Tôn Giả Āciṇṇa,
Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya
– Đệ Nhất Đại Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền
Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng
Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
BÀI THUYẾT TRÌNH
CHÍNH
Giới Thiệu
Chúng tôi vui mừng
công bố tin tốt lành rằng nhiều hành giả là những người đã và đang hành thiền ở
các Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk của chúng tôi có thể tu tập
chánh định (sammā-samādhi) bằng cách thọ trì thiền niệm hơi thở (Ānāpānassati)
hoặc thiền xác định tứ đại (Catudhātuvavatthāna). Sau đó, họ có thể tiến đến
thọ trì thành công bốn Thiền Bảo Hộ và tất cả mười Thiền Biến Xứ (Kasiṇa).
Yêu Cầu Tu Tập Tâm
Định (Samādhi)
Bát Thánh Đạo bao
gồm giới học (sīla-sikkhā), định học (samādhi-sikkhā) và tuệ học
(paññā-sikkhā).
Giới học làm thanh
tịnh tâm khỏi các phiền não thô và mãnh liệt (vītikkama-kilesa). Định học làm
thanh tịnh tâm khỏi các phiền não sanh khởi và chao động (pariyuṭṭhāna-kilesa).
Tuệ học làm thanh tịnh tâm khỏi các phiền não ngủ ngầm (anusaya-kilesa).
Như vậy, sau khi
tu tập và gìn giữ giới thanh tịnh, các phiền não ám ảnh (pariyuṭṭhāna kilesa),
bao gồm năm triền cái (nīvaraṇa), cứ vẫn tiếp tục làm chao động và giáng vào
tâm, khiến tâm trạo cử và tán loạn.
Do vậy, Đức Phật
khích lệ các đệ tử của Ngài trong Kinh Pháp Cú là phải tu dưỡng và thuần phục
tâm để thọ hưởng an lạc và hạnh phúc.
Tâm khó thấy, tế
nhị,
Theo các dục quay
cuồng.
Người trí phòng hộ
tâm,
Tâm hộ, an lạc
đến.
Trong Kinh Định
(Samādhi Sutta ), Đức Phật khích lệ các Tỷ-kheo tu tập định để có thể như thật
rõ thấy các pháp như chúng thực sự là.
“Samādhiṁ
bhikkhave bhāvetha
Samāhito bhikkhave
bhikkhu
yathābhūtaṁ
pajānāti”
“Này các Tỷ-kheo,
hãy tu tập định. Tỷ-kheo có định sẽ liễu tri đúng như thật các pháp (Bốn Thánh
Đế) như chúng thực sự là.”
Theo kinh nghiệm
của chúng tôi, ngay cả khi hành giả có thể tập trung tâm mình vào đề mục thiền
một cách liên tục trong một giờ hoặc hơn nữa, thì hành giả ấy vẫn chưa thể nhìn
thấu vào trong cơ thể để thấy các cơ quan nội tạng của mình, đừng nói chi đến
các pháp chân đế (paramattha), trừ khi hành giả ấy chứng đắc ít nhất là cận
định (upacāra samādhi).
Khi một hành giả
thật sự chứng đắc cận định hoặc bậc thiền (jhāna), hành giả ấy có thể thấu suốt
vào trong cơ thể của mình để thấy các cơ quan nội tạng như thịt, gân, xương,
gan, tim... và rồi thấu suốt hơn nữa để thấy các pháp chân đế. Như vậy, hành
giả ấy có thể thọ trì thiền minh sát (vipassanā) một cách đúng đắn.
Như vậy, để hoàn
thành định học, để tu dưỡng và thuần hóa tâm đến chánh định, và để tiến lên
thiền Vipassanā một cách đúng đắn, chúng ta cần tu tập định tâm.
Theo lời tuyên bố
của Đức Phật trong Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta ), chánh định
(sammāsamādhi) là tương đương với định hợp với bất kỳ một trong bốn bậc thiền
thiện sắc giới (rūpāvacara kusala jhāna).
Theo trình bày của
Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga ):
“Citta visuddhi
nāma sa upacāra aṭṭha-samāpattiyo”
“Cận định cũng như
định hợp với bất kỳ một trong tám thiền chứng được gọi là tâm thanh tịnh”
Như vậy, cận định
nên được bao gồm trong chánh định. Một hành giả dùng hoặc cận định hoặc định
bậc thiền (jhāna) như là nền tảng của thiền Vipassanā và thọ trì thiền
Vipassanā xác định danh và sắc là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã
(anatta). Định kết hợp với minh sát tuệ (vipassanāñāṇa) theo cách này được gọi
là “khanikasamādhi” (sát-na định).
Đức Phật miêu tả
bốn mươi đề mục thiền cho thiền định (samatha bhāvanā). Bất kỳ một trong bốn
mươi đề mục thiền này đều có thể được chọn để tu tập chánh định, với điều kiện
là các chỉ dạy của Đức Phật được tuân thủ một cách đúng đắn dưới sự hướng dẫn
của một vị thiền sư có đủ năng lực.
Thọ Trì Niệm Hơi
Thở (Ānāpānassati)
Niệm Hơi Thở
(Ānāpānassati) là một trong những đề mục thiền hiệu quả nhất để tu tập định một
cách nhanh chóng. Nó nhận được nhiều sự tán dương của Đức Phật , và được sử dụng ở nhiều trung tâm thiền như
là đề mục thiền đặc biệt (pārihāriya kammaṭṭhāna) để tu tập định. Nếu thực hành
một cách đúng đắn theo chỉ dẫn của Đức Phật, nó có thể tu tập tâm đến tứ thiền
sắc giới (rūpāvacara jhāna) theo hệ thống thiền (jhāna) bốn bậc.
Niệm Hơi Thở
(Ānāpānassati) nên được tu tập theo bốn bước theo Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm
(Ānāpānassati Sutta), đó là, (1) nhận biết hơi thở dài, (2) nhận biết hơi thở
ngắn, (3) nhận biết toàn thân hơi thở, (4) an tịnh hơi thở. Trong thực hành,
theo hướng dẫn được đưa ra trong các Chú giải, đầu tiên hành giả được dạy nhận
biết hơi thở vào (assāsa) và hơi thở ra (passāsa) bằng phương pháp Đếm (Gaṇanānaya) để phát triển niệm một cách
nhanh chóng.
Hành giả (yogi)
nên nhận biết hơi thở vào và hơi thở ra nhờ sự xúc chạm nhẹ nhàng của chúng ở
đầu mũi hoặc lỗ mũi hay ở môi trên, bất kỳ chỗ nào mà sự xúc chạm là rõ ràng
trong khi hành giả ngồi thẳng lưng, buông lỏng với mắt nhắm và thở một cách
bình thường.
“Chỉ khi hành giả
thực hành niệm hơi thở (ānāpānassati) bằng cách an trú niệm trên hơi thở ở điểm
xúc chạm rõ ràng với hơi thở vào và hơi thở ra thì hành giả mới hoàn thành đầy
đủ định niệm hơi thở (ānāpānassati) và thiền”
Hành giả nên tập
trung tâm mình ở một điểm (điểm xúc chạm) trên hơi thở để phát triển nhất tâm
(ekaggatā), là một tâm sở đại diện cho định (samādhi). Hành giả không nên để
tâm mình lang thang đến các đối tượng giác quan khác hay bất kỳ cảm giác thân
thể nào không phải là đề mục niệm hơi thở (ānāpānassati).