Pháp triền cái hay trở
lực tinh thần đầu tiên của thiền định, chính là lòng khát khao, thèm muốn đối
với các khoái lạc vật chất thông qua ít nhất là ngũ quan sinh lý: Thích nhìn
cái đẹp, nghe âm thanh vừa ý, ăn uống ngon lành..., thường gọi là Tham
dục.
Những cảm nghiệm ngọt
ngào về một thực tại êm thắm, chỉ mang ý nghĩa nhu cầu sinh tồn giản đơn, không
có khuynh hướng đầu tư tích lũy thì thực ra chẳng có gì đáng nói cả, bởi bất cứ
ai cũng có quyền ngon mặc đẹp, chăn ấm nệm êm kia mà. Nhưng điều hết sức quan
trọng là cái cảm nghiệm về những thực tại tạm gọi là ngọt ngào ấy có làm ta trở
nên mù quáng, thiếu tự chủ hay không. Hãy cẩn trọng đề phòng những ảo vọng, ước
muốn "Giá mà tôi được..., chứ phải chi tôi có..., mong sao tôi
được...". Chúng ta đã từng hiểu được rằng nếu chỉ sống bằng những cảm
nghiệm thực tại thật đơn giản, không bám víu, tìm cầu, đầu tư, tiếc nuối thì
cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ an lành, tự tại hơn nhiều.
Tôi nhắc lại, đời sống
của chúng ta (đặc biệt đối với những cá nhân có nhiều điều kiện vật chất) luôn
có lắm nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ: từ những buổi chơi thể thao hào hứng đến
một buổi ăn trưa hợp khẫu, một buổi thưởng lãm nghệ thuật tuyệt vời, những cuộc
mây mưa cháy bỏng, một giấc ngủ thoải mái khỏe khoắn, một suất ăn sáng ngon
miệng... nhiều lắm, và xã hội hiện đại luôn là thế, nhưng ta cứ thử đứng bên
ngoài (về tinh thần thôi, cũng được) rồi nhìn ngắm và kiểm tra mình. Những cảm
nghiệm đơn giản hồn nhiên khách quan và tỉnh thức đối với các thực tại có vẻ
hấp dẫn đó thật ra có thể tạm cho là vô hại, nhưng vấn đề sinh tử là ta phải
luôn có đủ can đảm, tự chủ để chối bỏ những khi cần thiết. Nhưng lối nghĩ và
cách sống như vừa trình bày có khi nào gây phương hại cho nội tâm chúng ta,
những thiền sinh hay không? Ðiều đó còn tùy thuộc vào chúng ta nữa. Bởi nếu
hiểu đúng và làm đúng lối sống đó bằng những phút giây tỉnh thức cảm nghiệm
thực tại mà ở đây cứ kể là những thực tại hấp dẫn, chúng ta sẽ thấy chúng lần
lượt trôi đi, hạnh phúc và đau khổ luôn tìm chỗ thay thế nhau. Trong thái độ
nhìn ngắm này, mọi thứ đều trở nên vô vị, nhạt nhẽo và dư vị của chúng còn có
thể là những cảm giác buồn nôn, mệt nhoài, nhàm chán!
Ðiều dĩ nhiên là chúng
ta không nên có quá nhiều đòi hỏi trong cuộc sống. Chỉ cần một ít và đôi khi
thôi, trong trường hợp nhu cầu thật cần thiết và vô hại. Ðối với các thiền sinh
sơ cơ, trong những khóa thiền tập sự thường có lắm người phải mất nhiều thời
gian cho những vọng tưởng thị dục: Họ muốn có một thiền thất khang trang thật
nhiều tiện nghi, hoặc cần đến một an tâm tối ưu về tài chánh... Nhưng qua thời
gian, với sự chấp nhận có thể là khiêm cưỡng, bất đắc dĩ trong điều kiện sống
có phần hạn chế và khắc khổ của thiền viện, họ sẽ quen dần mọi sự và những ham muốn
trong lòng họ lúc này có thể được giới hạn lại thành những ước muốn nhỏ nhặt,
đơn giản hơn: Chẳng hạn họ thèm được thêm tí đồ ngọt trong suất ăn trưa của
mình, hoặc thầm mong thời gian thiền định tập thể hay cá nhân do Thiền sư đưa
ra được rút bớt lại đôi phút... Trong những điều kiện sống càng hạn chế như ở
các thiền viện hoặc nhà lao, chúng ta sẽ nhận ra một điều hết sức đặc biệt là
lòng tham muốn của mỗi người thật ra không phải được qui định, điều động bởi
một đối tượng nào hết, mà ngược lại nó là một thứ nhu cầu tâm lý cố hữu và
chính vì thế đôi lúc, trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, nỗi thèm một viên
kẹo cũng mãnh liệt như cái ước ao có được một chiếc xe Mercedes Benz hay Roll
Royce hoặc Cadillac!
Như vậy đối những ham
muốn trong lòng con người, vấn đề không phải nằm ở đối tượng sở tri ngoại tại
mà chính là từ những tiềm lực thúc đẩy của nội tâm. Chính các động cơ ham muốn
đó điều động tất cả những sinh hoạt đầu tư, tầm cầu của chúng ta. Bản thân một
nội tâm đa dục tự nó đã là một hiện hữu đau khổ. Bởi nó chỉ có thể là một lực
quán tính đưa chúng ta đến những ý hướng khát vọng mà không hề giúp ta toại
nguyện được tất cả những gì mà mình vẫn mong ước trong cái thế giới vốn phù du
và vô ngã này. Kể cả trường hợp chúng ta có được toại nguyện trong một ước muốn
nào đó thì tiếp theo sao cái thỏa mãn này lại là vô số những ham muốn khác, mà
ta dĩ nhiên không thể nào đáp ứng trọn vẹn cả. Sức mạnh của lòng ham muốn lớn
lắm: nó là cái cảm giác chối bỏ hiện tại, chỉ vì đặc tính "luôn thấy
thiếu", đọa đày chúng ta bằng cái hình thái tâm lý khao khát kiếm tìm
những cái vớ vẫn ngoại tại, trong khi chúng ta luôn có một thực tại vừa đủ để Sống.
Nó là cội nguồn của tất cả những tuyệt vọng trầm thống, những cuộc chiến tranh
bạo động tương tranh, tương diệt giữa con người với nhau từ ngàn xưa. Tất cả
chỉ vì bản chất của cuộc đời là luôn bất toàn, bất toại. Cầm lấy một lòng ham
muốn xuẩn động để đi tìm một sự thỏa mãn tuyệt đối quả là một thái độ sống hoàn
toàn đi ngược lại trí tuệ thiền định, con đường giải thoát tất cả khổ đau.
Người Ấn độ có một câu
nói rất hay, là: "Một kẻ móc túi dầu có tận mặt gặp một vị Thánh ngoài
đường thì hắn cũng chỉ nhìn thấy được chiếc túi hành lý của Ngài mà thôi".
Lòng ham muốn luôn qui định nhãn quan của chúng ta về mọi sự. Một ví dụ đơn
giản là nếu chúng ta đang đi trên đường phố với cái bụng đói thì chúng ta khó
mà để mắt vào các cửa hiệu áo quần, mỹ phẩm mà thay vào đó là sự chú ý tìm kiếm
các tiệm ăn với nỗi ám ảnh về những món ăn mà mình thích.
Nhiều lần vẫn lầm khi
nghĩ rằng các thiền sinh nghiêm túc luôn nhắm mắt làm ngơ đối với những chuyện
thuộc lĩnh vực tình cảm lãng mạn, chẳng hạn như những vấn đề tình cảm hôn nhân
hay những cuộc hẹn hò lứa đôi... hoặc thậm chí còn không nhắc đến những người
có liên quan đến lãnh vực đó. Thực ra, các thiền sinh cũng lắm khi âm thầm tư
tưởng đến những vấn đề tương tự: Ðôi lúc họ vẫn có những thương nhớ, vấn vương
kín đáo trong lòng, dĩ nhiên là kín đáo và rất hạn chế. Ta có thể gọi đó là
chút lãng mạn trong thiền định mà khó có ai tránh khỏi. Lòng ham muốn luôn có
một sức mạnh chi phối nội tâm của chúng ta bằng đủ thứ hình thức vọng tưởng mà
hậu quả tất nhiên là khiến ta đánh mất sự tỉnh thức. Trong Ðạo Ðức Kinh có một
câu nói mà đại ý như sau: "Chỉ với một đôi mắt hồn nhiên vô cầu, vô chấp mới
có thể nhìn thấy được những điều huyền diệu". Ðể có thể thấy được bộ mặt
thật, cùng sức ảnh hưởng của lòng ham muốn, ta có một phương cách khả dĩ hiệu
quả là vận dụng một nội tâm thư thái tự do cũng như một trí tuệ sâu sắc về từng
thực tại trong mỗi phút giây. Nói chung, đây chỉ là một con đường căn bản vẫn
được nhắc đến nhiều lần trong pháp môn thiền định.
Còn một trở lực nữa mà
thiền sinh phải vất vã đối đầu, đó chính là những bất mãn, oán ghét, sân hận,
buồn chán,... - thường gọi chung là Sân hận. Tác động nguy hại của
những hình thái tâm lý này xem ra cũng chẳng kém gì so với sự tham đắm, ham
muốn bởi trở lực nào cũng làm mê hoặc chúng ta. Những cơn nóng giận hoặc sự thù
ghét dĩ nhiên là những nỗi đau tâm lý. Ta có thể nhìn ngắm được đôi điều thú vị
về chúng ngay trong chính nội tâm mình, nhưng hãy nhớ là cố gắng đừng để chúng
kéo dài thời gian. Ta nên nhanh chóng khép lòng mình lại bởi chúng là những bức
xúc nặng nề và nhức nhối mà chúng ta khó có thể kham nổi.
Lòng sân hận cũng có sức
mạnh mãnh liệt như lòng ham muốn. Nó có thể nổi dậy trong ta không những từ một
đối tượng trước mắt mà còn có thể từ một đối tượng ở đâu đó thật xa xôi. Ðôi
khi chúng ta có thể nổi giận chỉ vì một chuyện cũ nào đó trong quá khứ, thậm
chí lòng sân hận có thể phát khởi từ một suy diễn tự tạo, vô căn cứ nào đó nữa.
Một sự nóng giận cao độ có thể tạo ra những tác động tệ hại cho nhân cách của
chúng ta để gây nên những hành xử lệch lạc, lầm lẫn mà đôi khi chính mình cũng
không ngờ được. Lòng sân hận còn có thể là cội nguồn cho biết bao nổi khổ tâm
của chúng ta từ trong đời sống cá nhân cho đến những cuộc đối giao với người
khác.
Lòng sân hận có rất
nhiều hình thức mà có lẽ ta ít khi hoặc thậm chí rất khó nhận ra, đó chính là
sợ hãi, lo toan, chán nản, nói chung là những tâm thái tiêu cực có thuộc tính
đối lập với lòng ham muốn. Bởi chỉ cần quan sát chúng thật kỹ lưỡng, ta sẽ thấy
ngay rằng tất cả tâm thái bất mãn này đều xuất phát từ một thành kiến đối
kháng, ác cảm đối với một nhân vật, sự việc nào đó. Mà với những tâm trạng
phiền não như vậy, dù là lòng ham muốn thấp kém hay sự sân hận nông nổi, chúng
ta làm sao có thể tập trung tư tưởng để thiền định, một công phu tinh thần mang
lý tưởng khám phá thực tại? Ở đây đang nói về vấn đề sân hận như là một trở lực
cho thiền định, nên điều tiên quyết là ta phải học cách đối diện và xử lý, giàn
xếp nó ở mọi hình thái biến tướng, dĩ nhiên cũng chỉ vẫn với từng phút giây
tỉnh thức, nhìn ngắm.
Trở lực thứ ba của thiền
định lại là tâm lý thụ động, luời biếng mà gọi theo thuật ngữ kinh điển là Hôn
Thụy (hôn trầm thụy miên). Nó làm ta cảm thấy dã dượi, buồn ngủ, không
thích hoạt động tỉnh thức. Bị Hôn Thụy chi phối, nội tâm hành giả coi như bất
lực, các sức mạnh nội tại cũng bị vô hiệu hóa và như vậy thì công phu thiền
định cũng bị ngăn trở, thậm chí đình chỉ.
Trở lực thứ tư của thiền
định là phóng dật -- hay Trạo hối, một phiền não gần như có thuộc
tính đối lập với Hôn Thụy, dĩ nhiên là cách đối lập tiêu cực. Với một định
nghĩa đại khái, căn bản thì phóng dật là tình trạng tâm lý bị khuếch tán, loạn
động, hướng ngoại với đủ thứ đề tài tư tưởng tốt xấu, vui buồn... và tất cả
diễn ra trong một sự thiếu tổ chức như những cái quẩy mình vật vã của một con
cá bị đem ra đất. Với một nội tâm phóng tán như vậy thì đến cả những cử động,
tư thế sinh hoạt của ta cũng còn bị ảnh hưởng tệ hại, nói chi đến công phu
thiền định. Bởi thực tại cảm nghiệm của ta lúc này là cả một mớ hổ lốn, bề bộn,
tạp nhạp và tư tưởng ta thì bay nhảy không định hướng. Trong tình trạng tâm lý
này, ta có một cách khác để giải quyết chứ không thể cực lòng đuổi bắt, đo đếm
từng ảo tưởng chớp nhoáng và vô hệ thống đó được, làm vậy chỉ hoài công thêm
thôi.
Trở lực thứ năm mà cũng
là sau cùng của thiền định là sự Nghi hoặc hay hoài nghi vớ
vẫn. Có thể nói đây là trở lực nghiêm trọng nhất cho hành giả thiền định. Bởi
vì cần có sự hiện diện của nó, mọi nổ lực tinh thần của ta coi như vô nghĩa và
bị tê liệt. Có nhiều hình thức hoài nghi lắm: về sự hiện hữu của mình, về khả
năng của bản thân, về người Thầy hướng dẫn, về pháp môn thiền định hoặc toàn bộ
giáo lý Phật pháp... Thậm chí có thể chỉ dựa vào trình độ trí tuệ thiền định
non kém của mình rồi quay sang nghi nghờ đến cả Ðức Phật: "Có chắc là Ngài
đã thật sự thấu đáo tất cả những gì mình đã thuyết giảng?"
Chúng ta còn có thể hoài
nghi con đường thiền định mà mình đang tu tập, bằng các hướng đi lệch lạc nào
đó, hoặc tự cho mình chưa đủ túc duyên, điều kiện thuận lợi về thời gian hay
vấn đề sức khỏe... Nói chung, dầu ở bất cứ hoàn cảnh nào bất luận, chỉ bằng một
chút hoài nghi, công phu thiền định của chúng ta coi như bị ngăn trở nghiêm
trọng nếu không muốn nói là thất bại!