Friday, April 15, 2016

Ngũ Giới

Vấn đề đầu tiên trong tam học chính là thái độ sống hài hòa và vô hại đối với cuộc đời chung quanh. Ðể phát triển công phu đào luyện nội tâm, điều tiên quyết là chúng ta phải tự biết xây dựng một căn bản đạo đức trong đời sống chính mình, bởi một khi chúng ta có một hành động lớn nhỏ nào đó có thể phương hại đến mình và người khác, chẳng hạn như những đau buồn hay một xung đột mâu thuẩn, thì chắc chắn rằng điều đó sẽ là một trở lực nghiêm trọng cho thiền định, con đường trung hòa nội tâm cho ngày một tỉnh lặng hơn, đồng thời nó cũng là cánh cửa ác hại khép kín tất cả những giá trị tinh thần khác. Còn đối với Ðịnh học và Tuệ học thì lý tưởng cao nhất của chúng, y cứ trên nền tảng những giá trị được kế thừa từ Giới học, thành quả đó mới có thể dễ dàng có được.

Ðức Phật ban hành Ngũ giới cho người Phật tử là nhằm để hướng dẫn cho chúng ta một đời sống có ý thức. Sự chấp trì của ngũ giới là một động cơ tích cực cho con đường tu tập thiền quán. Ngũ giới tuy vậy không phải là những tín điều cưỡng bức vô lối, mà mọi sự ở đây đều phải xuất phát từ một tự nguyện. Hơn thế nữa, ta phải hiểu thêm rằng chúng là những hướng dẫn hữu hiệu có thể giúp ta một nếp sống hài hòa, đồng thời phát triển và nâng cao sự an lành cũng như những sức mạnh khác của nội tâm. Có sống trong tinh thần giới luật, chúng ta mới có dịp thấy rằng chúng là những luật sống tuyệt với có giá trị đối với mọi nền văn hóa cùng tất cả thời đại. Ngoài ý nghĩa là cơ sở cho công phu thiền quán, giới luật còn có thể giúp ta làm thăng hoa đời sống nội tâm đa dạng của mình.

Học giới đầu tiên trong ngũ giới là cấm sát. Học giới này đòi hỏi chúng ở ta một tấm lòng hiếu sinh để từ đó, dầu có phải chịu đựng một ác cảm hay thành kiến bất mãn nào đó, ta cũng không được quyền cướp đi sự sống của bất kỳ sinh vật lớn nhỏ nào. Ðại khái chúng ta phải luôn biết tôn trọng sự sinh tồn của tất cả chúng sinh dưới mọi hình thức. Nói theo giáo lý Bát Chánh Ðạo thì làm vậy là ta đã thực hiện được một phần Chánh nghiệp. Chúng ta luôn có nhiều lý do để tự cho phép mình sát sanh, thậm chí kể cả trường hợp để thể thao hoặc tiêu khiển. Một khi biết tự tạo mối đồng cảm, giao tình sâu sắc với đời sống thì tự nhiên chúng ta sẽ không còn những hứng thú trong việc giết chóc nữa, một cách sinh hoạt chỉ xuất phát từ ác ý. Không một sinh vật nào lại muốn tìm đến cái chết cả, nên học giới đầu tiên trong ngũ giới là khuyên ta đừng bao giờ sát sinh.

Học giới thứ hai chính là sự lương thiện. Không làm điều trộm cướp, tức không bằng một hình thức nào đó lấy đi một vật lớn nhỏ của người khác. Không trộm cướp cũng là một thái độ sống vô hại đối với người khác. Chúng ta cần giải trừ lòng tham và sự ôm giữ quá đáng. Nói vậy còn có nghĩa là chỉ nên biết tự thích nghi với một điều kiện vật chất mang tính nhu cầu thật sự mà thôi, đồng thời nên có một thái độ san sẻ với tha nhân quanh mình. Trong đời sống thường nhật, chúng ta phải cần thiết nhiều thứ lắm: cây cỏ, súc vật thậm chí đến côn trùng. Và toàn bộ thế giới này luôn tự tồn tại với những vận động bù trừ như là một giải pháp sinh tồn.

Ðại để, thế giới như một con tàu với nhiều sinh vật sống còn trên đó. Từ con ong, cái kiến, chú giun đất đều luôn có ảnh hưởng và giá trị quan trọng sự sống của mỗi người. Sự sinh tồn của chúng ta nói cho cùng, chỉ là một hình thức tồn tại vay mượn và nhờ cậy. Nếu chúng ta học được cách trân quý, gắn bó với thế giới, tự khắc ta sẽ có được một đời sống hạnh phúc. Ðây cũng chính là vấn đề sinh thái của địa cầu. Ðồng thời cái gọi là động cơ xây dựng hòa bình thế giới còn là những sinh hoạt có ý nghĩa chăm sóc, hài hòa đối với vấn đề môi sinh bằng tinh thần thiền định: không bỏ mặt nó mà vẫn quan tâm giao lưu với những cái khác.

Từ sinh phong tuyệt vời này, cuộc đời chúng ta sẽ thoải mái và hữu dụng hơn. Sự phát triển tâm hồn hào sảng nhân hậu cũng là một phần quan trọng của đời sống nội tâm. Như vậy chúng ta nên cùng lúc chấp trì các học giới, tu tập thiền định và nuôi dưỡng một tâm hồn rộng rãi để nhờ đó trái tim ta ngày một rộng mở thêm, hùng hậu mà cũng nhẹ nhàng thêm và niềm an lạc trong cuộc tu cũng theo đó mà được nhân lên. Ðức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bàn tay bố thí hào phóng qua một lời dạy hết sức sâu sắc và thú vị: "Nếu các ngươi biết rằng ta đã thấu suốt giá trị của hành động bố thí như thế nào thì chắc chắn các ngươi sẽ không vất bỏ vô ích một hạt cơm nào cả".

Theo kinh điển truyền thống, có đến ba trường hợp bố thí. Chúng ta phải có can đảm đón nhận bất cứ cơ hội bố thí nào đó, gặp dịp là thực hiện ngay. Bởi đôi khi, thậm chí thường xuyên, chúng ta vẫn có thói quen do dự ít nhiều trước khi đem cho thứ gì đó đến người khác. Nhưng dù sao bố thí với tâm thái nào cũng là tốt cả, bởi đó là lối sống san sẻ và vị tha. Vừa rồi là một trường hợp bố thí: bố thí trong phân vân, do dự.

Trường hợp bố thí thứ hai: lối bố thí mang tinh thần bè bạn. Ðó là một thái độ sẳn sàng dành ra một thời gian, một công sức hay một vật chất nào đó cho người khác như một món quà tương giao. Lối bố thí này cũng là một thái độ sống thú vị. Bởi thực ra chúng ta đâu phải cần đến quá nhiều những sở hữu mà mình vẫn ngỡ là sẽ mang lại hạnh phúc. Vì chính nhân cách và thái độ tương giao đối với cuộc đời mới là cái quy định những buồn vui của chúng và hãy luôn nhớ rằng hạnh phúc hay niềm vui nội tại chỉ đi ra từ một tấm lòng.
Trường hợp bố thí thứ ba là hình thức bố thí bằng một sự trân trọng: trao tặng cho người những gì mà mình cũng trân quý, kể cả một thời giờ hay một công sức nào đó khó dành ra. Có lẽ ai cũng thấy rằng trường hợp bố thí này là cả một điều khó khăn nhưng vô cùng quý giá mà mình phải cố gắng thực hiện.

Ðể việc bố thí hay những nghĩa cử hào sảng nào đó của chúng ta có được cái giá trị tích cực cho nội tâm thì mỗi người nên hiểu rằng thái độ hy sinh đó của mình hoàn toàn không có ý nghĩa tô điểm, vun bồi một sự hãnh diện cho cái Tôi nào cả, nó phải có được lý tưởng là nhân cách và sức mạnh nội tâm cũng như một nguồn tịnh lạc thật sự. Ðiều cần nói thêm ở đây là dĩ nhiên chúng ta không nhất thiết phải tuôn hết tất cả cho lòng hào sảng: ta còn có đời sống riêng tư nên tất nhiên cũng phải biết nghĩ tới mình. Ðừng quên rằng trong mọi trường hợp một sự thái quá hay bất cập đều không nên có. Lời cuối cùng là chúng ta vẫn phải đặc biệt quan tâm đến một tâm hồn khoáng đạt, phơi mở bởi chính nó vẫn dạy chúng ta bài học về tình thương.

Học giới thứ ba là tránh những hình thức quan hệ tình dục bất hợp pháp, một hành động có thể phương hại đến người khác. Học giới này đề nghị ở chúng ta một nếp sinh hoạt sinh lý khả dĩ thích đáng và nghiêm túc. Chúng ta phải nhận rằng nhu cầu và hấp lực tình dục đối với phần đông đều luôn mãnh liệt. Ðặc biệt trong thời đại gần như tự do tình dục của hôm nay, chúng ta càng phải luôn thận trọng và biết tự chế. Chỉ cần một nếp sinh hoạt tình dục bừa bãi thì ta rất dễ dàng gây ra biết bao phiền phức cho mình và người khác, chẳng hạn đối với trường hợp ngoại tình. Một đời sống bình yên và hạnh phúc lại bị đánh đổi bằng chút khoái cảm phù du mà cũng nguy hiểm đó xem ra quá rẻ và thật đáng tiếc.

Ðiểm tinh thần của học giới này là sự phản tỉnh tự thân về những động lực tâm lý đàng sau các sinh hoạt của mình. Con đường đó sẽ cho phép ta thấy được ảnh hưởng liên đới của dục tính với nội tâm bản thân, cũng như cả những giá trị tích cực của nó trong đời sống thường nhật: Chẳng hạn nó có vai trò và ý nghĩa gì trong tình yêu cùng những tình cảm khác. Ðại khái ta sẽ có được một bài học thú vị, bổ ích về vấn đề quan hệ tính giao, tình yêu đôi lứa và thái độ sống cũng như các hiểu về chúng. Trong khi hầu hết chúng ta thường có những phút giây điên dại trong tình dục, xem đó là một cách thưởng thức cái đẹp hoặc để thỏa mãn thú tính của mình bằng một ý thức chiếm hữu. Tự chế được hấp lực của tình dục bản thân cũng là một phần quan trọng trong đời sống tu tập.

Học giới thứ tư trong ngũ giới là tránh không nói dối, một chi phần của Chánh ngữ trong giáo lý Bát Chánh Ðạo. Chúng ta đừng bao giờ nói dối, thay vào đó là những lời chân thật và hữ ích, những câu nói chỉ xuất phát từ trí tuệ và tinh thần trách nhiệm. Pháp môn Chánh ngữ đã đặt ra cho chúng ta một vấn đề quan trọng là đòi hỏi chúng ta tự biết vận dụng ngữ ngôn của mình một cách tốt đẹp bằng sự tỉnh thức trước khi phát biểu. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian trong cuộc đời ngắn ngủi của mình cho những cuộc phiếm luận vô ích, mà thường thì ta ít khi chịu tỉnh táo, bình tỉnh để biết mình đang nói gì. Chúng ta có thể tu tập trong từng câu nói, từng giây phút phát biểu, bằng cách ý thức rõ ràng về những gì đang xảy ra, từ não trạng đến những cảm xúc tâm lý. Rồi khi im lặng, ta cũng vẫn tiếp tục giữ chánh niệm để nghe người khác nói. Chúng ta có thể tự tạo những quy tắc ngôn ngữ cho mình với những tiêu chuẩn chân thật và hữu ích. Có tu tập thiền định ta mới có thể khám phá nhiều điều kỳ thú về ngữ ngôn.

Người ta kể lại rằng, tại địa phương kia có một danh y nỗi tiếng về khả năng trị bệnh cho trẻ con và điều đặc biệt là thay vì sử dụng các thứ thuốc men, ông chỉ luôn trị liệu bằng vài câu nguyện ngắn. Lần đó, trong số những người đến xem ông chữa bệnh có một gã thanh niên ngỗ ngáo tỏ vẻ nghi ngờ khả năng của vị danh y bằng vài câu nói vô lễ. Vị danh y quay nhìn anh ta rồi buông gọn một câu:

- Mi chỉ là một thằng ngu biết gì mà nói!
Gã thanh niên dĩ nhiên nổi nóng và sắp sửa có phản ứng với vị danh y nhưng cũng ngay lúc ấy vị danh y điềm đạm mĩm cười với anh ta:
- Nếu có một câu nói đủ khiến người ta bị bất ổn về tâm sinh lý thì tại sao lại không có được một câu nói nào đó có thể giúp người ta ổn định tâm sinh lý chứ!
Mỗi câu nói của chúng ta luôn có một giá trị nhất định nào đó, tiêu cực hay tích cực: Một lời nói có thể đủ sức gây ra những đổ vở mà cũng có thể hàn gắn những chia rẻ rạn nứt. Do đó, chúng ta phải luôn thận trọng và biết chân thành mỗi khi phát ngôn. Chúng ta luôn được tín nhiệm khi chỉ nói thật. Ðiều đòi hỏi là một công phu tự tỉnh thường trực và nhờ vậy, nội tâm của chúng ta cũng ngày một yên tỉnh, rộng mở và an hoà hơn.

Học giới cuối cùng trong ngũ giới là kiêng hẳn tất cả các thức uống có tác dụng gây say. Sở dĩ phải như vậy vì những thức uống đó chỉ có tác dụng hủy hại tâm sinh lý của chúng ta, đồng thời làm tiêu tán mọi khả năng tỉnh thức, sáng suốt của tâm hồn. Nói một cách nôm na, chúng ta, trong từng phút giây, chỉ sống bằng một cái tâm (luôn biến đổi) nên ta phải biết trân trọng bảo trì nó. Trên thế giới hôm nay, có đến hàng trăm triệu người nghiện rượu và một lượng người đáng kể khác lại liên tục lạm dụng các loại thuốc kích thích dưới nhiều hình thức và mục đích. Chính những cơn nghiện tai hại đó đã cùng lúc đem lại biết bao phiền phức cho người khác. Ở đây ta phải nhận rằng, một đời sống tinh thần có tự chủ quả là không dễ dàng tí nào. Bởi để thực hiện được một đời sống nội tâm như vậy, ta phải liên tục đối đầu với biết bao giằng xé, vật vã. Sự nghiện ngập, từ đó, dĩ nhiên không thể chấp nhận được.


Ðể có thể hội nhập một cách hữu ích và tích cực với xã hội, đồng thời thiết lập một nền tảng cho đời sống tâm linh chính mình, vấn đề đòi hỏi ở chúng ta một sự tỉnh thức và tinh thần trách nhiệm đối với từng quan hệ trong thế giới chung quanh cũng như mỗi mỗi sinh hoạt, hành động của riêng bản thân. Sinh phong đó chắc chắn là một giá trị nhân cách mang ý nghĩa tương giao tuyệt với với cuộc đời mà cũng là nhân tố cho một nội tâm có bản lĩnh. Một căn bản đạo hạnh luôn mang lại cho chúng ta tất cả an lành và tự do, bên cạnh đó, còn là một điều kiện tiên quyết, cần thiết cho thiền quán. Với chừng đó công phu, coi như ta đã có được một đời sống đầy ý thức để không lãng phí cái kiếp người vốn khó được, cũng như không tự đnh mất cơ hội vun bồi lòng từ bi cùng trí tuệ như thật về cuộc đời, những giá trị cao vời chỉ có ở những người thật sự diễm phúc.