Thực tập quán
chiếu về sự bám víu vào ngũ uẩn và sự ràng buộc của các nội ngoại xứ là những
bước thực tập chính yếu trong quá trình quán niệm về các đối tượng của tâm
thức. Lãnh vực đầu tiên của ngũ uẩn là sắc. Tự mình quán niệm như sau:
"đây là hình sắc, đây là sự phát sinh của hình sắc, đây là sự hủy diệt của
hình sắc".
Sắc ở đây có nghĩa
là thân xác, do tứ đại đất nước lửa gió hợp thành, trong đó có gan, tim, máu,
mủ, hơi thở, nhiệt... Khi xác thân bị hủy diệt, các cấu thể từ thân xác trở về
với vũ trụ. Không có sự thêm. Không có sự bớt. Không có sự được. Không có sự
mất. Hãy quán chiếu: "năm uẩn như mây bay qua rồi bay lại" (ngũ ấm
phù vân không khứ lai - Chứng đạo ca). Hãy chú tâm quán sát về quá trình sinh
khởi và hoại diệt của hình sắc. Tất cả mọi vật thể đều không có tự tánh riêng
biệt.
Nếu như thân xác
một mai bị tan hoại, tim gan gởi về cho đất, hơi thở gởi về cho gió, sức nóng
trong cơ thể gởi về cho lửa, mủ máu gởi về cho nước... rồi thì thân xác đây
không còn gọi là thân xác nữa. Ðó là sự tan rã của hình sắc. Tất cả và tất cả
đều không có tự tánh. Mọi sự việc đều vô thường biến đổi. Ðó là bản chất thật
của cuộc đời. Sắc tức là không, không tức là sắc. Không có gì thêm, không có gì
bớt. Không có gì tăng, không có gì giảm. Tất cả chỉ là sự biến dịch và trở về.
Với sự hành trì tinh chuyên pháp niệm thân, có thể đạt được sự hiểu biết lớn về
tánh không, khổ và vô ngã của sắc uẩn.
Lãnh vực thứ hai
trong ngũ uẩn là thọ. Tự mình quán niệm như sau: "đây là cảm thọ, đây là
sự phát sinh của cảm thọ, đây là sự hủy diệt của cảm thọ".
Như đã trình bày
nơi phần niệm thọ, cảm thọ là những xúc cảm thọ nhận, gồm các cảm giác dễ chịu,
khó chịu, không dễ chịu cũng không khó chịu. Cảm thọ phát khởi do sự tiếp xúc
của sáu căn với sáu trần. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần
là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm và tư tưởng. Mắt thấy sắc
màu nên sinh mến chuộng, tai nghe tiếng chửi nên sinh buồn khổ, mũi ngửi mùi
hôi nên sinh khó chịu, lưỡi nếm vị ngọt nên sinh ưa thích, thân xúc chạm vật
thể nên sinh mến yêu, ý khởi niệm phiền lo nên sinh sợ hãi. Với sự hành trì
pháp niệm thọ thật tinh chuyên và đúng phương pháp, ta có thể đạt được sự hiểu
biết lớn về tánh vô thường, khổ và vô ngã của thọ uẩn.
Ở đây, ta chỉ cần
tỉnh biết sáng suốt và ghi nhận rõ ràng về từng cảm giác đang thọ nhận ngay lúc
nó phát sinh, tăng trưởng, suy yếu, cho đến khi bị hủy diệt. Như khi nhận biết
mình đang có một cảm giác sợ hãi thì ngay đó sự sợ hãi đã bị giảm suy bởi ảnh
hưởng của sự định tỉnh có được từ hơi thở ý thức. Ta khách quan quán sát và ghi
nhận sáng suốt về sự kiện để trực nghiệm bản chất vô thường và tánh không của
cảm thọ, để không còn bám víu vào những phù du ngũ uẩn trong cuộc đời.
Lãnh vực thứ ba
trong ngũ uẩn là tưởng. Tự mình quán niệm như sau: "đây là tri giác, đây
là sự phát sinh của tri giác, đây là sự hủy diệt của tri giác".
Tưởng có nghĩa là
tri giác, tức sự nhận biết của các giác quan, phát sinh từ sự tiếp xúc của sáu
căn với sáu trần.
- mắt thấy hình
sắc
- tai nghe âm
thanh
- mũi ngửi mùi
hương
- lưỡi nếm các vị
- thân xúc chạm
vật thể
- ý biết các tư
tưởng
Do có mắt và hình
sắc, mắt tiếp xúc với hình sắc mà phát sanh sự nhận biết về cái thấy. Do có tai
và âm thanh, tai tiếp xúc với âm thanh mà phát sanh sự nhận biết về cái nghe.
Do có mũi và mùi hương, mũi tiếp xúc với mùi hương mà phát sanh sự nhận biết về
cái ngửi. Do có lưỡi và vị nếm, lưỡi tiếp xúc với vị nếm mà phát sanh sự nhận
biết về cái nếm. Do có thân và vật thể, thân tiếp xúc với vật thể mà phát sanh
sự nhận biết về sự xúc chạm. Do có tâm ý và tư tưởng, tâm ý tiếp xúc với tư
tưởng mà phát sanh sự nhận biết về các ý niệm.
Ta quán sát và ghi
nhận đây là tri giác, đây là sự phát sinh của tri giác, do bởi có mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc
chạm, tư tưởng mà có được sự nhận biết của tri giác.
Lãnh vực thứ tư
trong ngũ uẩn là hành. Tự mình quán niệm như sau: "đây là sự vận hành tâm
tư, đây là sự phát sinh của sự vận hành tâm tư, đây là sự hủy diệt của sự vận
hành tâm tư".
Hành có nghĩa là
tâm tư, tức sự vận hành lưu chuyển của các luồn tư tưởng phát khởi và diễn biến
liên tục trong tâm thức. Dòng suy tưởng không bao giờ ngừng nghỉ. Hết ý niệm
nầy đến suy tưởng khác. Vừa nghĩ đến ý tưởng nầy thì ý tưởng kia đã tan biến.
Vừa nghĩ đến ý tưởng nọ thì ý tưởng kia đã lặn chìm. Ðây là sự phát sinh của
tâm tư. Ðây là sự hủy diệt của tâm tư. Những niệm tưởng nghĩ suy sinh sinh diệt
diệt vô cùng tận.
Hành trì pháp niệm
tâm nghiêm mật và đúng phương thức, có thể đạt được sự hiểu biết lớn về tánh vô
thường, khổ và vô ngã của tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Lãnh vực thứ năm
trong ngũ uẩn là thức. Tự mình quán niệm như sau: "đây là ý thức phân
biệt, đây là sự phát sinh của ý thức phân biệt, đây là sự hủy diệt của ý thức
phân biệt".
Thức có nghĩa là ý
thức hiểu biết phân biệt về sự việc. Thức phát sinh do sự tiếp xúc của sáu căn
với sáu trần. Tất cả bao gồm có sáu loại:
- nhãn thức (sự
phân biệt của mắt)
- nhĩ thức (sự
phân biệt của tai)
- tỷ thức (sự phân
biệt của mũi)
- thiệt thức (sự
phân biệt của lưỡi)
- thân thức (sự
phân biệt của thân)
- ý thức (sự phân
biệt của ý)
Khi mắt nhìn thấy
hình thể vật sắc, tâm có sự nhận biết về hình sắc (tưởng) và có sự phân biệt
đẹp xấu trắng đen (thức).
Khi tai nghe thấy
một tiếng động, tâm có sự nhận biết về âm thanh (tưởng) và phân biệt loại âm
thanh gì, lớn nhỏ, ồn náo hay dễ chịu (thức). Khi mũi ngửi thấy mùi hương, tâm
có sự nhận biết về mùi hương (tưởng) và có sự phân biệt thơm hôi (thức).
Khi lưỡi nếm mùi
vị, tâm có sự nhận biết về mùi vị (tưởng) và phân biệt mặn ngọt hay đắng nồng
ra sao (thức). Khi thân có sự sờ chạm vào một vật thể, tâm có sự nhận biết về
sự xúc chạm (tưởng) và có sự phân biệt vật đó là vật gì, lớn hay nhỏ, mềm hay
cứng (thức). Khi tâm ý sinh khởi một ý tưởng, tâm có sự nhận biết về ý niệm
(tưởng) và phân biệt ý niệm đó tốt hay xấu, thiện hay ác (thức).
Ta khách quan quán
sát và ghi nhận "đây là năm uẩn" "đây là sự phát sinh của năm
uẩn" "đây là sự hủy diệt của năm uẩn", do bởi có mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân, ý (sáu căn) tiếp xúc với hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc
chạm, tư tưởng (sáu trần) mà có sự nhận biết của tưởng, có sự lưu chuyển tâm tư
của hành, có sự phân biệt của thức.
Từ sự quán sát
khách quan về ngũ uẩn, ta ghi nhận về sự ràng buộc của sáu căn và sáu trần, để
soi thấu bản chất vô thường vô ngã của sáu nội ngoại xứ, để không còn bám víu
chấp chặt vào năm uẩn.