Yếu tố giác ngộ
đầu tiên là chánh niệm. Chánh niệm là ý thức sáng suốt và giác tỉnh về những gì
đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.
Những khi tâm thức
có chánh niệm, ý thức mình đang có chánh niệm. Trong pháp hành thiền tứ niệm
xứ, sự quán niệm phải được dựa trên tinh thần vô ngã, không có sự liên hệ buộc
ràng với cái nhìn về "ta" "của ta". Ðó là vấn đề căn bản
của sự ghi nhận sáng suốt và quán sát khách quan, rất quan trọng cho sự hành
trì tu tập đúng phương thức. Ðây cũng là điều căn bản trong việc thực tập vô
ngã - "học đạo của Phật là học về chính mình, học về chính mình là quên đi
chính mình".
Khi tâm thức không
có chánh niệm, ta cũng nhận biết về điều đó. Duy trì hơi thở trong ý thức, nhận
biết tâm thức mình không có chánh niệm. Khi có ý thức sáng suốt để nhận biết về
việc mình không có chánh niệm thì ngay phút giây đó chánh niệm đã đang bắt đầu
được thiết lập trong tâm thức. Hãy tỉnh biết với ý thức chánh niệm ngay đó để
nhận biết rằng tâm mình đang có chánh niệm. Ðây chính là giây phút tỉnh thức để
quán chiếu về yếu tố chánh niệm đang phát sinh. Hãy khách quan quán sát và ghi
nhận từ khi chánh niệm chưa phát sinh, nay đang bắt đầu phát sinh. Nếu đã phát
sinh, bây giờ đang bắt đầu thành tựu.
- Trạch pháp
Yếu tố giác ngộ
thứ hai là trạch pháp. Trạch pháp là sự quyết trạch về các pháp, nghĩa là sự
nghiên cứu tìm hiểu về Phật pháp. Như khi đọc kinh Tứ niệm xứ, ta cố gắng tìm
hiểu ý nghĩa huyền diệu của từng câu từng chữ trong bài kinh, bằng cách thọ trì
đọc tụng hằng đêm để cố gắng thể nhập mọi nghĩa lý. Tất cả như vậy đều được xem
là trạch pháp.
Khi yếu tố quyết
trạch chưa phát sinh, nay đang phát sinh, ta ý thức rõ ràng về điều đó. Khách
quan ghi nhận trong tâm đang có sự quyết trạch về các pháp. Ngay khi không có
sự quyết trạch về các pháp, ta cũng nhận biết tỉnh giác về điều đó.
Với ánh sáng chánh
niệm, ta ý thức tâm mình còn thiếu sót yếu tố trạch pháp, ta suy xét để phát
triển sự thiếu sót đó, đưa đến sự phát sinh yếu tố trạch pháp. Và khi trạch
pháp đã phát sinh, sẽ đi đến thành tựu. Do bởi trạch pháp thành tựu, ta thấu
hiểu được ý nghĩa của lời kinh tâm yếu và phương thức hành trì, để áp dụng vào
đời sống tu trì.
- Tinh tấn
Yếu tố giác ngộ
thứ ba là sự tinh tấn. Như đã đề cập ở phần đầu, yếu tố tinh tấn rất quan trọng
trong quá trình tu tập tứ niệm xứ. Thực tập quán niệm mà thiếu sự tinh chuyên
thì khó thể thành đạt được ý nguyện. Hãy nỗ lực tu tập. Hãy kiên nhẫn hành trì.
Thực tập sống tỉnh thức trong từng sát na. Sống trong hành động hiện tại.
Khi thực tập bốn
pháp quán niệm nghiêm túc và cần mẫn, ta ý thức được tâm mình đang có sự tinh
tấn hành trì. Khi có yếu tố tinh tấn, ta ý thức mình có tinh tấn. Khi không có
tinh tấn, ta ý thức mình không có tinh tấn. Ta ý thức về sự tinh tấn ngay khi
nó bắt đầu phát sinh. Khi đã phát sinh, ta ý thức về sự thành tựu của nó. Ta an
trú trong sự quán niệm "có sự tinh tấn đây", như vậy đủ để giúp ta
quán chiếu và ý thức được sự có mặt của yếu tố tinh tấn trong tâm thức.
- Hoan hỷ
Yếu tố giác ngộ
thứ tư là sự hoan hỷ. Do bởi chánh niệm phát khởi và thành tựu, tâm trí ta sáng
suốt ghi nhận sự việc, cố công nghiên cứu tìm học Phật pháp. Những yếu chỉ lời
kinh được tỏ bày trong ánh sáng trí tuệ, bản thân nỗ lực tinh chuyên hành trì,
thực tập sống trong từng sát na. Ta tỉnh biết và ghi nhận sáng suốt về mọi sự
việc đang diễn biến trong giờ phút hiện tại. Ta ý thức sống trong từng mỗi hơi
thở, trong từng nhịp đập con tim, trong mọi tư thế và cử động của thân thể,
trong mọi diễn biến vận hành của tâm tư. Ta thực tập sống tỉnh thức trong mọi
phút giây.
Ánh đuốc chánh
niệm sáng soi đưa đến sự chứng nghiệm về bản chất vô ngã của mọi sự thể và lý
nghĩa vô thường của cuộc đời người. Tâm thức sáng tỏ trong hân hoan vui mừng,
đưa đến sự phát sinh của yếu tố hoan hỷ.
Khi yếu tố hoan hỷ
bắt đầu phát sinh, ta ý thức về sự phát sinh của nó. Và khi đã phát sinh, ta ý
thức về sự thành tựu của nó. Ta an trú trong sự quán niệm "có sự hoan hỷ
đây", như vậy đủ để giúp ta quán chiếu và ý thức được sự có mặt của yếu tố
hoan hỷ trong tâm thức.
- Khinh an
Yếu tố giác ngộ
thứ năm là sự khinh an, tức cảm giác thảnh thơi nhẹ nhàng trong tâm thức. Trước
hết là yếu tố chánh niệm đã thành tựu, đưa đến sự tăng trưởng yếu tố trạch pháp
và sự tinh tấn phát sinh và thành tựu. Sau đó, sự hoan hỷ bắt đầu phát khởi và
đi đến thành tựu, thân tâm cảm nhận những thư thái nhẹ nhàng và bình an. Mọi sự
vận hành của thân tâm trong vững chải, tâm trí thảnh thơi và thư thái, đưa đến
yếu tố khinh an phát sinh.
Khi sự khinh an
bắt đầu phát sinh, hãy tỉnh giác và nhận biết về điều đó. Ta ý thức tâm mình
đang có sự khinh an. Khi yếu tố khinh an thành tựu, ta ý thức rõ ràng về sự
thành tựu của nó. Khi yếu tố khinh an đã thành tựu, thân tâm cảm nhận sự nhẹ
nhàng, ung dung và vững chải. Hơi thở ý thức trong từng mỗi phút giây tĩnh
lặng.
- Ðịnh
Yếu tố giác ngộ
thứ sáu là định. Từ sự thành tựu của các yếu tố giác ngộ căn bản đã đưa đến sự
thành tựu của yếu tố khinh an. Khi sự khinh an thành tựu, sẽ đưa đến sự phát
sinh của yếu tố định. Ngay giờ đây, mọi hơi thở vào ra trong ý thức. Tâm thể
vắng lặng tịch tĩnh. Vọng tưởng đọng lắng. Tâm thức bình an như mặt hồ thu sớm.
Chánh niệm sáng tỏ trong từng mỗi hơi thở, trong từng mỗi sát na của cuộc sống.
Ðây là giai đoạn yếu tố định đang bắt đầu thành tựu.
Trong phần niệm
tâm, yếu tố định đã được đề cập chi tiết. Ở đây, chỉ xin nhấn mạnh, yếu tố định
được xem như hoa trái của sự giác tỉnh. Khi tâm thức có định, ta ý thức rõ ràng
tâm thức đang có định. Khi tâm thức không có định, ta cũng ý thức rõ ràng tâm
thức không có định.
Ta ý thức về sự
định tâm từ khi nó chưa phát sinh, nay đang phát sinh. Khi phát sinh, ta ý thức
về sự phát sinh của nó. Và khi thành tựu, ta ý thức rõ ràng về sự thành tựu của
nó.
- Xả
Yếu tố giác ngộ
cuối cùng là hành xả, tức sự buông bỏ. Khi định lực phát triển, lúc đó tâm trí
đi vào sự tịch tĩnh vắng lặng không một móng niệm. Khi ấy, tâm thức hoàn toàn
thật sự buông xả tất cả. Thân và tâm không còn bị trói buộc vào bất cứ gì trong
cuộc đời. Ta sống trong cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm não loạn sầu tư.
Những sự việc biến động chung quanh cũng không làm chao động não tâm.
Người hành giả
sống ung dung và thản nhiên như mây như gió, thanh thản như ngọn cỏ như lá hoa,
điềm nhiên như hạt nắng chiều tà, tự tại như giọt sương rơi sớm. Không bị hoàn
cảnh trói buộc. Không bị vọng tưởng gây não phiền. Không náo động trong hiện
tại. Không bấn loạn phân tâm với sự đời.
Do bởi sống an
nhiên và tỉnh thức, trực nghiệm sự nhiệm mầu của tạo hóa, ý nghĩa và sự hiện
hữu của đời người. Sự sống chết cũng không luống hề bận tâm. Sống trọn vẹn với
chính ta, hoan hỷ an vui trong hiện tại. Sống và thật sự sống trong từng sát na
nhiệm mầu của cuộc sống.
Sống vẫn sống,
sống để sống, sống thật sự với cuộc sống nhưng không chấp chặt vào đó. Một cái
phất tay rũ sạch tất cả mọi não phiền. Thong dong tự tại. An nhiên tịch tĩnh.
Khi biết tâm thức
có sự buông xả hay không có buông xả, ta đều nhận biết đúng như vậy. Ta ý thức
ngay khi sự buông xả phát sinh, ý thức về sự tăng trưởng của nó, sự thành tựu
của nó. Yếu tố hành xả đưa đến sự thảnh thơi và giải thoát hoàn toàn cho tâm
thức. Ðiều đó có nghĩa là tiến lên một bước nữa trên sự buông xả để xả cái xả,
buông bỏ cái buông bỏ vậy.