Chúng ta có thể nhân cách hóa Đức Phật, hay
nói khác đi, chúng ta có thể chiêm ngưỡng Đức Phật qua hình tượng của một con
người. Nhưng với Pháp thì khác. Pháp không có tính chất của con người hay cá
nhân riêng biệt. Bạn không thể xây dựng một hình ảnh con người về Pháp. Pháp
thường được thể hiện qua biểu tượng của một bánh xe (tiếng Pali là dhammacakka,
nghĩa là bánh xe Pháp hay Pháp luân). Pháp có nghĩa là sự thật, sự thật về bản
chất của vạn pháp. Vì thế, Pháp bao gồm tất cả -- con người, thú vật, ác quỷ,
thánh thần -- tất cả những gì mà chúng ta có thể nghĩ đến hoặc nhận thức được,
và Pháp cũng có nghĩa là chân lý bất tử. Pháp bao gồm mọi vật -- cái biết, sự
thật, các nhân duyên, những kinh nghiệm của sáu giác quan, sự trống rỗng, và
tất cả hình thái thể hiện ra bên ngoài mà chúng ta thường gọi là sắc. Tóm lại,
tất cả đều là Pháp hay Pháp là tất cả.
Hành thiền là cách thức để chúng ta tự khai
mở và tiếp cận với Pháp. Khi hành thiền, bạn sẽ tiếp cận với sự thật. Vì thế
khi đọc tụng các ân đức của Pháp, chúng ta tụng rằng là Pháp "được tự
chứng ngộ như thật tại đây và ngay bây giờ" (sanditthiko), "được
chứng ngộ ngay mà không chờ đợi thời gian" (akaliko), "khuyến khích
người khác đến xem và tự chứng nghiệm" (ehipassiko), "sẽ đưa đến giải
thoát" (opanayiko), "phải được chứng nghiệm tự mình"
(paccattam), "chỉ có thể được thấy và biết được nơi tâm của các bậc thượng
trí" (veditabbo vinnuhi). Những từ nầy là để chỉ tất cả những gì đang được
chứng nghiệm tại đây và ngay bây giờ. Khi tiếp cận với sự thật, chúng ta không
nhắm đến một cái gì cá biệt, chẳng hạn như chú ý đến một đề mục riêng biệt rồi
đặt câu hỏi: "Đây có phải là sự thật không?". Tiếp cận với sự thật là
mở rộng chứ không phải là thu hẹp tâm vào một đối tượng.
Vì thế nên việc quy y
Phật và Pháp nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức . Tỉnh thức để chúng ta
không chỉ tập trung trên đề mục nầy và chối bỏ đề mục khác; tỉnh thức để chúng
ta không bị kẹt trong thói quen dễ duôi, tham đắm hoặc đè nén và ức chế của
tâm. Khi tâm chúng ta thật sự khai mở -- nghĩa là khi tâm chúng ta mở rộng và
tiếp cận với thực tại hay với những gì xảy ra tại đây và ngay bây giờ -- chúng
ta sẽ cảm thấy an lạc vì chúng ta không còn đi tìm một cái gì cá biệt để bám
víu vào đó. Chúng ta không còn chạy loanh quanh nữa; chúng ta ngừng cuộc săn
đuổi điên loạn của tâm thức. Vì thế, tiếp cận với Pháp là con đường dẫn đến sự
an lạc và tĩnh lặng mà chúng ta phải tự mình chứng nghiệm. Chúng ta phải tự
mình thấy và biết được sự thật; chứ không chờ đợi người khác chứng nghiệm rồi
dạy lại cho chúng ta.
Phật và Pháp không phải là những khái niệm
nho nhỏ và dễ thương để chúng ta tụng đọc; Trái lại, Phật và Pháp là những khái
niệm để chúng ta quán tưởng và suy ngẫm. Đó là những lời dạy để chúng ta xem
xét và áp dụng vào cuộc sống thật của mình. Thay vì nghĩ về Đức Phật như một vị
tiên tri nào đó sống cách đây 2.500 năm, chúng ta nên nghĩ về Đức Phật như
người đại diện cho cái trí tuệ có sẵn trong mỗi người chúng ta và trí tuệ nầy
sẽ giúp chúng ta tiếp cận và thấy được Pháp trong giây phút hiện tại. Chúng ta
không cần đến núi Hy Mã Lạp Sơn để tìm Đức Phật. Chúng ta chỉ cần khai mở tâm
thức để tiếp cận với những gì đang xảy ra chung quanh ngay giây phút nầy và
ngay tại đây. Đó chính là chúng ta đã quy y Phật và Pháp. Quy y không có nghĩa
là đi tìm một cái gì đó ở một nơi nào đó mà là mở rộng tâm thức để tiếp cận với
thực tại. Quy y là quan sát mọi vật đúng với thực chất của nó, chứ không phải
như chúng ta nghĩ về nó một cách mơ hồ và huyền ảo.