Sunday, April 3, 2016

SỰ THỂ NGHIỆM TRỰC TIẾP

 Trong pháp hành của Phật giáo nguyên thủy, chúng ta chỉ tập trung quán sát Tứ Diệu Đế. Khi hành thiền và chuyên cần giữ chánh niệm trong cuộc sống, chúng ta sẽ cảm nhận và thể nghiệm trực tiếp bốn sự thật thánh thiện nầy. Vì thế nên khi có người hỏi Đức Phật là Ngài tin tưởng và thuyết giảng về điều gì, Ngài trả lời: "Như Lai thuyết giảng về sự khổ đau, nguồn gốc của khổ đau, sự chấm dứt của khổ đau, và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau." Các tu sĩ Bà La Môn lại hỏi Đức Phật: "Thưa Ngài, có Thượng Đế hay không?" "Điều gì sẽ xảy ra sau khi Đấng Giác Ngộ (ý nói Đức Phật) tịch diệt?" Đức Phật chỉ trả lời vỏn vẹn, "Tất cả những gì sinh ra sẽ diệt đi và không có tự ngã. Có sự khổ đau, sự khổ đau có sự bắt đầu và chấm dứt của nó, và có con đường để đi ra khỏi khổ đau. Đó là tất cả những gì ta thuyết giảng." Những bộ óc thông minh, những nhà trí thức vĩ đại có đủ loại kiến giải về sự thật tuyệt đối và đưa ra những hệ thống triết học không tưởng. Họ nghĩ ra những hệ thống lý luận và lô gích rất thiện xảo và hùng hồn, nhưng họ không biết gì về thân và tâm của họ. Họ không học và không nhận biết được điều gì về cái thế giới vật chất và tâm đang không ngừng sinh khởi và tác động trên chính cuộc đời của họ.

Những người chỉ biết sống với tư duy trừu tượng có thể hỏi, "Bạn tin ở Thượng Đế hay không tin ở Thượng Đế?" Nếu tôi nói, "Tôi không tin ở Thượng Đế," họ sẽ hiểu lầm và cho tôi là một người vô thần. Nếu tôi nói, "Tôi tin ở Thượng Đế," thì họ sẽ nói tôi không thật sự là một Phật tử. Sự ngộ nhận nầy bắt nguồn từ sự kiện là họ chỉ quan tâm đến tư tưởng và niềm tin, thay vì cố gắng trực tiếp thể nghiệm chân lý. Bạn không cần phải có đức tin để biết là tất cả những gì sinh khởi sẽ hoại diệt và không có tự ngã. Đây là cái nhìn thẳng vào bản chất của sự vật hay cái nhìn trí tuệ mà bạn chỉ có thể biết một cách trực tiếp. Và đây chính là những gì Đức Phật muốn chỉ cho chúng ta.

Cái gì là cái mà các chư Phật biết và các chúng sanh chưa giác ngộ không biết? Xin thưa, chư Phật biết là bất cứ cái gì sinh ra đều chấm dứt và không có tự ngã. Đó là trí tuệ trong Đạo Phật. Nó có vẻ đơn giản quá phải không các bạn? Nó không có vẻ gì là cao siêu cả nhưng nó là tất cả, bởi vì tất cả những gì chúng ta có thể biết được, nói khác đi, tất cả những gì chúng ta biết, suy nghĩ, và thể nghiệm qua các giác quan, tất cả những gì chúng ta đồng hóa, gắn chặt và xem như là chính chúng ta, là tự ngã của chúng ta, là ta và là của ta, đều thay đổi theo mô hình này. Nó sinh rồi diệt và không có tự ngã.

Thế thì cái ngã là gì? Nếu không phải là sắc thân nầy hay tâm thức nầy, thì cái ngã là gì? Đức Phật để cho bạn tự mình khám phá điều nầy vì Ngài biết là bạn sẽ bị ảnh hưởng nếu có ai đó mách bảo bạn trước về việc nầy. Nếu tôi nói với bạn về điều nầy, bạn có tin tôi hay không? Sự hiểu biết trực tiếp phải đến từ sự thể nghiệm trực tiếp, bằng chánh niệm và trí tuệ. Và đây là con đường mà tất cả chư Phật đều đi qua.

*

* Câu hỏi: Khi nói về sự chấm dứt của khổ đau, có phải Sư muốn nói khổ đau về vật chất lẫn tinh thần?

Trả lời: Sự đau khổ mà tôi muốn nói ở đây là sự đau khổ do bạn tự tạo bắt nguồn từ sự vô minh của bạn. Khi vô minh không còn thì bạn sẽ có cái nhìn chân chánh hay Chánh Kiến, lúc đó bạn vẫn cảm thấy vui sướng hoặc đau nhức trong cơ thể, nhưng bạn không đau khổ vì nó nữa. Nó chỉ tồn tại như chính nó hay như những cảm giác mà thôi. Khi bạn không hiểu được chân lý nầy, bạn sẽ tự mình chuốc lấy đau khổ. Nếu thân thể bạn bị bịnh tật hoặc đau đớn, bạn liền phản ứng và tìm cách chống lại và loại trừ nó, và bạn cảm thấy sợ hãi, tức giận hoặc buồn rầu về cơn bịnh hoặc tất cả những phiền toái mà cơn bịnh mang đến. Đó chính là sự đau khổ do chúng ta tự tạo và tự chuốc lấy. Và rồi, vì có khuynh hướng phản ứng chống lại nó, chúng ta lại tạo thêm những điều kiện khác khiến cho mọi việc càng căng thẳng hơn.

Nếu bạn quan sát sự đau đớn của thân thể -- thí dụ khi bạn ngồi thiền và đôi chân bắt đầu đau nhức -- và bạn đang tập trung quan sát cảm giác đau nhức và chấp nhận nó như chính nó thì bạn không còn bị đau khổ vì nó nữa. Sự đau khổ chỉ đến khi bạn muốn diệt trừ nó, không muốn nó xảy đến cho bạn, và muốn đổi tư thế ngồi. Đó chính là sự đau khổ do chúng ta tự tạo ra. Vì thế nên khi ngồi thiền, bạn nên cân nhắc: mình bị căng thẳng về cái gì? mình đau khổ vì cái gì? Bị nhức chân có phải thật sự là đau khổ hay không? Nếu tập trung quan sát cảm giác đau nhức, bạn sẽ nhận ra rằng cảm giác đau nhức chỉ là cảm giác đau nhức, nhưng bên cạnh đó, lại có thêm phản ứng chống lại cảm giác đau nhức. Và càng không muốn bị đau nhức, bạn sẽ càng đau khổ: "Chao ôi, tôi chịu không nỗi nữa rồi; Tôi bị đau như vậy là đủ rồi." Bạn đang nỗi giận với chính sự đau nhức của mình.

Bản thân tôi đã từng là người rất sân hận. Sự đau nhức và khó chịu trong thân thể thường làm tôi rất bực bội. Vì thân thể đau đớn, tôi hay tức giận người khác. Khi tôi trút cơn giận vào người khác, họ lại nghĩ là tôi giận chính cá nhân họ. Họ than vãn, "Ôi thôi! Sư Sumedho không thích tôi nữa!" Và nếu không đủ chính niệm, họ sẽ nỗi giận và lại đi chửi rủa người khác. Và như cứ thế, sự sân hận lại được lan truyền ra chung quanh.

Để có thể tập trung quan sát những cảm giác của cơ thể, bạn phải chấp nhận nó. Bạn không nên tập trung quan sát với mục đích xua đuổi nó. Làm như thế là không được và bạn sẽ thất bại; đó vẫn là thái độ sân hận, chống đối và ghét bỏ. Bạn phải chấp nhận nó. Và thật ra, bạn phải chấp nhận nó như cái mà sẽ ở với bạn đến suốt đời. Khi bạn đã hoàn toàn chấp nhận nó, cảm giác đau nhức thật vẫn tiếp tục tồn tại nhưng nó chỉ tồn tại như là một cảm giác. Thậm chí bạn không thể nói nó là sự đau đớn. Nó chỉ là một cảm giác, thế thôi. Ý tưởng cho nó thật là khủng khiếp và đau đớn cũng không còn nữa, và từ đó những điều kiện hỗ trợ và làm gia tăng sự đau đớn -- như là tình cảm chống ghét, tức giận, và thù hận -- sẽ từ từ giãm đi.


-ooOoo-