Thursday, April 21, 2016

Khám phá những gì bị giấu kín

Ðối tượng của công phu hay lý tưởng này trong thiền định cũng vẫn là thực tại và sự cảm nghiệm về nó. Ðó là sự thật vẫn bị chôn vùi, giấu kín từ bấy lâu nay qua hình thức ngụy trang của các khái niệm tập quán. Chúng ta luôn có khuynh hướng đánh rơi thực tại vào hố thẳm nguy hiểm này, và một trong những tâm điểm của thiền định là giúp ta thắng được nó để có thể trực tiếp đối diện thực tại. Giữa thực tại và cái khái niệm tập quán luôn là một vùng tối. Có ai đó đưa tay lên rồi hỏi ta "Ðây là cái gì?" thì thường khi câu trả lời của ta sẽ bật ra theo thói quen rằng "Ðó là bàn tay" dù chưa thật sự nhìn kỹ bàn tay đó ra sao, có cần nắm gì hay không. Chúng ta gọi đó là bàn tay và cứ vậy cái khái niệm tập quán lại tiếp tục được nuôi dưỡng.

Nghe một tiếng còi ré lên ngoài đường, ta chỉ đơn giản hình như tuân theo một quán tính tâm lý đã có sẳn để qui định đó là tiếng còi của loại xe nào. Nhưng đó có phải là cái mà ta thực sự nghe được hay không? Chỉ có âm thanh thôi, thưa bạn, đừng gán ghép thêm vào nó một ý niệm định trị, định danh, định hướng, định hình phân biệt và giả lập nào hết. Ðừng đánh tráo sự cảm nghiệm trực tiếp và đơn giản đối với bản chất thực tại bằng một khái niệm tập quán. Chẳng hạn sau một giờ tọa thiền, lưng và gối của bạn bị đau nhức. Bạn có thể lập tức ghi nhận rằng "Lưng hay gối của tôi bị đau nhức" nhưng cái thực tại mà bạn cảm nghiệm được thì chỉ có cái đau nhức, cảm giác bất an, bất ổn của sinh lý thôi - còn "lưng, gối, tôi, của tôi" kia là các khái niệm tập quán không cần thiết, thậm chí nguy hiểm. Bởi thật ra đâu có cái gì trong thực tại là lưng, gối, cơ bắp...

Tại sao nãy giờ tôi đã nhấn mạnh vấn đề này đến thế? Bởi vì nó rất quan trọng, sự khu biệt tinh xác được cái cảm nghiệm thật sự với cái khái niệm tập quán sẽ cho ta biết được hướng đi của thiền định. Những định danh của chúng ta về mọi vật luôn giống nhau ở điểm là không có giấu hiệu thay đổi, bởi có thể cả đời mình chúng ta vẫn cứ gọi một sự vật nào đó bằng một hay vài cái tên gọi nhất định. Chính sự gắn bó mật thiết giữa các khái niệm tập quán đối với mọi sự vật qua lối định danh đó sẽ không những gieo mầm kín đáo cho một vọng tưởng về cái trường tồn (không vô thường) mà còn có nguy cơ đưa tới một cái Ngã, ngã sở (Tôi, của tôi) nữa. Và từ đó cái đau đớn hay khoái cảm sẽ không còn được cảm nghiệm trực tiếp và trung thực nữa, nó sẽ kết bè với một chuỗi ảo tưởng của khái niệm tập quán: "Lưng tôi bị đau; tôi nghe khoan khoái cả người..."!

Trong khi đó, nếu bằng một sự ghi nhận như thật ta sẽ thấy mọi thứ đổi thay một cách nhất định trong thực tại mà ta cảm nghiệm được. Không có cái gì giữ nguyên được bản chất vận động của mình trong hai giây đồng hồ cả. Do đó còn bám chắc khái niệm tập quán thì coi như ta vẫn bị lún sâu trong thế giới ảo tưởng. Thiền định dạy ta tìm ra những gì bị giấu kín. Mọi thực tại phải được tri nhận trực tiếp thay vì theo thói quen, ta luôn đồng nhất với cái tôi thông qua một khái niệm tập quán về hình thức ngoại tại của nó.


Trước hết, thiền định khuyên ta hãy nhìn mọi sự và vạn vật là luôn thay đổi. Tất cả đều trôi đi trên một dòng chảy liên tục. Hiểu được đặc tính vô thường của vạn vật theo kiến thức học hỏi cũng là đáng quí nhưng đó vẫn chưa là thứ trí tuệ sâu sắc bởi trí tuệ đó chỉ mới từ bên ngoài đưa vào. Thiền định là một quá trình phơi mở bản chất vô thường của vạn vật và nâng cao trí tuệ cho ngày một sâu sắc hơn. Tất cả mọi hình danh, sắc tướng thuộc tâm vật lý thực ra chỉ là từng đơn tử trong một thấy được đặc tính vô thường trong mỗi thực tại cũng có nghĩa là ta đã thấu thị được bản chất bất toàn trong mọi hiện tượng để từ đó chấm dứt các ảo giác mỹ cảm về chúng. 

Sự bất toàn ở đây còn chỉ cho những đau khổ tâm sinh lý cho nên cộng thêm trí tuệ về sự vô thường, ta sẽ nhận ra được cả cái cốt lõi trong sự giác ngộ của Ðức Phật là trí tuệ về lý vô ngã: không có một cái tôi hay chủ thể, chủ quyền nào hằng tạo trong qui trình vận động liên tục của các pháp. Ðến đây thì ta đã tự thăng hoa cuộc tu thiền định của mình bằng một bước đi tự khái niệm tập quán sang trí tuệ thực nghiệm. Ta đã bỏ lại toàn bộ những ảo tưởng ngã chấp và tham đắm mù quáng trong các thực tại để sống tỉnh thức với chính thực tại mà mình vẫn cảm nghiệm trong mỗi phút giây hiện tại với một thái độ bất cầu, vô chấp.