Riêng về phần giao
động bất an, cần nói thêm về các cảnh giới huyễn ảo gây tác hại đến tâm thức,
tạo cho tâm trí bất an và sợ hãi. Ðó là kinh nghiệm khi đi vào thiền định, ở
giai đoạn khi mà hơi thở trở nên vi tế, tâm thể vắng lặng, thỉnh thoảng có
những cảnh giới khác nhau xuất hiện trong tâm thức.
Hãy kinh nghiệm
lấy chính mình: Trong bất cứ cảnh giới nào, tốt đẹp, xấu ác, siêu nhiên, hay
ghê gớm, cũng phải thật bình tâm quán chiếu. Hãy quán chiếu đấy chỉ là những
tưởng vọng lung linh của nội thức. Tất cả không có thật. Chỉ ảo ảnh, chỉ tưởng
suy, gây ra những biến hình muôn trạng. Những gì có hình tướng đều là giả dối
hư tạo.
Hãy cố gắng định
tỉnh. Khách quan ghi nhận rằng: "có một cảnh giới ảo tưởng đang phát
sinh". Rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Hãy cố gắng duy trì hơi thở trong
ý thức.
Nghi ngờ
Ðây là hiện tượng
ngăn che thứ năm trong ngũ triền cái. Có thể sự nghi ngờ trổi dậy trong lúc
ngồi thiền nhưng cũng có thể phát khởi trong mọi thời lúc khác. Tất cả bao gồm
những nghi ngờ về lời kinh Phật, về chân lý Như Lai, về công phu hành trì, về
kinh nghiệm thiền tập, về những sự việc đã xảy ra, về những người chung quanh.
Tất cả đều xem như sự nghi ngờ phát sinh từ tâm thức.
Những khi trong
tâm có sự nghi ngờ, ta liền nhận biết như vậy. Chú tâm quán sát và ghi nhận sự
diễn biến của các ý niệm nghi ngờ. Nhận biết về quá trình sinh khởi và hoại
diệt của nó bằng tất cả sự sáng suốt. An trú trong sự quán niệm "có sự
nghi ngờ đây", như vậy đủ để giúp ta quán chiếu và ý thức được sự có mặt
của nghi ngờ trong tâm thức.
Cố gắng không để
bị vướng mắc trong nội dung của sự nghi ngờ. Không chạy đuổi theo nó. Không
phân tích mổ xẻ vấn đề. Cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Thở vào, ta biết
ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta ý thức rõ ràng về từng hơi
thở. Tâm trí chỉ cần ghi nhận khách quan "đang có sự nghi ngờ trong tâm
thức", thế thôi. Hãy thực tập an nhiên tiếp xúc với mọi biến động của tâm
thức.