Monday, February 8, 2016

TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Tại sao bạncảm thấy rất tươi mát khi đến một nơi hoàn toàn khác lạ với khung cảnh quen thuộc? Ðiều nầy rất thông thường. Thông thường bạn cảm thấy ngột ngạt và tù túng bởi nếp sống. Bạn cảm thấy cần rời xa tất cả, để nghỉ ngơi và để tìm những kinh nghiệm mới và có thể duy trì bản thân. 

Nhưng bạn nên hiểu rằng không phải chính là cảnh sống ngột ngạt thúc đẩy bạn đi tìm thư giãn tạm thời, mặc dù điều nầy cũng giúp phần nào. Nguyên nhân chính là vì tâm bạn không được tự do nên bạn không thể kinh nghiệm được trọn vẹn và đầy đủ giây phút hiện tại.


Nhưng, bạn thử nghĩ xem, cái gì làm cho bạn cảm thấy hài lòng và thỏa mãn? Bạn chỉ được hài lòng và thỏa mãn khi nào bản tâm không còn ham muốn và bám níu, bởi vì chỉ có một tâm hồn tự do mới có thể kinh nghiệm được giây phút hiện tại một cách trọn vẹn và đầy đủ.


Ðối với một tâm hồn không còn ham muốn, không còn xung đột và bực bội, mỗi giây phút trôi qua đều tươi mát và mới mẻ. Nếu tâm bạn lúc nào cũng nặng trĩu đấu tranh và bực dọc thì bạn không thể kinh nghiệm giây phút hiện tại một cách trọn vẹn được. Không có sự trong sáng và chỗ trống cho kinh nghiệm thực tại. Trong tình hình như thế thì bạn sống trong quá khứ hay tương lai; kinh nghiệm hiện tại chỉ là một phần thôi. Bạn chỉ nhận thức được một phần của hiện tại, tạm nói như thế. Bạn không kinh nghiệm được sự tươi mát của giây phút hiện tại, và niềm hoan lạc của mọi sự vật mà bạn tiếp xúc. Do đó bạn đi tìm sự tươi mát ở nơi khác, với những người khác và những mối liên hệ khác, vv...Tuy nhiên, chu trình buồn chán vẫn tiếp tục vì cội rễ của vấn đề không phải ở hoàn cảnh mà là ở chính bên trong bạn. 


THIỀN VÔ THIỀN
Bạn thấy, hình thức thiền quán định-chế đã trở nên cực kỳ phổ thông trong các xứ Phật giáo Á châu và ở Tây phương. Dù các viện chủ và thiền sư dùng phương pháp nào, ta thấy cũng có một điểm chung: một hệ thống hay hình thức trong đó thiền sinh tu tập thiền định. Do đó, thiền định đã trở nên đồng nghĩa với tọa thiền.


Bạn thấy, tư thế ngồi chỉ là công cụ cho một kỷ luật quan trọng hơn của bản tâm. Tư thế ngồi tự nó không phải là để luyện thân, mà là để luyện tâm trong nghệ thuật tỉnh giác, và tiến xa hơn nữa. Trong lối thiền chính thức, bạn chú tâm ở một điểm trên trên thân thể - có thể là hơi thở hay cảm giác - để loại trừ mọi tư tưởng, cảm xúc hay hoạt động trí thức khác của bản tâm. Trong tiến trình nầy, bạn học cách quán tâm mà không phê phán hay phân biệt, và cũng học cách buông xả. 


Bạn có thể quán tâm trong khi ngồi yên lặng trong tư thế tọa thiền, hay là bạn cũng có thể quán tâm trong khi sinh hoạt thường ngày. Cách nào cũng được, tùy theo cá tính của bạn.
Trong lối thiền không định chế, bạn phải đối diện với chính mình rất thường. Muốn buông xả, trước hết bạn phải đối đầu với bản ngã và niềm tự hào của mình. Không ai muốn đối đầu với bản ngã, vì điều nầy quá đau đớn. Cần có sức mạnh tâm linh lớn mới có thể làm được. Trong lối thiền không định chế nầy, sự đối đầu với bản ngã chính nó là hành động thiền của bản tâm. Nó đòi hỏi sự tỉnh giác (sati), cố gắng, định (samadhi: tâm tập trung) và xả (upekha: tâm bình thản). Có thể là nó không cần kỷ luật nghiêm khắc cho thân thể, nhưng nhất định là nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật nghiêm khắc cho bản tâm.


Chúng ta phải có đủ can đảm đối diện với chính mình. Ðó là một sự phấn đấu lớn lao, nó đòi hỏi sự cố gắng và lòng can đảm để thực hành. Nhưng thật ra, đây là một sự cố gắng mà không cần cố gắng. Trong Phật giáo gọi là Vô Vi (viriya). Ðiều nầy có thể xảy ra trong sinh hoạt thường ngày hay trong khi ngồi thiền. Ðường lối thực hành của thiền vô thiền không có một hình thức nghiêm khắc hay định chế nào, nhưng tất cả những phẩm chất của Thất Bồ Ðề Phần (bojjhanga) - tức là Bảy Yếu Tố Cho Sự Giác Ngộ - đã được gồm đủ trong tiến trình học tập. Ðó là Tỉnh Giác, Tham Cứu, Năng Lực, Niềm Vui, An Tịnh, Tập Trung và Bình Thản. Bạn đã học tập tỉnh giác với sự kiên nhẫn trong nội dung của sinh hoạt thường ngày, điều nầy làm cho tâm bạn càng ngày càng được tập trung hơn, tức là Ðịnh (samadhi). Không những thế - hành động tỉnh giác trong sinh hoạt thường ngày cũng là một tiến trình tham cứu với sự bình thản vào trong tính chất của bản tâm.


LỐI SỐNG SÁNG TẠO
Nhiều người cho Phật pháp có tính cách cá nhân nhưng chúng ta không phải là những sinh vật cô lập. Chúng ta sống trong xã hội. Như vậy những gì ảnh hưởng tới cá nhân sẽ ảnh hưởng tất cả những người chung quanh. Phật giáo tập trung rất nhiều trên sự giác ngộ của mỗi cá nhân. Mặc dầu Phật giáo không bỏ quên cộng đồng, nó phải bắt đầu với cá nhân. Khi mỗi cá nhân được chính trực và hoàn toàn được cân bằng ở nội tâm, tự nhiên kéo những người khác vào sự hài hoà đó, và cả cộng đồng nữa. Ðiều nầy xảy ra do hai yếu tố căn bản : kiên nhẫn và trí tuệ (panna) .


Nếu bạn kiên nhẫn và bao dung nhưng thiếu trí tuệ, sự kiên nhẫn và bao dung đó có thể mang hình thức thụ động. Trong trường hợp đó, bạn có thể tự để cho mình bị người khác lạm dụng bằng nhiều cách. Ðó không phải là lối sống thông minh, bởi vì sống thông minh là phải tránh hai thái cực: thụ động và nóng nảy.


Thời nay, người ta luôn luôn sống vội vàng và có khuynh hướng bị bịnh thiếu kiên nhẫn. Bạn bị lây bịnh thích hành động tức khắc, làm liền, khởi sự liền, và làm cái gì trong sự hối hả. Bạn không dành thì giờ để suy tư, dừng lại, nghiền ngẫm, và để cho sự vật tự chúng phô diễn. Bạn có khuynh hướng phản ứng bằng một tâm thức có nề nếp rối loạn - thay vì hành động một cách bình tĩnh và tập trung - do đó bạn tạo thêm rắc rối.


Hành động nào thiếu trí tuệ thì có tính phá hoại. Sống thông minh có nghĩa là quán xét và nhìn thấy giây phút thích hợp, cơ hội thích hợp và tình thế thích hợp để có thể hành động. Trong Phật giáo, đây gọi là Chánh Nghiệp (samma kammanta), tức hành động khôn khéo và trọn vẹn. Tóm lại, sống thông minh có nghĩa là sống khôn khéo và sáng tạo. 


THƯƠNG VÀ GHÉT
Thương và ghét không khác nhau. Chúng là hai khía cạnh của tâm phân biệt, giống như hai mặt của một đồng xu. Ban đầu chúng khác nhau, nhưng chúng đều phát xuất từ thói quen phân biệt, và đều dẫn tới đau khổ. Bạn thương hay ghét một người nào là căn cứ trên sự 'thích' hay 'không thích'. Bạn tự động phân loại người khác tùy theo những định kiến của bạn. Nếu họ đáp ứng được lý tưởng của bạn và có vẻ hợp với sở thích thì tâm bạn lập tức bám níu vào họ; nhưng nếu họ thuộc loại không hợp với sở thích thì tâm bạn bắt đầu chối từ họ. Bằng cách nầy, bạn đi tới Thương và Ghét. 


Ðiều nầy có nghĩa là tình thương của bạn thay đổi với tình huống, có nghĩa là cảm xúc của bạn là vô thường, tương đối với thời gian và nơi chốn. Ðây là điều mà Ðức Phật gọi là Maya, ảo tưởng của tâm thức. Cảm xúc của bạn là ảo tưởng sinh ra từ tâm khái niệm; chúng phát xuất từ bản ngã. Theo Phật giáo, bởi vì bản ngã chỉ là ảo tưởng, tất cả những gì phát sinh từ tâm khái niệm cũng đều là ảo hóa. Nó không có thực chất, thường tính và bình an tính. Do đó tình thương thế tục là không bền, nó có thể trở thành sự ghét. Chúng ta tự mình không có thương và ghét. Chỉ khi nào bạn bắt đầu thích hay không thích thì bạn mới bị rắc rối bởi cảm xúc sau đó. Ngay khi bạn vừa nhận ra rằng chúng nó chỉ là ảo tưởng do bạn tự tạo ra, bạn được tự do. Bạn đã trở về tình trạng ban đầu trong đó không có thương và ghét. 

HẠNH PHÚC
Không có cái gì gọi là cảm giác hạnh phúc thường trực và vĩnh cữu trong cõi đời nầy. Khi bạn gặp người, sự vật, hoặc biến cố làm bạn hài lòng – bạn có cảm giác sung sướng hay khoái lạc - nhưng đó chỉ là tạm bợ. 


Bạn mơ ước cảm giác khoái lạc, nghĩ rằng nếu chúng ta có được tất cả những gì mong muốn thì bạn sẽ được hạnh phúc. Khi bạn cố tìm hạnh phúc ở bên ngoài, cuối cùng bạn ở trong vòng lẩn quẩn. Bạn không bao giờ có được sự thỏa mãn trọn vẹn từ người khác, và bạn cũng không thể cho họ điều đó được. Ngay khi bạn cố tìm hạnh phúc, thì bạn đã ở trên con đường không hạnh phúc rồi. Bạn chỉ tìm được hạnh phúc khi bạn ngưng đi tìm nó. Ðó là mâu thuẫn. Ngay giây phút bạn muốn hạnh phúc, bạn bắt đầu bám níu vào nó trong bản tâm. Trước tiên, bạn bám níu vào ý niệm riêng của con người về hạnh phúc. Bạn liên hệ với thế giới bên ngoài như là suối nguồn thỏa mãn và bạn đi tìm những gì bạn cho là có liên hệ với hạnh phúc - như là gom chứa tài sản, thành công, danh vọng hay quyền thế. 


Ngay khi bạn bám níu với bất cứ ý niệm nào - hạnh phúc, thành công hay cái gì khác – bạn đã bị căng thẳng rồi. Sự bám níu chính nó là một tình trạng căng thẳng, và những gì phát xuất từ nó cũng là căng thẳng. Thí dụ như bạn nắm tay lại thành một nắm. Ngay khi bạn bắt đầu nắm tay lại, bạn phải dùng năng lượng để giữ cho các ngón tay liền chặc với nhau. Khi bạn buông nắm tay, bàn tay bạn lại được tự do. Tâm của bạn cũng thế. Khi nó ở trong tình trạng nắm chặc, nó không bao giờ có tự do. Nó không bao giờ có thể kinh nghiệm được bình an và hạnh phúc, dù cho bạn có được tất cả tài sản, danh vọng và quyền lực trên thế gian nầy.

Vậy thì làm sao chúng ta có lối thoát? - Chỉ có cách buông xả thôi , buông xả dục vọng muốn được hạnh phúc của bạn.