Ở đây, chúng ta có hai nguồn động lực chính yếu cho toàn bộ công
phu tu tập thiền định: Một nổ lực đúng mức và một mục đích hay cứu cánh chín
chắn. Một nổ lực hướng tâm vào thực tại để nội quán. Theo sau hai tiêu chuẩn
này chắc chắn sẽ là Thất Giác Chi (tỉnh lặng, trí tuệ, bình đạm...) kể cả lòng
từ bi. Chẳng hạn khi chúng ta ngồi lại và lắng tâm theo dõi hơi thở ra vào ở
mũi hoặc ở vùng bụng để chiêm ngắm thực tại thì coi như tất cả giác quan của
chúng ta lúc này tạm thời dành hết cho đối tượng tri nhận đó và lập tức một
chánh niệm được xây dựng để ta có thể ghi nhận mọi vận động của nó, đồng thời
một trí tuệ sâu sắc về thực tại cũng xuất hiện.
Tất cả những điều này
rất cần được thực hiện bằng một tâm thái nhẹ nhàng, trong sáng, thư thái và nếu
được, thì tại một trú xứ lý tưởng cho không khí trầm tư. Nếu ta tu thiền trong
một tâm trạng khiên cưỡng, thiếu tự nguyện thì chánh niệm lúc đó sẽ bị thay thế
bằng thái độ nhẫn tâm, vô trách nhiệm. Chánh niệm không hề có sắc thái tiêu cực
đó, và đối với thiền sinh sơ cơ thường bị mắc phải lầm lẫn này.
Ta có thể học
lại tư thái tu tập thiền định qua phong cách uống trà của người Nhật Bản: từ bước
chân đầu tiên để đi vào trà thất rồi đến từng động tác ngồi xuống, bày xếp trà
cụ, pha chế, mời mọc, thưởng thức... Tất cả đều được diễn ra trong lặng lẽ,
khoan hòa, điềm đạm tự nguyện và thú vị.
Người ta có thể dành ra
một ngày hoặc một buổi cho nghi thức uống trà đó, sao chúng ta lại không thể có
nổi một phong cách tu thiền chỉ với vài động tác đơn giản, trong khi việc đó
lại vô cùng quan trọng, nhiều ý nghĩa và cần thiết cho mình?
J. G.
Khái niệm tập quán và kinh nghiệm thực chứng
Một trong những bước đi
yêu cầu của thiền định chính là khả năng vượt thoát khái niệm tập quán để thành
tựu một trí tuệ thực nghiệm. Ðể bắt đầu một buổi thiền định, ta chỉ đơn giản
dành ra chút thời gian ngồi yên lại, hai tai xếp lên nhau. Nhưng cái cảm nghiệm
theo sau những thao tác đó là gì chứ? Có thể rằng ta sẽ lưu tâm đến sự xúc chạm
nhau của các ngón tay, hoặc một ý tượng hời hợt về cái gọi là đôi bàn tay đang
yên vị trên bắp chân mình, hay là một sự tỉnh thức ghi nhận những cảm giác tế
nhị như hơi ấm hoặc sự tiếp xúc. Khi ta có một trực cảm tỉnh thức về các cảm
giác thực tại thì liệu khái niệm định danh về tay chân kia có còn tiếp tục hiện
diện nữa hay không? Hãy cố gắng thực tập bài học này với đôi mắt nhắm lại chối
từ tất cả ngoại cảnh bằng một ít thời gian thẩm nghiệm, khu biệt các hình thái
cảm nghiệm .
Hãy thử khách quan kiểm
tra chính mình trong đôi phút. Bạn có tỉnh thức trong mỗi bước kinh hành của
mình hay không? Bạn có gọi tên và bận tâm đến hình thức vận động của đôi chân
mình như là một ảo tượng? Bạn cảm nhận được cái gì trong từng bước chân? Trong
mỗi phút giây lắng nghe, cảm nghiệm bạn có tự tạo một khái niệm ảnh tượng nào
không? Cái gì đã đưa đến các cảm nghiệm, có phải tự chúng xuất hiện hay không?
Từ trong giờ thiền định
chính thức, cho đến mỗi mỗi sinh hoạt lớn nhỏ trong đời sống thường nhật, bạn
nên tự khu biệt khách quan cái khái niệm tập quán với cái cảm nghiệm như thật
về thực tại.