác động của chúng trong đời
sống thường nhật. Cuộc nhìn ngắm này sinh động, thú vị lắm nhưng dĩ nhiên chúng
ta phải ngắm nhìn bằng một thái độ bình đạm, điềm tĩnh. Từ đó, một bài học mới
lại xảy đến cho ta, đó là những cơ hội thấm thía được quy luật tác động và phản
ứng trong từng chuỗi hiện hữu. Ðó chính là quy luật Nhân quả hay Nghiệp lý.
Ðồng thời một quy luật tuyệt vời khác hiển hiện cho ta nhìn ngắm: quy luật Vô
thường. Từ đó, ta mới có cơ hội thấm thía ý nghĩa của mọi hoạt động bản thân và
thấy được những áp lực cùng những ôm ấp, bám víu của mình về tâm sinh lý phù
phiếm ra sao. Chúng ta lúc này coi như đã mở ra những gì mà bấy lâu nay vẫn bị
khép kín.
Theo thời gian, chúng ta
sẽ lần lượt từng bước đi qua những cấp độ trí tuệ nội quán sâu sắc hơn, bằng
những cuộc khám phá lặng lẽ của mình. Chúng ta rồi sẽ chỉ thấy mình rồi là một
cái bóng và tỉnh thức đối diện với những âu lo, khổ luyện cùng tất cả những gì
vẫn đè nặng mình trong cuộc sống. Những công phu nội quán về các hình thái tâm
lý cũng giúp ta nhận diện được những gì đã tạo nên nhân cách của chính mình, và
cũng với khả năng tra vấn, tỉnh thức đó nhưng đối tượng là thế giới quanh ta,
ta sẽ khám phá ra những ảo tưởng phân biệt vẫn chi phối mình lâu nay đồng thời
cũng thấy được mối tương quan hữu cơ thực sự giữa hai thế giới nội tại và ngoại
tại.
Ðằng sau những thành quả
này, trí tuệ tra vấn còn đưa ta đến một vấn đề tâm linh tối trọng khác, đó
chính là bản chất cái gọi là Tôi. Ðã thấy rõ mọi cái luôn đổi thay thì sao ta
lại không chịu xem mình chỉ là một tổng hợp hay một chuỗi dài của những đơn tử
luôn sinh hóa thay đổi? Chúng ta có thể thấu thị tất cả những ảo tưởng tâm vật
lý nào vẫn làm chất keo kết tụ cái gọi là Tôi, đồng thời đặt vấn đề đối với cái
tổng thể cấu trúc này. Ðể rồi rất có thể rằng trong một trình độ tĩnh lặng sâu
sắc nhất định nào đó, ta có thể vượt khỏi cõi giới tù đọng, chật hẹp của ngã
chấp để đạt tới một cảnh giới yên lặng và vô cùng vô tận về cả không gian lẫn
thời gian.
Hãy nhớ rằng trí tuệ
trong thiền định tuyệt nhiên không hề là một kinh nghiệm hay một chuỗi dài của
những ý tưởng, kiến thức vô cơ đặc biệt để ta có thể sưu tập, tích lũy - mà
ngược lại, trí tuệ ở đây là một cuộc thám hiểm nội tại với những bước đi thăng
bằng và tỉnh thức trong từng giây phút. Chính trí tuệ đó mới có thể mang lại
cho ta một tâm hồn phơi mở thật sự như một thế giới tuyệt đối tự do.
Thiền quán là một con
đường khám phá. Thái độ đặc trưng cần có của pháp môn này là trực chỉ, đột phá
không cần đến một cái gì trung gian. Ðiều này có vẻ đơn giản nhưng dĩ nhiên
không phải dễ dàng. Và dù có đến bao nhiêu hướng dẫn sai khác nhau về hình thức
nhưng cái lý tưởng thật sự phải có là một sinh phong hài hòa cho đời sống
thường nhật và một khả năng ghi nhận cũng như tập trung đối với thân tâm qua
từng vận động của chúng để từ đó, ta tự mình thấu suốt được các quy luật sinh
diễn của vạn pháp bằng chính sự khám phá trung thực, cẩn trọng và trực tiếp của
bản thân. Với những hiểu biết và nhận thức đó về pháp môn Thiền Quán, có lẽ ta
đã thấy rõ rằng chúng ta chỉ còn lại mỗi một việc duy nhất cần phải thực hiện
mà thôi. Ðó là sự tỉnh thức!
J.K.