Làm trung hòa thăng
bằng các phản ứng xung động
Thế nào là những phản
ứng xung động trong trường hợp này? Ở nội tâm chúng ta luôn có sự hiện diện của
chúng: đó là sự song hành, hội ngộ giữa thương và ghét, buồn với vui, đại khái
những cảm giác tương phản nhau. Chúng làm nên những chao đảo, mất thăng bằng
cho thế giới nội tâm mỗi người, và công việc của người tu tập thiền định chính
là giàn xếp chúng một cách tỉnh thức. Một chánh niệm thường trực sẽ là trợ thủ
đắc lực cho chúng ta trong công phu này. Chánh niệm ở đây là một sự tri nhận vô
tư, không chọn lựa, vô phân biệt đối với thực tại - như mặt trời, mặt trăng,
không hề có một chọn lựa trong sự phát quang soi rọi của chúng.
Nhưng chúng ta làm sao
lại có lại cái tỉnh thức tinh xác đó trong từng chuỗi cảm nghiệm liên tục về
thực tại mà mình vẫn phải từng phút kinh nghiệm qua? Vấn đề rất đơn giản: hãy
xem tất cả như một du khảo hay tham quan.
Trong cuộc đi đó, ta có
thể sẽ đi qua nhiều miền đất lạ với những núi rừng, biển cả, sa mạc... ở mọi
nơi, hãy sống hết mình với từng địa điểm: đang ở núi hãy quên đi biển cả, đang
ở rừng thì tạm thời đừng nhớ tới sa mạc... Như vậy, chúng ta có thể thưởng lãm
trọn vẹn và thú vị với từng nơi chốn đi qua trong hành trình của mình. Công phu
trung hòa xung động tâm lý cũng là một cuộc đi. Ta từng bước ra sức nội quán
thực tại mà mình được cảm nghiệm trong mỗi phút giây hiện hữu. Hãy tạm thời coi
như không có gì ngoài từng giây phút nếm trải, nhìn ngắm thực tại bởi lý tưởng
của thiền định luôn nằm trong mục đích thấu thị khách quan cái "đang
là".
Có một câu hát đã được
ra đời lâu lắm rồi nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại ở đây vì thấy cần thiết:
"...Có người bảo cuộc sống là kỳ lạ và tôi chỉ muốn biết nó mà không hề
muốn so sánh cái nào với cái nào". Vấn đề nằm hết ở đó. Tôi nhắc lại,
trong từng phút nội quán thực tại hãy quên đi mọi thứ ngoài ra mọi buồn vui,
khoái cảm xác thịt hay niềm vui tâm lý... Tất cả chỉ là một phần của cuộc hành
trình tham quán nội tại. Nhưng nắm bắt từng đơn tử, tế bào thực tại kiểu đó có
chắc chắn khả dĩ mở ra cho ta một cánh cửa trí tuệ về bản chất như nhiên của
các pháp không?
Hãy nhớ rằng tinh thần
của thiền định không hề là một sự chấp thủ hay chối bỏ một cách tiêu cực, vô
nghĩa, mà là một đối diện tích cực, tỉnh thức trong từng chớp mắt hiện hữu. Và
sự trung hòa hay thái độ thăng bằng ở đây là nhắm hết vào thực tại: không nắm
bắt, bám víu ngu xuẩn mà cũng không hững hờ buông xuôi. Ở đây, người hành giả
từng phút thẩm thấu mỗi mỗi giai điệu giao hòa, những tiết tấu cộng hưởng của
mỗi phút giây thực tại.
Cũng có thể xem công phu thiền định ở đây là một thính
giác thẩm âm tuyệt vời bởi vì chu trình vận động của các thực tại luôn là một
cuộc hợp xướng, hòa tấu vô cùng kỳ thú. Ta chỉ việc im lặng, tỉnh táo, rồi thư
thả lắng nghe. Hãy tận hưởng từng phút giây thực tại bằng tất cả những an hòa,
bình đạm của nội tâm. Ở đây hoàn toàn không nên có những xung đột, đối kháng,
giằng xé, đôi co căng thẳng nào hết...
Và dù sao đi nữa, để đạt
tới niềm tịnh lạc nội tại như trên, một nổ lực năng động cũng là cần thiết. Ta
nổ lực làm gì? Ðó là sự cố gắng phải để tập trung tâm ý. Nội tâm ta luôn có
khuynh hướng khuếch tán, loạn động nên điều hành được nó chính là điều tối
trọng. Hãy lấy những tiêu chuẩn tâm lý của một người tập đi xe đạp mà hiểu và
thực hiện công phu như vậy. So ra, cuộc tu thiền định đâu có khác gì hình ảnh
đó.