Thursday, February 25, 2016

Quán pháp

     Lãnh vực thứ tư là quán pháp. Về phần niệm pháp, đây là pháp quán về các đối tượng của tâm thức, bao gồm các lãnh vực về thân thể, cảm thọ và tâm thức.

Trong bốn lãnh vực quán niệm, pháp căn bản làm nền tảng cho sự tu tập là pháp quán hơi thở. Phương pháp quán niệm hơi thở rất thiết thực cho cuộc sống, đơn giản, dễ hành trì, hiệu lực lại rất cao. Nuôi giữ ý thức trên hơi thở có thể giúp cho thân tâm được vững chải, phát triển định lực tập trung, duy trì được tính khí và sức khỏe. Do vậy, pháp quán niệm hơi thở đuợc coi là trọng tâm điểm của sự tu tập bốn lãnh vực quán niệm.

Trong phần thực tập về tuệ quán ở các lãnh vực thân thọ tâm, đã có đề cập đến ít nhiều về các pháp quán vô thường, tàn hoại, giải thoát và buông bỏ. Ở đây, phương pháp quán niệm về các đối tượng của tâm thức, tức pháp quán về các pháp, được đặt trên căn bản các pháp quán vô thường và tàn hoại. Thực tập thiền quán mà không đi vào cửa ngõ của các pháp quán về vô thường thì chẳng thể nào soi thấu được bản chất thật của mọi phiền trược khổ đau và phù du khoái lạc trong cuộc đời.


Các đối tượng của tâm thức:

- năm hiện tượng ngăn che của tâm thức (ngũ triền cái)
- năm uẩn (ngũ uẩn)
- sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan (sáu nội ngoại xứ)
- bảy yếu tố của sự giác ngộ (thất giác chi)
- bốn sự thật cao quý (tứ diệu đế)

Quán về ngũ triền cái

Ðây là 5 hiện tượng phóng túng gây nhiều trở ngại cho sự giác ngộ tâm linh, gồm ái dục, sân hận, mê muội và buồn ngủ, giao động bất an và hối hận, nghi ngờ.

- Ái dục

Hiện tượng ngăn che đầu tiên của sự giác ngộ là dục niệm. Theo quan điểm Phật giáo, dục niệm bao gồm năm phương diện tham đắm của con người (ngũ dục) là tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Năm nhóm ái dục nầy là những trở ngại rất lớn cho người hành giả trên con đường tu tập thiền quán.

Khi trong tâm chợt phát khởi một ý niệm ái dục, tâm thức chỉ cần ghi nhận rõ ràng về sự phát khởi của dục niệm đó. Ngay khi một ý niệm ái dục phát khởi và tâm thức đã giác tỉnh nhận biết được liền thì ngay đó làn sóng dục niệm cũng đã bị giảm suy. Hãy đưa tâm ý trở về với hơi thở ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và ta biết có một dục niệm đang sinh khởi. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và ta biết dục niệm đó đang suy diệt.

Ta quán sát và ghi nhận sự phát khởi, tăng trưởng, suy yếu và hủy diệt của dục niệm. Chỉ cần khách quan ghi nhận về điều đó. Hãy nhìn ngắm mọi dục niệm như gió thoảng như mây bay, tâm thức sẽ tìm thấy được sự bình an ít nhiều.

- Sân hận

Khi sân niệm trổi dậy trong tâm thức, ta cần ghi nhận khách quan về sự phát khởi đó. Nhận biết trong tâm đang có một ý niệm sân hận. Cũng như phương thức đối trị về dục niệm, tâm ý hoàn toàn thụ động để ghi nhận sự việc.

Hãy bình tâm để quán sát mọi sân niệm. Hãy nhận biết một cách tỉnh thức trong suốt quá trình sinh khởi, tăng trưởng, giảm suy và hủy diệt của nó. Hãy cố gắng giữ thân tâm bình thản với lửa lòng sân niệm. Ðừng nói một lời nào. Ðừng suy nghĩ bất cứ điều chi. Cũng đừng làm bất cứ việc gì. Hãy đưa tâm ý trở về với hơi thở ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và ta biết có một sân niệm đang sinh khởi. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và ta biết sân niệm đó đang suy diệt.

Khi ý niệm giận dữ phát sinh, tâm thức tỉnh giác nhận biết được liền thì ngay đó ngọn đuốc sân hận cũng đã bị giảm suy ít nhiều. Hãy duy trì hơi thở trong ý thức. Khách quan ghi nhận mọi vận hành biến chuyển và suy diệt của sân niệm. Với hơi thở ý thức, với sức mạnh của định lực tập trung và ý thức chánh niệm, thân tâm sẽ trở nên tươi mát lại và sân niệm cũng dần tan biến đi.

- Mê muội và buồn ngủ (hôn trầm)

Khi đang ngồi thiền, đôi lúc trong tâm có sự mờ mịt, tưởng thức mơ màng như buồn ngủ, ta hãy liền ý thức về điều đó. Khách quan ghi nhận về sự phát khởi của nó. Hãy đưa tâm ý trở về với hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta biết ta đang có sự mê muội và buồn ngủ. Ngay khi nhận biết có sự mê muội phát sinh thì ánh sáng tâm thức cũng đã tự tỏ sáng.

Ðối với tất cả ý niệm mơ màng buồn ngủ trổi dậy trong lúc ngồi thiền, ta chỉ cần chú tâm quán sát khách quan và ghi nhận tất cả mọi diễn biến của nó trong suốt quá trình sinh diệt. Ta an trú trong sự quán niệm "có sự mê muội và buồn ngủ đây". Với sự ghi nhận như vậy đủ để giúp ta quán chiếu và ý thức được sự có mặt của mê muội và buồn ngủ trong tâm thức.





- Giao động bất an (trạo cử) và hối hận

Lúc đang ngồi thiền, đôi khi có những giao động trong tâm trí, cảm thức như thân xác động chuyển, gây tạo cho tâm thức bất an. Khi ấy, cảm thức của thân và tâm trong sự giao động cũng giống như đang ngồi trên con thuyền giữa biển khơi.

Khi tâm thức xao xuyến bất an, hãy cố gắng nhận biết về điều đó. Khách quan ghi nhận như vậy đúng như thật. Hãy giữ sự bình tâm để quán sát sự việc. Hãy bình thản nhẹ nhàng đưa tâm ý trở về với hơi thở. Tập trung tất cả tâm trí vào hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và ta biết thân thể đang có sự giao động. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và ta biết tâm thức đang có sự bất an.

Hãy thực tập thản nhiên để nhìn sự việc, ghi nhận về sự giao động bất an trong suốt quá trình sinh khởi và hoại diệt của nó.

Ngoài những giao động trạo cử trong khi ngồi thiền, còn có những ảnh hưởng giao động khác ở thân thể, ngay trên lời nói và trong tâm thức (làm việc cẩu thả, đi đứng thiếu chỉnh tề, hành động vụt chạt, nói năng lung tung, tư tưởng tán loạn...) Tất cả đó đều là những giao động bất an.

Lúc ngồi thiền, đôi khi tâm thức trổi dậy với những ý tưởng hối hận về hành vi của mình, về công việc mình bất cẩn, về ngôn từ mình đã nói trong lúc giận dữ, về cách cư xử thô tệ với người... gây tạo cho ta những buồn phiền hối hận trong nội tâm. Ðối với những ý niệm sầu ưu như vậy, tâm thức cần tỉnh giác ghi nhận về điều đó. Hãy đưa tâm ý trở về với hơi thở ý thức. Thực tập bình thản mà nhìn sự kiện từ lúc nó phát sinh, tăng trưởng, suy yếu, cho đến khi nó hoàn toàn tan biến đi.

Hãy nhìn ngắm sự kiện một cách khách quan. Không dính mắc vào đề mục ta, những việc ta đã làm, những lời ta đã nói. Chỉ cần nhận biết khách quan "đang có những ý tưởng hối hận phát sinh". Tỉnh giác nhận biết như vậy và thản nhiên trở về với hơi thở ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và nhận biết ta đang có sự hối hận. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và nhận biết đang có sự ray rứt trong ta. Thực tập ghi nhận và tiếp xúc với sự hối hận một cách thản nhiên, như nước nhìn trời, như mây nhìn trăng.

Sự ghi nhận và quán sát về sự hối hận cần phải thật khách quan. Ðừng suy nghĩ quá nhiều về ta. Cố gắng tỉnh giác không để bị rơi vào vòng quay náo loạn của tư duy.

Sự ghi nhận về hối hận nên hiểu là khách quan nhận biết về những sai lầm ta đã làm để không tạo dựng thêm khổ đau. Tự tâm ta quán chiếu để soi sáng tâm thức ta với ngọn đuốc giác tỉnh, để sẽ không tạo tác thêm ra những lỗi lầm cho mình cho người.

Như vậy, sự nhận biết về hối hận không phải để ưu tư ray rứt mà trở lại xâu xé cõi lòng. Cần tỉnh biết mà ngắm nhìn từng đợt sóng sầu ưu đó.

Bất cứ sự giao động nào gây tạo cho tâm thể bất an, hãy liền nhận biết đúng như vậy. Biết đang có sự giao động. Biết đang có sự bất an. Chỉ khách quan nhận biết như vậy, thế thôi. Không chạy đuổi phân tích sự kiện. Hãy đưa tâm ý nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Chỉ hơi thở đây là vấn đề tối quan trọng mà ta phải để hết tâm sức vào sự an trú. Cố gắng không nghĩ gì khác, cũng không bận tâm về bất cứ điều gì khác. Tâm trí chỉ cần ghi nhận sáng suốt, nhận biết rõ ràng ngay khi vọng tưởng phát sinh, tăng trưởng, suy yếu và tan biến. Thản nhiên mà nhìn sự kiện phát khởi đổi thay trong từng mỗi phút giây vô thường.

Nếu có một ý nghĩ trổi dậy, nhận biết "có một ý nghĩ", rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Nếu có một cảm giác phát sinh, nhận biết "có một cảm giác", rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Có sự giao động trên thân xác, ta nhận biết thân xác đang có sự giao động. Có sự bất an trong tâm thức, ta nhận biết tâm thức đang có sự bất an. Rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Thực tập bình thản trong ý thức đó. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức và thản nhiên mà nhìn sự việc.

Mọi ý tưởng có sinh có diệt. Sự giao động có đến có đi. Cảm thức có phát khởi có tan biến. Những gì đến cứ để nó đến, không xao xuyến mến ưa. Những gì đi cứ để nó đi, không nuối tiếc sầu tư. Hãy thực tập nhận định sự kiện như thiền sư Shunryu Suzuki - "chính ngươi đã tạo dựng ra những làn sóng trong tâm tư ngươi, nếu cứ thản nhiên để tâm trí như bình thường thì tâm trí sẽ tự trở thành vắng lặng" (zen mind). Một ý tưởng khởi dậy, một cảm thức phát sinh, tất cả cũng chỉ là những trổi dậy diệt sinh vô thường của các ý niệm.


Sự ghi nhận về giao động bất an không những chỉ thực tập trong lúc ngồi thiền mà phải tỉnh biết ghi nhận về điều đó trong mọi thời lúc. Khi đang đi, đang ngồi, đang nằm, đang đứng, hay đang làm việc, nếu tâm thức bất an, thần trí giao động, hãy liền tỉnh biết ghi nhận về điều đó. Những khi không còn sự giao động bất an, tâm trí cũng nhận biết sáng suốt như vậy. Hãy cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Hãy nhìn vào tâm thức mình để thấy rõ sự sinh khởi và hoại diệt của mọi vọng động biến sinh.