Wednesday, December 30, 2015

Động tâm – cảm giác về sự khẩn cấp Video hướng dẫn thiền hành

Video hướng dẫn thiền hành
Video Niệm hơi thở và kỹ thuật vượt qua chướng ngại

Người có nhận thức trực tiếp và trong sáng, khi khởi lên cảm giác khẩn cấp (động tâm) từ những sự việc gây xúc động sâu sắc, sẽ kinh nghiệm một sự giải phóng năng lượng và lòng can đảm, giúp anh ta vượt qua được sự do dự, e dè và những thông lệ cứng nhắc trong cuộc sống và suy nghĩ. Nếu cảm giác động tâm về sự khẩn cấp ấy được duy trì, nó sẽ đem đến nhiệt tâm và lòng kiên trì, bền bỉ cần phải có cho công việc giải thoát. Do đó các vị trưởng lão thời xưa đã nói: 
Chính thế gian này là trú xứ của các hành động của chúng ta.
Đạo lộ cao thượng sẽ được mở ra từ nơi đó,
Cùng bao nhiêu thứ để phá vỡ lòng tự mãn.
Hãy động tâm với những gì đáng động tâm,
Khi đã động tâm, hãy gắng sức một cách trí tuệ và chiến ðấu! 
         Môi trường xung quanh chúng ta đầy rẫy những điều để khởi lên động tâm. Nếu chúng ta không nhận ra được điều đó, là bởi vì thói quen đã làm cho cái nhìn của chúng ta mê mờ, si muội và trái tim ta chai lì, không còn nhạy cảm nữa. 
         Ngay cả đối với những lời dạy của Đức Phật, điều như vậy cũng xảy ra với chúng ta. Lần đầu gặp Phật Pháp, về cảm xúc và tri thức chúng ta cảm thấy vô cùng hoan hỷ và nhiệt tâm; nhưng dần dần niềm hoan hỷ đó mất dần động lực và sự mới mẻ ban đầu. Giải pháp là chúng ta phải thường xuyên làm mới nhiệt tâm ấy bằng cách quay lại với cuộc sống tràn đầy xung quanh mình, cuộc sống ấy đang khắc họa Bốn Chân lý cao thượng với những biến tấu đầy mới mẻ.  
Một sự nhận thức trực tiếp sẽ mang đến dòng máu mới cho thậm chí đến cả những kinh nghiệm thường tình nhất trong cuộc sống hàng ngày, để bản chất thực của chúng hiện lên xuyên qua màn sương mờ ảo của thói quen và nói cho chúng ta bằng một giọng nói mới mẻ. Nó có thể là hình ảnh một người ăn mày quen thuộc ở góc phố mỗi ngày, một đứa trẻ đang khóc hay một người bạn ốm đau. Những hình ảnh đó làm cho chúng ta giật mình tỉnh thức, khiến chúng ta phải suy nghĩ và khởi lên cảm giác khẩn cấp phải quyết tâm bước đi trên đạo lộ giải thoát khổ đau. 
            Chúng ta đều đã biết câu chuyện thái tử Siddhattha (Tất-Đạt-Đa) lần đầu nhìn thấy cảnh đau, già, bệnh, chết trên đường ra ngoài thành du ngoạn, sau một thời gian dài trong cuộc sống nhung lụa cách xa thực tế khổ đau. Câu chuyện này có thể hoàn toàn có thật, bởi chúng ta biết rằng trong cuộc sống của rất nhiều con người vĩ đại, một sự việc thường tình có thể mang một ý nghĩa quan trọng và dẫn đến những hệ quả to lớn vượt ra khỏi hình ảnh tầm thường của sự việc. Những tâm hồn vĩ đại tìm thấy ý nghĩa ở những việc tưởng chừng như rất tầm thường và từ những phút giây thoáng qua ấy đem đến những tác động lớn lao. 

Song dù không đặt vấn đề hoài nghi sự thật đằng sau câu chuyện cổ ấy, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng thái tử trẻ tuổi đã từng chính mắt thực sự nhìn thấy cảnh người già, bệnh, chết trước đó. Tuy nhiên, trong tất cả những dịp trước, ngài không cảm thấy động tâm sâu sắc trước những hình ảnh đó - cũng giống như hầu hết chúng ta, trong mọi lúc cũng vậy. Sự thiếu nhạy cảm đó có thể là do cuộc sống được bao bọc quá cẩn thận, đầy vui thú dục lạc của hoàng cung, một cuộc sống tách biệt khỏi thế giới thực tế bên ngoài mà vua cha đã sắp đặt.
 Chỉ khi thoát ra khỏi chiếc lồng vàng của các thói quen dễ dãi đó thì thực tế khổ đau mới có thể khiến ngài động tâm đến mức như thể được nhìn thấy lần đầu tiên trong đời. Chỉ khi đó trong tâm ngài mới khởi lên cảm giác về sự khẩn cấp, đưa ngài rời bỏ cuộc sống gia đình và dấn bước trên con đường tìm cầu giác ngộ. 

        Khi tâm thức và trái tim chúng ta đáp ứng lại sự thật của khổ hiện diện trong những sự kiện bình thường của kiếp sống càng rõ ràng và sâu sắc bao nhiêu, thì chúng ta càng đỡ phải học lại những bài học giác ngộ của mình và hành trình luân hồi càng ngắn lại bấy nhiêu. Sự rõ ràng của nhận thức kích hoạt hành động đáp ứng của chúng ta đến từ sự nhận thức trực tiếp không bị chệch hướng, có được từ ghi nhận thuần túy (sati-chánh niệm); và chiều sâu của kinh nghiệm đến từ sự suy xét trí tuệ hay là sự tỉnh giác (sampajañña).