Từ những người sơ cơ cho
đến cả những thiền sinh thâm niên vẫn thường có một câu hỏi cho chính mình về
lý tưởng của đời sống thiền định, hay nói rõ hơn là hầu hết vẫn chưa có một
chọn lựa thật sự nghiêm túc cho nếp sống của mình. Ðể trả lời cho câu hỏi đồng
thời cũng là niềm trăn trở này, vấn đề ở đây đòi hỏi ở chúng ta một hiểu biết
về giá trị thật sự và mục đích của thiền định.
Pháp môn thiền định phải
được thực hiện với lý tưởng là phơi mở những gì vẫn bị khép kín, làm trung hòa
tất cả những xung động và khám phá những gì từ lâu bị chôn vùi. Ðó chính là lý
do của nếp sống thiền định. Chúng ta tu tập thiền định để phơi mở, làm trung
hòa (tự giữ thăng bằng) và khám phá mọi sự.
Mở ra những gì bị khép
kín
Trước hết, cái gì ở
chúng ta vẫn bị khép kín? Ðó chính là cái bản chất thật sự của thế giới tâm vật
lý trong mỗi người trước cái nhìn của trí tuệ thiền định. Chúng ta đã tiêu pha
quá nhiều thời giờ cho những vọng niệm vớ vẫn, thay vì cẩn trọng ngắm nhìn từng
vận động của các cảm thức, nói rõ hơn, là của sáu giác quan tâm sinh lý. Chính
vì nội tâm chúng ta luôn bị phóng tán nên xem như cánh cửa nội quán bị đóng
kín. Nhưng bằng vào sự tỉnh thức và chuyên nhất của nội tâm xuyên qua trợ lực của
thiền định, chúng ta sẽ có thể tận dụng mọi thời gian một cách hiệu quả cho
những cảm nghiệm quý giá về cảnh giới nội tại của mình.
Ngay bây giờ thì chúng
ta bắt đầu với tấm thân sinh lý này đã. Bằng một cách nhìn tỉnh thức, soi rọi,
ta hẳn sẽ thấy được rằng mọi vận động sinh lý của hình hài này, chẳng hạn các
nhịp huyết áp cùng những giao động thần kinh, không hề diễn hoạt thong thả, tự
do, thoải mái nhẹ nhàng tí nào. Chúng luôn đi qua với rất nhiều kích xúc, áp
lực. Nói gọn là những khốn bức thường trực. Có vô số những cơn đau đớn lớn nhỏ,
dưới nhiều trạng thái, mà ta có thể cảm nhận và học cách xử lý chúng như là đối
với những cơn đau cụ thể góp phần quan trọng cho trí tuệ thiền định. Ðó chính
là một trong những cánh cửa đầu tiên mà chúng ta cần phải mở ra.
Về những cảm giác mà
chúng ta vẫn gọi là những đau nhức hay những cơn khó chịu của sinh lý, ở đây ta
có thể tạm thời kể chung vào hai dạng thức: những đau đớn cụ thể dễ thấy là có
phương hại nguy hiểm cho cơ thể, chẳng hạn như một vết bỏng lửa. Nhưng đó là
thứ khổ cảm quá rõ rệt bởi chúng luôn đi sau một sự cố mang ý nghĩa tín hiệu mà
ta có thể tạm lấy ví dụ là một tàn lửa rồi sau đó là vết phỏng như đã nói ở
trên. Sự tri nhận về những đau đớn đó dù gì cũng đem lại cho ta đôi chút kinh
nghiệm nội quán. Nhưng cái đau đớn sâu sắc của sinh lý mà đồng thời cũng là đề
mục ghi nhận quan trọng của thiền định trong trường hợp này lại là thứ khổ cảm
khác, tế vi hơn nhiều.
Ta có thể gọi tên chúng
là những đau đớn sinh lý nội tại. Ðó chính là những xung áp, dao động, căng
thẳng thường trực mà cũng hết sức nhỏ nhen luôn xảy ra trong từng phút giây ở
mỗi tế bào cùng vi mạch thần kinh nhưng với một nội tâm loạn động thì ta không
thể nhận biết. Có chịu ngồi yên lại tập trung, huy động toàn bộ khả năng nội
quán thì ta sẽ lập tức nhận diện được chúng. Ðây chính là ngưỡng cửa bước vào
thế giới cảm quan của chúng ta và chính dạng thức khổ cảm tế vi này mới là đối
tượng căn bản thiền định. Ðồng thời ta cũng phải can đảm hiểu rằng sự khám phá
chúng luôn song hành với sự đối diện chịu đựng chúng. Bởi ở đây, có để ý tới
chúng, ta mới cảm nghiệm được chúng, mà điều này cũng có nghĩa là ta phải chấp
nhận chúng.
Trong công phu này, một
vấn đề khác chắc chắn sẽ đến với hành giả là có cần phải phân biệt dạng thức
của từng khổ cảm mà mình vừa phát hiện, và nếu đó là điều cần thiết thì ta phải
làm sao? Ta có thể xem kinh nghiệm sau đây là lời hướng dẫn: lập tức ghi nhận
một khổ cảm xuất hiện trong oai nghi hiện tại rồi thay đổi ngay tư thế khác, có
thể là Ðứng sang Ngồi, từ Nằm qua Ði, để xem có nó vì vậy mà chấm dứt hay
không. Nếu nhờ vậy mà khổ cảm đó biến mất thì thôi, ta sẽ dừng lại trong tư thế
thích ứng lúc đó. Còn như nó vẫn tiếp tục kéo dài thì tốt nhất ta nên chuyển
đổi oai nguy khác.
Ðể phơi mở và nhận diện
cái khổ cảm sinh lý nội tại phát xuất từ công phu khai phá nó, quả là vô cùng
quan trọng. Nó đến và đi thật bất ngờ, trong mọi oai nguy (tư thế thiền định),
cũng như luôn có vô vàn biến tướng để tiếp tục có mặt thường trực. Vậy ta phải
xử lý nội tâm bản thân mình thế nào khi nó vừa tự lộ diện? Khổ một nỗi là ở
trình độ tâm lực sơ đẳng, thường có một phải ứng rất tự nhiên là đề kháng,
chống chọi. Bởi điều căn bản là đâu có ai dễ dàng cam tâm đón nhận một đau đớn
nào đâu! Mà thái độ tâm lý đó lại chính là một trở lực, chướng ngại cho công
phu khai mở của chúng ta.
Có rất nhiều hình thức
đối kháng tâm lý. Ở đây trước hết ta phải nói với tâm lý mặc cảm. Khi tự cảm
thấy mình có vẻ bất lực và yếu đuối trước các khổ cảm trong giờ thiền định, ta
sẽ dễ dàng có cảm giác tự ti rồi có thể buồn tủi rằng mình vô duyên, thiếu
thiếu phước chi chi đó. Cuộc tu của chúng ta từ đó rất có khả năng bị lui sụt.
Hình thái đối kháng thứ
hai là sự sợ hãi. Chúng ta thường có khuynh hướng e sợ những cơn đau đớn, dù ít
nhiều. Chỉ riêng chừng đó tình trạng tâm lý cũng quá đủ để công phu khai mở của
chúng ta bị ngăn ngại rồi. Bởi ta đâu còn nữa cái can đảm nhìn ngắm những gì
đang xảy ra cho mình. Việc cần thiết ở đây là ta tiếp tục ghi nhận rõ tâm thái
đối kháng đó của mình bằng cách nhìn thẳng vào sự sợ hãi rồi nhẹ nhàng tháo mở
nó. Ðôi lúc chỉ riêng nỗi âu lo, sợ đau vớ vẫn thôi cũng đã là một chướng ngại
cho hành giả ngay trước khi những cơn đau khổ cảm kia chính thức xuất hiện. Suy
cho cùng, ta cứ bằng mọi cách chạy trốn những cơn đau. Ta có thể gọi đây là một
thứ hội chứng tâm lý mà sau đây tôi sẽ kể lại cho các bạn một kinh nghiệm bản
thân để minh họa vấn đề tế nhị này:
- Có lần, tôi sang tu
thiền tại Anh Quốc. Sáng sáng, tôi lại đi dùng điểm tâm và lần nào cũng như lần
nào, tôi cứ chọn món ăn căn bản cho mình là một ít thịt hộp, bánh mì nướng,
trái cây với trà. Ngày đầu tiên, suất ăn của tôi gồm tí thịt hộp, hai miếng
bánh mì nướng, một miếng trái cây nào đó với một tách trà. Và hôm nào cũng thế,
tôi luôn dùng hết suất ăn của mình nhưng lúc nào cũng bỏ lại một miếng bánh mì
nướng, dù luôn lấy đủ hai miếng. Cả một tuần lễ liên tục như vậy trôi qua, tôi
vẫn cứ tiếp tục ăn một trong hai miếng bánh mì nướng mà mình đã cố ý lấy. Bất
chợt nhận ra điều này, một chút cảm giác tạm gọi là sự lo ngại nảy ra trong đầu
tôi: "Chứ phải mình ăn luôn miếng bánh mì thứ hai có đúng hơn không, cứ kể
như mình còn đói vậy!"
Tôi muốn gọi đó là hội
chứng tự kỷ ám thị tiêu cực và phải nhận rằng chúng ta vẫn thường xuyên có nó
trong mình: "Tôi đang đọc sách nhưng nhức đầu quá, tôi đành xếp lại thôi!
Tối nay tôi phải đi nghỉ sớm vì thế nào ngày mai tôi cũng bị mệt nhiều!
...". Những âu lo kiểu này luôn là những rào cản cho trí tuệ về thực tại,
và càng không giúp ta thoát được nỗi sợ hãi kia.
Ngoài hai tâm thái đối
kháng trên đây, còn có một hình thái tâm lý đối kháng khác càng khó ghi nhận
hơn nhiều, đó là trạng thái vô tâm, hờ hững, thậm chí vô trách nhiệm đối với
thực tại. Nói chung đây chính là một thái độ tâm lý bỏ ngõ nên sự ghi nhận thực
tại, nếu có, cũng chỉ một cách máy móc, thiếu sinh động và dĩ nhiên chẳng gắn
bó với thực tại, cũng cần có thể nói là lệch lạc với thực tại nữa là khác. Tâm
thái này tất nhiên là nguy hiểm cho thiền định nội quán.
Về lý tưởng khai mở thực
tại như đã vừa trình bày, chúng ta coi như đã tạm thời lướt qua những gì là trở
lực cho lý tưởng đó của thiền định, đây là các tâm thái đối kháng để có thể dễ
dàng nhận diện và đồng thời hãy xem chúng như là những người khách không tốt
thôi, để rồi ta lại hướng về một thái độ tâm lý khác khả dĩ là nguồn sức mạnh cho
công cuộc phơi mở thực tại để công phu thiền định này của chúng ta ngày một
thăng tiến: đó chính là thái độ trực diện và đơn giản hoá mọi sự. Chẳng hạn
thay vì ghi nhận thực tại bằng cả một chuỗi ý niệm có vẻ quan trọng là
"Lưng tôi đang đau" thì ta chỉ nên lặng lẽ và đơn giản nhận biết đó
là một cảm thọ đang xảy đến một cách khách quan, đừng để bất cứ một nhận xét
nào khác can dự vào. Giữa hai cách xử lý thực tại này thật ra có một sự khác
biệt rất rõ ràng: một bên là bằng những ý niệm có khả năng tham dự của ngã chấp
chủ quan, còn một bên là chánh niệm khách quan với trợ lực của sự tỉnh thức.