Thursday, April 14, 2016

Tâm điểm của Thiền định

Tương truyền rằng ngay sau khi rời gốc bồ đề, ra đi lúc mới vừa thành Phật, Ðức thế tôn đã gặp trên đường một du sĩ ngoại giáo. Bị cuốn hút bởi phong thái siêu phàm cùng vẻ đẹp của các hảo tướng nơi Ngài, người du sĩ dừng lại nhìn ngắm Ngài, buột miệng hỏi :

- Thưa, có phải Ngài là một siêu nhân hay một thiên thần không ạ?
- Không phải thế đâu du sĩ ạ. Ðức Phật trả lời.
- Hay Ngài là một phương sĩ? Ông ta tiếp tục hỏi.
- Càng không phải vậy đâu, ông du sĩ! Ðức Phật vẫn từ tốn trả lời.
- Vậy Ngài cũng chỉ là một thường nhân như mọi người chứ ạ?
- Cũng không hẳn là vậy!
-Thế Ngài là ai mới được chứ? Không là hạng nào hết, thật không hiểu nổi!
- Ta là một vị Phật, một con người tình thức.

Phần còn lại của giai thoại về cuộc gặp gỡ này của Ðức Phật với người du sĩ tạm thời dừng lại ở đây. Bây giờ chúng ta hãy cùng đi vào một vấn đề mà nội dung thật ra đã được nói tới trong đoạn văn vừa rồi.


Phật, hồng danh này của Thế Tôn vốn xuất phát từ chữ Buddha mà ngữ nghĩa từ nguyên chỉ đơn giản là "người tỉnh thức". Và tinh thần tỉnh thức chính là một kinh nghiệm tâm linh cốt lõi, tối trọng của giáo lý thiền quán (Vipassanà), đạo lộ duy nhất đưa đến giải thoát. Thiền quán là pháp môn mở ra cho ta một cái nhìn tinh tường thấu suốt về toàn bộ thực tại hiện hữu của thân tâm và thế giới quanh mình, đồng thời trưởng dưỡng, làm bừng dậy một khả năng trí tuệ cùng một sự đồng cảm sâu sắc để đối diện mọi sự. 

Giáo lý tuyệt vời này thực ra đã được chính Ðức Phật tuyên thuyết từ hơn 25 thế kỷ trước và đã được truyền thừa trung thực liên tục qua dòng Phật giáo truyền thống Theravàda (hay Nam phương, Nam truyền, Nam tông Phật giáo) mà địa bàn tồn tại từ bấy lâu nay là khu vực Nam Á Châu. Tuy nhiên thiền quán tuyệt đối không hề chỉ là giáo lý tu hành cho riêng đất trời Châu Á mà ngược lại, là một Ðạo Sống cho tất cả những tâm hồn có khả năng tự tỉnh, có được ước vọng hướng tới chân lý và tự do.