Ngài Hoà Thượng LEDI
SAYADAW
Phạm Kim Khánh dịch
Ba mươi bảy pháp trợ giác ngộ (bodhipakkhiyadhamma) [4]
"Quá khứ không truy tầm,
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã trôi qua,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại ,
Tuệ quán chính là đây
Không động, không rung chuyển,
Biết vậy nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?"
(Majjhima Nikāya, III, 187)
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã trôi qua,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại ,
Tuệ quán chính là đây
Không động, không rung chuyển,
Biết vậy nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?"
(Majjhima Nikāya, III, 187)
Bodhipakkhiyadhamma là gì?
Bodhipakkhiyadhamma là ba mươi bảy pháp góp
phần hay hỗ trợ cho sự giác ngộ. Về cơ bản, ba mươi bảy pháp này dẫn hành giả
đến sự chứng ngộ Tứ Thánh Ðế, bắt đầu với Tứ Niệm Xứ (Sātipaṭṭhāna) và
chấm dứt với Bát Thánh Ðạo.
1. Tứ Niệm Xứ (Sātipaṭṭhāna)
Tứ Niệm Xứ là pháp hành dựa trên sự chánh
niệm vào bốn loại đối tượng, được sử dụng trong hầu hết các hệ thống thiền hiện
nay và được Ðức Phật khẳng định:
"Này các tỳ kheo, con đường duy nhất
dẫn đến sự tịnh hóa các chúng sanh, vượt qua sầu, bi, đoạn tận khổ, ưu, đạt đến
chánh đạo và dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn, chính là Tứ Niệm Xứ". (Dighā Nikāya, Sātipaṭṭhāna-sutta)
Bốn đối tượng chánh niệm ở đây muốn nói đến
là Thân (Kāya), Thọ (Vedanā), Tâm (Citta), và Pháp (Dhamma).
Niệm xứ có 44 đối tượng, mỗi loại đều có
thể dẫn đến A-la-hán đạo. Chẳng hạn, Ngài Ananda trở thành bậc A-la-hán trong
pháp niệm thân (kāyanupassanā) ở oai nghi phụ. (Kinh nói rằng, lúc Ngài đang
nằm xuống thì sự giác ngộ xảy ra).
Hành Tứ Niệm Xứ cũng giống như hành Bát
Thánh Ðạo, hoặc ngược lại, hành Bát Thánh Ðạo cũng là hành Tứ Niệm Xứ -- bởi vì
cả hai đều là Trung Ðạo. Ðức Phật nói tất cả 37 Pháp Trợ Bồ Ðề này đều là Trung
Ðạo. Tứ Niệm Xứ là căn bản hay nền tảng của cấu trúc Bodhipakkhiyadhamma,
dẫn đến trí tuệ minh sát và giải thoát khổ.
1.1 Những điều kiện cần thiết của pháp hành
Tứ Niệm Xứ:
a) Phải lấy thân, thọ, tâm hay pháp làm đối
tượng.
b) Ðối tượng phải được quán sát trong
sát-na hiện tại, với chủ thể quán sát là ba Danh (hay còn gọi là Yogavacara)
là tinh tấn (āpati), chánh niệm (sāti), tỉnh giác (sampajañña).
Ðây là Tứ Niệm Xứ thật sự, hay là Giới, Ðịnh, Tuệ và là Bát Thánh Ðạo.
c) Hai điều kiện này làm nhiệm vụ hủy diệt
tham (abhijjha) và sân (domanassa) trong Năm uẩn, đem lại
lợi ích tối thượng là diệt si, chứng ngộ Tứ Thánh Ðế, đoạn tận khổ.
Ngoài các điều kiện kể trên, còn hai yếu tố
quan trọng khác hỗ trợ cho pháp hành là Tác ý chân chánh (Yonisomanasikāra
- liên quan đến sự hiểu biết lý do khi làm một điều gì và ngăn ngừa phiền não),
và Quán sát pháp hành (Sikkhati - xem xét pháp hành đang đi đúng hướng
hay sai). Tác ý chân chánh và quán sát pháp hành sẽ làm phát sanh tinh tấn,
chánh niệm, tỉnh giác, và cuối cùng dẫn đến Niết Bàn, đoạn tận mọi khổ đau.
1.2 Các đối tượng của pháp hành Tứ Niệm Xứ:
Hành Tứ Niệm Xứ chỉ nên thấy một pháp duy
nhất trong mỗi đối tượng thiền mà thôi. Khi hành giả thấy thân, thì niệm xứ ấy
chỉ là thân, chứ không phải tâm biết nó. Không nên quán danh và sắc cùng một
lần. Chẳng hạn, đừng lẫn lộn thân và thọ; thân và tâm; hay thân và pháp. Chỉ
thấy "thân trong thân", "thọ trong thọ", v.v... Nếu hành
giả lẫn lộn các đối tượng khác (niệm xứ) thì cũng giống như đang đọc trang này
của một cuốn sách lại bắt qua đọc một trang khác -- chúng ta sẽ không thể hiểu
nội dung của cuốn sách đó. Ðối với pháp hành cũng vậy, hành giả phải thực hành
đúng theo tinh thần của Kinh Ðại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta). Ngoài
cách ấy ra, thật khó thấy thực tánh pháp -- tức thấy trạng thái vô ngã trong
danh và sắc -- bằng bất kỳ cách nào khác.
a) Thân (kāya). Ở đây,
hành giả chỉ quán "thân trong thân". Có 14 loại thân tùy quán (kāyanupassanā),
nhưng trong pháp hành này chỉ sử dụng hai là các oai nghi chính và phụ của
thân. Hành giả sơ cơ chỉ nên sử dụng các oai nghi chính và phụ của thân là đủ,
bởi vì thân dễ thấy hơn danh. Khi thân (sắc) được thấy một cách rõ ràng không
xen lẫn với phiền não, và trí tuệ minh sát khởi lên, lúc ấy, hành giả sẽ thấy
được danh. Giống như lau một tấm gương cho thật bóng, lúc ấy, bạn có thể thấy
mọi thứ một cách rõ ràng.
Hơn nữa, hiện nay, pháp hành quán niệm thân
là thích hợp cho căn tánh của mọi người, nhất là những người có nhiều tham ái
đối với ngũ dục mà sự hiểu biết lại kém cỏi. Quán thân là bất tịnh, đáng nhờm
gớm, sẽ giúp hành giả thay đổi tà kiến cho rằng thân là khả ái... Thực sự trong
14 loại đối tượng thuộc thân quán, chỉ có ba loại để hành minh sát là các oai
nghi chính, các oai nghi phụ và các yếu tố của thân (tứ đại). Và quán các oai
nghi chính và phụ thì dễ thấy khổ hơn các loại khác.
b) Thọ (vedanā). Có 9 loại
thọ tùy quán (vedananupassanā). Ðừng bao giờ quán thọ trong sắc, chỉ
quán thọ trong thọ. Chẳng hạn, khi sắc có sự đau nhức, đừng quán danh biết sự
đau nhức ấy, làm vậy chỉ dẫn đến những rắc rối. Thọ như một đối tượng của Tứ
Niệm Xứ có thể rất khó quán bởi vì có đến 9 loại thọ - kể cả thọ xả, được xem
là rất khó thấy. Người có nhiều tham ái mà sự hiểu biết cũng nhiều thì thích
hợp với pháp hành này, nó sẽ giúp hành giả thay đổi tà kiến cho rằng danh và
sắc là lạc.
c) Tâm (citta). Có 16
tâm tùy quán (cittanupassanā) như tâm có tham, tâm không tham, tâm có sân,
tâm không sân, tâm có si, tâm không si,... Người có tà kiến cho rằng Danh-Sắc
là thường, lại ít sự hiểu biết thì nên hành pháp này.
d) Pháp (dhamma). Có
5 pháp tùy quán (dhammanupassanā) là Năm Triền Cái, Năm Uẩn, Mười Hai Xứ (6
căn và 6 trần), Thất Giác Chi, Tứ Thánh Ðế. Người có tà kiến cho rằng Danh-Sắc
là Ta và có nhiều sự hiểu biết thì thích hợp với pháp hành này.
a) Trú xứ thích hợp (sappāya) cho
việc thực hành là một nơi yên tĩnh, không thuộc về sở hữu của ai, nhờ vậy không
dấy khởi phiền não do sự luyến ái.
b) Pháp (dhamma) thích hợp là pháp
hành hợp với căn tánh của hành giả như đã nêu ở phần trên.
c) Bậc thầy thích hợp là bậc thầy mà lời
dạy cần phải trực tiếp hướng đến sự đoạn tận khổ, bắt đầu với phần lý thuyết về
Tứ Niệm Xứ, nhờ vậy hành giả sẽ tự biết có đúng là mình đang hành vipassanā
hay không. Việc thực hành đúng sẽ dẫn đến việc thấy thực tánh pháp (sabhāva)
- tức đến Tuệ thứ nhất (Nāma-rūpa-paricchedañāṇa - Danh-Sắc phân
tích trí).
Bậc thầy cần phải biết đặt những câu hỏi để tẩy trừ hoài nghi mà
hành giả có thể có.
d) Thức ăn thích hợp là thức ăn không quá
nhiều chất béo. Ðối với những hành giả cá biệt cũng cần chuẩn bị những mức độ
ăn kiêng cần thiết.
Ðức Phật dạy rằng, có nơi hành thiền thích
hợp, thức ăn đầy đủ, nhưng hành giả không tiến triển trong pháp hành (tức không
thấy pháp) thì nên rời xa nơi ấy. Nếu trú xứ không được thích hợp và thức ăn
không đầy đủ, nhưng hành giả tiến triển trong pháp hành thì nên ở lại nơi ấy.
Dù có khó khăn bao nhiêu thì cũng nên ở những nơi thực sự làm cho việc hành
thiền phát triển.