Saturday, April 9, 2016

Làm thế nào để vượt qua những chướng ngại?

 Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đệ Nhất Đại Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar

- Câu Hỏi 171: Làm thế nào để vượt qua những chướng ngại?

Trả Lời Câu Hỏi 171: Nói chung, những chướng ngại được tóm gọn trong năm pháp, gọi là năm triền cái (Pañcanivāraṇa). Đó là tham dục, sân hận, hôn trầm-thuỵ miên, trạo cử-hối quá, và hoài nghi. Sở dĩ chúng được gọi như vậy là vì chúng cản trở sự tiến bộ trong thiền của một người. Nếu hành giả vượt qua được những chướng ngại này họ sẽ thực hiện được những tiến bộ vững chắc và cuối cùng thành công trong thiền. Vượt qua năm triền cái  là việc rất quan trọng đối với người hành thiền tới mức tôi muốn giải thích thêm một chút về nó ở đây.

Những nguyên nhân xa của năm triền cái là vô số phiền não đã được tích luỹ theo cuộc hành trình dài đăng đẵng trong vòng luân hồi của một người. Những phiền não này hiện hữu như những khuynh hướng ngủ ngầm nằm bên dưới dòng tương tục danh-sắc. Nhân gần của năm triền cái là sự tác ý không đúng (phi lý tác ý— (Ayonisomanasikāra). Do đó cách triệt để nhằm vượt qua năm triền cái này là tiêu diệt hoàn toàn mọi phiền não kể cả những khuynh hướng ngủ ngầm của chúng.. Còn cách tạm thời là áp dụng như lý tác ý — Yonisomanasikaara). Ở đây phi lý tác ý (Ayonisomanasikāra) là tác ý không có lợi, tác ý sai lối. Hay có thể nói đó là sự tác ý xem vô thường là thường, khổ là lạc, vô ngã là tự ngã và bất tịnh là tịnh. Trong khi như lý tác ý hay tác ý đúng chỉ là đối lại với phi lý tác ý. Đó là tác ý có lợi, tác ý đúng lối. Hay đó là tác ý vốn xem vô thường là vô thường, khổ là khổ, vô ngã là vô ngã, và bất tịnh là bất tịnh.

Đối với dục tham triền cái, trong Eka-Nipāta của Aṇguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh) Đức Phật dạy như vầy:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh như vậy, khiến cho dục tham nếu chưa sanh được sanh khởi, hoặc nếu đã sanh khiến cho được mạnh mẽ và tăng trưởng, như nét đẹp (tịnh tướng).
‘Nơi người nào phi lý tác ý đến tịnh tướng, dục tham, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn được sự khởi sanh của dục tham, nếu chưa sanh, hoặc nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như nét bất tịnh (bất tịnh tướng).

‘Nơi người nào như lý tác ý đến nét bất tịnh dục tham, nếu chưa sanh , không khởi sanh, hoặc nếu đã sanh, được đoạn trừ.’
Như vậy để vượt qua dục tham hành giả phải ngưng cho rằng mọi vật là đẹp, mà thay vào đó hãy ngẫm nghĩ đến tính chất bất tịnh của chúng. Thiền quán bất tịnh có thể được chia làm hai loại: hữu tình và vô tình hay vô tri. Loại hữu tình của thiền quán bất tịnh là tập trung vào tính chất bất tịnh hay đáng nhờm gớm của ba mươi hai thể phần, đó là, tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, …nước tiểu . Loại vô tri hay vô tình của thiền bất tịnh là tập trung vào tính chất bất tịnh của những giai đoạn biến hoại của một tử thi, như trương phình, tái xanh, …Đây là những cách để người ta vượt qua dục tham triền cái.

Đối với sân triền cái, Đức Phật dạy như vầy:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho sân hận, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng, như nét đáng ghét (đối ngại tướng).

Nơi người nào phi lý tác ý đến nét đáng ghét, sân hận, nếu chưa sanh, sẽ sanh khởi, hoặc, sân hận nếu đã sanh, có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thất một pháp nào khác có sức mạnh ngăn ngừa sự khởi sanh của sân hận chưa sanh, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như từ tâm giải thoát.

Nơi người nào như ý tác ý đến từ tâm giải thoát, thời sân hận, nếu chưa sanh, sẽ không sanh khởi, hoặc, sân hận nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ.’
Như vậy để vượt qua sân hận hành giả phải ngừng tác ý đến nét đáng ghét là đối tượng của sân hận và tu tập tâm từ. Hành giả nên tu tập tâm từ không vị kỷ đối với tự thân, đối với người thân, người không thân không thù, và người thù một cách hệ thống, cuối cùng cho đến tất cả chúng sinh. Hành giả phải học cách tha thứ cho người khác, vì Đức Phật đã nói rằng trong vòng luân hồi vô thỉ này không có chúng sinh nào chưa từng là cha mẹ và thân quyến của chúng ta. Đây là những cách để hành giả vượt qua sân triền cái.
Đối với hôn trầm-thuỵ miên triền cái, Đức Phật dạy như vầy:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng, như không hăng hái, thờ ơ, biếng nhác dài thây, buồn ngủ sau khi ăn và tâm trí thụ động.

Nơi người nào tâm trí thụ động, hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc hôn trầm và thuỵ miên, nếu đã sanh, có thể mạnh mẽ và tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo , Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc, hôn trầm và thuỵ miên, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như yếu tố khơi dậy nghị lực, tinh tấn, và tinh tấn liên tục (phát cần giới, tinh tấn giới và dõng mãnh giới).

Nơi người nào nỗ lực một cách năng động, hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sang, không sanh khởi, hoặc nếu đã sanh, khiến ho được đoạn trừ.’
Như vậy để vượt qua hôn trầm và thuỵ miên, hành giả phải ngưng tác ý đến trạng thái lười biếng và mỏi mệt của tâm và thân,  mà tác ý khơi dậy nghị lực và tinh tấn để hành thiền. Chính nhờ tinh tấn không ngừng mà đức Bồ Tát của chúng ta cuối cùng đã giác ngộ. Chúng ta nên noi theo tấm gương của Ngài. Hành giả cũng có thể phản tỉnh đến cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử, của bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và Atula), của vòng luân hồi trong quá khứ và tương lai, v.v…, để khơi dậy ý thức về sự khẩn cấp phải hành thiền. Dĩ nhiên, một lượng ngủ thích hợp, ăn thích hợp và các oai nghi thích hợp cho việc hành thiền cũng quan trọng không kém trong việc vượt qua hôn trầm và thuỵ miên. Đây là những cách để hành giả vượt qua hôn trầm và thuỵ miên triền cái.

Đối với trạo cử và hối hận, Đức Phật dạy như vầy:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho trạo cử và hối hận nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng thêm, như sự bất an của tâm.
Nơi người nào tâm phiền muộn trạo cử và hối hận nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc trạo cử và hối hận, nếu đã sanh, có thể mạnh mẽ và tăng trưởng thêm.’
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn trạo cử và hối hận nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc trạo cử và hối hận, nếu đã sanh, được đoạn trừ.’

Vì thế để vượt qua trạo cử và hối hận, hành giả phải không chú ý tới những trạng thái bất an của tâm và tập trung vào đề mục thiền của mình với một cái tâm an tịnh, mát mẻ và không dao động, một cái tâm tĩnh lặng. Nếu hành giả cố gắng theo cách này một cách chánh niệm và kiên trì trong mọi oai nghi, sức tập trung của hành giả dần dần sẽ trở nên mạnh mẽ và có thể vượt qua được trạo cử và hối hận, Đây là cách hành giả vượt qua trạo cử và hối hận triền cái.
Đối với hoai nghi triền cái, Đức Phật dạy như vầy:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho hoài nghi, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc hoài nghi, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng thêm, như phi lý tác ý.

Nơi người nào không như lý tác ý thời hoài nghi, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc hoài nghi, nếu đã sanh, có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng thêm.’
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn hoài nghi, nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc, hoài nghi, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như như lý tác ý.
Nơi người nào có như lý tác ý thời hoài nghi không sanh khởi,hoặc, hoài nghi, nếu đã sanh, được đoạn trừ.’

Vì thế, để vượt qua hoài nghi triền cái hành giả phải luôn luôn áp dụng như lý tác ý, phản tỉnh trên sự kiện rằng các pháp hữu vi đều vô thường, khổ và vô ngã. Hành giả cũng nên suy tưởng đến những phẩm chất tối thượng của Đức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng, đồng thời học hỏi những lời dạy của Đức Phật và thực hành  thiền chỉ, thiền quán một cách cẩn thận dưới sự hướng dẫn của một vị thầy thiện xảo. Đây là những cách để hành giả vượt qua hoài nghi triền cái.


Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những cách vượt qua năm triền cái do Đức Phật dạy. Để có thêm chi tiết vui lòng nghiên cứu bài kinh và tham khảo bản việt dịch “Vượt Qua Chướng Ngại” (của TS Pa Auk Sayadaw, TK Pháp Thông dịch, 2008). Khi hành giả đắc các bậc thiền do hành thiền chỉ (Samātha bhāvanā) hay đắc các Minh Sát Tuệ do hành thiền Minh Sát (Vipassana), hành giả vượt qua năm triền cái một cách tạm thời. Khi hành giả đạt đến giai đoạn Nhập-lưu (Sotāpanna), hành giả vượt qua hoài nghi triền cái vĩnh viễn. Khi hành giả đạt đến giai đoạn Bất Lai (Anāgāmī) hành giả vượt qua dục tham và sân hận triền cái vĩnh viễn. Khi đạt đến giai đoạn Alahán hành giả vượt qua hôn trầm-thụy miên triền cái và trạo cử-hối hận triền cái vĩnh viễn. Đây là cách vượt qua các chướng ngại một cách triệt để.