Tiếp theo sau Giới học,
điều kiện tiên quyết cho nếp sống tỉnh thức, ta còn phải dấn bước vào hành
trình thứ hai, tức Ðịnh học, công đoạn kiên định và tập trung nội tâm. Một khi
chúng ta tự giàn xếp được một hình thức sống khã dĩ hữu ích cho đời và chắt lọc
được những giá trị đức hạnh cho chính mình thì cũng có nghĩa là khi đó ta đã tự
thiết lập được một trật tự nội tại yên bình và trong sáng. Ðó chính là một bước
khởi hành nhiều hứa hẹn cho cuộc tu thiền định sắp tới, tức những công phu đào
luyện nội tâm: ở đây ta đồng hóa thân tâm thành một (là chỉ đơn giản xem toàn
bộ những sinh hóa của chúng trong từng thoáng chốc là đối tượng để tri nhận,
nhìn ngắm một cách khách quan mà thôi), đồng thời chú hướng từng cái nhìn ngắm
vào mỗi cảm nghiệm của mình vào thực tại trước mắt, từng phút và từng phút. Khả
năng tập trung và kiên định nội tâm luôn là nền tảng cho tất cả pháp môn thiền
định và thâm chí khả năng đó cũng là tuyệt đối cần thiết cho biết bao lĩnh vực
khác trong đời sống: nghệ thuật, thể thao, một phút lập trình vi tính hay cả
những phút giây trầm tư đơn độc.
Trong pháp môn thiền
(của các trường phái nói chung), sự phát triển năng lực tập trung tinh thần
luôn có nhiều phương pháp thông qua các đề mục chú niệm khác nhau: từ hơi thở
ra vào đến một câu kinh đã được chọn sẵn hoặc một khái niệm nào đó như lòng từ
bi...
Ở các chương sau chúng
ta sẽ bàn nhiều về phương thức tập trung tư tưởng bởi từ bây giờ thì đó chính
là vấn đề quan trọng nhất. Cái căn bản tối trọng của thiền định chỉ đơn giản là
quá trình gom hết sự chú ý vào đề mục tri nhận nào đó chẳng hạn như hơi thở rồi
liên tục duy trì công phu đó. Những phút giây như vậy đòi hỏi chúng ta phải tạm
thời chấm dứt tất cả vọng niệm về mọi sự tốt, xấu, vui, buồn đã và sẽ xảy ra.
Chúng ta lúc này chỉ có một ý thức duy nhất về những gì đang xảy ra mà thôi,
với một sự tỉnh thức thật tốt.
Bên ngoài một sòng bạc ở
Las Vegas (Hoa Kỳ) có đính một câu mời chào hóm hỉnh mà cũng hết sức ý vị:
"Bạn hãy để mỗi phút là một ván thắng". Lý tưởng của thiền định cũng
giống hệt y câu nói đó: muốn thẩm thấu bản chất đời sống, ta phải từng giây
phút đối diện với thực tại một cách tỉnh thức và tỉnh thức liên tục. Sự phát
triển thiền định chẳng khác gì việc lau rửa một thấu kính hiển vi. Nếu với một
thấu kính tồi, ta khó mà nhìn thấy được cái gì, chẳng hạn các tế bào cùng những
vận động của chúng.
Ðể có được cái nhìn thấu thị về thân tâm mình, ta phải biết
huy động và tập trung cùng lúc nhiều giá trị tinh thần khác bằng một nội tâm
kiên định và tỉnh lặng cùng một cách nhìn soi rọi. Ðây cũng chính là những gì
mà đức Phật đã thực hiện: ngồi yên lại, tập trung tư tưởng và ngắm nhìn hiện
tại. Thậm chí đến như các vị đạo sư Du Già (Yogi), hạng người luôn sống với lý
tưởng duy tâm cực đoan cũng phải cần tới rất nhiều những khả năng nội tại ở
chính mình.