Tăng là một xã hội, hay cộng đồng của những
người có đức hạnh, những người đang thực hành giáo pháp, sử dụng trí tuệ, và
quán tưởng về sự thật. Khi quy y Tăng, bạn không nương tựa vào con người hay
những khả năng riêng của bạn nữa mà vào một cái gì lớn hơn. Tăng là một cộng
đồng mà trong đó cá nhân của bạn không còn quan trọng nữa. Cho dù bạn là nam
hay nữ, trẻ hay già, có học hay không có học, hay là cái gì đi nữa, khi đã
nương tựa vào tăng đoàn thì những tính chất nầy không quan trọng nữa. Tăng đoàn
là những người thực hành giáo pháp, sống đời phạm hạnh, suy tưởng về sự thật và
sống với trí tuệ.
Quy y Tăng có nghĩa là bạn tự nguyện từ bỏ
những tính chất, nhu cầu và ước vọng riêng tư của mình. Bạn khước từ những điều
nầy hầu mang lại lợi lạc cho Tăng đoàn, những người đang thực hành giáo pháp,
đang trên đường đến gần với sự thật, và chứng ngộ được sự thật.
ĐẢNH LỄ TAM BẢO
Trên đây là ba nơi nương tựa mà chúng ta
thường gọi là Tam Bảo. Đó là những bảo vật vô giá mà chúng ta đem hết lòng
thành kính và trong khi thành kính đảnh lễ, chúng ta mở rộng và hiến dâng đời
mình lên Tam Bảo. Tinh thần hiến dâng và lòng thành kính là những tình cảm tốt
đẹp của con người. Người mà không biết kính trọng, hay nói khác đi, không biết
thương mến và biết ơn kẻ khác, thường gây khó chịu và làm người khác xa lánh.
Người hay than phiền, phê phán người khác, đòi hỏi, bướng bỉnh và kiêu mạn
thường là những người mà chúng ta không thích gần gũi. Thái độ tự phụ cho
"Tôi là người giỏi nhất, tôi sẽ không cúi đầu trước bất cứ ai" là một
thuộc tính xấu xa của con người.
Thành kính lễ bái Tam Bảo được thể hiện qua
việc mở rộng tâm thức và quỳ lạy để hiến dâng đời mình đến Tam Bảo. Đó là một
động tác thuộc về thân trong đó chúng ta thật sự dâng hiến chúng ta, thân thể
và hình hài con người nầy của chúng ta đến Chân lý tối thượng. Chúng ta cuối
đầu đảnh lễ Phật và đặt dưới chân Ngài những gì chúng ta tin tưởng và gắn liền
với cuộc sống chúng ta. Nói khác đi, chúng ta dâng hiến chính cuộc đời của
chúng ta cho Chân lý tối thượng.
Đây là cách nhìn của chúng tôi về truyền
thống lễ bái Tam Bảo trong Phật giáo nguyên thủy. Nếu thấy thích hợp, bạn có
thể hành trì theo cách nầy. Nếu thấy nghi thức trên không bổ ích, bạn không cần
phải làm theo. Chúng ta không thể áp đặt điều nầy trên bất cứ ai cả; đó là việc
mà bạn có thể làm hoặc không làm. Tất cả đều tùy vào bạn. Tuy nhiên, tu tập
theo truyền thống nầy đòi hỏi chúng ta phải làm một số cố gắng, và khi được
nhuần nhuyễn hành trì với tâm chánh niệm, truyền thống nầy sẽ mang lại cho cuộc
sống của chúng ta nhiều nét đẹp. Chúng ta sẽ có tác phong thanh nhã, dáng vấp
oai nghi và thấm nhuần tinh thần hòa hợp của Tăng đoàn. Chúng ta sẽ hòa với
nhau làm một thay vì là một nhóm gồm những cá nhân riêng lẻ, trong đó mỗi người
làm theo mỗi cách, tùy theo tình cảm và sở thích riêng của mình. Chúng ta hòa
nhập vào truyền thống này qua động tác lễ bái để chuyển đạt tinh thần hiến
dâng, tình thương, lòng biết ơn, và sự kính trọng của chúng ta đối với Tam bảo.