Thursday, April 28, 2016

Chánh niệm là khi nói biết mình đang nói gì, khi nghĩ biết mình đang nghĩ gì, và khi làm biết mình đang làm gì

Tôi chưa bao giờ thực sự nghiêm túc với những việc mình đã làm, nhưng rồi may mắn cứ ùa đến, mọi việc vẫn cứ suôn sẻ, trơn tru, so với đồng nghiệp và bạn bè cùng trang lứa của mình, tôi luôn nổi trội hơn hẳn. Thoạt đầu tôi cứ tưởng mình làm thế là đã tốt rồi, đã giỏi hơn người khác rồi nên cái tính ỷ lại, tự cao, lười biếng và cẩu thả ngấm ngầm lớn lên trong tôi từ lúc nào không biết, nó đã trở thành một phần của con người tôi.
Nhìn đống sách vở lung tung nơi đầu giường cuối chiếu, dưới gầm bàn hay xuệch xoạc những trang còn chưa gấp, quần áo cả tuần mới giặt một lần, còn đống đồ vớ vẩn yêu thích của tôi thì mỗi nơi một cái, nhưng lại chẳng bao giờ tôi muốn vứt đi bất cứ một thứ gì. Thật khó chịu sau một ngày bận rộn và mệt mỏi, về đến nhà đối diện với cái ổ của mình tôi cũng lại “chậc” một cái bù trừ “dân làm ý tưởng, thường thôi!”. Và tôi thường dọn dẹp mọi thứ gọn gàng ngăn nắp sau ngày ngủ nướng đã mắt vào cuối tuần, nhìn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ làm tôi thoải mái và nhẹ nhàng hơn hẳn.
Tôi cứ thế cho đến khi gặp anh, một người con trai có tướng nho nhã, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ, cử chỉ khoan thai và sạch sẽ, gọn gàng đến mức căn phòng trọ của anh không hề có một sợi tóc, cọng rác, hay mẩu giấy vụn. Tôi chẳng thèm quan tâm đến kiểu đàn ông “cảnh” ấy và chưa bao giờ có ý nghĩ lại đi yêu “một viên pha lê”. Thế mà giờ đây vì anh mà tôi thay đổi.
Anh là một Phật tử thuần thành, nơi căn phòng nhỏ có một góc nhỏ trang nghiêm anh dành thờ tượng Phật, một cái bàn chân gấp, với bộ ấm trà tử sa be bé xinh xinh mà tôi trêu anh là “thằn lằn uống nước cúng”. Với tôi, một ngụm chưa thấm vào đâu, nhưng với anh nhâm nhi cũng đến vài ba phút. Chẳng hiểu thế nào mà duyên số khéo xe chúng tôi lại với nhau.
Với công việc, anh luôn từ tốn, không ồn ào, năng nổ như tôi. Ban đầu tôi chê trách anh “trâu chậm là trâu uống nước đục”, vậy mà những gì anh làm lại luôn sáng suốt, và chỉn chu hơn tôi hẳn. Nhiều lúc tôi không phục anh cho lắm, nhưng cũng phải ngỡ ngàng sao anh hay thế! Khác với những người cùng làm công việc truyền thông, anh lặng lẽ, nhưng luôn hòa đồng và gần gũi, anh khiêm tốn nhưng luôn được ngợi khen, anh tỏ ra bình thản nhưng công việc luôn hoàn thành đúng hẹn. Tôi bắt đầu không thích cách thể hiện thái độ của anh, vì nó đụng chạm đến lòng tự ái của tôi, và chúng tôi nảy sinh cãi vã. Trái với sự nóng nảy, lớn tiếng, vụng về của một đứa con gái như tôi, thì với anh là sự im lặng, nhỏ nhẹ và bình tĩnh, tôi lại càng thêm xấu hổ. Khi hiểu anh hơn, anh chia sẻ với tôi cách sống và làm việc của mình: “Anh luôn sống và làm việc trong chánh niệm”.
– Chánh niệm là gì? Tôi hỏi lại và anh ôn tồn đáp:
– Chánh niệm là khi nói biết mình đang nói gì, khi nghĩ biết mình đang nghĩ gì, và khi làm biết mình đang làm gì.
Tôi nhăn nhó trước câu trả lời kiểu “hiểu chết liền!” của anh. Nhưng nó lại cứ quẩn quanh trong suy nghĩ của tôi đến mỗi hành động tôi làm, và tôi dần nhận ra từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ nghiêm túc với những việc mình làm. Có nghĩa là tôi chưa bao giờ biết là mình đang nghĩ gì, nói gì và làm cái gì. Với tôi, đơn giản công việc chỉ là hoàn thành nó và lãnh thù lao, còn những cái râu ria tôi không thèm để ý.
Rồi lời cảnh báo của anh cũng đến, tôi bàng hoàng trước những hậu quả đã xảy ra từ sự hớ hênh và nông nổi của mình. Tôi mất công việc, mất địa vị, uy tín và mất đi nhiều thứ khác… Tính háo thắng của tôi không còn như trước nữa, vì trước mặt tôi là một hố thẳm do “một trận địa chấn” để lại, nếu liều mình nhảy qua, có thể tôi sẽ mất mạng. Lúc này tôi mới bắt đầu thấy mình sống có chút chánh niệm. Ngồi nhìn lại những việc mình đã làm khi thiếu chánh niệm, tôi mới nhận ra những hậu quả kia thật nhỏ đối với những sai sót lớn của mình. Anh đã giúp tôi biết đứng lên và làm lại từ đầu.
Cổ nhân từng dạy rằng: “Điều đáng trân quý nhất của con người là biết đứng lên sau khi vấp ngã”. Quan trọng là mình có đủ can đảm đối diện với những sai sót và tìm cách giải quyết hay không? Anh chia sẻ với tôi về những khốn khó của bản thân, nhìn anh ngày hôm nay tôi thấy được phần nào sức mạnh nội tâm và ý chí kiên cường của anh như thế nào. Tôi đã tạm quên đi mọi thứ, đứng lên và làm lại từ đầu. Anh chỉ cho tôi cách sống, làm theo chánh niệm, bảo tôi hãy nhìn lại chính mình, mạnh dạn nhận diện những sai lầm, khuyết điểm của bản thân để rồi sửa đổi. Anh luôn mở lòng chào đón tôi, dắt tôi đứng lên và đi tiếp cùng anh. Phải chăng đó là những tố chất của một người con Phật trong anh?
Tôi thấy mình thật là may mắn khi được cùng anh dạo bước trên con đường chiều gió mát, cánh cổng chùa đã mở sẵn như đang đón chờ chúng tôi. Tiếng chuông ngân nga trầm bổng làm rung động cả trái tim tôi. Chúng tôi cùng quỳ lạy dưới chân Bồ-tát Quán Thế Âm. Tiếng chuông giúp tôi tỉnh thức, như vừa đánh dấu hay khai mở một điều gì đó rất quan trọng trong cuộc đời tôi. “Cảm ơn anh, nhờ anh mà hôm nay em mới được nghe tiếng chuông ngân trong chánh niệm”, một âm thanh quen thuộc mà trước giờ tôi chưa hề lắng lòng nghe.
Sưu Tầm


Muốn hiểu chữ chánh niệm, chúng ta có thể hiểu qua chữ “mindfulness” mà nghĩa đen chỉ giản dị là “để hết tâm trí vào” một chuyện gì đó, hay nói một cách văn hoa hơn là “sống trong hiện tại”, chú ý hết mình vào sự kiện, con người, vật chất chung quanh ta ngay phút giây hiện tại, thay vì lơ đãng nghĩ đến những chuyện khác trong quá khứ hoặc tương lai.

Trong vòng 30 năm nay, chữ “chánh niệm” (được dịch ra tiếng Anh là “mindfulness”) đã trở thành quen thuộc đối với người Âu Mỹ, nhờ vào công phu của nhiều vị tu hành đức độ, truyền bá những khái niệm của đạo Phật vào những miền đất xưa nay không có truyền thống Phật.
Những danh từ Phật học đa số là tiếng Hán Việt nên thường khó hiểu đối với người Việt, dù có thể được nói đến hằng ngày, thí dụ như chữ “chánh niệm” hay chữ “vô thường”.
Nay vì có nhu cầu cho người Âu Mỹ học Phật, những danh từ Phật học đa số đều đã được dịch ra tiếng Anh nên đã giúp cho nhiều Phật tử hiểu được ý nghĩa những danh từ này dễ dàng hơn.
Muốn hiểu chữ chánh niệm, chúng ta có thể hiểu qua chữ “mindfulness” mà nghĩa đen chỉ giản dị là “để hết tâm trí vào” một chuyện gì đó, hay nói một cách văn hoa hơn là “sống trong hiện tại”, chú ý hết mình vào sự kiện, con người, vật chất chung quanh ta ngay phút giây hiện tại, thay vì lơ đãng nghĩ đến những chuyện khác trong quá khứ hoặc tương lai.

Chánh niệm hay “sống trong hiện tại” có ích gì cho sức khỏe nhân loại?
Nhiều người có thể nghĩ rằng chánh niệm là chuyện tâm linh, làm sao có thể giúp ích cho sức khỏe. Nhưng hiện nay, người ta đã ý thức được rằng sức khỏe thể lý gắn liền với sức khỏe tâm linh, một khi tâm trí an lạc thì thân thể cũng sẽ khỏe mạnh hơn.
Trong một buổi thuyết giảng đạo Phật, một thí dụ đã được đưa ra mà tôi muốn nhắc lại ở đây. Người Âu Mỹ vốn tính năng động hơn người Á Đông, lúc nào cũng loay hoay đi tìm cách giải quyết những vấn đề trong đời sống của họ, một đời sống tuy rất thoải mái no đủ về phương diện vật chất nhưng quá thiếu thốn về tinh thần khiến bệnh tâm thần tràn lan khắp nơi.
Đột nhiên, họ nghe một vị thiền sư nhắc nhở: “Breathe! Youre alive!” (Hãy thở đi! Bạn đang sống!). Chỉ cần dồn “chánh niệm” vào hơi thở, người ta sẽ bớt đi những ý nghĩ tràn lan trong óc và trở nên an bình hơn. Những người Mỹ bắt đầu cảm thấy sự mầu nhiệm của “mindfulness” hay “chánh niệm”.
Nhưng nói thì dễ, làm thì khó. Chúng ta hầu hết đã có thói quen “nghĩ nhiều chuyện một lúc”, thậm chí còn lấy làm hãnh diện có thể “multitasking” tức làm nhiều chuyện một lúc, do đó khó có thể dồn hết tâm ý, chánh niệm vào một thứ. Vì thế chúng ta cần phải thực tập nhiều thì mới có thể tập được thói quen “chánh niệm” để có thể có nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh.

Chánh niệm (mindfulness) là gì?
Nói cho rõ hơn, chánh niệm là nhận thức rõ rệt những gì chúng ta đang nhận ra và cảm xúc ở tất cả mỗi lúc sống – mà không phê phán hay giải thích.
Dành quá nhiều thời giờ để lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, mơ mộng, suy nghĩ tiêu cực hoặc mông lung có thể làm chúng ta thấy mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng. Những chuyện ấy cũng có thể làm chúng ta căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Thực tập chánh niệm, mặt khác, có thể giúp chúng ta không để tâm vào những suy nghĩ trên để tiếp cận ngay với thế giới xung quanh.

Những lợi ích của chánh niệm
Thực hành các bài tập chánh niệm có thể có nhiều lợi ích:
– Giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm
– Ít suy nghĩ tiêu cực và mất tập trung
– Tâm trạng trở nên thoải mái hơn
Các bài tập chánh niệm
Có rất nhiều cách để thực tập chánh niệm:

1.Chú ý.
Khi gặp một ai đó, hãy chăm chú lắng nghe lời nói của họ. Hãy suy nghĩ về ý nghĩa và sự độc đáo của những lời nói ấy. Hãy tập thói quen tìm hiểu rõ người khác, khoan phán đoán và chỉ trích họ.
2.Làm mới những thứ đã quen.
Tìm một số đồ vật quen thuộc trong nhà hoặc văn phòng của mình – chẳng hạn như bàn chải đánh răng, trái táo hoặc điện thoại di động. Nhìn vào các đồ vật này với con mắt mới. Tìm ra một chi tiết mới về mỗi đồ vật mà trước kia ta không nhìn thấy. Khi ý thức hơn về thế giới chung quanh, ta sẽ thấy yêu thích và quyến luyến những thứ này hơn.

3.Tập trung vào hơi thở.
Tìm một chỗ yên tĩnh, ngồi thẳng lưng và thoải mái. Buông xả hoàn toàn, thư giãn tối đa tất cả những bộ phận cơ thể. Có thể thư giãn lần lượt từ đầu xuống chân rồi thở ra một hơi nhanh để buông thả tất cả người. Cảm nhận hơi thở di chuyển vào ra. Chú ý hoàn toàn vào hơi thở của mình mà thôi, không để tâm đến bất cứ chuyện gì khác.
Theo dõi sự phập phồng của lỗ mũi khi không khí vào ra. Theo dõi phần bụng phình xẹp cùng hơi thở. Dù cố gắng, nhiều lúc chúng ta sẽ thấy trí óc mình buông bỏ hơi thở để chú ý chuyện khác.
Khi ý thức được tâm trí đang lang thang như vậy, chỉ nhẹ nhàng chuyển hướng để trở lại với hơi thở. Không tự phê phán, thí dụ như tự nhủ “Mình tệ quá, không chú tâm được.” Hãy nhớ rằng mình không đang cố gắng để trở thành bất cứ cái gì – chẳng hạn như thành một thiền giả tốt. Chúng ta chỉ đang thực tập để nhận thức rõ những gì đang xảy ra chung quanh, từng hơi thở một.

4. Đánh thức những giác quan.
Lấy một trái quýt. Tìm một chỗ yên tĩnh, ngồi thẳng lưng và thoải mái. Buông xả hoàn toàn, thư giãn tối đa tất cả những bộ phận cơ thể. Có thể thư giãn lần lượt từ đầu xuống chân rồi thở ra một hơi nhanh để buông thả tất cả người.
Nhìn kỹ trái quýt, quan sát mầu da quýt tươi đẹp, cảm nhận cái bóng láng trơn tru của da trái quýt, tưởng tượng vị ngọt của quýt khi ta ăn nó… Bóc vỏ trái quýt, cảm nhận hương thơm của nó khi tinh dầu trong vỏ quýt bay ra. Cắn một múi quýt, nhai chậm rãi và nhận thức tất cả những cảm giác khi ăn quýt, từ mùi thơm đến hương vị và cảm giác ăn ngon.
Chú ý đến sự thúc đẩy của cơ thể khiến mình muốn ăn thật nhanh và nuốt hết múi quýt ngay, những cảm xúc phát sinh ra khi ăn. Chú ý tới các giác quan và phản ứng của cơ thể với trái quýt có thể làm lộ ra cái nhìn sâu sắc đối với mối quan hệ của mình và chuyện ăn uống và thực phẩm.

Khi nào nên thực tập chánh niệm?
Khi nào tập chánh niệm thì cũng còn tùy vào loại thực tập nào ta muốn làm. Ví dụ, nếu muốn tập chú tâm hoàn toàn vào lời nói của người khác, ta có thể thực tập bất cứ lúc nào trong ngày.
Mới thức dậy, mình có thể nói chuyện và chú tâm ngay đến lời nói của người bạn đời. Cũng vậy, ta có thể thực tập vào lúc bắt đầu cuộc họp với một đồng nghiệp, hoặc trong bữa ăn tối với bạn bè hoặc gia đình. Tuy nhiên, tránh thực hành bài tập kiểu này trong khi lái xe. Có thể đặt mục tiêu là thực hành trong vòng 15 đến 20 phút, 4-8 lần mỗi ngày.
Đối với các bài tập chánh niệm khác, chẳng hạn như tập trung vào hơi thở, ta sẽ cần phải dành thời gian để có thể ở một nơi yên tĩnh mà không bị phiền nhiễu hoặc gián đoạn. Có thể chọn thực tập vào buổi sáng sớm, trước khi bạn bắt đầu những hành động quen thuộc hàng ngày.
Đặt mục tiêu là thực hành chánh niệm mỗi ngày trong khoảng sáu tháng. Theo thời gian, ta có thể thấy rằng chánh niệm trở nên dễ dàng và chánh niệm là một cam kết để nuôi dưỡng và kết nối với chính mình.

B.S Nguyễn Thị Nhuận