Bước kế tiếp là
quán niệm về sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Sáu giác quan là
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu đối tượng của giác quan là hình sắc, âm
thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm và tư tưởng.
Những ràng buộc
của sáu nội ngoại xứ:
- sự ràng buộc của
mắt và hình sắc
- của tai và âm
thanh
- của mũi và mùi
hương
- của lưỡi và vị
nếm
- của thân và xúc
chạm
- của ý và tư
tưởng
Khi mắt nhìn thấy
sự vật là do bởi có mắt và có sự vật, có sự tiếp xúc của mắt với sự vật nên ta
có sự thấy biết của mắt (tưởng) và nhận thức phân biệt về sự vật (thức). Ðấy là
sự ràng buộc tạo nên do mắt tiếp xúc với hình sắc. Khi ý thức về sự ràng buộc,
hãy ghi nhận sự thấy biết phân biệt của tâm thức. Ý thức khách quan và tỉnh
biết từ lúc sự ràng buộc chưa phát sinh, nay đang phát sinh, do bởi sự tiếp xúc
của mắt với hình sắc. Khi ý thức được sự ràng buộc đang phát sinh, hãy tập
trung tâm trí vào hơi thở, quán chiếu rằng mắt và hình sắc không có tự tánh
riêng. Và khi sự ràng buộc bị suy yếu và tan biến đi, ta cũng ý thức về điều
đó. Về những lãnh vực khác của sáu nội ngoại xứ cũng tương tự như vậy.
Khi tai nghe thấy
một âm thanh là do bởi có tai và có âm thanh, có sự tiếp xúc của tai với âm
thanh, gây tạo cho tâm thức sự nghe biết (tưởng) và nhận thức phân biệt về âm
thanh (thức).
Khi mũi ngửi thấy
một mùi hương là do bởi có mũi và có mùi hương, có sự tiếp xúc của mũi với mùi
hương, gây tạo cho tâm thức sự ngửi biết (tưởng) và nhận thức phân biệt về mùi
hương (thức).
Khi lưỡi nếm biết
một vị nếm là do bởi có lưỡi và có vị nếm, có sự tiếp xúc của lưỡi với vị nếm,
gây tạo cho tâm thức sự nếm biết (tưởng) và nhận thức phân biệt về vị nếm
(thức).
Khi thân chạm biết
vật thể là do bởi có thân và có vật thể, có sự tiếp xúc của thân với vật thể,
gây tạo cho tâm thức sự chạm biết (tưởng) và nhận thức phân biệt về vật thể
(thức).
Khi tâm ý khởi
biết có một niệm tưởng là do bởi có tâm ý và có tư tưởng, có sự tiếp xúc của ý
với tư tưởng, gây tạo cho tâm thức sự khởi biết về tư tưởng (tưởng) và nhận
thức phân biệt về các ý niệm (thức).
Thí dụ, về sự ràng
buộc của mắt và hình sắc, khi nhìn thấy một cô gái trẻ đẹp với thân hình duyên
dáng và nụ cười hồn nhiên (ảnh hưởng từ bên ngoài) gây tạo cho ta một sự mê
thích của dục tính (ảnh hưởng bên trong). Về sự ràng buộc của tai và âm thanh,
khi nghe một âm thanh chửi bới (ảnh hưởng từ bên ngoài) gây tạo cho ta sự nghe
hiểu và cảm giác khó chịu (ảnh hưởng bên trong).
Theo tinh thần
kinh Bốn lãnh vực quán niệm, an trụ tâm mà Ðức Phật đã đề cập trong kinh Bốn
Niệm xứ có nghĩa là tâm khởi niệm không chấp chặt vào sáu trần, không vướng kẹt
nơi cái thấy ở màu sắc, nơi cái nghe ở âm thanh, nơi cái ngửi ở mùi hương, nơi
cái nếm ở mùi vị, nơi cái cảm biết từ sự xúc chạm của xác thân, nơi ý thức phân
biệt của suy tưởng. An trụ như thế gọi là trụ tâm vào chỗ không chỗ trụ, nghĩa
là không chấp chặt vào trần cảnh mà sanh tâm thanh tịnh vậy. Con đường thánh
đạo để hành giả nương dựa vào đó tu tập sống tỉnh thức, an trụ tâm trong ý thức
chánh niệm, vượt bỏ sự bám víu vào ngũ uẩn - đó là con đường của tứ niệm xứ,
tức bốn lãnh vực quán niệm.
Khi quán niệm về
sự ràng buộc của các giác quan và các đối tượng của giác quan, hãy khách quan
ghi nhận sự gây tạo ảnh hưởng của nó đến tâm thức và cảm thọ. Ta ý thức sự ràng
buộc ngay khi nó bắt đầu phát sinh, tăng trưởng, suy yếu, cho đến khi bị hủy
diệt hoàn toàn. Ta an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi và quá
trình hủy diệt của nó để thấy rõ bản chất vô thường của sự ràng buộc nơi các
giác quan. Ta quán niệm rằng "có sáu giác quan đây" "có sáu đối
tượng của giác quan đây" và tất cả chỉ là sáu giác quan, sáu đối tượng của
giác quan. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức được sự có mặt của các
pháp đối tượng của tâm thức.