Sunday, April 24, 2016

Những Ma Chướng và Trở Lực của Thiền Ðịnh

Trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy vẫn thường nhấn mạnh đến những trở lực có nguy cơ phương hại cho hành trình tu tập mà gần như không một ai chẳng gặp phải. Ðức Phật dạy rằng một người có bản lĩnh điều phục được nội tâm của chính mình thì xét về giá trị tinh thần, còn vĩ đại hơn cả một viên dũng tướng bách chiến bách thắng ngoài chiến trường. Người tu hành, đặc biệt là các hành giả thiền định, việc đối đầu với các trở lực tinh thần (thường được kể có 5) là cả một vấn đề quan trọng mang tính thường trực và cấp thiết. Chẳng riêng gì Phật Giáo, mà đến cả giới tu hành của thiền tôn giáo, chẳng hạn Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo, thậm chí đến các tay phù thủy da đỏ Mỹ Châu cũng đều luôn đặt vấn đề cảnh phòng đối với các trở lực nội tâm (theo cách hiểu của họ), nhưng nội dung của chúng cũng gần giống với 5 thứ trở lực tinh thần trong Phật Giáo.

Sau đây là câu chuyện về một nữ tu Thiên Chúa Giáo người Tây Phương sống tại Ấn Ðộ, đó là Sơ Teresa, người đã từng được giải Nobel hòa bình vì những đóng góp xã hội to tát của bà. Lần đó, sau khi tỏ lời kính phục đối với sự nghiệp vị tha của Sơ, một phóng viên của đài BBC đã nói một câu ngụ ý rằng thực ra có lắm con đường để sơ có thể vừa sống thoải mái mà vẫn có thể phụng sự tha nhân dễ dàng, can chi Sơ lại chấp nhận một đời sống vật chất quá ư chật vật? Bởi rõ ràng là về tài sản vật chất, Sơ Teresa coi như không có gì cả, trừ một chiếc xe, một ngân khoản bảo hiểm... và dĩ nhiên là Sơ cũng không có chồng con. 

Nghe nhắc đến vấn đề hôn nhân, Sơ Teresa mỉm cười với người phóng viên :
- Bảo tôi độc thân là sai, tôi vẫn đang có một cuộc hôn nhân đó chứ!
Nói rồi, Sơ giơ tay lên cho anh phóng viên nhìn thấy chiếc nhẫn trên đó, thực ra đó là loại nhẫn mà các nữ tu vẫn thường đeo với ý nghĩa là đã hiến mình trọn vẹn cho Chúa và Sơ lại nói thêm: "Mà Ngài thì nhiều khi khó khăn lắm! "- ý Sơ Teresa muốn nói đến những trở lực tinh thần mà mình đã phải đối diện trong cuộc đời làm một nữ tu.

Càng lắng tâm nhìn ngắm vào chính lòng mình, chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội để thấy rõ tất cả những nguồn cội của ham muốn, sợ hãi, thương ghét, nói chung là các thành kiến tâm lý mà từ đó đã gây ra biết bao nỗi khổ cho thế giới. Bản thân chúng là những ma chướng, trở lực, nhưng đối với một người tu tập thiền định thì chúng là một vấn đề tâm điểm để bằng vào một sự trực diện khách quan, chúng lại thành ra một thực tại chiêm ngắm, đồng thời sự chiêm ngắm đó lại là một công phu tu tập. Sự đối diện để khắc trừ cũng như ý hướng xử lý các trở lực tinh thần này thực ra không phải chỉ là vấn đề của hôm nay, mà là tự ngàn xưa. Vào thế kỷ thứ 2 Tây lịch, tu sĩ Evagrios, người vẫn được xem là một đại ẫn sỉ trên sa mạc, đã nhắc nhở các môn đồ của mình về những trở lực tinh thần bằng cách dùng hình ảnh mô tả chúng như những con ác quỷ luôn rình rập để quấy rầy những người tu hành nơi hoang vắng. Những con ác quỷ đó chính là những nổi sợ hãi, lười biếng kiêu ngạo...

Theo truyền thống Phật Giáo, các trở lực tinh thần này được nhân cách hóa bằng các tên gọi Ác Ma, Ma Vương mà bộ mặt của chúng chính là những hèn nhát nông nông nổi, bướng bỉnh, thái độ vô tri, xuẩn động đối với thực tại.

Ác Ma (ở đây chỉ cho các phiền não) thường xuất hiện để quấy rầy người tu tập qua nhiều hình thức: Chẳng hạn một ước muốn nào đó về điều kiện sống vật chất hoặc những do dự, tiếc nuối trong mỗi hoạt động của mình. Có một câu nói rất hay mà chúng ta nhắc lại ở đây như một lời cảnh báo: "Phật nào, Ma nấy". Ở một nội tâm non yếu thì các phiền não trở lực sẽ xuất hiện một cách thô thiển để ta có thể dễ dàng nhận diện và khắc chế; còn đối với những hành giả càng có bản lĩnh nội tâm bao nhiêu thì chúng cũng xuất hiện vi tế, kín đáo bấy nhiêu. Ðó là những tư tưởng nguy hiểm nhưng ta khó mà nhận ra. Chẳng hạn như một tư tưởng tự mãn "Ta là một đức hạnh! Ta không bị các phiền não nhiễu động!". Chúng kín đáo quá, thế là chúng ta mắc bẫy! Ðể đối trừ những hình thức phiền não tế vi này, chúng ta chỉ còn cách dốc sức cho một khả năng chuyên chú và tỉnh lặng thường trực, và dĩ nhiên bằng một thái độ nhìn ngắm hết sức khách quan.

Ngày xưa, chính Ðức Phật cũng đã đi qua con đường này trong những ngày tháng còn là một ẩn sĩ ngồi tĩnh tọa dưới gốc bồ đề. Ngài đã tự hứa với lòng mình là sẽ không bao giờ đứng dậy ra đi nếu chưa làm tròn được lý tưởng của một vị Chánh Ðẳng Giác. Ðể thấu đáo được bản chất của những buồn vui trong đời mình cũng như để tìm được lối thoát tự do cho bản thân, điều bắt buộc là chúng ta phải luôn đối diện với những phức loạn phiền não vốn thường trực có mặt trong nội tâm của mình. Cứ xem cuộc tu là một cuộc hành trình ngàn dặm mà ở đó chúng ta phải tự biết học cách giữ vững được lòng mình và điều tất yếu là phải có được một bản lãnh tự tại của một kẻ xem bốn biển là nhà. Sự chuyên tâm trong công phu thiền định không hề là một nổ lực tự tạo ra một ảnh tượng lý tưởng nào đó, mà là một thái độ sống hết mình trong từng phút giây hiện tại, phơi mở nội tâm, làm trung hòa các xung đột nội tại xuyên qua những cảm nghiệm chu đáo về đời sống. Với chừng đó cố gắng, xem như ta đã có đủ sức mạnh để đào luyện nội tâm, huy động nó một cáh hữu hiệu, đồng thời cũng giúp nó ngày một kiên định, trong sáng và tự do hơn. 

Chúng ta có thể nói rằng khả năng trung hòa nội tâm luôn được thành tựu từ sự trực diện với mỗi mỗi cảm nghiệm khách quan về thực tại. Ở một cấp độ rốt ráo nào đó, người hành giả có bản lãnh này còn có thể vô hiệu hóa những ảnh hưởng của phiền não bằng chính sự tu tập đúng mức của mình, mà nội dung của nó luôn là một tình thương vị tha cùng niềm khát khao hướng đến một khả năng tỉnh thức thật sự. Suy cho cùng, chỉ bằng một chút lòng thiện chí, ta có thể ta có thể học được lắm điều kỳ diệu trong đời mình, kể cả một sinh phong tự tại, an bình giữa cuộc đời nước mắt nhiều hơn nụ cười này. Nếu thiện chí đó vẫn nuôi dưỡng từng ngày thì những trở lực tinh thần kia đói với chúng ta sẽ không còn là vấn đề nữa. Ðể rồi sau cùng chúng ta còn thấy được một điều hết sức thú vị khác nữa rằng, tất cả những điều tệ hại và khó khăn nhất đều luôn thay đổi chứ không phải cứ triền miên đày đọa chúng ta như trước đây chúng ta vẫn nghĩ thế. Tất cả lúc này chỉ còn là những cảm nghiệm giản đơn trong sáng, nhẹ nhàng và cũng phù du mà chúng ta có thể an nhiên nhìn ngắm chúng trong mỗi giây khắc tư tưởng.


Những căn dặn trên đây tuyệt đối không phải chỉ đơn giản mang tính học thuyết hay tín điều Thiêng liêng, mà lại là một phép sống hết sức thực tế để chúng ta có thể nương theo đó mà cảm nghiệm được một nếp đời tự tại, tự học được cách gắn bó với từng cảm nghiệm đó của mình. Mà vấn đề này thì vô cùng quan trọng: Bằng chính thái độ xử lý của ta đối với các trở lực tinh thần đó, một cuộc xung đột nội tại nghiêm trọng sẽ xảy ra hoặc một thành quả thiền định chói ngời được thành tựu. Do vậy, bước đầu tiên khởi mang tính cấp thiết cho công phu nội quán và trực diện này phải là sự nỗ lực giàn xếp, trung hòa mọi động cơ xung đột nội tại một cách cụ thể. Nói theo kinh điển truyền thống, các triền cái tức những trở lực nội tâm đã nhắc tới trên đây, thường được kể có năm thứ, mặc dù trong thời gian tu tập thiền định của mỗi người, con số đó đôi khi không có vẻ khít khao với thực tế. Bởi thế, các đạo sỉ Du Già (Yoga) vẫn thích gọi tất cả các ma chướng tinh thần trong thiền định bằng một cái tên chung và ngắn gọn là "Cuộc tấn công của các trở lực phức loạn". Tuy thế, ở đây, tốt nhất là ta cứ lần lượt bàn về chứng theo lối phân tích của kinh điển truyền thống.

Thiền học Nam Truyền
Giác Nguyên dịch Việt