Monday, April 11, 2016

TU TẬP TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

1. Khởi Tâm
... Này Cunda, Ta nói rằng sự khởi tâm rất có lợi cho các thiện pháp còn nói gì thân nghiệp, khẩu nghiệp, phù hợp (với tâm ý). Do vậy này Cunda: ‘Những kẻ khác có thể làm hại, chúng ta ở đây sẽ không làm hại.’ Cần phải khởi tâm như vậy.
... ‘Những kẻ khác có thể có sân tâm, chúng ta ở đây sẽ không có sân tâm.’ Cần phải khởi tâm như vậy.
... ‘Những kẻ khác có thể oán hận, chúng ta ở đây sẽ không oán hận.’ Cần phải khởi tâm như vậy.
... ‘Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả.’ Cần phải khởi tâm như vậy. (Trung Bộ 1 - Kinh Đoạn Giảm, trang 104, 105, 106)

2. Như lý tác ý
Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như từ tâm giải thoát... Từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận. (Tăng Chi 1, trang 13)
Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có từ tâm giải thoát. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại. (Tương Ưng 5, trang 169).
*
Nếu tự mình yên lặng,
Như chiếc chuông bị bể,
Ngươi đã chứng Niết Bàn,
Ngươi không còn phẫn nộ
. --(Pháp Cú Kinh, câu 134)

3. Trừ diệt
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về hỷ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về xả. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt. (Trung Bộ 2, trang 190)
*
Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được,
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn xưa. --
(Kinh Pháp Cú, câu 5)

4. Trừ khử hiềm hận
...Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, từ cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, bi cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy xả cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử. (Tăng Chi 2, trang 613)
*
Ở đây, Tôn giả Sāriputta gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Hiền giả Tỷ-kheo.
- Thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sāriputta. Tôn giả Sāriputta nói như sau:
- Này các Hiền giả, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
Ở đây, này các Hiền giả, có người khẩu hành không thanh tịnh, thân hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng tâm được mở rộng, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, và thỉnh thoảng không được tâm rộng mở, không được tâm tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, và thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

Ở đây, này các Hiền giả, người này thân hành không thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần được trừ khử?
- Ví như, này các Hiền giả, Tỷ-kheo mặc áo lượm từ đống rác, thấy một tấm vải (liệng ở đống rác) trên con đường xe đi, liền lấy chân trái chận lại, lấy chân mặt kéo tấm vải cho rộng ra, đoạn nào là đoạn chánh, làm cho có thể sử dụng được rồi cầm lấy mang đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này, với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh; những cái gì thuộc về thân hành không thanh tịnh; lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; còn những gì thuộc khẩu hành thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

Ở đây, này các Hiền giả, người này với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?
- Ví như, này các Hiền giả, một hồ nước đầy bùn và cây lau. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy ngụp lặn trong hồ nước ấy, lấy hai tay gạt ra ngoài bùn và lá cây, lấy bàn tay bụm nước lại, uống rồi ra đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này, với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh; những cái gì thuộc về khẩu hành không thanh tịnh; lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; còn những gì thuộc thân hành thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.
Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?

- Ví như, này các Hiền giả, ít nước trong dấu chân của con bò. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy suy nghĩ như sau: "Một ít nước này trong dấu chân con bò, nếu ta uống với núm tay hay với cái chén, ta sẽ làm nước ấy dao động và di động, khiến nước không thể uống được. Vậy ta hãy gieo mình xuống với cả bốn thân phần uống nước rồi ra đi". Rồi người ấy gieo mình xuống với cả bốn thân phần, uống nước rồi ra đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, với tâm thỉnh thoảng được mở rộng và tịnh tín; những cái gì thuộc thân hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc khẩu hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc tâm thỉnh thoảng được rộng mở và sáng suốt, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh và thỉnh thoảng tâm không được rộng mở và tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?
- Ví như, này các Hiền giả, có người đau bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, đang đi giữa đường, có làng xa trước mặt, có làng xa sau lưng, nó không có được các đồ ăn thích đáng, nó không có được các dược phẩm trị bệnh thích đáng, không có được sự giúp đỡ thích đáng, không có người hướng dẫn đưa đến tận cuối làng.
Một người khác cũng đang đi trên đường thấy người ấy. Người này đối với người ấy khởi lên lòng từ, khởi lên lòng thương tưởng, khởi lên lòng từ mẫn: "Ôi, mong rằng người này được các đồ ăn thích đáng, được các dược phẩm trị bịnh thích đáng, được các sự giúp đỡ thích đáng, được người hướng dẫn đi đến cuối làng". Vì sao? Vì mong rằng người này ở đây không bị suy tổn, tử vong. Cũng vậy, này các hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm không được mở rộng và tịnh tín, người như vậy cần phải khởi lên lòng từ, cần phải khởi lên lòng thương tưởng, cần phải khởi lên lòng từ mẫn: "Ôi, mong rằng Tôn Giả này, sau khi đoạn taän thân ác hành cần phải tu tập thân thiện hành, sau khi đoạn tận khẩu ác hành cần phải tu tập khẩu thiện hành, sau khi đoạn tận ý ác hành cần phải tu tập ý thiện hành". Vì sao? Vì mong rằng Tôn giả ấy sau khi thân hoại mạng chung, không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được rộng mở và tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?

Ví như, này các Hiền giả, một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt đẹp đẽ và được nhiều loại cây che bóng. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, nó ra khỏi hồ, liền qua ngồi hay nằm dưới bóng cây. Cũng vậy, này các hiền giả, người này với thân hành thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được cởi mở tịnh tín. Những gì thuộc thân hành thanh tịnh, lúc bấy giờ cần phải tác ý; những gì thuộc khẩu hành thanh tịnh, lúc bấy giờ cần phải tác ý và điều gì thỉnh thoảng tâm được rộng mở và tịnh tín, lúc bấy giờ cần phải được tác ý. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.
Này các Hiền giả, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải trừ khử một cách hoàn toàn. (Tăng Chi 2, trang 614)

*
Này các Tỷ-kheo, có mười nhiếp phục hiềm hận, thế nào là mười?
Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm hại tôi, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?” 

Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đang làm hại ta, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?”
Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó sẽ làm hại ta, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?”

Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm hại người ta yêu, người ta mến... Nó đang làm hại người ta yêu, người ta mến... Nó sẽ làm hại người ta yêu, người ta mến, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?

Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến... Nó đang làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến... Nó sẽ làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?” Không làm cho vị ấy tức giận không có lý do.

Này các Tỷ-kheo, có mười trường hợp nhiếp phục được hiềm hận. (Tăng Chi 4, trang 442)