Tâm Bi (karuna trong tiếng Pàli) là một trong bốn vô lượng tâm (brahma
viharas), tức là bốn đức tính tự có sẳn của Trí Tuệ (panna). Ba đức tính khác
là tâm Từ (metta: tình thương vô điều kiện), tâm Hỉ (mudita: tâm hoan hỉ, không
ghen ghét) và tâm Xả (upekha: tâm bình thản). Một hành động bi mẫn không phải
biệt lập, mà nó cũng biểu hiện những đức tính khác của Trí Tuệ. Bạn cũng phải
phân biệt giữa việc làm tròn bổn phận một cách lãnh đạm, và hành động với tâm
Từ và tâm Bi. Chỉ có một sự cách biệt rất nhỏ giữa hai loại hành động nầy.
Sự
lãnh đạm là kết quả của sự thiếu quan tâm, thiếu tình thương. Trong khi đó sự
bình thản phát sinh từ trí tuệ và tình thương. Tự nó không phải là một đức tính
biệt lập. Nó là một phần trong toàn bộ của Trí Tuệ, tâm Từ, tâm Bi và tâm Hỉ.
Cũng thế, tâm Bi không phải là cảm xúc biệt lập. Nếu nó biệt lập thì đó có thể
chỉ là cảm xúc phát sinh do sự điều-kiện-hóa hạnh kiểm dựa trên ý tưởng về lòng
Bi, chớ không phải thật sự là lòng Bi. Lòng Từ và lòng Bi thật sự, là những
biểu hiện tức thời của Trí Tuệ (panna). Nếu có Trí Tuệ thì đã có Từ, Bi, Hỉ và
Xả rồi. Như vậy ,trí tuệ và tình thương sẽ kiểm soát và quân bình tâm Xả .Tình
thương giữ cho bạn còn dấn thân vào tình thế; lòng Bi làm cho bạn hòa đồng với
người khác, sự bình thản (tâm Xả) giúp bạn siêu thoát cảm xúc và nhìn sự vật
một cách khách quan; và trí tuệ giúp bạn nhận ra giải pháp đúng đắn cho vấn đề
hay tình thế, có lợi cho chính bạn và người khác.
Tâm Hỉ là niềm vui có thể đến trong toàn bộ hành động nầy . Một hành động sẽ
không có niềm vui nếu nó được làm trên căn bản bổn phận thuần túy. Niềm vui
cũng thiếu nếu bạn giúp người vì thương hại. Bổn phận và sự thương hại thì chưa
đủ cho lòng Bi thật sự. Niềm vui chỉ có mặt khi hành động phát xuất từ trí tuệ,
tình thương, lòng bi mẫn và sự bình thản. Hành động đó đầy niềm vui vì nó không
bị câu thúc bởi sự bám níu hay đè nặng bởi lo âu và căng thẳng.
Tình thương và niềm vui làm cho lòng Bi được vững bền. Người ta không bỏ cuộc
dễ dàng cho đến khi đạt được kết quả tốt trong nghịch cảnh. Một hành động đầy
niềm vui không bám níu vào cảm xúc sẽ làm cho sự dấn thân được hoàn mãn.
Tâm thức phải hoàn toàn không bị bám níu thì lòng Bi mới thật sự đến. Mỗi tình
thế là duy nhất và không giống với tình thế khác, nên chúng ta phải đối phó với
nó một cách khác biệt, tùy theo yêu cầu và lợi ích của tình thế cá biệt đó. Nếu
không có tuệ giác sáng tỏ và nếu hành động của bạn đem lại tai hại, thì bạn và
người khác phải đau khổ một cách vô ích.
TÂM BÌNH THẢN VÀ TÂM LÃNH ÐẠM
Trước đây, bạn bị điều kiện hóa để bám níu vào tất cả. Khi bạn học Phật pháp,
bạn được dạy cách tách ly hay buông xả; tuy nhiên thay vì bám níu vào mọi sự
vật, bây giờ bạn lại bám níu vào ý niệm buông xả. Do đó bạn bị điều kiện hóa
quá mức theo chiều ngược lại. Bạn buông xả hầu như tất cả. Do đó khi phải đối
diện với một tình thế, bạn có khuynh hướng buông xả cả tình thế lẫn nhân vật.
Kể cả buông xả cũng có thể trở thành thói quen. Ý niệm buông xả cũng chỉ là một
khái niệm. Khái niệm nầy có ích khi bạn bắt đầu học Phật, hay khi bạn tu tập
thiền định.
Nhưng cuối cùng bạn trở thành quá giỏi trong việc tách ly, đến nỗi
bạn không nhận ra là mình đang bám níu vào một khái niệm khác. Từ khái niệm bản
ngã bạn chuyển qua khái niệm vô ngã, cái ý tưởng là 'nó không can hệ gì đến
tôi'. Ðiều nầy dẫn đến sự dửng dưng và thiếu quan tâm đến người khác. Do đó,
bạn có thể vô tình đóng kín lòng mình và cả trái tim đối với những người thân
nhất. Ðiều nầy tạo ra ngăn cách giữa bạn và những người liên hệ. Ðây chính là
sự lãnh đạm . Tình thương chỉ đến trong một tâm hồn hoàn toàn tự do, không bị
dính níu với bất cứ khái niệm nào - ngay cả với khái niệm buông xả. Bạn phải
học cách tự giải thoát mình khỏi khái niệm buông xả bằng cách tỉnh giác về giây
phút hiện tại. Chỉ trong những giây phút tâm được hoàn toàn tự do thì sự bình
thản (tâm Xả) mới siêu thoát được cả hai tình trạng tâm thức dính níu và tách
ly.
LẠC THÚ GIÁC QUAN
Rõ ràng là xã hội tân thời đã quá chú trọng đến lạc thú xác thân đến nỗi trở
thành nô lệ cho chúng. Chúng ta hãy nhìn một cách khách quan vào cội rễ của vấn
đề. Bằng không, chúng ta lại rơi vào cạm bẫy của sự chối bỏ thế giới giác quan
hay chạy trốn nó, và cuối cùng thì điều nầy cũng tai hại như là làm nô lệ cho
chúng. Có thể chúng ta bị kẹt cứng trong sự chối từ thế giới giác quan.
Nếu bạn nghĩ rằng quá chú tâm tới thế giới giác quan là cội rễ của vấn đề, thì
bạn có thể có cảm giác tội lỗi khi hưởng thụ lạc thú. Bạn có thể trở nên sợ hãi
việc kinh nghiệm lạc thú giác quan. Ðiều nầy dẫn tới sự trốn tránh và ám ảnh sợ
hãi, nếu bạn không cẩn thận.
Sự khao khát lạc thú xác thân phần lớn là do cảm giác bất an và sự thiếu tuệ
giác. Bạn không biết mình thiếu cái gì, nên chạy tìm ở bên ngoài. Bạn cố lấp
đầy khoảng trống cảm xúc bằng đủ loại giải trí. Và dĩ nhiên, với ngành thương
mại ào ạt hiện nay, việc thuận tiện nhất cho bạn là đắm mình vào đủ loại kinh
nghiệm đem lại lạc thú giác quan. Nhưng rồi thế nào bạn cũng nhận thấy là chu
trình trụy lạc - tìm kiếm không có chấm dứt. Không thể có sự thỏa mãn tuyệt đối
và bền lâu từ lạc thú xác thân, bởi vì bạn không có tự do trong giây phút hiện
tại.
Tâm trong tình trạng bất an, cần phải bám níu vào một cái gì - sở hữu vật chất,
lạc thú giác quan, giải trí, tài sản, danh tiếng, thành công, ...gần như bất cứ
thứ gì trên thế gian nầy - để lấp đầy khoảng trống cảm xúc. Thật ra, những thứ
nầy chỉ cho bạn cảm giác an ninh giả dối hay sự thỏa mãn tạm thời thôi.
Chính là sự tìm kiếm an ninh đã làm cho tâm bạn bất an; bởi vì tâm bị trói buộc
vào sự tìm kiếm cho nên nó không được tự do kinh nghiệm những gì có thể tìm được
trong giây phút hiện tại. Bạn có khuynh hướng phóng tâm vào tương lai, cho nên
bạn không thể sống hoàn toàn trong giây phút hiện tại; chúng ta chỉ kinh nghiệm
được hiện tại phần nào thôi. Do đó bạn không kinh nghiệm được sự tươi mát của
giây phút hiện tại. Nhưng nếu mỗi giây phút xảy tới được kinh nghiệm trọn vẹn,
vẻ đẹp và niềm vui của khung cảnh chung quanh sẽ trở nên rất hiển nhiên đến nỗi
bạn không cần tìm sự thỏa mãn ở nơi nào khác.
Bạn hãy trở lại cách sống tỉnh giác với giây phút hiện tại.
Tỉnh giác về thân thể giúp bạn hiện hữu trong giây phút hiện tại, nhưng điều
quan trọng nhất là nhận biết sự tự do của chính mình trong giây phút đó. Nếu
bạn bắt đầu muốn nầy muốn nọ, nghĩ về quá khứ và nghĩ cách hưởng thụ trong
tương lai, bạn không còn tự do. Giây phút hiện tại bị dục vọng xâm chiếm và do
đó sự tự do bản nhiên của bạn trong giây phút đó sẽ bị mất đi. Từ đó, bạn trở
về với sự tự do bản nhiên trong giây phút hiện tại, và bạn có thể kinh nghiệm
mọi sự liên hệ một cách tươi mát, trong đời sống thường ngày. Ngay cả những sự
vật bình thường nhất cũng trở nên hoàn hảo, và bạn không cần phải đi tìm tự do
ở nơi nào khác hay lệ thuộc vào những kinh nghiệm mới và lạc thú xác thân. Bạn
thấy, sự tự do bản nhiên trong chúng ta là một cái gì vĩnh cữu, bởi vì nó là
bản chất bẩm sinh của sự hiện hữu nơi chúng ta; nó là một món quà thiên nhiên
của đời sống. Tất cả những gì bên ngoài chúng ta đều là giả tạo và kém khuyết.
Như vậy, để có tự do đối với lạc thú giác quan không phải là bám níu hay chạy
trốn nó, mà bạn phải học cách để được tự do nội tâm. Từ căn bản tự do bên trong
nầy, các giác quan không còn đe dọa hay lôi cuốn bạn được nữa. Do đó bạn có khả
năng kinh nghiệm lạc thú giác quan mà không trở thành nô lệ cho chúng.