Thì ngay chữ giải thoát có ý nghĩa là giải thoát sự khổ, giải thoát
phiền não, giải thoát vòng luẩn quẩn của nghiệp báo, nói theo Đạo Phật thì con
người của chúng ta đi luẩn quẩn trong vòng của nghiệp quả và phiền não.
Nghiệp quả và phiền não xoay vần
chúng ta trong vòng luẩn quẩn đó làm chúng ta khổ nhiều hơn vui, vui rất ít mà
khổ rất nhiều, giải thoát tức là giải thoát khỏi điều đó và khi nói đến giải
thoát thì chúng ta hay nghĩ đến một chân trời xa xôi, chúng ta nghĩ rằng sau
khi mình bỏ cái này mình đạt đến cái gì. Nhưng chữ giải thoát trong nhà Phật
nói theo lý Tứ Đế thì Đức Phật Ngài dùng Nirodha là Diệt Đế để mô tả cứu cánh
giải thoát, Ngài đã dùng một chữ rất đặc biệt đó là chữ Diệt khổ.
Chữ Diệt khổ tức là giải thoát. Bây
giờ nếu chúng ta nhức răng mà chúng ta làm sao để hết nhức răng thì đó đúng là
một sự giải thoát, và chúng ta hiểu được cảm giác của sự hết nhức răng đó, dựa
trên sự nhức răng mà chúng ta đang trải qua sự khổ này. Thật ra thì hầu hết tất
cả các tôn giáo triết học nói về kiếp nhân sinh người ta đều cố gắng để vẽ ra
một cảnh giới khác hơn là cảnh giới mà chúng ta đang sống ở đây, và cảnh giới
đó được xem như là cảnh giới giải thoát. Sự cố gắng vẽ như vậy đã xảy ra rất
nhiều trong quá khứ và hầu như sự cố gắng nào cũng dẫn đến chỗ bế tắc hết. Tại
vì sao? Tại vì khi chúng ta vẽ vời ra một cái mà chúng ta chưa thật có, chưa
thật biết thì đó là một điều rất nguy hiểm.
Vì vậy trong tinh thần của người
Phật tử khi chúng ta đề cập đến Giác Ngộ giải thoát.
Giác Ngộ là gì ?, Giác Ngộ tức là
chúng ta thấy rõ được thực chất, thấy rõ được bản thể của sự vật.
Giải thoát là gì ?, tức là chúng ta
vượt ra khỏi vòng cương tỏa của phiền não, vòng cương tỏa của đau khổ. Phiền
não và đau khổ là hai điều mà chúng ta đang trải qua và đang cảm nhận được.
Nên nếu nói Giải thoát, thì ai giải
thoát, và chúng ta giải thoát rồi chúng ta sễ đi về đâu? Chúng ta sẽ ra sao ?,
Đã có một vị danh tăng viết một cuốn sách nói rằng ít nhất Đức Phật đã từng là
cha, là mẹ, là bà con, là quyến thuộc, là người phục dịch cho chúng sanh, thì
sau khi Ngài thành đạo Ngài vẫn tiếp tục làm cha, là mẹ, là quyến thuộ,c là
người phục dịch cho chúng sanh, không phải đời này mà mãi mãi về sau nữa.
Có một người Phật tử đọc câu đó đã
hỏi chúng tôi rằng nếu mình tu để kết cuộc mình mãi mãi trở thành cha, thành
mẹ, thành quyến thuộc, thành ngừơi phục dịch cho chúng sanh, thì mình tu như
vậy cũng chán quá. Hay hoặc giả có một số người phật tử nói với chúng tôi rằng:
Bây giờ mình tu để chứng quả, sanh làm Phật rồi trở ra làm Bồ Tát, rồi mình cứ
đi lang thang chỗ này chỗ kia trong cõi ta bà này thấy ai khổ thì mình đến mình
giúp, và giúp như vậy không biết khi nào cùng, khi nào tận, thì công việc đó
mệt quá không biết tới chừng nào mình có thể retire được.
Thì chúng tôi phải nói với quí vị
như vậy: Cho dù chúng ta có dùng bao nhiêu ngôn ngữ và bao nhiêu sự suy diễn,
chúng ta tưởng tượng về cảnh giới giải thoát, và sau khi chúng ta giải thoát thì
đi về đâu. Thì điều đó hoàn toàn là hư tưởng. Ngày hôm nay khi chúng ta nói về
quả vị Tu Đà Hườn hay quả vị Nhập Lưu, thì quí vị cũng nghe nói rằng vị đạt
đưọc quả vị Nhập Lưu đã chứng được một trạng thái mà qua đó ba kiết sử được
đọan trừ là Thân kiến, Hoài Nghi và Giớc Cấm Thủ. Nếu chúng ta ngồi xuống để
bàn cho rõ thì thấy rằng thế nào là hệ lụy của thân kiến, thế nào là hệ lụy của
hoài nghi, và thế nào là hệ lụy của giới cấm thủ? Nhưng hỏi rằng sau khi diệt
trừ ba thứ đó thì vị Tu Đà Hườn sẽ sống như thế nào? Thì đó là một câu chuyện
khác.
Chúng ta chỉ biết rằng vị đó giải thoát cái gì? Nên chi câu hỏi chúng ta
nên đặc ra tại đây là nếu một người gọi là tu tập để giải thoát, thì vị đó giải
thoát cái gì? Câu hỏi đó nên đựơc đặc ra. Nhưng chúng ta nói rằng sau khi giải
thoát mình sẽ đi về đâu? thì câu đó không phải là một câu được diển tả đến
trong kinh Phật. Cũng như chúng tôi nói rằng Đức Phật Ngài dạy cứu cánh của Đạo
Phật là gì, đó là sự diệt khổ, và hỏi rằng sau khi diệt khổ mình sẽ như thế
nào, thì điều đó không phải là một điều nên bàn đến, tại vì rất là khó nói thưa
quí vị.
Có một lần chúng tôi giảng về cảnh
giới Niết Bàn mà Ngài Walpola Rahula đã trình bày trong "Những con đừơng
thoát khổ" mặt dầu Ngài trình bày rất khúc chiết, nhưng chúng tôi có cảm
nhận được là quí Phật tử nhận ra điều đó rất khó khăn để lãnh hội. Bởi vì sao?
Bởi vì nếu quí vị nhìn một đứa con lên bảy lên tám tuổi không ráng học để mai
mốt có danh có phận với cuộc đời, thành kỹ sư bác sĩ, và nó hỏi là kỹ sư bác sĩ
thì lúc đó mình sẽ đựơc hửơng cái gì? Thật ra cha mẹ khó nói lắm tại vì với
tuổi thơ lúc đó chỉ biết được một chừng mực nào đó, thì chừng mực đó phải tôn
trọng.
Khi chúng ta đề cập đến Giác Ngộ
Giải Thoát, chúng ta có thể tưởng tượng rất nhiều về cảnh giới nơi sẽ sanh đến
sau khi giải thoát. Và Niết Bàn chúng ta tưởng tượng là một cõi. Hoặc giả chúng
ta sẽ trở thành người này người khác, hay tối thiểu như trong kinh của chữ Hán
cũng có danh từ "Thượng Sanh" "Thựơng Phẩm" những thứ chúng
ta có thể suy diển được. Nhưng những thứ đó cũng chỉ là sự mô tả rất giới hạn.
Nên chi khi hỏi rằng khi giải thoát
chúng ta đi về đâu? Thì phải trả lời rằng nói đến giải thoát thì chúng ta giải
thoát cái gì mới quan trọng hơn là chúng ta sẽ trở thành cái gì? Giải thoát cái
gì ? Giải thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghiệp quả của phiền não.
Đạo hữu Chizbuger có nói rằng:
"Niết Bàn ở trong từ bi hỷ xả , tự tại an lạc."
Chúng ta nói như vậy cũng chỉ là một
cách rất tương đối. Giải thoát là không có khổ nữa, không có phiền não nữa.
Nhưng sau khi không khổ, không phiền não, an lạc tự tại, chúng ta là cái gì?
Thì thưa quí vị đó không phải là một điều mà chúng ta có thể tìm thấy trong một
ngôn ngữ bình thường của chúng ta.
Phải hỏi rằng giải thoát là giải thoát cái gì? Thì điều đó quan trọng hơn là chúng ta sẽ là cái gì?
Phải hỏi rằng giải thoát là giải thoát cái gì? Thì điều đó quan trọng hơn là chúng ta sẽ là cái gì?
Namo Buddhaya
Minh Hạnh chuyển biên